Xin cho con hỏi: con thấy Thiên Chúa trong Cựu Ước thật độc ác chứ chả nhân lành gì. Con nhớ có lần con xem phim “Exodus” và thấy cảnh Ngài giết chết những em bé ở Ai Cập chỉ để cứu dân Israel. Như vậy thật là tàn nhẫn quá! Tấm pano quảng cáo của bộ phim cũng cho rằng việc áp bức người dân là điều không tốt nhưng việc giết những trẻ em vô tội như vậy thì liệu có phải là quá tàn nhẫn. Các bạn con đã hỏi con nhưng con không biết trả lời ra sao?
Chào bạn,
Câu hỏi của bạn đã từng trở thành một luận cứ mà người ta vịn vào đó để chống lại tôn giáo (đặc biệt là Kitô giáo) và cho rằng không có một Thiên Chúa nhân lành tồn tại. Thật là nguy hiểm khi các nhà làm phim đã dựng lại những câu chuyện trong Cựu Ước nói riêng và Kinh Thánh nói chung mà không tìm cách chuyển tải cho đúng ý nghĩa thần học trong.
Soggin (1926 – 2010) một học giả nổi tiếng cho rằng chúng ta có rất ít các dữ kiện lịch sử chính xác liên quan đến dân tộc Israel trước khi nước này hình thành chế độ quân chủ (thời vua Saul, Davit… trở đi). Tất cả những gì mà khoa học có thể xác thực trước đó chỉ dựa vào những vết tích còn sót lại qua những mảnh gỗ, đá… được các nhà khảo cổ tìm thấy. Vào những năm 2000 BC, nền văn minh ở Ai Cập đã phát triển cao. Người ta tìm thấy một lá thư được cho là của một viên quan người Ai Cập, trong đó nói rằng Pharaon (vua Ai Cập) tỏ lòng hiếu khách với các bộ tộc đến từ Ê-đôm. Như thế, rất bình thường khi có những chuyến di dân của các dân du mục sống trong sa mạc tiến về Ai Cập để kiếm đồ ăn thức uống cũng như công việc. Bộ tộc mà sau này mang tên Israel có lẽ cũng không ngoại lệ. Người ta cho rằng Rammes là vị Pharaon vào thời các sắc dân di cư và định cư ở Ai Cập và vào thời vị Pharaon kế tiếp, Mernephtah, đám dân bị áp bức này rời khỏi Ai Cập, lúc đó vào khoảng năm 1200 BC. Còn việc họ đã ra đi như thế nào thì không ai biết.
Điều đầu tiên chúng ta phải chân nhận là Kinh Thánh không phải là một cuốn sách lịch sử thuần túy, đơn giản là bởi vì, nó không phải do các sử gia nghiên cứu và biên soạn lại những biến cố lịch sử. Cho dù Kinh Thánh (đặc biệt là Cựu Ước) có thuật lại lịch sử đi nữa thì chủ tâm của người viết cũng đã có ý hướng nó sang ý nghĩa thần học rồi. Cho nên, đọc Cựu Ước, chúng ta không nên nghĩ là những gì đã được mô tả là xảy ra răm rắp như vậy, đúng 100%, mà phải hiểu cho được ý nghĩa thâm sâu mà tác giả gửi gắm.
Một cách cụ thể, sẽ là ngớ ngẩn khi chúng ta tưởng tượng là lúc đó, Chúa ngồi trên trời rồi điều khiển rắn rết bò cạp châu chấu ếch nhái đến phá Pharaon. Rồi sau đó, Ngài làm cho lòng Pharaon trở nên cứng cỏi, không chịu tin, để rồi lại tiếp tục biến nước thành máu, rồi sai Thiên Sứ đi giết con đầu lòng của họ. Nếu hiểu như thế thì Thiên Chúa của mình vừa tàn ác, vừa bạo lực mà cũng vừa vô lý nữa.
Người viết lại trình thuật Xuất Hành này không phải là người trực tiếp chứng kiến các việc xảy ra. Họ chỉ nghe được câu chuyện này truyền lại từ bao đời trước, rồi mơ hồ tưởng tượng để viết lại thôi. Lúc này, tác giả có lẽ thuộc về thế hệ sau này, khi dân đã vào đất Canaan, lập nghiệp và sinh sôi nảy nở. Đây là lúc mà người dân bắt đầu nhìn lại chặng đường đã qua, đọc lại nó dưới cái nhìn đức tin. Tâm thức của người Do Thái ngày xưa luôn nghĩ rằng những gì xảy đến thường là do Chúa trực tiếp ra tay. Bạn hãy tưởng tượng nhé! Có một nhà văn, sau khi nghe kể lại câu chuyện ngày xửa ngày xưa này, biết là hồi trước dân Do Thái của mình làm nô lệ ở Ai Cập, bị áp bức, rồi có một nhân vật là Môsê lãnh đạo dân đứng dậy. Từ khi Môsê đi thương thuyết với Pharaon, có rất nhiều sự lạ xảy đến, nào là dịch bệnh, nào là mất mùa, thậm chí là chuyện nhiều trẻ em qua đời. Trước những biến cố ấy, Pharaon đã đồng ý bãi bỏ lệnh bắt người Do Thái làm nô lệ và trả tự do cho tất cả. Ông nhà văn đó ngẫm nghĩ lại những chuyện xảy ra, và tin rằng chắc có lẽ Chúa đã ra dấu chỉ, buộc Pharaon phải dừng lại những hành vi tàn ác của mình và thả hết những người nô lệ Do Thái. Và ông ta đã thêu dệt những tai ương kia thành một câu chuyện hoàn chỉnh, có tình tiết, cốt truyện, rồi gán cho Thiên Chúa là tác giả.
Để dễ hiểu hơn, bạn hãy tưởng tượng mấy trăm năm sau, người ta nghĩ về dịch bệnh Ebola, hay siêu bão ở Philippines, hay động đất ở Haity… Rồi để cho câu chuyện thêm hấp dẫn và hùng hồn, người ta sẽ nghĩ là chính Chúa đã giết chết những con người ấy. Nhưng chúng ta biết là Chúa đâu có hiện ra hay làm phép lạ gì để giết chết họ. Đó chỉ là một chuyện không may xảy đến theo quy luật của tự nhiên thôi. Câu chuyện những tai ương và cái chết của các em nhỏ trong trình thuật Xuất Hành cũng tương tự như vậy.
Vậy thì, khi tường thuật lại những gì đã xảy ra ở Ai Cập lúc đó, tác giả muốn nói ám chỉ điều gì? Chúng tôi xin mạn phép nêu ra một vài ý tưởng thần học mà tác giả nhắm đến.
- Thiên Chúa là Đấng trung tín. Ngài đã hứa với Apraham là sẽ gìn giữ hậu duệ của ông, thì dù con cái ông có bội ước, Người luôn giữ lời hứa.
- Thiên Chúa là Đấng quyền năng. Không một thế lực nào có thể chống lại Người. Sự dữ tuy có mạnh, nhưng cũng không bằng Thiên Chúa.
- Dân Do Thái chính là Dân thuộc về Thiên Chúa, hình ảnh của Giáo Hội ngày nay. Dân Chúa luôn bị bách hại, nhưng nếu biết cậy trông vào Chúa thì Người sẽ cho tai qua nạn khỏi.
- Pharaô mất đứa con đầu lòng là hình ảnh nói đến việc Thiên Chúa cũng mất đứa con đầu lòng của mình (Đức Giêsu chịu chết trên cây thập giá)
- Hình ảnh nhà nào có máu chiên bôi trên cửa thì không chết có ý nói rằng người nào/nhà nào được đóng ấn bằng máu của Đức Kitô thì không chết đời đời, nhưng được cứu.
- Cuộc vượt qua từ kiếp nô lệ thành người tự do tiên báo cuộc vượt qua từ thân phận phải chết thành con cái Thiên Chúa nhờ công nghiệp của Đức Kitô.
…
Như thế, nếu bạn đọc trình thuật sách Xuất Hành với một cái nhìn thần học, bạn sẽ thấy nó rất ý nghĩa và hệt như là cuộc tiên báo cho một biến cố sẽ xảy ra sau này trên đồi Canvê. Bạn sẽ thấy nơi đó là một Thiên Chúa vừa quyền năng (tiên liệu mọi sự), vừa yêu thương (muốn cứu mọi người), chứ không phải chỉ là chuyện nhiều người bị chết năm xưa.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