Thánh đường Mộ Chúa hoàn tất

Với gần 2.000 năm tồn tại và thêm 9 tháng đóng cửa bảo trì, nhà thờ Mộ Chúa đã mở cửa chào đón các tín hữu và khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới từ ngày 22.3.
Thánh đường Mộ Chúa hoàn tất

 

Sau nhiều thế kỷ không được phục hồi, một trong những nơi linh thiêng nhất của Kitô giáo đã được khánh thành, chào đón những dòng người hành hương tiếp tục cuồn cuộn đến từ khắp nơi trên thế giới. Bất đồng giữa các tôn giáo chia nhau quản lý nơi này đã đẩy nơi chôn cất Chúa Giêsu (gọi là Edicule – tức ngôi nhà nhỏ) bị xuống cấp nghiêm trọng, và may mắn giải pháp đã đến kịp lúc.

Trên bờ vực sụp đổ

“Chúng ta đang ở thời khắc then chốt trong công tác phục hồi Edicule”, theo tạp chí National Geographic dẫn lời giám đốc dự án Antonia Moropoulou. Bà cam đoan: “Các kỹ thuật đang được chúng tôi áp dụng để ghi nhận lại cấu trúc độc nhất vô nhị này sẽ cho phép thế giới tiếp tục nghiên cứu giống như thể họ đang đứng bên trong ngôi mộ của Chúa Giêsu”. Edicule đã trở nên vô cùng bất ổn do hàng loạt các cuộc khai quật bên dưới nhà thờ và tổn hại đến từ nước mưa và khí hậu ngày càng ẩm ướt. Cảnh sát Israel đã buộc phải tạm thời đóng cửa nhà thờ trong thời gian ngắn vào đầu năm 2015, sau khi Cơ quan quản lý Cổ vật nước này tuyên bố nhà thờ không an toàn cho việc thăm viếng.

Chi phí phục hồi Edicule đã được đóng góp từ 6 tổ chức quản lý nhà thờ, vua Abdullah của Jordan, chính quyền Palestine. Bản thân bà Mica Ertegun, quả phụ của nhà sáng lập Atlantic Records – ông Ahmet Ertegun, góp 1,3 triệu USDTrước đó, nhiều thế kỷ không được bảo tồn đã ảnh hưởng nặng nề đến cấu trúc quan trọng của đạo Kitô. Một trận động đất trong khu vực vào năm 1927 tiếp tục gây tổn thất cho nhà thờ, và người Anh vào năm 1947 đã quyết định can thiệp, nhưng chỉ chỉnh sửa bên ngoài chứ không chạm đến cấu trúc bên trong. Theo thời gian, tình trạng xuống cấp đã đến mức hết sức nghiêm trọng, như chuyên gia Bonnie Burnham của World Monuments Fund, đơn vị giám sát dự án, thừa nhận: “Nếu không kịp thời can thiệp, nguy cơ Edicule bị sụp đổ là hết sức cao”. Thế là giới chức Israel đã tìm cách thuyết phục các nhóm đang quản lý nơi này hãy xếp lại những bất đồng và cho phép công tác bảo trì được diễn ra.

Kể từ năm 1752, tổng cộng 6 giáo hội, bao gồm Công giáo, Chính Thống giáo Hy Lạp, Chính Thống giáo Armenia, Chính Thống giáo Syria, Giáo hội Kitô cổ Ả Rập, và Ethiopia, cùng chia nhau quyền quản lý nhà thờ theo một thỏa ước vô cùng rắc rối. Căng thẳng giữa những giáo hội có quyền quản lý vẫn tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay. Vào năm 2002, một vụ xô xát giữa các giáo sĩ đã nổ ra tại nhà thờ, sau khi một tu sĩ Ai Cập dịch chuyển ghế ngồi vào bóng mát, và bị kết tội là vi phạm phần của Ethiopia. Đây là ví dụ cho thấy sự khó khăn vô vàn đã giằng xé nơi linh thiêng trong nhiều thế kỷ, khiến các nỗ lực sửa chữa và phục hồi bị gián đoạn trong các thập niên.

Tuy nhiên, tình trạng của Edicule đã đến mức không thể trì hoãn, buộc các giáo hội đạt được hiệp nghị và giới chuyên gia được trao thời gian quý báu là 9 tháng cho công tác tu bổ. Và mới đây, bà Burnham tuyên bố: “Edicule hoàn toàn được lột xác”.

Edicule đã được cứu

Buổi lễ trang trọng tại nhà thờ Mộ Chúa ở Thành cổ Jerusalem (Israel) vào ngày 22.3 đã đánh dấu sự hoàn tất dự án. Một đội ngũ các chuyên gia gồm 50 người đến từ Đại học Kỹ thuật quốc gia ở Athens (NTU) đã triển khai công tác phục hồi đặc biệt đối với Edicule, nơi chứa ngôi mộ và phiến đá được cho là từng đặt thi hài của Chúa Giêsu. Thời khắc đáng nhớ của dự án diễn ra vào tháng 10.2016, khi các chuyên gia Hy Lạp gỡ bỏ phiến đá cẩm thạch được đặt phía trên nơi đặt thi thể Chúa nhằm ngăn chặn những người hành hương nhặt đá tại nơi này mỗi khi đến viếng. Với hành động lấy đi tấm đá che phủ địa điểm linh thiêng trong ít nhất 500 năm (từ năm 1555), họ đã tiếp cận được kho báu chứa toàn những vật liệu hứa hẹn cung cấp những thông tin mới về Kitô giáo thời kỳ đầu cho giới khoa học và sử gia.

Một tu sĩ đứng bên trong Edicule vừa được tu bổ

“Đó sẽ là một cuộc phân tích khoa học dài hơi, nhưng chúng tôi cuối cùng cũng sẽ tiếp cận được bề mặt phiến đá nguyên thủy, mà theo truyền thống, thi hài của Chúa Giêsu đã được đặt lên khi Thầy được đưa xuống từ Thập tự giá”, theo Fredrik Hiebert, nhà khảo cổ học của Tổ chức Xã hội National Geographic, một thành viên của dự án khôi phục này. Tiến sĩ Hiebert đề cập đến một mục tiêu đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu là rìa đá vôi đỡ xác Người vào năm 30. Cũng từ ngày 22.3, lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ, các du khách và người hành hương được phép theo bước của những Kitô hữu đời đầu, khi tận mắt chứng kiến phần bên trong của cấu trúc linh thiêng này. Đó là do các chuyên gia trong lúc phục hồi đã cắt một khung cửa sổ nhỏ trên bức tường bằng đá hoa cương của “Edicule”, hé lộ ngôi mộ nổi tiếng.

Bất chấp nhiều thế kỷ xung đột, những hạt giống của hòa bình đến từ sự hợp tác và nhượng bộ của các tổ chức tôn giáo đã bắt đầu nảy mầm. “Tôi vui mừng khi chứng kiến không khí đặc biệt ở nhà thờ, một niềm hoan hỉ đang len lỏi tại nơi này”, theo Thượng phụ Chính Thống giáo Hy Lạp Theophilos III. Mọi người, không phân biệt tôn giáo, đều hy vọng và cầu nguyện dự án tại Edicule có thể truyền đi một thông điệp có thật, rằng điều không thể cũng trở thành có thể. Nhân loại đều mưu cầu hòa bình và sự tôn trọng lẫn nhau.

LING LANG

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc