Theo phong tục tập quán văn hóa Việt Nam, hằng năm vào mùa Thu có ngày lễ Tết Trung Thu, 15.08. âm lịch. Ngày lễ này mang đậm mầu sắc lễ hội văn hóa xã hội cùng cho trẻ con thiếu nhi nhiều hơn.
Một đại gia đình tề tựu đông đủ bên mâm cỗ Trung Thu (đầu thế kỷ 20).
Nhưng đâu là ý nghĩa mầu sắc tôn giáo của ngày lễ hội này trong đời sống đức tin đạo công giáo ?
1. Sau mùa cày cấy
Ở xã hội bên quê nhà Việt Nam, theo chu kỳ thời tiết tiếp theo sau mùa thu hoạch thóc lúa hoa qủa là mùa Thu.
Bên xã hội Âu châu cũng thế. Và vào dịp này có ngày, thường vào Chúa nhật đầu tháng Mười hằng năm, tạ ơn mùa màng đã thu hoạch xong.
Tập tục này nói lên lòng biết ơn của con người với Đấng Tạo Hóa đã ban cho con người lương thực sinh sống.
Tập tục này nói lên tâm tình lòng hy vọng cậy trông của con người vào bàn tay lo liệu gìn giữ của Đấng Tạo Hóa cho tương lai đời sống con người trên mặt đất ở những vụ mùa màng kế tiếp.
Tập tục này nói lên lòng kính trọng thiên nhiên, đất đai, sức lực con người, mà họ nhận được như qùa tặng, chứ không do con người chế biến làm ra.
Ngày lễ hội Tết Trung Thu dành cho thiếu nhi trẻ con theo phong tục văn hóa Á Đông vào mùa Thu mang nhiều mầu sắc huyền thoại, không mang mầu sắc tôn giáo. Nhưng dẫu vậy cũng phần nào gói ghém tâm tình ý tưởng kính trọng hướng về thiên nhiên, về sự sống con người.
Điều này thể hiện trong việc các em thiếu nhi rước lồng đèn ban đêm ngày 15. 08. âm lịch, có ánh sáng trong từ mặt Trăng chiếu tỏa xuống mặt đất.
2. Chiếc đèn lồng
Chiếc lồng đèn các em bé cầm đi rước thường làm bằng giấy bóng kiếng , giấy mỏng có vẽ hay cắt khắc dán hình các con vật như con cá, con tôm, con chó, con bươm bướm cả hình người trẻ con nữa ở chung quanh đèn.
Bên trong chiếc lồng đèn là ngọn nến cháy sáng hay ngọn đèn điện cũng được bật lên. Ngoài trời tối, ánh sáng trong chiếc lồng đèn tỏa ra chiếu rỏ nét hình vẽ cắt dán chung quanh lồng đèn. Ánh sáng tỏa ra từ lồng đèn không mạnh , không chiếu sáng ra xa. Nhưng đủ cho hình chung quanh chiếc lồng đèn hiện nổi lên, cùng đủ chiếu sáng gương mặt em bé đang cầm trong tay chiếc lồng đèn.
Nhìn chiếc lồng đèn có ánh sáng chiếu tỏa gợi nhớ đến cây nến Rửa tội, mà em bé cũng như những người Công Giáo đã nhận ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa tội lúc còn thơ bé.
Ánh sáng cây nến rửa tội được đốt thắp lên từ cây nến Chúa Giêsu phục sinh, Đấng là ánh sáng niềm tin, niềm hy vọng và tình yêu mến cho con người trên trần gian.
Ánh sáng cây nến rửa tội không sáng mạnh như ánh sáng ngọn đèn điện. Nhưng đủ tỏa sức sáng cùng hơi nóng cho tâm hồn đức tin giúp nhận ra mình là con Thiên Chúa, giúp trí khôn tinh thần nhận biết giới hạn tâm trí con người, và cần sự trợ giúp từ Trời cao, nhất là trong những khi gặp đau khổ, khó khăn bối rối.
Ánh sáng yếu ớt của ngọn nến chiếc lồng đèn tuy vậy chiếu rõ nét hình dán vẽ chung quanh chiếc đèn.
Điều này khích lệ giúp ta thêm phấn khởi tin tưởng, dù là những việc nhỏ ta làm giúp người khác cũng mang đến hiệu qủa ích lợi, mà không sợ là chuyện nhỏ bé không có gía trị gì.
Điều này cũng nói lên ánh sáng cây nến rửa tội trong tâm hồn ta, dù yếu bé nhỏ, nhưng đủ sức soi chiếu giúp sống nhận ra điều ngay chính tốt lành là người con của Chúa. Và qua đời sống như thế, dù âm thầm, cũng chiếu tỏa tình yêu của Chúa, vẻ nét đẹp của Đấng Tạo Hóa nơi con người và trong thiên nhiên hòa lẫn dưới ánh trăng lung linh.
3. Ánh sáng mặt Trăng
Theo huyền thoại ánh sáng mặt Trăng đêm Trung Thu, 15.08. Âm lịch, trong sáng hơn mọi ngày. Và trong đêm này có thể nhìn rõ Chị Hằng Nga cùng Chú Cuội tựa gốc cây đa trên cung trăng.
Ánh trăng trong đêm Rằm tháng Tám Âm lịch trong sáng thì có. Nhưng Chị Hằng Nga và Chú Cuội với cây đa trên cung trăng thì không lấy gì bảo đảm. Vì năm 1969 Phi thuyền Apollo 11. của Nasa Hoa Kỳ đã đổ bộ đưa các phi hành gia Neil Amstrong, Edwin Adrin và Michael Collins lên mặt Trăng đi bộ trên đó, và họ chỉ thấy toàn núi đất đá, chứ không thấy một người nào cả.
Theo sách Sáng thế ký tường thuật, mặt Trăng là một hành tinh trong thiên nhiên do Thiên Chúa tạo dựng trong công trình tạo dựng trời đất:“ 14 Thiên Chúa phán: “Phải có những vầng sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm. 15 Ðó sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất.” Liền có như vậy. 16 Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao. 17 Thiên Chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất, 18 để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng với bóng tối. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. 19 Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ tư.“( Sách Sáng Thế 1,14- 19).
Lẽ dĩ nhiên khoa học xưa nay vẫn luôn đi tìm hiểu khảo cứu về nguồn gốc hành tinh này, nhất là xem có sự sống trên hành tinh mặt trăng không.
Ánh sáng phát chiếu ra từ mặt trăng, theo khoa học khảo cứu là ánh phản chiếu lại ánh sáng mặt trời. Vì tự mặt trăng không có ánh sáng. Mặt trăng chiếu lại ánh sáng của mặt trời vào ban đêm theo như chu kỳ di chuyển xoay vần của vũ trụ một ngày có một nửa thời gian 12 tiếng là ban ngày được mặt trời chiếu sáng, và một nửa thời gian 12 tiếng là ban đêm được mặt Trăng chiếu sáng.
Điều này cũng nói lên đời sống con người lệ thuộc vào Thiên Chúa, như mặt trăng lệ thuộc vào mặt trời để tiếp nhận có ánh sáng.
Ánh sáng mặt trăng dịu mát hơn ánh sáng mặt trời nóng gay gắt. Vì thế có thể ngước mắt ngắm nhìn thẳng lên mặt trăng, nhưng lên mặt trời thì không thể được.
Mặt trăng di chuyển trong chu kỳ mỗi tháng tròn đầy rồi lại khuyết nhỏ như hình vòng lưỡi liềm. Điều này nói lên sự hay thay đổi không có gì là bền vững.
Và cũng như mặt trăng thay đổi hình dạng khi đầy tròn khi khuyết thu nhỏ lại và chìm dần trong khoảng không gian bao la. Đời sống con người cũng trải qua những giai đoạn sinh ra, tuổi thơ bé, tuổi thanh thiếu niên, tuổi trưởng thành, tuổi cao niên và giai đoạn đi trở về với lòng đất mẹ ngày sau cùng.
*************************
Như mặt Trăng có lúc tròn đầy, có lúc khuyết chỉ còn một nửa hay một phần nhỏ, có lúc bị hành tinh khác chạy ngang che lấp tối mù mịt. Lịch sử đời sống xã hội vào mọi không gian thời đại cũng thế đều có tiến triển, có luân chuyển thay đổi, có bóng tối có ánh sáng, có lúc thăng trầm, có thịnh vượng cũng như lúc khủng hoảng trì trệ…
Dòng sông, con đường đời sống mỗi người cũng lên xuống thay đổi như chu kỳ mặt trăng luân chuyển thay đổi theo trật của Đấng Tạo Hóa đã sắp đặt ấn định, mà không ai biết trước cùng chưa hay không sao khám phá ra được.
Dẫu vậy, Đấng Tạo Hóa đã nhìn thấy trước, nên Ngài đã đựng nên Mặt Trời chiếu tỏa ánh sáng hơi nồng ấm cho sự sống được gìn giữ phát triển vào ban ngày. Và ban đêm có mặt Trăng cùng các Tinh Tú chiếu soi ánh sáng dịu mát thanh bình cho mọi loài sinh sống trên mặt đất.
Ánh sáng mặt Trời và ánh sáng mặt Trăng là ánh sáng chiếu tỏa niềm vui, niềm hy vọng cho con người cùng cây cỏ và thú vật trên trần gian.
Mùa trăng Trung Thu Nhâm Thìn 2012
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long