Kính thưa quý vị thính giả ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi tiếp kiến chung hơn 70.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu sáng thứ tư hôm qua. Trong bài huấn dụ ĐTC bắt đầu giải thích các công việc của lòng thương xót. Ngài nói: trong các bài giáo lý trước đây chúng ta đã tìm hiểu mầu nhiệm lớn lao lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc suy tư về hành động của Thiên chúa Cha trong Cựu Ước; rồi qua các trình thuật tin mừng chúng ta đã thấy Chúa Giêsu thể hiện và nhập thể lòng thương xót đó như thế nào qua các lời nói và cử chỉ của Ngài. Ngài đã dậy các môn đệ: “Các con hãy thương xót như Thiên Chúa Cha” (Lc 6,36). Đó là một dấn thân gọi hỏi lương tâm và hoạt động của từng kitô hữu. Thật thế, chỉ sống kinh nghiệm lòng thương xót trong cuộc đời mình thôi không đủ; cần phải trở thành dấu chỉ và dụng cụ của lòng thương xót đối với những người khác nữa. Ngoài ra, lòng thương xót không chỉ được dành riêng cho những thời điểm đặc biệt, mà bao gồm toàn cuộc sống thường ngày của chúng ta.
Đề cập tới việc làm chứng cho lòng thương xót ĐTC nói:
Như vậy chúng ta có thề là chứng nhân của lòng thương xót thế nào đây? Chúng ta đừng nghĩ rằng nó chỉ là việc chu toàn các cố gắng lớn hay các cử chỉ siêu nhân. Chúa chỉ cho chúng ta một con đường rất đơn sơ, được làm bằng các cử chỉ nhỏ nhặt, nhưng có một giá trị lớn lao trước mắt Ngài, đến độ Ngài đã nói với chúng ra rằng chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên các cử chỉ đó. Một trong những trang đẹp nhất của Phúc Âm thánh Mátthêu ghi lại giáo huấn, mà chúng ta có thể coi như “di chúc của Chúa Giêsu” thánh sử để lại cho chúng ta; ngài là người đã sống kinh nghiệm hoạt động thương xót của Chúa đối với chính mình. Chúa Giêsu nói rằng mỗi khi chúng ta cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho người trần truồng áo quần để mặc, viếng thăm người đau yếu hay bị tù tội là chúng ta làm cho chính Ngài (Mt 25,31-46). Giáo Hội gọi các cử chỉ này là các “việc thương xót phần xác”, vì chúng cứu trợ con người trong các nhu cầu vật chất của họ.
Tuy nhiên, còn có 7 công việc bác ái tinh thần nữa liên quan tới các đòi hỏi cũng quan trọng như thế, nhất là ngày nay, bởi vì chúng đụng tới phần sâu xa thân thiết của con người và chúng thường khiến cho con người đau khổ nhất. Chúng ta tất cả chắc chắn nhớ một điều mà trong ngôn ngữ chung người nói là “Kiên nhẫn chịu đựng các người sách nhiễu chúng ta”. Và có những người quầy rầy. Có những người sách nhiễu. Xem ra là một điều ít quan trọng, khiến cho chúng ta mỉm cười, trái lại nó chứa đựng một tâm tình bác ái sâu xa; và đối với 6 công việc khác cũng vậy, cần phải nhớ: đó là khuyên bảo kẻ nghi ngờ, dậy đổ kẻ dốt nát, cảnh cáo kẻ có tội, an ủi kẻ sầu khổ, tha thứ cho kẻ xúc phạm đến ta và cầu nguyện cho kẻ sống và kẻ chết. Đó là những chuyện xảy ra mỗi ngày. “Tôi buồn sầu… “ “Vậy Thiên Chúa sẽ giúp anh, tôi không có giờ… “ Không! Tôi dừng lại, tôi lắng nghe, tôi mất giờ và an ủi anh ta, đó là một cử chỉ của lòng thương xót, và đó là cử chỉ không phải chỉ làm cho anh ấy, mà là làm cho Chúa Giêsu!
Chúng ta sẽ đề cập đến các công việc này trong các bài giáo lý tới, các công việc mà Giáo Hội giới thiệu với chúng ta như kiểu cụ thể sống lòng thương xót. Dọc dài các thế kỷ đã có biết bao nhiêu người đơn sơ thực thi và nêu gương đức tin tinh tuyền. Đàng khác Giáo Hội trung thành với Chúa đặc biệt yêu thương những người yếu đuối nhất. Thường khi những người gần chúng ta nhất là những người cần sự trợ giúp của chúng ta. Chúng ta không cần phải đi đâu xa để tìm xem phải thực hiện những gì. Và ĐTC khuyên mọi người như sau:
Tốt hơn là bắt đầu với những việc đơn sơ nhất, mà Chúa chỉ cho chúng ta như là các công việc cấp thiết nhất. Rất tiếc trong một thế giới bị nhiễm vi khuẩn của sự thờ ơ, các công việc của lòng thương xót là kháng tố tốt nhất. Thật vậy chúng giáo dục chúng ta chú ý tới các nhu cầu sơ đẳng nhất của các “anh chị em bé nhỏ nhất” (Mt 25,40), nơi họ Chúa Giêsu hiện diện. Chúa Giêsu luôn luôn hiện diện ở nơi đâu có một nhu cầu, có một người có một nhu cầu, vật chất cũng như tinh thần, là Chúa Giêsu ở đó.
Nhận biết gương mặt của Ngài nơi gương mặt của người cần được trợ giúp là một thách đố thực sự chống lại sự thờ ơ. Nó cho phép chúng ta luôn luôn tỉnh thức, tránh việc Chúa Kitô đi qua bên cạnh mà chúng ta không nhận ra Ngài. Câu nói của thánh Agostino trở lại trong tâm trí: “Tôi sợ Chúa Giêsu đi ngang qua” (Serm, 88,14,13). “Tôi sợ Chúa đi qua” và tôi không nhận ra Ngài, Chúa đi qua trước mặt tôi nơi một trong các người bé nhỏ, cần sự giúp đỡ và tôi không nhận ra đó là Chúa Giêsu. Tôi sợ Chúa đi ngang qua và không nhận ra Ngài.
Tôi tự hỏi tại sao thánh Agostino lại nói ngài sợ Chúa Giêsu đi ngang qua. Rất tiếc câu trả lời là thường khi chúng ta lo ra, thờ ơ trong cung cách sống của chúng ta, nên khi Chúa đi ngang qua gần chúng ta chúng ta mất đi dịp gặp gỡ Ngài, vì không nhận ra Ngài.
Các công việc của lòng thương xót thức tỉnh nơi chúng ta đòi buộc và khả năng khiến cho đức tin sống và hoạt động với lòng bác ái. Tôi xác tín rằng qua các cử chỉ đơn sơ thường ngày chúng ta có thể chu toàn một cuộc cách mạng văn hóa đích thực, như trong quá khứ. Nếu từng người trong chúng ta mỗi ngày làm một trong các việc của long thương xót, điều này sẽ là một cuộc cách mạng trên thế giới! Nhưng mà phải tất cả! Tùng người trong chúng ta.
Có biết bao nhiều vị Thánh ngày nay còn được nhớ tới không phải vì các công việc to lớn các ngài đã thực hiện được, nhưng bỏi tình bác ái mà các ngài đã biết thông truyền. Chúng ta hãy nhớ tới Mẹ Teresa Calcutta, mới đuợc phong thánh đây: chúng ta không nhớ tới mẹ vì biết bao nhà mẹ đã mở trên thế giới, nhưng bởi vì mẹ đã cúi xuống trên từng người mà mẹ tìm thấy ở ngoài đường và tái trao ban cho họ phẩm giá là người. Mẹ đã ôm trên tay biết bao nhiêu trẻ em bị bỏ rơi, mẹ đã đồng hành với biết bao nhiêu người hấp hối tới ngưỡng cửa của sự vĩnh cửu bằng cách cầm tay họ! Các công việc này của lòng thương xót là các nét trong Gương Mặt của Chúa Giêsu Kitô, Đấng lo lắng cho các anh em bé nhỏ nhất để đem tới cho từng người sự dịu hiền và gần gũi của Thiên Chúa. Ước chi Chúa Thánh Thần trợ giúp chúng ta, ước chi Chúa Thánh Thần đốt lên trong chúng ta ước muốn sống kiếu sống này: ít nhất mỗi ngày làm một trong các công việc của lòng thương xót, ít nhất là một công việc! Chúng ta hãy học thuộc lòng trở lại các công việc của lòng thương xót đối với thân xác và đối với tinh thần, và xin Chúa giúp chúng ta thực thi các công việc đó mỗi ngày, và trong lúc chúng ta trông thấy Chúa Giêsu nơi một người đang cần được giúp đỡ.
ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương nói tiếng Pháp, trong đó có các tín hữu thuộc các giáo phận Quimper, Le Havre và Cahors do các GM sở tại hướng dẫn; các tín hữu Haiti, Cộng hoà dân chủ Congo và Thụy Sĩ. Ngài cũng chào các nhóm hành hương nói tiếng Anh đến từ Anh quốc, Ai len, Đan Mạch, Ghana, Namibia, Nigeria, Australia, Niu Dilen, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines và Hoa Kỳ.
Ngài cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Đức đến từ các giáo phận Koeln, Essen, Muenster và Speyer, do các Giám Mục hướng dẫn, cũng như các chủng sinh giáo phận Mainz, giới trẻ giáo phận Trier và thân nhân bạn bè các tân linh mục trường Germanico Hungarico.
Ngoài các đoàn hành hương Tây Ban Nha ĐTC cũng chào các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha đặc biệt các đoàn hành hương thuộc các giáo phận Cabaneles, Cervaes, Sao Paolo và các thành viên cộng đoàn Shalom. Ngài cũng chào các nhóm Ba Lan, Slovac và Hungarie. ĐTC khích lệ mọi người siêng năng lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ trong tháng 10.
Trong số các đoàn hành hương Italia ĐTC chào tín hữu các giáo phận Cremona, Pescia, Anagni-Alatri và Conversano-Monopoli do các Giám Mục hướng dẫn; các nữ tu thánh Elidabét dang họp tổng tu nghị; các tham dự viên Đại hội các ca đoàn bình dân; các tham dự viên Hội nghị các đài phát thanh công giáo Âu châu; ban tổ chức và các tham dự viên trận đấu túc cầu “cho hoà bình và liên đới” tại thế vận hội Roma chiều thứ tư. Ngài cầu mong việc bước qua Cửa Thánh khích lệ từng người thực thi các công việc của lòng thương xót.
Chào đông đảo giới trẻ các bệnh nhân và các đôi tân hôn, ĐTC nhắc tới lễ nhớ thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII. Ngài chúc người trẻ noi gương sự hiền dịu và tình yêu hiền phụ của thánh nhân; các người bệnh cầu nguyện với thánh nhân trong những lúc khổ đau, và đương đầu với các khó khăn với sự kiên nhẫn của ngài; các đôi tân hôn biết học nơi thánh nhân nghệ thuật giáo dục con cái với sự hiền dịu và gương sáng.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 12.11.2016)