Thánh Crispinô tên thật là Pietro Fioretti, sinh ngày 13 tháng 11 năm 1668 ở Viterbo, nước Ý. Ngài mồ côi cha ngay khi còn nhỏ. Vì hay đau yếu mà nhà lại nghèo, nên bà mẹ đã dâng cậu con trai năm tuổi cho Ðức Mẹ. Biến cố đó không bao giờ phai nhạt trong đầu Phêrô mà sau này cậu thường coi Ðức Maria như mẹ ruột của mình.
Vì nghèo không đủ tiền đi học, Phêrô theo ông chú học nghề đóng giầy, cho đến khi 25 tuổi, Phêrô gia nhập dòng Capuchin với tư cách thầy trợ sĩ và lấy tên Thánh là Crispinô.
Sau khi khấn trọng, ngài được giao cho công việc đầu bếp cho nhà dòng ở Tolfa. Như lúc còn ngoài đời, ngài luôn luôn sùng kính Ðức Mẹ và qua sự cầu nguyện của thầy, nhiều người đã được chữa lành về phần xác cũng như phần hồn. Có lần một nhà quý tộc vì sống trác táng nên bị đau nặng và đến xin Thầy Crispinô cầu nguyện. Thầy hỏi “Thưa ngài, ngài muốn Ðức Mẹ chữa ngài, nhưng nếu giả như có người xúc phạm đến Con của Mẹ thì người ấy có làm buồn lòng Ðức Mẹ không? Nếu thực sự sùng kính Ðức Mẹ thì không thể xúc phạm đến Con của Mẹ được.” Nhà quý tộc đã ăn năn sám hối và thay đổi đời sống.
Cùng với công việc đầu bếp, y tá, làm vườn, Thầy Crispinô là người khất thực chính cho nhà dòng trong gần 40 năm. Ngay từ khi mặc áo dòng cho đến khi từ trần, thầy được Chúa ban cho ơn chữa lành bệnh tật và bất cứ ai đến với thầy đều cảm thấy phấn khởi và được bình an trong tâm hồn. Trong thời gian khất thực ở Orvieto, ngài không chỉ xin cho nhà dòng, mà còn xin cho tất cả những người nghèo ở đây.
Ngài đích thực là con cái của Thánh Phanxicô, luôn luôn vui vẻ và hăng say phục vụ cho đến khi từ trần vào lúc tám mươi hai tuổi ngày 19 tháng 5 năm 1750 tại tu viện Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Rome via Veneto và được an táng dưới bàn thờ cạnh nguyện đường Capucchin. Thi hài được phát giác còn nguyên vẹn năm 1959.
Ngài được Ðức Giáo Hoàng Pius VII tôn phong Chân Phước ngày 07 tháng 9 năm 1806 và là vị Thánh đầu tiên được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong hiển thánh ngày 20 tháng 6 năm 1982.
Lời Bàn
Cha Henri de Lubac, S.J. đã viết “Chúng ta phải yêu quý thời đại của chúng ta, nhưng không nhượng bộ tinh thần của thời đại, có như thế, mầu nhiệm Kitô Giáo trong chúng ta sẽ không bao giờ mất sức sống” (Sự Huy Hoàng của Giáo Hội, t. 183). Thánh Crispinô quý trọng bất cứ ai mà Thiên Chúa đã đưa đến với ngài và trong bất cứ thời gian nào. Thánh Crispinô đã trở nên cuốn phúc âm sống động cho anh em dòng và cho người dân ở Orvieto. Sự thánh thiện của ngài đã khuyến khích họ sống bí tích rửa tội một cách độ lượng hơn.