Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI và sự tham gia của phụ nữ

Đức Thánh Cha và sơ Nathalie Becquart

 Ngọc Yến

Báo Quan sát viên Roma phỏng vấn sơ Nathalie Becquart về sự tham gia của phụ nữ trong Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI

Hôm Chúa Nhật 10/10/2021, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô, chính thức khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XVI với tiến trình hai năm và sẽ nhóm họp đại hội vào tháng 10/2023, với chủ đề: “Vì một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”. Các Giáo phận trên thế giới cũng đã khai mạc tiến trình này vào Chúa nhật 17/10 vừa qua.

Đức Thánh Cha mong muốn Thượng Hội đồng lần này có nhiều thay đổi, đặc biệt trong tiến trình thực hiện. Theo Đức Hồng y Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, thay đổi cụ thể đó là mọi người, mọi thành phần Dân Chúa sẽ có thể lên tiếng nói.

Còn đối với sơ Nathalie Becquart, người Pháp, thuộc dòng nữ tu thánh Xavie, Phó Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, thì Thượng Hội đồng lần này tập trung vào sứ vụ; và để hiểu cách thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội, chúng ta cần phải tạo một hành trình, trên đó, mọi thành phần Dân Chúa lắng nghe nhau. Sơ nhấn mạnh rằng, mỗi bước của Thượng Hội đồng phải là một kinh nghiệm thiêng liêng, mọi thành phần Dân Chúa gặp nhau để chia sẻ những cảm nhận và kinh nghiệm, và như thế lắng nghe Thánh Thần, Đấng nói qua cuộc sống của tất cả những người đã được Rửa tội.

Sơ Beacquart sẽ là phụ nữ đầu tiên vào năm 2023 bỏ phiếu trong một Thượng Hội đồng gồm nhiều người nam. Nói về trách nhiệm này, sơ giải thích: “Tôi cảm thấy mình như một mắt xích nhỏ trong một xâu chuỗi dài: trước tôi đã có nhiều phụ nữ và nhiều giáo dân tích cực tham gia sứ vụ của Giáo hội. Quyền bỏ phiếu trong Thượng Hội đồng có thể giống như một ngọn đèn được thắp sáng, nhưng việc tôi được bổ nhiệm không thể tách rời khỏi toàn thể con đường mà phụ nữ đã thực hiện trong Giáo hội và từ thực tế của các Giáo hội địa phương, nơi phụ nữ có nhiều trách nhiệm và nhiều quyền. Vì vậy, cần phải tiếp tục đi theo con đường này. Hơn nữa, các Thượng Hội đồng trước đây đã nhấn mạnh về việc cần thiết lắng nghe các phụ nữ, trao tiếng nói cho họ và kêu gọi họ đồng trách nhiệm nhiều hơn nữa.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Báo Quan sát viên Roma, sơ Nathalie Becquart đã có những chia sẻ cụ thể về sự tham gia của phụ nữ trong Thượng Hội đồng lần này.

Xin sơ cho biết đóng góp của phụ nữ có giá trị như thế nào trong Thượng Hội đồng?

Tiến trình Thượng Hội đồng là một con đường mở. Vì vậy, theo tôi, chúng ta không nên có định kiến về những đóng góp của phụ nữ. Ngược lại, điều thực sự cần quan tâm là họ có dám nói ra và đảm nhận vị trí thuộc về họ hay không. Tôi muốn nói là phụ nữ phải mang theo những gì họ có. Về cơ bản, tôi tin rằng, những gì họ đang mang lại cách cụ thể là động lực của sự hiệp hành. Bởi vì họ thực sự mong muốn Giáo hội không còn là một Giáo hội của giáo sĩ dành cho những người được ưu tuyển, nơi một số người đưa ra những quyết định cho tất cả mọi người. Phụ nữ khao khát tham gia vào các quyết định của Giáo hội. Mặt khác, các Thượng Hội đồng gần đây đã nhấn mạnh rõ ràng về thách đố đối với vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong Giáo hội.

Tại sao phụ nữ mong muốn đảm nhận trách nhiệm trong Giáo hội?

Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử Giáo hội và xã hội, trong nhiều thế kỷ, hầu hết các quốc gia đã kế thừa não trạng gia trưởng. Ngay cả ngày nay, một số phụ nữ vẫn còn là nạn nhân của não trạng này. Phụ nữ bị thống trị ở khắp mọi nơi, họ không được phép làm phận sự của mình, không được lên tiếng nói và thể hiện tài năng. Phụ nữ mong muốn có các mối quan hệ bình đẳng hơn dựa trên sự tôn trọng. Và do đó, các tương quan này là một động lực mạnh mẽ của sự hiệp hành. Tôi thường nói trong Dân Chúa, phụ nữ và người trẻ đi đầu trong việc thực hiện và thúc đẩy tính hiệp hành.

Thực tế quá trình tham vấn chắc chắn vẫn sẽ dựa trên các cơ cấu hiện có. Một điều chắc chắn là trong một số Giáo hội địa phương, vai trò của phụ nữ vẫn còn bị đặt bên lề. Vậy phải thực hiện như thế nào?

Việc tham vấn chắc chắn sẽ bắt đầu từ các giáo phận. Các phong trào, các hiệp hội quốc tế của các tín hữu, các cộng đoàn dòng tu được mời tham gia. Tất cả những người đã được Rửa tội phải là đối tượng của cuộc tham vấn. Chính tại các Giáo hội địa phương, việc tham vấn với Dân Chúa phải diễn ra một cách bình thường, vì đây là nơi Giáo hội bước đi.

Tông hiến Episcopalis communio – Hiệp thông Giám mục – còn đề cập đến các viện giáo dục đại học hoặc các trường đại học Công giáo cũng là đối tượng của cuộc tham vấn. Hơn nữa, cũng như trong Thượng Hội đồng giới trẻ, có thể thấy trước rằng, các nhóm hoặc các cá nhân có thể gửi trực tiếp đóng góp của họ cho Ban Thư ký của Thượng Hội đồng. Như thế, phụ nữ có thể thể hiện tiếng nói của mình thông qua các hiệp hội mà họ thuộc về, và đặc biệt là các hiệp hội phụ nữ.

Một Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội lắng nghe. Vậy phải nghĩ thế nào khi nhiều phụ nữ vẫn có cảm tưởng họ không được lắng nghe?

Triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô bắt nguồn sâu xa từ những gì Công đồng Vatican II nói về Giáo hội được coi là Dân Chúa. Giáo hội, về bản chất, và do đó về mặt cơ cấu là hiệp hành. Vào những thế kỷ đầu của Giáo hội, việc điều hành của Giáo hội mang tính  đoàn thể và hiệp hành. Sau đó, điều này đã bị mất và ngày nay được tái phát hiện như hiệu quả của Công đồng Vatican II. Chỉ cần nhớ lại rằng, trong hiến chế Lumen gentium, chương II về Dân Chúa được đặt trước chương về phẩm trật. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rõ ràng rằng, ngoài tất cả sự khác biệt của chúng ta, trong Giáo hội, tất cả chúng ta đều có điểm chung là được Rửa tội. Thực tế vẫn là, để mọi thứ thay đổi, cần phải hoán cải não trạng và đồng thời cải cách cơ cấu. Tất nhiên, Thượng Hội đồng này sẽ không thay đổi mọi thứ ngay lập tức. Chúng tôi đã yêu cầu tất cả các giáo phận thành lập các nhóm hiệp hành có thể đồng hành và làm cho tiến trình công nghị được sống động. Chúng ta hy vọng rằng, ở những nơi rất cụ thể này, chúng ta sẽ mở ra nhiều hơn tầm quan trọng của việc làm việc nhóm, những người nam và nữ, giáo dân, những người thánh hiến, giáo sĩ. Hơn nữa, việc một người nam và một người nữ – cha Luis Marín de San Martín người Tây Ban Nha và tôi – được bổ nhiệm cùng một lúc làm Phó Tổng Thư ký Thượng Hội đồng có thể là một ví dụ cho các nơi khác. Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội trong đó chúng ta làm việc và phân định cùng nhau.

Sự năng động hiệp hành mới này có thể cũng làm dịu đi những căng thẳng và đòi hỏi trong một số Giáo hội không?

Tôi hiểu rằng, một số người có thể nghĩ rằng: mất quá nhiều thời gian nhưng sự thay đổi trong mọi thể chế không phải trong một ngày. Thách đố lớn nhất là những người nam và những người nữ có thể lắng nghe và hiểu nhau. Chúng tôi thực sự hy vọng Thượng Hội đồng này sẽ thúc đẩy một cuộc đối thoại mạnh mẽ hơn nữa giữa các vị mục tử và tín hữu. Điều này cũng cần phải tìm hiểu nhau, vượt qua sự e ngại, đôi khi phải quen dần.

Trong các Thượng Hội đồng gần đây, vấn đề bỏ phiếu của phụ nữ được mọi người quan tâm sâu sắc. Và việc sơ được bổ nhiệm gia tăng nhiều mong đợi. Sơ nhìn nhận thế nào về vấn đề bỏ phiếu của phụ nữ?

Tôi kết nối những gì Đức Hồng y Grech đã nói khi tôi được bổ nhiệm. Nhờ lời kêu gọi mà tôi đã nhận được và nhờ chức năng tôi thực hiện, một cánh cửa đã mở ra. Nhưng tôi không thể nói trước điều gì sẽ xảy ra. Tôi hiểu sự quan tâm được khơi dậy bởi vấn đề bỏ phiếu. Chúng ta đang sống trong các nền văn hóa dân chủ, nơi lá phiếu đóng một vai trò biểu tượng rất quan trọng. Nhưng khi chúng ta tìm hiểu sâu về Thượng Hội đồng là gì, chúng ta sẽ thấy rõ rằng, nếu tính năng động hoạt động tốt thì nó phải tạo ra một sự đồng thuận. Thực tế, cuộc bỏ phiếu diễn ra vào cuối quá trình khi tài liệu đúc kết đã được đồng ý. Trong Công đồng, hầu như tất cả các định chế và văn bản đã được biểu quyết gần như nhất trí. Và điều tương tự cũng xảy ra trong hội trường Thượng Hội đồng. Do đó, tôi không muốn làm giảm tầm quan trọng của cuộc bỏ phiếu. Nhưng điều có vẻ đặc biệt quan trọng đối với tôi, không phải là phụ nữ có thể bỏ phiếu, nhưng là họ có thể tham gia ngay từ đầu của quá trình xây dựng sự phân định chung dẫn đến sự đồng thuận. Thượng Hội đồng không phải là nghị viện; nó là một thực tại của con người -Thiên Chúa, được hướng dẫn bởi Thánh Linh.

Thượng Hội đồng có thể trở thành một bệ phóng canh tân và cải cách Giáo hội không?

Thượng Hội đồng Giám mục là một trong nhiều hình thức hiệp hành đang tồn tại. Thượng Hội đồng giáo phận là một hình thức thể chế khác của tính hiệp hành. Nhưng thách đố hiện nay không chỉ là có các Thượng Hội đồng, nhưng còn là chính phong cách của Giáo hội ở mọi cấp độ cũng trở thành hiệp hành. Ngày nay, chúng ta được mời gọi tiến tới một Giáo hội hiệp hành trong mọi trường hợp, ở mọi cấp độ, để thực sự làm cho tính hiệp hành trở thành một mô thức hoạt động hàng ngày. Trong các xã hội theo chủ nghĩa cá nhân của chúng ta, chúng ta thường đánh mất chiều kích cộng đoàn và Giáo hội trong đức tin của chúng ta. Hôm nay, chúng ta đang ở trong giai đoạn học lại tính hiệp hành. Tính hiệp hành đã hiện diện vào buổi bình minh của Giáo hội. Nhưng chúng ta không thể chỉ sao chép và dán: bối cảnh chúng ta đang sống là khác. Do đó, việc học lại này cũng trải qua kinh nghiệm sống.

Nguồn: vaticannews.va/vi/