Theo chân Thánh Biển Ðức

Giữa những thách đố của đời sống hiện đại thiên về hưởng thụ, dòng Biển Đức vẫn tiếp tục nếp sống đan tu, tuân thủ những quy luật nghiêm ngặt theo linh đạo của dòng thuở xưa.

Dòng Biển Đức đã hiện diện từ đầu thế kỷ thứ VI do thánh Biển Đức sáng lập. Thánh nhân sinh năm 480 trong một gia đình quý tộc tại miền Norcia, Ý. Thánh Biển Đức sớm được gởi đi học ở Rome nhưng nếp sống đô thị hào nhoáng vô đạo đức khiến ngài khiếp sợ. Ngài nảy sinh ý tưởng về một lối sống đan tu, rút lên núi sống đời cô tịch. Thánh nhân đến ẩn tu tại Enffide, sau đó sống hoàn toàn biệt cư trong một hang động ở Subiacô.  Sau 3 năm, danh tiếng thánh thiện của ngài đồn đi xa, có nhiều người biết đến. Họ đến cầu xin thánh nhân hướng dẫn thiêng liêng, một số xin ở lại. Về sau số người đến tu quá đông, ngài đã lập 12 đan viện nhỏ trong một quần thể ở Subiacô.

 

Tượng Thánh Biển Đức

 

Vào khoảng năm 529, ngài giao các đan viện ở Subiacô cho một số đồ đệ, rồi cùng những môn đệ khác tiến về miền Nam, lên đỉnh Monte Cassino lập một đan viện, cách Rôma 60 cây số.  Chính ngọn núi này là nơi quan phòng của Thiên Chúa để cho hạt giống chiêm tu Biển Đức phát triển mạnh mẽ. Cuốn “Luật Đan Sĩ” cũng đã được ra đời từ đây, như một di sản trước lúc ngài nhắm mắt lìa đời vào năm 547.

Hiện nay dòng Biển Đức có 20 đan hội, trong đó có đan hội Subiacô. Đan hội Subiacô trên toàn thế giới có 1.154 đan sĩ (khấn trọn và khấn tạm), 15 hiến sinh, 76 tập sinh, tổng cộng là 1.245 đan sĩ, có mặt khắp năm châu. Đan hội Subiacô chia thành 9 Tỉnh dòng, và mỗi Tỉnh dòng lại có nhiều đan viện. Bề trên Tổng quyền của dòng Biển Đức là cha Thống phụ; đứng đầu Đan hội là Đan phụ Chủ tịch, đứng đầu Tỉnh dòng là Tỉnh phụ và đứng đầu đan viện là Đan phụ hoặc Đan trưởng. Tỉnh dòng Biển Đức Việt Nam thuộc Đan hội Subiacô. Theo Hiến pháp của Đan hội Subiacô, Đan phụ Chủ tịch sẽ thăm viếng các tu hội theo định kỳ ba năm một lần.

Cổng dẫn vào Đan viện Thiên Phước

 

CON ĐƯỜNG THIÊNG LIÊNG

Thuộc tỉnh dòng Biển Đức Việt Nam, Đan viện Biển Đức Thiên Phước là “con út” trong đại gia đình Biển Đức (trước đó là Đan viện Thiên An – Huế, thành lập năm 1940; Đan viện Thiên Hòa – Buôn Ma Thuột, 1962; Đan viện Thiên Bình – Đồng Nai, 1970). Mùa hè 1972, nhà mẹ Thiên An và Đan viện trưởng, linh mục Tôma Châu Văn Đằng đã quyết định đưa các đan sĩ trẻ và tập sinh vào Sài Gòn tìm đất thành lập đan viện. Ngày nay, Đan viện Biển Đức Thiên Phước tọa lạc tại phường Tam Bình, Thủ Đức, trên mảnh đất rộng 39.000 m2. Khuôn viên rộng rãi, thoáng mát là nơi lý tưởng để các đan sĩ sống đời chiêm niệm và cầu nguyện. Tổng số nhân sự tại đan viện Thiên Phước khoảng 85 người, trong đó có 11 linh mục.

Dẫn chúng tôi tham quan đan viện, cha bề trên Luy Maria Trương Sinh chia sẻ: “Những ngày đầu khi mới về đây, cộng đoàn gặp rất nhiều khó khăn thiếu thốn, cả về nhân sự lẫn cơ sở hạ tầng. Nhưng nhờ ơn Chúa, từng bước một, anh em chúng tôi cố gắng gây dựng để có được cơ sở như ngày hôm nay.  Nếp sinh hoạt thường nhật của các đan sĩ luôn lấy linh đạo của thánh Biển Đức làm điểm tựa, đó là một lộ trình thiêng liêng nhằm dẫn tới cuộc đối thoại liên lỉ giữa con người và Thiên Chúa, bởi không có gì quý hơn lòng mến Chúa Kitô. Đời đan sĩ là cuộc đời tìm Chúa bằng cách siêng năng cầu nguyện, tham dự các giờ phụng vụ thánh lễ, giờ kinh. Đan sĩ luôn đặt Chúa là trung tâm đời sống của mình”.

