Nhiều người khi nghĩ đến Rome thường mường tượng ra quang cảnh đầy choáng ngợp của Đấu trường La Mã Colosseum, hoặc vô số nhà thờ và Vương Cung Thánh Đường trên mọi nẻo đường của thủ đô Ý. Tuy nhiên, ít người biết được nằm sâu bên dưới là một “thành phố vĩnh cửu” khác, và hầm mộ Domitilla là đại diện lớn nhất cho “đô thị của người đã khuất” tại Rome. Sau 25 năm trùng tu bằng công nghệ laser và quét 3D, những câu chuyện đã mờ nhạt dần về cuộc sống và cái chết của cộng đồng Kitô hữu đời đầu một lần nữa trỗi dậy một cách sống động và sắc nét.
Hầm mộ của các vị tử đạo
Hầm mộ Domitilla là một cấu trúc rộng lớn các đường hầm và mộ ngầm, được những Kitô hữu đời đầu dùng làm nơi trú ẩn và mai táng. Nhờ vào những công trình dài hơi do Ủy ban Giáo hoàng về Khảo cổ Thánh (La Pontificia commissione di archeologia sacra) tài trợ, nơi này sẽ sớm mở cửa trở lại trong vài ngày tới, sau khi hoàn tất mọi khâu bảo tồn vào ngày 29.5, theo trang tin Crux Now. Những hầm mộ này “đại diện cho lời chứng thực cụ thể và rõ ràng nhất về cái chết của người theo đạo Công giáo thuở ban đầu”, theo người quản lý các công trình nói trên Fabrizio Visconti.
Chưa đầy 1 năm sau kể từ khi nhà thám hiểm người Ý Christopher Columbus lên đường đến Tân thế giới, Antonio Bosio, nhà khảo cổ học người Malta luôn bị thôi thúc bởi lịch sử Kitô giáo thời kỳ đầu, đã bắt đầu cuộc thám hiểm một thế giới cổ xưa bên dưới thành Rome. Vào năm 1593, ông Bosio lần đầu bước vào Hầm mộ Domitilla, dưới quyền bảo hộ của Dòng Malta, và được vinh dự gọi là “Christopher Columbus của lòng đất Rome”. Giống như ông Columbus, nhà khảo cổ học Bosio lạc đường và đành phải nhờ đến một mẹo xưa là dùng cuộn chỉ để đánh dấu từng bước chân trong mê cung tăm tối.
Theo một giả thuyết, hầm mộ được đặt theo tên chủ đất là Flavia Domitilla, người đã được Thánh Phêrô cải đạo trước khi bị xử tử dưới thời hoàng đế Trajan vào thế kỷ thứ nhất. Chính bà là người ra lệnh cho xây nhóm hầm mộ đầu tiên của Domitilla. Sau vài thế kỷ, các đường hầm của cấu trúc rộng lớn này đã kéo dài đến 12 km, trải rộng suốt 4 tầng và chứa tổng cộng 26.250 ngôi mộ. Động lực thúc đẩy những người thời đó mở rộng hầm mộ là dựa trên thực tế rằng, những thánh tử đạo Nereus và Achilleus, vốn là lính La Mã cải đạo sang Kitô giáo, buông vũ khí và sống vì Chúa Giêsu, đã được chôn cất trong hầm mộ này. Cũng có thông tin cho rằng thánh Petronilla, con gái đỡ đầu của thánh Phêrô cũng được chôn tại đây. Tại hầm mộ có tranh vẽ bà trong trang phục mệnh phụ La Mã khi tiến nhập thiên đàng.
Cửa ngõ đến thiên đàng
Sự có mặt của những vị thánh nổi tiếng đã biến hầm mộ trở thành nơi đầy thu hút đối với các tín hữu Kitô và được nhiều người xem là “cửa ngõ đến thiên đàng”. Những Kitô hữu tiên phong đã hăm hở mở rộng và đào sâu hệ thống các đường hầm kết nối với nhau và tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên, tiếng tăm và hấp lực của hầm mộ mờ nhạt dần. Đến lúc Đức Giáo Hoàng Lêô III chuyển thánh tích của Nereus và Achilleus đến một nơi an toàn hơn, Domitilla từ từ rơi vào quên lãng.
Phải đến 500 năm sau, chuyên gia Bosio mới bước vào hầm mộ bị bỏ hoang, nhưng sự phát hiện này lại đánh động những kẻ cướp mộ. Hầm Flavian Hypogeum dẫn đến các tầng ngầm bên dưới đã bị cướp đi các bức tượng tiểu thiên thần có cánh trên bức họa lớn vẽ giàn nho. Khi một nhà khảo cổ học nổi tiếng khác của Ý là Gian Battista de Rossi bắt đầu các dự án khai quật vào năm 1874, ông phát hiện nhiều phần mộ đã bị cướp bóc những thứ có giá trị. Những bức họa trên tường đã bị phá hủy và phủ đầy những nét vẽ vằn vện. Chính ông Rossi là người đã đề nghị Đức Giáo Hoàng Piô IX thành lập tiền thân của Ủy ban Giáo hoàng về Khảo cổ Thánh ngày nay, đóng vai trò quan trọng đảm bảo công tác bảo tồn những cổ vật độc nhất vô nhị còn sót lại bên trong các hầm mộ.
