Ai sinh ra mà chẳng có quê hương. Nhắc đến quê hương là nói đến những kỷ niệm thân thương của tuổi thơ ấu. Những kỷ niệm đó ngấm vào máu thịt khiến cho sau này dù ở bất cứ nơi đâu và ở tận chân trời nào cũng không thể không gợi nhớ đến nơi chôn nhau cắt rốn. Trong dịp Mừng Chúa Giêsu Phục Sinh này, người viết xin phác họa lại bầu không khí của ngày lễ này tại quê hương khi còn niên thiếu.
Thường thường niềm vui của ngày Tết với tiền lì xì và ăn ngon mặc đẹp qua đi nhanh chóng. Không khí trở nên trầm lắng. Thôn làng vắng bóng hẳn những thanh niên trai tráng cùng với tiếng cười nói vô tư của họ. Đã đến lúc họ phải ra đi làm ăn tại nơi xa xôi để kéo cày bù đắp lại những chi phí tiêu pha cho cái Tết. Đồng thời, họ nhường lại cho những người thân thuộc những hạt gạo quý giá còn lại rất khiêm tốn trong kho lương thực của gia đình. Vì sau khi « Ăn như ngày Tết » là phải đối diện với những ngày rộng thái dài của « Tháng Giêng ăn nghiêng cót thóc ». Thế là, họ từ biệt người thân xóm làng âm thầm đặt bước chân đến vùng núi rừng trùng trùng điệp điệp xa xôi. Ở đó, những nhịp « kéo cưa lừa xẻ » và những tiếng cuốc đào bới sỏi đá đãi cát tìm vàng cho những chủ tàu vàng hòa quyện vào cảnh thiên nhiên nơi vùng sơn cước.
Bao kinh nghiệm truyền khẩu từ đời ông cha để lại, chúng ta có những trang sách sống động về tiết trời, thời vụ, lao động và sản xuất. Thật chẳng sai chút nào với câu : « bụng đói cật rét ». Cái đói và cái rét luôn là đôi bạn tri kỷ. Nhất là lại vào thời điểm của đầu thập niên 80, khi mà đất nước chưa mở cửa, các giống cây trồng và vật nuôi rất khan hiếm. Sự thông thương Nam-Bắc còn nhiều trắc trở. Bên cạnh đó, các công ty may mặc chưa có nhiều. Những thân phận làm em trong nhà luôn luôn phải mặc lại quần áo của các anh chị. « Ăn no mặc ấm » là ước mơ thật giản dị nhưng quá xa vời với người dân vào thời ấy. Sau những ngày mùa với những xong cơm thơm hạt lúa mới, hạt thóc hạt gạo cứ vơi dần. Không đủ gạo nấu cơm thì nấu cháo. Ít cơm thì thêm ngô khoai sắn…
« Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ». Ngoài trời, mưa phùn và gió bấc quấn quýt với nhau khăng khít để tạo ra những cái lạnh cóng thấu tận da thịt. Từng giọt mưa rơi rả rích hết ngày này qua ngày khác. Mưa phùn phảng phất như bông. Tiếng mưa nhẹ nhàng không tạo ra bất cứ một tiếng động nào. Thế mà nó cũng đủ biến những con đường đất thịt thành những bề mặt bùn lầy lội. Việc di chuyển đi lại trên những con đường này quả là một thử thách không nhỏ. Thế mà nó không hề cản bước những bà mẹ trên đường đi chợ búa, những học sinh hàng ngày đến trường, và những người đạo đức siêng năng đi lễ cầu nguyện tại nhà thờ.
Hai ngàn năm trước Chúa Giêsu lên thành Giêrusalem để bước vào cuộc khổ hình thập giá. Con người vùng quê tại Miền Bắc Việt Nam và thời Chúa Giêsu tại Giêrusalem khác hẳn nhau về không gian và thời gian. Thế mà các mùa thiên nhiên trong năm tại Việt Nam cho phép chúng ta sống mật thiết để kết hợp với bầu khí của năm phụng vụ.
Trong Mùa Chay thánh, Giáo Hội mời gọi các tín hữu bước vào cuộc chiến đấu thiêng liêng : ăn chay, cầu nguyện và chia sẻ. Cảnh vật và ngoại cảnh cũng là yếu tố giúp ta sống một Mùa Chay sốt sắng. Thời gian này thường thường trùng lặp với dịp sau Tết Nguyên Đán. Đó là giai đoạn giáo dân trong giáo họ chung sống với sự thiếu thốn về của ăn và đối diện với cái rét nàng Bân. Đi đường thì quần áo tay chân bị dính đất. Có những bà Lương dân đi chợ nói với nhau rằng khi nào bên Đạo ra mùa thì trời mới hết mưa phùn. Đến nhà thờ thì nghe ngắm sự Thương Khó Đức Giêsu Kitô với những cung điệu ảm đạm não nề. Đi lễ thì nghe cha giảng tĩnh tâm cho các bậc và lứa tuổi khác nhau. Buổi tối ăn chút cơm cháo lót dạ, sau đó tắt đèn đi ngủ.
Thời ấy, nghĩa binh Thánh Thể trong giáo xứ chúng tôi có phong trào đi lễ sáng vào Mùa Chay. Sau khi tham dự thánh lễ, những học sinh nào đi học buổi sáng thì đi đến trường luôn và có mang theo ít củ khoai luộc để ăn sáng.Mùa Chay hết, lễ Phục Sinh đến, một bầu không khí mới xuất hiện. Dấu ấn của Chúa Phục sinh tác động toàn diện đến mọi khía cạnh cuộc sống. Trong các thánh lễ, cộng đoàn hát kinh vinh danh và alleluia. Cái lạnh qua đi giúp cho người ta có thể chia tay với chiếc áo mũ của mùa đông. Mặt trời bắt đầu mang đến cho nhân loại những tia nắng mới ấm áp. Đường đi lối lại trong thôn xóm khô ráo sạch sẽ. Nhất là trong khi chuẩn bị mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống để canh tân bộ mặt trái đất, cũng là dịp bà con nông dân đón chờ một mùa gặt đầy dẫy hương thơm của lúa mới. Con người và cảnh vật tràn trề sức sống và niềm hy vọng.
Thời gian là của Chúa. Trời đất vũ trụ Chúa dựng nên để cho con người hưởng dùng. Nước Việt thân yêu Chúa ban tặng và chúc lành cho chúng con. Tiết trời xuân hạ thu đông xoay vần. Con người và thiên nhiên liên hệ với nhau thật gần gũi. Bên cạnh đó, năm phụng vụ giúp cho người tín hữu đào sâu màu nhiệm nhập thể và cứu chuộc của con Chúa. Xin tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con ơn lành hồn xác cũng như mưa thuận gió hòa, thiên nhiên xinh đẹp và những người thân thương. Xin tạ ơn Ngài bây giờ và mãi mãi. Alleluia.
Vọng Phục Sinh 2009
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng