Thánh Tâm Chúa Giêsu: Tình yêu linh thánh

“Hãy học cùng ta, vì ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29b)

 

Từ nguyên thủy, trước khi có thời gian và thế giới tạo thành, Thiên Chúa đã hiện hữu, và duy nhất chỉ có mình Ngài. Tình yêu Thiên Chúa cũng đã có từ đời đời, ngày hôm nay và cho đến mãi mãi, và cũng chỉ có duy nhất tình yêu của Ngài mà thôi.

 

Chúng ta là tạo vật, là người thụ lãnh và truyền tải tình yêu Thiên Chúa. Nhưng chúng ta chỉ có thể thông truyền cho nhau, bao lâu chúng ta biết đón nhận tình yêu đến từ Ngài. Để diễn bày tình yêu, Thiên Chúa đã sai con một Ngài đến trần gian. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Đức Giêsu chính là cách thái Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài cho con người. Chỉ nhờ Người, và trong Người, chúng ta mới có thể đáp trả tình yêu linh thánh ấy.

 

Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là ngôi vị thần linh trong Ba Ngôi. Đồng thời, Ngài đã mang lấy thân phận con người, sống kiếp người giống hệt như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Ngài chính là Lời mà Thiên Chúa ngỏ trao. Ngài nói như một Thiên Chúa quyền năng, nhưng lại sử dụng ngôn ngữ loài người. Ngài đã ngỏ lời bằng những ngôn từ giản đơn của những cư dân Do thái thời xưa. Ngài sử dụng những hình ảnh rất đời thường, rất dung dị để biểu tỏ những chân lý cao siêu về mầu nhiệm Nước Trời. Từ những cánh chim trên bầu trời, những bông hoa ngoài đồng nội, đến những hạt giống được gieo vãi, những cây nho xum xuê đầy hoa trái… Khi muốn truyền đạt những sứ điệp quan trọng cho các học trò và đám đông, Ngài vay mượn những hình ảnh rất bình dân và gần gũi: “Anh em là muối ướp mặn cho đời, anh em là đèn sáng đặt trên đế cao…” Đặc biệt, khi muốn khải thị về mầu nhiệm tình yêu, Ngài dùng hình tượng một trái tim nhân loại như một chuẩn mẫu. Ngài nói: “Hãy học nơi Tôi, vì Tôi có một con tim hiền dịu và khiêm hạ. Anh em sẽ tìm được sự nghỉ ngơi và an bình”.

 

Những người đương thời với Đức Giêsu hiểu được những gì Ngài nói, đặc biệt nơi hình ảnh một trái tim yêu thương, một trái tim hiền lành và khiêm tốn. Đó là một quả tim nhân loại đã từng rung động trước cái chết của chàng thanh niên con trai bà góa thành Naim, đã từng thổn thức và rơi lệ trước ngôi mộ của một người bạn thân. Đồng thời, đó cũng là một trái tim mang chở cả một bầu trời lồng lộng yêu thương dành trao cho con người. Hiểu được điều ấy, những chàng ngư phủ Galilê cho dù dốt nát và quê mùa, nhưng đã dám bỏ lại thuyền và lưới, bỏ lại cha mẹ và vợ con, bỏ lại tất cả để đi theo Chúa. Các ông tiến sĩ luật thông thái đã ngồi lặng yên chăm chú trong hội đường để lắng nghe Ngài giảng. Ngay cả một anh thu thuế ngồi trước một đống tiền cao ngất ngưởng, đã dám quẳng lại tất cả để bước theo Ngài. Đám đông sau khi nghe Ngài, đã say sưa chăm chú đến độ quên đi cả mệt nhọc và gác lại những cơn đói cồn cào ruột gan. Những người đau yếu thì cố sức chen lấn để được sờ chạm đến Ngài… Bởi vì, tất cả những ai đến với Đức Giêsu đều có thể trải nghiệm sự bình an trong Ngài.

 

Ngày nay hơn bao giờ hết, chúng ta rất cần quy hướng về tình yêu cao cả và tuyệt vời ấy để tìm lại sự tĩnh lặng và an bình cho chính mình. Chúng ta đang sống trong một thế giới quá ồn ào; ồn ào vì những thông tin hổ lốn tràn ngập trên các trang mạng của thời đại kỹ thuật số; ồn ào vì quá nhiều những tiếng động ầm ĩ của giết chóc và bạo lực, và nhất là ồn ào vì những tiếng xào xạc của tiền bạc kéo lôi con người vào một lối sống ích kỷ và hưởng thụ. Chúng ta cần sự tĩnh lặng và nghỉ ngơi. “Hãy học với Ta, vì Ta có một con tim hiền dịu và khiêm nhường; Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi.” Trái tim Đức Giêsu chính là chân trời rộng mở của tình yêu, một tình yêu sâu xa và cao cả nhất mà Thiên Chúa đã hiến trao để đem lại cho ta sự an bình.