Sự can thiệp đúng lúc
Trong 25 năm qua, Ủy ban đã theo dõi và chăm sóc khoảng 150 hầm mộ Kitô giáo ở Ý, 50 trong số này ở Rome và chứa nhiều tấm bích họa, với khoảng 70 nằm ở Domitilla. Các viện khảo cổ học Đức và Áo đã nhận 60.000 USD để khôi phục phân nửa số tranh ở hầm mộ nổi tiếng trở về trạng thái huy hoàng ban đầu, nhờ vào công nghệ laser hiện đại cho phép loại trừ dần những mảng bám làm mờ nhạt các khung hình. Bằng cách tách từng lớp một, sau gần 2 năm tỉ mỉ thao tác, những bức họa dần lấy lại chi tiết vốn có.
Căn phòng mang tên “Các thánh tông đồ nhỏ” cho thấy hình ảnh 12 vị đan xen với nhau trong những tư thế năng động và hiện đại. Hầm mộ bên dưới có bích họa vẽ Thánh Phêrô và Phaolô đứng kế một khung hình đen, chứa hình ảnh người được chôn cất. Căn phòng “Introductio” cho thấy thánh tử đạo Nereus và Achilleus ở trung tâm của mái vòm, dẫn lối các linh hồn mộ đạo đến Chúa Giêsu, để họ có thể đến được cổng thiên đàng. Xung quanh phòng đầy những chi tiết ca ngợi Thiên Chúa che chở nhân loại, từ hình ảnh bàn tay Người ngăn chặn Isaac giết đứa con duy nhất, đến cảnh Chúa Giêsu hóa phép ra nhiều bánh ở Cana.
Tuy nhiên, căn phòng được nhiều người xem là ấn tượng nhất trong mê cung hầm mộ là “Bakers” (tạm dịch “Chia bánh”), do nơi đây chứa một số bích họa đẹp đẽ nhất của toàn bộ Domitilla. Quanh phòng vẽ cảnh tượng thu thập và phân phát bánh mì, một phần cơ bản của đời sống La Mã cổ đại cũng như đóng vai trò là biểu tượng quan trọng của truyền thống Kitô giáo. Bên trên là hình ảnh các thánh tông đồ vây quanh Chúa Giêsu, bên dưới là cái tên “BOSIUS” được viết bằng những ký tự lớn, màu đen. Phần bên kia là bức họa vẽ cảnh một người chăn cừu cõng cừu trên vai, xung quanh là những kẻ ngoại đạo. Theo đánh giá của Đức ông Giovanni Carrù, Thư ký Ủy ban Giáo hoàng về Khảo cổ Thánh, điểm khiến căn phòng này đặc biệt thú vị là cách thức người xưa mô tả quãng đường “từ nền văn minh thần thoại đến văn hóa Kitô giáo”.
Chết không phải là kết thúc
Ủy ban cũng thành lập một viện bảo tàng nhỏ, gọi là “Myth, Time, Life” (Huyền thoại, Thời gian, Cuộc sống), trong đó trưng bày các cổ vật đã được tìm thấy bên trong các hầm mộ. Bên cạnh đó, phải kể đến Vương Cung Thánh Đường xây kế bên, nhằm mục đích tưởng niệm các thánh Nereus và Achilleus. Được xây theo kiểu nửa chôn vùi dưới mặt đất, nửa còn lại trồi lên, Vương Cung Thánh Đường đóng vai trò cầu nối giữa các hầm mộ và thế giới bên ngoài. “Những phần mộ này đại diện cho cội nguồn của bản thân chúng ta từ sâu thẳm, gốc rễ của Rome và của Kitô giáo”, theo nhận định của Đức Hồng y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Khảo cổ Thánh. Dù các hầm mộ nằm sâu trong lòng đất, những bức họa bên trong lại là tấm gương phản ảnh đời sống thường ngày trên bề mặt, để lại ký ức vĩnh viễn không xóa nhòa “về một khía cạnh khác của cuộc đời”, Đức Hồng y Ravasi bày tỏ như vậy trong cuộc họp báo công bố đã hoàn tất các dự án trùng tu Domitilla và chuẩn bị khai trương nơi này.
Nhờ ủy ban tài trợ, một lần nữa công trình chứng kiến những hoạt động của các Kitô hữu đời đầu trong nỗ lực tìm kiếm nơi yên nghỉ chờ đến ngày Phán Xét đã khôi phục lại diện mạo vốn có. Những người đi tiên phong đã đào sâu vào lòng đất, nhưng không phải tìm kiếm kho báu hoặc vàng bạc, mà nhằm tìm lối đến Thiên đàng, giống như lời của Đức ông Carrù đã nói: “Cái chết không phải là từ cuối cùng”.
LING LANG
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc