Nhóm các chuyên gia nhóm họp tại Frascati
Salvatore Cernuzio
Hôm 27. 10. 2022, Thượng Hội Đồng Giám Mục công bố Tài liệu làm việc Giai đoạn Châu lục (the Document for the Continental Stage – DCS) nhằm cung cấp một “khuôn khổ tham chiếu” và tạo cơ sở cho chặng thứ hai của Thượng hội đồng về tính hiệp hành do Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra vào năm 2021. Tài liệu này dựa trên các bản tổng hợp được thu thập từ các Giáo hội của năm châu lục sau tiến trình tham vấn các tín hữu và cả những người ngoài Kitô giáo.
Họ là những người nghèo và người bản xứ, những gia đình, những người ly hôn tái hôn và những cha mẹ đơn thân, những người LGBTQ, và những phụ nữ cảm thấy bị loại trừ. Họ là những nạn nhân của lạm dụng tình dục, của nạn buôn người hoặc của phân biệt chủng tộc, sắc tộc. Họ là các linh mục, những linh mục hồi tục, và giáo dân; Họ là những Kitô hữu và những người “xa cách” Giáo hội, những người mong muốn cải cách về chức tư tế và vai trò của nữ giới, và những người “không cảm thấy thoải mái khi theo dõi các diễn biến phụng vụ của Công đồng Vatican II”. Họ là những người sống ở các quốc gia tử đạo, những người hàng ngày phải đối diện với bạo lực và xung đột, những người đấu tranh chống lại nạn phù thủy, và chủ nghĩa bộ lạc. Nói tóm lại, trong khoảng 45 trang, tài liệu có tựa đề “Hãy nới rộng lều của anh em” này bao gồm toàn thể nhân loại, với những vết thương và nỗi sợ hãi, với sự bất toàn và đòi hỏi của mình.
Bản Tổng hợp của các Giáo hội trên thế giới
Tài liệu sẽ là cơ sở cho công việc của giai đoạn thứ hai của lộ trình hiệp hành. Trong giai đoạn thứ nhất, các tín hữu của hầu hết mọi giáo phận trên thế giới đã tham gia tiến trình “lắng nghe và phân định”. Kết quả của các cuộc họp, hội nghị, đối thoại và các sáng kiến cải tiến – kể cả các công nghị kỹ thuật số – đã được chuyển thành các bản tổng hợp hoặc tóm tắt được gửi đến Ban Tổng Thư ký của Thượng hội đồng, và bây giờ tất cả đã được thu thập trong một tài liệu duy nhất: “Tài liệu cho giai đoạn Châu lục“.
Một “khuôn khổ tham chiếu”
Được soạn thảo bằng hai ngôn ngữ (tiếng Ý và tiếng Anh), Thánh Bộ giải thích rằng bản văn “nhằm tạo điều kiện cho những cuộc đối thoại giữa các Giáo hội địa phương và giữa Giáo hội địa phương với Giáo hội hoàn vũ”. Vì vậy, tài liệu không phải là một bản tóm tắt, không phải là một tài liệu giáo huấn, cũng không phải là một báo cáo đơn thuần về những kinh nghiệm địa phương, càng không phải là một phân tích xã hội học, hoặc một lộ trình với các mục đích hoặc mục tiêu cần đạt được, nhưng “Đây là một tài liệu làm việc nhằm cất lên tiếng nói của Dân Chúa, với những trực giác, những thắc mắc, những bất đồng của họ”. Các chuyên gia đã nhóm họp từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10. 2022 tại Frascati để soạn thảo văn bản nói về một “khuôn khổ tham chiếu” cho các Giáo hội địa phương và các Hội đồng Giám mục theo quan điểm của giai đoạn thứ ba và cuối cùng – giai đoạn phổ quát – với các phiên họp của các Giám mục sẽ được tiến hành tại Rôma vào tháng 10. 2023 và một lần nữa vào năm 2024, như Đức Giáo hoàng đã công bố gần đây.
“Không ai bị loại trừ”
Một cách cụ thể, Tài liệu ghi nhận “một loạt căng thẳng” mà lộ trình hiệp hành đã nêu bật: “Chúng ta không nên sợ hãi những căng thẳng này, nhưng trình bày rõ ràng chúng trong một tiến trình phân định cộng đồng liên tục, để khai thác chúng như một nguồn năng lượng, và không để chúng trở nên sự hủy diệt” (DCS, 71). Điều thiết yếu là “lắng nghe với sự cởi mở để chào đón” bắt đầu từ “mong muốn dung nạp triệt để”. Thật vậy, “Không ai bị loại trừ”, là một trong những khái niệm chính của Tài liệu.
Quả thực, các bản tổng kết cho thấy rằng nhiều cộng đồng đã hiểu hiệp hành tính là “một lời mời gọi lắng nghe những người cảm thấy bị đày ải khỏi Giáo hội”. Nhiều người cảm thấy “bị coi thường, bị bỏ rơi, bị hiểu lầm”, trước hết là “phụ nữ và giới trẻ không cảm thấy rằng năng khiếu và khả năng của họ được nhìn nhận”. Do đó, được lắng nghe một cách nghiêm túc là một trải nghiệm mang tính “biến đổi“.
