Với quyết định giải tỏa, nhà thờ Sainte-Rita ở quận 15 thành phố Paris, nổi tiếng do việc chúc lành các sinh vật, coi như chính thức đóng cửa. Tuy nhiên, ngay ngày mới ra thông báo, cộng đoàn đã thông báo họ chiếm cứ thánh đường.
Sau nhiều tháng xung đột về pháp lý và với biện pháp giải tỏa từ tháng chín năm ngoái, nhà thờ Sainte-Rita, giáo xứ biểu tượng của quận 15 thành phố Paris – nổi tiếng trên toàn thế giới không những về lòng sùng mộ đối với nữ thánh bảo trợ các vụ kiện vô vọng, mà còn bởi việc chúc lành hằng năm cho các sinh vật – đã chấm dứt các sinh hoạt phụng vụ (theo nghi thức Công giáo Gallican).
Đức TGM Dominique Philippe cử hành thánh lễ Chúa nhật cuối cùng – ảnh: Figaro
Dù đã có 300 cuộc rửa tội hằng năm, 200 cuộc kết hôn, 70 lần an táng và 250 giáo dân sốt sắng dâng lễ ngày Chúa nhật, ngôi thánh đường thuộc khu phố trung tâm Paris đã chuẩn bị phá hủy bởi những doanh nhân bất động sản. Họ muốn biến nơi này thành những căn hộ xã hội và các bãi đậu xe. “Thật là tai tiếng và ô nhục!”, chị Paulette, một cư dân khu phố và vô tín ngưỡng, giận dữ.
Chúa nhật hôm ấy, người thuê cơ sở nhà thờ là Đức cha Dominique Philippe, Tổng Giám mục Công giáo Gallican giáo phận Paris, đã dâng thánh lễ cuối cùng. Ngài đã bỏ cuộc. Tuy nhiên, cộng đoàn giáo dân thì không. Họ chiếm cứ nhà thờ cả ngày lẫn đêm, kể từ Chúa nhật, và muốn cùng với tổ chức Les Arches de Sainte-Rita, một hiệp hội bảo vệ nhà thờ, đấu tranh. Một niềm hy vọng có lẽ không phù phiếm, mơ hồ, bởi vì đối với nữ thánh Rita là người bênh vực cho các vụ kiện vô vọng, không có gì là không thể. Và nhất là vì một sự nâng đỡ mới mẻ và không ngờ đã diễn ra : Cách đó vài hôm, trong khi tập hồ sơ kiện tụng chưa bao giờ lôi cuốn sự quan tâm và đồng cảm của các dân biểu và giới chính trị gia, thì dân biểu Frédéric Lefebvre thuộc khu hành chánh đầu tiên người Pháp hải ngoại (Bắc Mỹ) lại bất ngờ gia nhập nhóm bảo vệ nhà thờ khỏi bị phá hủy.
Ông đến hiện trường, cùng đi với thị trưởng Philippe Goujon, và công khai hóa lập trường của mình qua một thông cáo chung với văn phòng thị trưởng quận 15.
Nhiều loại súc vật cùng chủ vào nhà thờ
Ra đi với khoản bồi hoàn 150.000 euros
Cùng nhau, họ nghiên cứu nhiều giải pháp để chấm dứt cuộc xung đột pháp lý. Điều này đã khiến hiệp hội phụng tự Công giáo Gallican của Đức cha Philippe đối lập với hội phụng tự Công giáo toàn cầu đặt tại Bỉ, và với tổ chức doanh nhân bất động sản. Vấn đề chính là phải gặp gỡ hội các Kitô hữu Đông phương nhằm phần nào mua lại ngôi nhà thờ. Tổ chức Les Arches de Sainte-Rita cũng cố gắng “đề xuất một giải pháp khác thay thế để liên kết việc bảo vệ di sản với xây dựng nhà ở”, ông Nicolas Stoquer, chủ tịch đại diện hội khẳng định. Thật vậy, vào lúc ấy, việc hứa bán nhà thờ với giá 3,3 triệu euros, được ký kết giữa chủ sở hữu và doanh nhân bất động sản không thể thành tựu, do sự rối ren về pháp lý và việc khó khăn di tản cộng đoàn khỏi các địa điểm.
Cuộc xung đột này không phải mới hôm nào, nhưng đã có trước cả các thủ tục pháp lý đặt ra cách đây ba năm (2013). Chủ sở hữu người Bỉ của nhà thờ Sainte-Rita “đã kiếm cách làm cho Đức cha Philippe và con chiên của ngài thay đổi ý kiến” từ 1996, một người có liên quan gần với hồ sơ tâm sự. Từ thời điểm ấy, tiền thuê nhà thờ rất rẻ : “150 francs lúc đó”, nhưng chưa bao giờ được trả. Vài tháng sau, tòa buộc người thuê chịu trả phạt 3.000 euros mỗi tháng cho mỗi lần chưa trả. Quá nhiều nỗi cay đắng khiến Đức cha Philippe rốt cuộc phải chịu chấp nhận bản điều đình giao dịch do sở hữu chủ và doanh nhân bất động sản đề xuất : ra đi với khoản bồi hoàn 150.000 euros, như để trợ cấp việc dọn nhà; cộng với việc xóa bỏ tổng số tiền chưa trả, lên tới khoảng 45.000 euros và cam kết không còn thưa kiện nữa. Nhưng hiệp hội bảo vệ nhà thờ không chấp nhận từ bỏ hay che giấu cuộc kiện. Họ nghĩ cách không ký vào bản thỏa thuận vì lập luận làm như vậy là gián tiếp đồng ý cho người ta phá hủy nhà thờ.
Bill Gates quan tâm đến tập hồ sơ kiện tụng
Ngoài việc mua lại hay một giải pháp thay thế khác, nhóm bảo vệ nhà thờ Sainte-Rita lại tái sử dụng thủ thuật bảo vệ khi liên hệ với bộ Văn hóa để được cấp giấy xác nhận “Di sản thế kỷ 20”, với sự hỗ trợ của thị trưởng quận 15. Hơn nữa, quỹ từ thiện của tỷ phú Bill Gates, một nhân vật tốt bụng và uy tín, đã hướng về giáo xứ nhỏ bé này. Xúc động bởi tập phóng sự của hãng tin Reuters về thánh lễ chúc lành cho các sinh vật tháng mười một năm kia, quỹ này đã liên hệ với hiệp hội bảo vệ thánh đường để cùng nghiên cứu lại hồ sơ.
THIÊN LÂM (theo Le Figaro)
Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc