Thánh Giá – câu chuyện tình của Thiên Chúa

VATICAN. Nếu muốn biết ‘câu chuyện tình’ mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, chúng ta phải ngắm nhìn Thánh Giá, nơi ấy có một vị Thiên Chúa đã hoàn toàn ‘trút bỏ vinh quang’, sẵn sàng bị ‘vấy bẩn’ bởi tội lỗi con người để cứu con người khỏi chết.

Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng nay, thứ ba ngày 15.03, tại nguyện đường Thánh Marta.

PopeFrancis-15Mar2016-08.jpg

Lịch sử cứu độ được Kinh Thánh thuật lại có nói về một con vật. Con vật ấy được nhắc đến lần đâu tiên trong Sách Sáng Thế và lần cuối cùng là trong Sách Khải Huyền: con rắn. Rắn là loài vật mà theo Kinh Thánh mang một biểu tượng mạnh mẽ của sự nguyền rủa, của tội lỗi và một cách mầu nhiệm cũng là biểu tượng của sự cứu chuộc.

Để giải thích điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô trưng dẫn bài đọc một trích sách Dân số và Tin Mừng theo Thánh Gioan: “Bài đọc một tường thuật lại sự kiện khá nổi bật về dân tộc It-ra-en khi họ thực hiện chuyến hành trình trong sa mạc. Họ không muốn đi trong cảnh lương thực ít ỏi như thế nữa. Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Mô-sê. Và ở đây, nhân vật chính là con rắn. Trước hết, nó được Thiên Chúa cho đến để làm hại những kẻ cứng lòng không tin, để gieo rắc sự sợ hãi và cái chết cho đến khi dân chúng biết chạy đến nài xin Mô-sê sự tha thứ. Và sau đó là hình ảnh con rắn đồng. Thiên Chúa nói với Mô-sê: ‘Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống.’ Điều nhiệm mầu nằm ở chỗ này: Khi dân hối hận, Thiên Chúa không giết chết các con rắn, nhưng Ngài để chúng đó. Nếu có con rắn nào làm hại dân chúng, chỉ cần họ nhìn lên con rắn đồng thì sẽ được cứu. Giương cao con rắn lên.

Động từ ‘giương cao’ (innalzare) là trung tâm điểm trong cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và người Pha-ri-sêu như đã được mô tả trong Tin Mừng. Đức Giêsu nói với người Do-thái rằng: ‘Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu.’ ‘Tôi Hằng Hữu’ là tước hiệu mà chính Thiên Chúa đã truyền cho Mô-sê để ông nói lại cho dân Ít-ra-en. Sau này, cụm từ diễn đạt ấy cũng quay trở lại trong dạng thức: ‘giương cao Con Người lên’.

Con rắn tượng trưng cho tội lỗi. Con rắn giết hại người ta nhưng nó cũng chữa lành. Và đó chính là mầu nhiệm của Đức Kitô. Thánh Phao-lô đã nói về mầu nhiệm này như sau: ‘Đức Giêsu đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, đã hạ mình xuống, đã tự hủy mình đi để cứu chúng ta.’ Mạnh mẽ hơn, Thánh Phao-lô còn nói: ‘Đức Giêsu là Đấng chẳng biết tội là gì, thì Thiên Chúa lại biến Người thành hiện thân của tội.’ Như vậy cách nào đó, Đức Giêsu chính là con rắn được giương cao lên. Bài đọc một ngày hôm chất chứa cái nhìn có tính tiên tri: Con Người như là hình ảnh con rắn, ‘hiện thân của tội lỗi’, đã được giương cao lên để cứu độ con người.

Đây chính là câu chuyện về ơn cứu độ của chúng ta. Đây cũng là chuyện tình của Thiên Chúa. Nếu muốn biết câu chuyện tình ấy, chúng ta hãy ngước nhìn lên cây Thánh Giá: một con người bị tra tấn dã man, một Thiên Chúa đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, sẵn sàng bị ‘vấy bẩn vì tội lỗi con người’. Vị Thiên Chúa ấy sẽ hủy diệt vĩnh viễn cái tên xấu xa đích thực của sự dữ mà Sách Khải huyền gọi là ‘con rắn xưa’. Tội lỗi là việc làm của Satan. Nhưng Đức Giêsu đã chiến thắng Satan. Ngài đã tự hạ mình xuống, trở thành hiện thân của tội để nâng con người lên.

Thánh Giá không phải là đồ trang sức, không phải là một công trình nghệ thuật được đính nhiều đá quý và kim cương lấp lánh. Nhưng như chúng ta thấy, Thánh Giá là mầu nhiệm tự hủy của Thiên Chúa vì yêu thương. Con rắn đồng trong sa mặc có ý nghĩa tiền trưng về ơn cứu độ: Nó được giương cao lên và bất cứ ai bị cắn mà nhìn nó, sẽ được chữa lành. Sự chữa lành ấy không được thực hiện bởi một cây đũa thần từ tay của một vị thiên chúa ma thuật, nhưng bởi chính sự đớn đau của Con Người, bởi chính khổ hình của Đức Giêsu Kitô.”

PopeFrancis-15Mar2016-02.jpg

PopeFrancis-15Mar2016-07.jpg
PopeFrancis-15Mar2016-03.jpg
PopeFrancis-15Mar2016-04.jpg
PopeFrancis-15Mar2016-05.jpg
PopeFrancis-15Mar2016-06.jpg
PopeFrancis-15Mar2016-01.jpg

(Vũ Đức Anh Phương, SJ, RadioVaticana 15.03.2016)