Thánh Giá trong Thư của Thánh Phaolô

Trong Tin Mừng, khi viết về cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô các thánh sử đã trình bày với số trang có tỉ lệ đáng kể so với cả cuộc đời hoạt động ba năm của Ngài. Tỉ lệ này lần lượt trong các sách của Matthêu, Maccô, Luca và Gioan là 11/63; 9/36; 12/63; 11/62. Điều này một lần nữa khẳn định Thánh Giá là tâm điểm của Tân ước. Trong các tác giả của Tân ước thì thánh Phaolô lại trình bày chủ đề Thánh Giá có khối lượng nhiều nhất.

13-ThanhGia.jpg 

Có ba chiều kích lớn của Thánh Giá mà thánh Phaolô đã trình bày trong các thư lớn, thư viết trong tù và thư mục vụ gồm: Những ích lợi của Thánh Giá; Hãy rao giảng Thánh Giá và Hãy sống Thánh Giá.

1. Ích lợi của Thánh Giá

Các lợi ích của Thánh Giá trong các thư của Thánh Phaolô bao gồm:

Hòa giải- Thánh giá là chiếc cầu hòa giải giữa Thiên Chúa và con người

(Rm 5, 10) Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy.

Giao ước mới- Thánh giá là biểu tượng thiết lập giao ước mới (giao ước cũ do Mose làm trung gian và dùng máu con chiên)

(Dt 9, 15) Bởi vậy, Người là trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa.

Xóa bỏ tội lỗi muôn nguời

(Dt 9, 28) Cũng vậy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người.

Cứu chuộc nhân loại khỏi tay tử thần

(Dt 9, 12) Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta

Ban bình an cho mỗi người

(Cl 1, 19) Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.

Con người được đồng hưởng vinh quang

(Rm 8, 16) Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.

Vận dụng các ý nghĩa của Thánh Giá, Hồng y F.X Nguyễn Văn Thuận nói rằng “Hãy ngắm nhìn Thánh Giá, con sẽ thấy giải pháp cho mọi vấn đề của con”.

2. Rao giảng Thánh Giá

Thánh Giá là minh họa điển hình luật của Tin Mừng về mối quan hệ tương hỗ giữa thử thách và vinh quang. Trong (Ga 12, 24) Chúa Giêsu nói rằng “Nếu hạt lúa rơi xuống đất mà không chết đi, thì vẫn trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều hoa trái”. Và luật này không dễ dàng được đón nhận với bản tính tự kiêu của con người vốn có từ thời Adam. Trong khi đó, Thánh Giá lại niềm tự hào duy nhất đối với thánh Phaolô.

Thánh Giá là xa lạ với một số người khi nhận lãnh

(1 Cr 1, 22) Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.

Thánh giá là tâm điểm duy nhất trong công cuộc rao giảng

(1 Cr 2, 2) Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá.

(1 Cr 15, 3) Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh

Gắn kết Thánh Giá trong suốt quá trình rao giảng

(2 Cr 4, 10) Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi.

3. Sống Thánh Giá

Không một ai có thể rao giảng về Thánh Giá mà đứng ngoài Thánh giá. Khi truyền rao Thánh Giá, thánh Phaolô không chỉ chọn con đường Thánh giá, mà ở mức cao hơn :

• Ngài tự đóng chính xác thịt mình vào Thánh Giá.
• Ngài sống chết không phải cho chính mình, mà sống chết cho Đức Kitô.

Các đoạn thư sau minh chứng cho 02 luận cứ trên.

(Rm 14, 9) Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Đức Ki-tô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết.

(2 Cr 4, 10) Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi.

(2 Cr 5, 15) Đức Ki-tô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình

(Gl 2, 19) Quả thế, tại vì Lề Luật mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi.

(Gl 5, 24) Những ai thuộc về Đức Ki-tô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê.

(Gl 6, 14) Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian.

Như vậy khi rao giảng về Chúa Giêsu chính là trình bày về Thánh Giá, khi rao truyền Thánh Giá, chính là đang tuyên xưng về Ngôi Hai cứu chuộc. Sống niềm tin Công giáo là sống bình an với Thánh Giá. Lộ trình tâm linh đến cùng Thiên Chúa có thể trải qua hai giai đoạn: vác Thánh Giá là giai đoạn mở đầu của cuộc sống Kitô hữu, đóng đinh các thuộc tính trần tục vào Thánh Giá để thuộc tính tâm linh ngày càng nảy nở và tiệm cận với Đức Kitô là giai đoạn hai.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết dùng Thánh Giá Chúa đời này là giấy phép thông hành cho cuộc sống đời sau. Và mỗi lần con gục ngã vì Thánh Giá xin Chúa hãy cầm lấy bàn tay nhỏ bé mà nâng con dậy.


G. Tuấn Anh