Những linh mục đã rời tác vụ
Trong số những người yêu cầu một cuộc đối thoại triệt để hơn, và một không gian chào đón hơn, có những cựu linh mục đã rời tác vụ để kết hôn. Tài liệu chỉ ra rằng, “Cần phải đảm bảo các hình thức chào đón và bảo vệ thích hợp hơn đối với phụ nữ và con cái của các linh mục đã phá bỏ lời hứa độc thân, vốn là những người có nguy cơ phải chịu bất công và kỳ thị nặng nề“.
Chào đón những người đồng tính
Ngoài ra còn có những người, “vì nhiều lý do khác nhau, cảm thấy căng thẳng giữa việc thuộc về Giáo hội và các mối tương quan tình cảm của chính họ” nằm trong số những người tìm kiếm sự chào đón, chẳng hạn như “người ly hôn tái hôn, cha mẹ đơn thân, người sống trong hôn nhân đa thê, [và] người LGBTQ”.
Theo một đóng góp từ Hoa Kỳ, “Mọi người yêu cầu Giáo hội là nơi nương tựa cho những người bị tổn thương và đổ vỡ, chứ không phải là một tổ chức cho những người hoàn hảo”; trong khi đó, từ Lesotho mang đến lời kêu gọi Giáo hội hoàn vũ phải phân định: “Có một hiện tượng mới trong Giáo hội mà lần đầu tiên có ở Lesotho: quan hệ đồng tính. […] Sự mới lạ này gây lo lắng cho người Công giáo và cho những người coi đó là tội lỗi. Đáng ngạc nhiên là một số người Công giáo ở Lesotho đã bắt đầu thực hành hành vi này và mong muốn Giáo hội chấp nhận họ và cách hành xử của họ. […] Đây là một thách đố nan giải đối với Giáo hội vì những người này cảm thấy bị loại trừ”.
Điểm tương đồng và điểm khác biệt
Bất chấp những khác biệt về văn hóa, có thể thấy những điểm tương đồng đáng kể trên khắp các Châu lục liên quan đến những người bị coi là “bị loại trừ” trong xã hội và trong cộng đồng Kitô hữu. Tuy nhiên, có thể có nhiều trường hợp ngay cả trong cùng một Châu lục hoặc quốc gia. Bản tổng hợp của Nam Phi cho biết “Những vấn đề như giáo huấn của Giáo hội về phá thai, tránh thai, truyền chức cho phụ nữ, giáo sĩ đã kết hôn, độc thân, ly hôn và tái hôn, việc Rước lễ, đồng tính, và LGBTQIA+ đã được đề cập ở tất cả các Giáo phận, nông thôn cũng như thành thị. Tất nhiên, có những quan điểm khác nhau về những vấn đề này và không thể đưa ra lập trường dứt khoát của cộng đồng về bất kỳ vấn đề nào trong số này”.
Tiếng nói của người nghèo
Nhiều bản tổng hợp bày tỏ sự tiếc nuối và lo ngại rằng không phải mọi lúc và ở mọi nơi, Giáo hội đều có thể “tiếp cận một cách hiệu quả với người nghèo ở vùng ngoại biên và ở những nơi xa xôi hẻo lánh nhất”. Điều cần lưu ý là, theo Tài liệu người nghèo, không chỉ được hiểu là người nghèo túng, mà còn là người già neo đơn, người bản địa, người di cư, trẻ em đường phố, người nghiện rượu và ma túy, nạn nhân của nạn buôn người, nạn nhân bị lạm dụng, tù nhân, các nhóm bị kỳ thị và bạo lực vì chủng tộc, sắc tộc, giới tính, khuynh hướng tính dục. Tiếng nói của họ xuất hiện thường xuyên nhất bởi vì họ được những người khác đề cập đến. Và khi họ xuất hiện trong bản tổng hợp, những gương mặt này và tên gọi này kêu gọi “sự liên đới, đối thoại, đồng hành và chào đón”.
Cuộc khủng hoảng do lạm dụng
Nhiều Giáo hội địa phương báo cáo rằng họ đang phải đối diện với bối cảnh văn hóa được đánh dấu bằng sự suy giảm uy tín và lòng tin do cuộc khủng hoảng lạm dụng giáo sĩ. Như Tài liệu trích dẫn đóng góp từ Australia nêu rõ “Đây là một vết thương hở tiếp tục gây đau đớn cho nạn nhân và những người sống sót, gia đình và cộng đồng của họ. Ý thức được sự cấp bách mạnh mẽ để nhận ra sự kinh hoàng và tác hại, và để tăng cường nỗ lực bảo vệ những người dễ bị tổn thương, sửa chữa những thiệt hại đối với thẩm quyền đạo đức của Giáo hội và xây dựng lại lòng tin”. Hơn nữa, “Suy tư cẩn thận và đau đớn về tai họa của sự lạm dụng đã thúc đẩy nhiều nhóm hiệp hành kêu gọi thay đổi văn hóa trong Giáo hội nhằm hướng tới sự minh bạch, giải trình, và đồng trách nhiệm cao hơn”.
Sự tham gia và công nhận của phụ nữ
“Lời kêu gọi chuyển đổi văn hóa của Giáo hội… được liên kết cụ thể với khả năng thiết lập một văn hóa mới, với các thực hành, cấu trúc và thái độ mới”. Điều này trước hết liên quan đến vai trò của phụ nữ và ơn gọi của họ là “tham gia trọn vẹn vào đời sống của Giáo hội”. Đây là một điểm mấu chốt, được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, trong mọi bối cảnh văn hóa, và liên quan đến sự tham gia và công nhận của các nữ giáo dân và nữ tu. Trên thực tế, tất cả các Châu lục đều kêu gọi “phụ nữ Công giáo được coi trọng trước hết với tư cách là những người đã được lãnh phép Rửa và là thành viên của dân Chúa với phẩm giá bình đẳng”.
Có một nhận định hầu như đa số đó là nhiều phụ nữ “cảm thấy buồn vì cuộc sống của họ thường không được hiểu rõ”, và “sự đóng góp cũng như đặc sủng của họ không phải lúc nào cũng được coi trọng”. Bản tổng hợp của Đất Thánh cho thấy rõ về vấn đề này: “Trong một Giáo hội mà hầu hết tất cả những người ra quyết định đều là nam giới, có rất ít không gian để phụ nữ có thể cất lên tiếng nói của mình. Tuy nhiên, họ là cột trụ của các cộng đồng Giáo hội, vì họ đại diện cho đa số những người đi nhà thờ và vì họ là một trong số những thành viên tích cực nhất của Giáo hội”.
Tài liệu nêu rõ, “Giáo hội, vì thế, đối diện với hai thách đố liên quan với nhau: phụ nữ vẫn chiếm đa số trong số những người tham dự phụng vụ và tham gia các hoạt động, nam giới là thiểu số; nhưng hầu hết các vai trò ra quyết định và quản trị đều do nam giới nắm giữ. Rõ ràng là Giáo hội phải tìm cách thu hút nam giới trở thành thành viên tích cực hơn trong Giáo hội và tạo điều kiện cho nữ giới tham gia cách đầy đủ hơn vào mọi cấp độ của đời sống Giáo hội”.
Phân biệt đối xử với người khuyết tật
Người khuyết tật cũng nói về việc thiếu sự tham gia và được công nhận. Một báo cáo từ Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống cho biết: “Các hình thức phân biệt đối xử được liệt kê, đó là: thiếu sự lắng nghe, vi phạm quyền lựa chọn nơi ở và sống với ai, từ chối các bí tích, cáo buộc phù thủy, lạm dụng – và những thứ khác nữa, diễn tả văn hóa vứt bỏ đối với người khuyết tật. Tuy nhiên, những sự kỳ thị này “không xuất hiện một cách tình cờ, nhưng có chung một nguồn gốc đó là ý nghĩ cho rằng mạng sống của người khuyết tật kém giá trị hơn của người khác”.
Những chứng từ về sự bách hại và tử đạo
Tài liệu cũng nêu bật chứng tá đức tin đã sống mức tử đạo ở một số quốc gia, nơi các Kitô hữu, nhất là người trẻ, phải đối diện với “thách đố của việc bị cưỡng bức cải đạo có hệ thống sang các tôn giáo khác“.
“Có nhiều bản báo cáo nhấn mạnh sự bất an và bạo lực mà các nhóm thiểu số Kitô hữu bị đàn áp phải đối diện”. Người ta nói về sự cuồng tín, những vụ thảm sát, hoặc thậm chí, như Giáo hội Maronite khẳng định, “các hình thức kích động giáo phái và sắc tộc” đang biến chất thành các cuộc xung đột vũ trang và chính trị, khiến cuộc sống của rất nhiều tín hữu trên khắp thế giới trở nên hết sức đau khổ. Tuy nhiên, ngay cả trong những “hoàn cảnh mong manh” này, “các cộng đồng Kitô hữu biết nắm bắt lời mời gọi dành cho họ để xây dựng kinh nghiệm về tính hiệp hành, và suy tư về ý nghĩa của việc bước đi cùng nhau”.
Bảo vệ sự sống “mong manh”
Tài liệu cho biết “Nổi bật không kém là sự cam kết của Dân Chúa trong việc bảo vệ sự sống mong manh và bị đe dọa trong tất cả các giai đoạn của nó”. Ví dụ, đối với Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraina, “đặc biệt chú ý đến những phụ nữ quyết định phá thai vì sợ nghèo túng vật chất và bị gia đình từ chối ở Ukraina”; Đồng thời, “thúc đẩy công tác giáo dục cho những phụ nữ, những người được kêu gọi đưa ra sự lựa chọn có trách nhiệm khi trải qua giai đoạn khó khăn trong cuộc sống, nhằm mục đích giữ gìn và bảo vệ tính mạng của em bé chưa sinh và ngăn ngừa nạo phá thai; và chăm sóc cho phụ nữ mắc hội chứng sau phá thai” là một phần của tính hiệp hành.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va (27. 10. 2022)