 

Hai ngàn năm trước, Đức Giêsu đã đến trần gian không phải để sáng lập một tôn giáo như nhiều người vẫn nghĩ tưởng. Ngài cũng không đến nhằm quảng bá hay cổ xúy một học thuyết chính trị. Ngài đến chỉ với một mục đích và một sứ mạng duy nhất mà Chúa Cha đã trao phó. Đó là công bố cho nhân loại một tin mừng: tin mừng về tình yêu Thiên Chúa ban trao cho loài người chúng ta. Cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá chính là lời công bố ấy, đồng thời Thập giá cũng là cách diễn bày tình yêu Thiên Chúa một cách tròn đầy và hoàn hảo nhất. Trong cuộc sống tại thế, Đức Giêsu đã thiết lập một ngôi trường, ngôi trường đó có tên gọi là ngôi trường tình yêu. Ngài đã quy tập những người học trò để dậy dỗ họ một môn học và môn học duy nhất đó cũng chính là về tình yêu. Ngài nhắc đi nhắc lại “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em; Cứ dấu này mọi người biết anh em là môn sinh của Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau; Không có tình yêu nào cao cả cho bằng mối tình của người hy sinh mạng sống cho người mình thương mến”. Tình yêu ấy được phác vẽ nơi Trái tim của Ngài, một trái tim bị đâm thâu trên Thập giá, tuôn chảy cho đến giọt nước và giọt máu cuối cùng. Trong bữa tiệc ly, môn đệ Gioan đã tựa đầu vào ngực Chúa để lắng nghe từng nhịp đập nơi trái tim yêu thương của Thầy mình. Cũng dưới chân Thập giá khi đứng bên Đức Maria, Gioan đã chứng kiến Trái tim Chúa mở toang khi bị người lính cầm giáo đâm thủng. Từ nơi trái tim đó, ông chiêm ngắm một dòng suối yêu thương tuôn chảy cho đến vô tận. Vì thế, trong sách Tin Mừng thứ tư và trong cả ba lá thơ Gioan để lại, hầu như Gioan chỉ nói về một chủ đề duy nhất: Tình yêu.

 

Thiên Chúa yêu thương từng mỗi con người chúng ta không loại trừ ai, cho dù người đó hiện như thế nào đi nữa. Một đứa con đi hoang vẫn được vòng tay yêu thương của cha nó ôm đón khi trở về. Một cô gái điếm vẫn có thể bình lặng ngồi bên chân Chúa để được Ngài đưa dẫn vào thế giới của huyền nhiệm và ngụp lặn trong thương mến. Thậm chí một tên cướp khét tiếng với một quá khứ đan kín tội ác, vẫn có thể là mội vị đại thánh, được Đức Giêsu mở cửa Thiên đàng trực tiếp đón đưa vào. Tình yêu Thiên Chúa là như thế. Tình yêu ấy luôn luôn là một mầu nhiệm khó hiểu, và dường như không thể hiểu nổi đối với đầu óc con người chúng ta.

 

Con người ngày hôm nay dễ bị chết vì đột quỵ hay suy tim. Con tim bị suy yếu do căng thẳng, do sợ hãi, do chán chường hay tuyệt vọng. Nơi mỗi người chúng ta đều có một quả tim có thể mang những mầm bệnh chết người này. Đây là những căn bệnh thể lý, nhưng có những căn bệnh của tâm hồn còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Nếu chúng ta sống với một trái tim bế tắc trong tuyệt vọng, nếu chúng ta mang chở nơi mình một trái tim nhét đầy dao găm và lưu đạn của oán thù, một trái tim rỗng tuếch sự cảm thương nhưng lại chất đầy tiền bạc của tham lam và ích kỷ, chúng ta sẽ chết với một quả tim bệnh hoạn như thế. Chúng ta sẽ ngã xuống không phải vì heart-attack, vì đột quỵ hay suy tim, nhưng sẽ chết trong vũng bùn nhớp nhúa của tội lỗi.

 

Để tinh luyện con tim mình, chúng ta hãy nhìn lên Thập giá Đức Giêsu, chiêm ngắm trái tim của Đấng bị đâm thâu để học nơi Ngài bài học căn bản và sâu xa nhất, như Ngài đã nói : “Anh em hãy học nơi tôi, vì tôi có một trái tim hiền dịu và khiêm hạ”. Chúng ta phải học, học nữa, học mãi, và ngồi học nơi ngôi trường tình yêu này, chúng ta sẽ chẳng bao giờ tốt nghiệp.

 

Văn Hào, SDB