Các đan sĩ trong nghi thức vĩnh khấn

 

Thiên Phước được bao quanh bởi rất nhiều cây xanh, ao hồ… đem lại một cảm giác tĩnh lặng và bình an. Đây cũng là bầu khí quan trọng để các đan sĩ dễ dàng kết hiệp với Thiên Chúa. Bằng cách đọc và suy niệm Lời Chúa, chính nơi Lời Chúa mà họ tìm được lẽ sống cho mình, là sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc đời dâng hiến.

Đối với một đan sĩ, việc sống trong cộng đoàn rất quan trọng, như lời thánh Biển Đức đã nói:
“Đan viện là trường học phụng sự Thiên Chúa, mà Thầy dạy là chính Chúa Thánh Thần”. Cha Luy Maria giải thích thêm: “Tại đan viện, các đan sĩ học tập từng bước trong tinh thần vâng phục và vui tươi. Mọi người tìm kiếm Chúa ngay chính nơi cộng đoàn mình phục vụ, với tất cả sự vâng lời, khiêm tốn, thinh lặng và yêu mến thần vụ. Nhờ vậy mà các đan sĩ sẽ trưởng thành hơn trong ơn gọi”.

LAO ĐỘNG ĐỂ SẺ CHIA

Bên cạnh việc chuyên tâm cầu nguyện, lao động chân tay chiếm một vị trí đặc biệt trong đời sống đan tu. Lao động chẳng những để mưu sinh, nhưng còn để chia sẻ với tha nhân và đồng thời cũng là phương thế để hy sinh hãm mình, giúp đan sĩ quân bình trong đời sống. Tại nơi chốn này, các đan sĩ sống bằng chính thành quả do bàn tay mình tạo ra. Bước vào Đan viện Thiên Phước, chúng tôi cảm tưởng như mình bước vào một ốc đảo thu nhỏ, có đầy đủ mọi thứ cần thiết để một người có thể sinh sống được. Có ao nuôi cá, chuồng nuôi bò, nuôi heo, có vườn rau, vườn hoa lan rực rỡ…, tất cả tạo nên một không gian lý tưởng để các đan sĩ vừa lao động vừa cầu nguyện. Cha Trương Sinh nhấn mạnh: “Đối với một đan sĩ, trong lao động cũng phải có cầu nguyện, phải chú tâm vào công việc mình đang làm, chứ không chỉ làm cho có, cho xong. Dĩ nhiên đời sống đan tu, không chỉ có lao động chân tay mà còn chú trọng tới lao động trí óc nữa”.

Đan viện Thiên Phước là nơi thường xuyên đón tiếp những đoàn khách đến tĩnh tâm cầu nguyện. Giáo dân có thể đăng ký theo gia đình hoặc nhóm người, tùy theo thời gian dài hoặc ngắn nhưng phải liên hệ đặt lịch trước. Địa thế biệt lập, thinh lặng rất thích hợp để những tâm hồn lấy lại cân bằng và bình an cho cuộc sống.

Chia sẻ về đời sống đan tu của mình, tu sĩ khấn tạm Nguyễn Đình Lưu (Nghệ An), ở đây được 7 năm, cho biết: “Ban đầu tôi cảm thấy lạ khi nghe một người quen giới thiệu về dòng chiêm niệm, đến khi tìm hiểu thì cảm thấy có một sức hút vô cùng đặc biệt. Môi trường yên tĩnh, bầu khí bình an khiến tôi quyết định gắn bó với nơi này, dâng hiến đời mình cho Chúa”. Còn đan sĩ Gioan Nguyễn Thành Thông, mới khấn trọn được một năm thì tâm tình: “Năm 2007 tự nhiên cảm thấy mình có ơn gọi, nhưng mà cũng phải suy xét tùy theo khả năng và độ yêu mến của mình với linh đạo nhà dòng. Hơn nữa đời sống đan tu không đặt nặng vấn đề mình có làm linh mục hay không, anh em sống chủ yếu là chiêm niệm và cầu nguyện, cho nên một khi đã quyết định dấn thân thì phải vâng phục, chấp nhận mọi quy luật của dòng. Điểm đặc biệt tôi yêu thích nữa là tu luật thánh Biển Đức đặt ra rất khoa học, có sự cân đối giữa thời gian lao động, học hành, cầu nguyện, vui chơi, giải trí và nghỉ ngơi”.

Trong bối cảnh xã hội nhiều biến đổi, con người đua nhau chạy theo những giá trị vật chất, hưởng thụ sự tiện nghi thì đời sống cách biệt và thinh lặng, lại có phần khắc khổ như các đan sĩ dòng Biển Đức vậy còn phù hợp không? Cha Luy Maria khẳng định: “Tiện nghi vật chất chỉ thỏa mãn được nhu cầu nhất thời chứ không bao giờ mang lại cảm giác bình an. Xã hội càng biến động bao nhiêu thì nhu cầu tâm linh càng lớn, con người luôn tìm kiếm những điều thiêng liêng và cao cả, nhất là khát vọng tìm về nguồn suối bình an tận sâu thẳm tâm hồn”.

NHÃ VĂN

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc