Giáo hội đứng trước các cuộc khủng hoảng về giới trẻ, giáo sĩ sống đời độc thân và thiếu vai trò lãnh đạo của phụ nữ
Thượng Hội đồng Giám mục về giới trẻ được lên kế hoạch và thảo luận bởi những ông già. Vui nhưng cũng có buồn. Đôi khi người ta nói rằng Giáo hội Công giáo ngày nay đứng trước 3 cuộc khủng hoảng, tất cả đều do mình tự gây ra.
Thứ nhất là cuộc khủng hoảng về giáo sĩ sống đời độc thân, bùng nổ thành cuộc khủng hoảng linh mục phạm tội ấu dâm và hàng giáo phẩm thông đồng với họ.
Điều này từng được xem là vấn đề của “người Mỹ” – cho đến khi chúng ta nhận ra đây là vấn đề toàn cầu – có các linh mục phạm tội ở Mỹ Latinh, châu Âu, châu Phi và ngay cả ở Ấn Độ.
Cuộc khủng hoảng thứ hai là tình trạng thiếu vai trò lãnh đạo dành cho phụ nữ trong Giáo hội. Vào lúc này, đây vẫn còn gần như là một vấn đề ở phương Tây, nhưng giống như phong trào #Metoo gần đây, mạng xã hội làm cho mọi người cảm thấy nó phổ biến trong toàn Giáo hội hoàn vũ.
Phụ nữ – có học hành, có năng lực và tâm huyết – sẽ không chỉ được giao cắm hoa trên bàn thờ và hát trong ca đoàn. Họ cũng sẽ không bị loại ra ngoài bởi những lập luận thần học giả mạo và những lời viện dẫn giáo luật. Họ muốn có một vai trò quan trọng trong việc quản lý Giáo hội, và họ muốn điều đó bây giờ.
Cuộc khủng hoảng thứ 3 liên quan đến việc chăm sóc người trẻ. Thực ra đây là lý do của Thượng Hội đồng Giám mục hiện nay, Thượng Hội đồng thứ 15 được tổ chức kể từ Công đồng Vatican II, lấy chủ đề: ‘Người trẻ, Đức tin và Phân định Ơn gọi’.
Đức Thánh cha lo lắng cho dù có bao nhiêu người trẻ muốn chụp hình chung với ngài đi nữa, họ vẫn không thích đến nhà thờ. Trên thực tế, khắp châu Âu và nhiều nơi ở Mỹ các nhà thờ Công giáo trống rỗng đang được những người thuộc các tôn giáo khác mua lại!
Vì thế Thượng Hội đồng diễn ra từ ngày 3-25/10 là một cuộc thảo luận dài 3 tuần nhằm tìm hiểu người trẻ muốn gì từ Giáo hội. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng toàn bộ các cuộc thảo luận này được tổ chức bởi những quí ông, tuổi từ 55 trở lên.
Tuy nhiên, Đức Thánh cha Phanxicô đã bổ nhiệm khoảng 30 phụ nữ và nhiều bạn trẻ làm “cộng tác viên” và “quan sát viên” tại Thượng Hội đồng. Họ sẽ tham gia các cuộc thảo luận, nhưng sẽ không được bỏ phiếu chọn các đề xuất cuối cùng để trình Đức Thánh cha.
Vì thế điều đầu tiên mà các giám mục cần thừa nhận đó là họ không biết cách truyền giáo cho những người đương thời.
Điều thứ hai mà họ cần làm đó là lắng nghe người dân, lắng nghe người trẻ – đặc biệt là những người trẻ không đến nhà thờ.
Thực ra những người trẻ muốn gì?
Nhiều người nói rằng họ không muốn tôn giáo; họ cần linh đạo. Đây không chỉ là vấn đề về ngữ nghĩa học. Tôn giáo được hiểu như là một tập hợp tất cả các nghi lễ thờ tự, các quy tắc đạo đức và các tín điều mà các lãnh đạo tôn giáo áp đặt lên các thành viên, thường là bị đe dọa.
Trái lại ‘linh đạo’ được xem là một trải nghiệm mang lại tự do hơn. Nó đề cập đến thái độ, một sự kỷ luật nội tâm vốn cởi mở, bao quát và phát triển toàn diện.
Người trẻ thích các linh đạo phương Đông như yoga, Thiền, tu tiên; và hiện nay ngày càng thích một linh đạo ‘toàn cầu’ khắc sâu khái niệm bảo tồn, sống khổ hạnh và trách nhiệm quản lý.
Lấy thí dụ về vấn đề nghiêm trọng nhất đối với người trẻ ở Ấn Độ hiện nay: nạn thất nghiệp. Các thanh niên nam nữ tức giận vì không thể tìm được việc làm theo ý muốn, và do đó cảm thấy họ không có tương lai. Giáo hội nói gì với những người trẻ như thế?
Đức tin Công giáo theo như phát triển trong các thập niên qua, được xem là một hệ thống kiểm soát đạo đức, và hầu như không có gì khác, muốn mọi người tuân giữ giáo lý, nhưng không đưa ra những cách sáng tạo mới. Thật đáng buồn nhưng đây lại là sự thật.
Một sự mong muốn nữa nơi người trẻ ngày nay là tính cộng đồng, tình bằng hữu và mối liên kết. Giáo hội cổ vũ tính cộng đồng – nhưng là loại phân nhóm, phân cấp. Mỗi thành viên trong Giáo hội có vai trò và chức năng riêng (trong đó linh mục luôn ở trên hết), và tất cả đều được xem là do “Chúa ban”.
Nhưng tại sao phụ nữ lại không thể làm linh mục, những người trẻ hỏi? Và tại sao Giáo hội Công giáo kịch liệt phản đối giáo sĩ lập gia đình?
Nhiều năm trước, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đưa ra thuật ngữ “tân Phúc Âm hóa”, và Đức Thánh cha Bênêđictô XVI tiếp bước ngài. Có sự công nhận muộn màng rằng thế giới đã thay đổi và các hình thức công bố Phúc Âm trước đây không còn phù hợp. Thật đáng tiếc, toàn bộ kết quả của công cuộc tân Phúc Âm hóa là Giáo lý của Giáo hội Công giáo, và không có gì khác.
Nhưng chưa hề có người nào từng được truyền giáo bởi một cuốn sách giáo khoa. Chính con người, các cá nhân là người công bố Phúc Âm.
Hiện nay Đức Thánh cha Phanxicô đang chứng minh bằng lời nói và làm gương rằng cốt lõi của công cuộc tân Phúc Âm hóa là bác ái và lòng thương xót. Và bằng hành động – hôn chân các nữ tù nhân, ôm những người có khuôn mặt bị biến dạng, để các em nhỏ chạy quanh mình, ngài đã tạo ra một hình ảnh mới cho Giáo hội, cho Phúc Âm.
Đâu là những vấn đề chính thu hút sự chú ý của người trẻ hôm nay? Bất công liên tục. Bất bình đẳng gia tăng. Các vấn đề liên tôn giáo, đặc biệt là về hôn nhân và lòng khoan dung tôn giáo. Làm việc cho hòa giải giữa những người có lịch sử bạo lực. Và hầu như ở mọi nơi, chăm sóc môi trường trở thành một thách thức chính đối với người trẻ cũng như người lớn tuổi.
Theo các nhà tâm lý, khủng hoảng (theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘phán đoán’) vừa là thảm họa vừa là cơ hội. ‘Cách làm cũ’ đã không còn phù hợp.
Người ta nhận thấy không thể tiếp tục theo cách cũ được nữa. Vì thế khủng hoảng là giai đoạn rất dễ bị tổn thương. Giáo hội có thể bị tổn thương và tổn thương nặng. Nhưng khủng hoảng còn là cơ hội. Người ta có thể nắm bắt cơ hội này để làm khác đi, và không chỉ tồn tại mà lớn mạnh nữa được không? Khủng hoảng cũng có thể trở thành thời điểm phát triển thành một cái gì đó mới và đẹp đẽ.
Ba cuộc khủng hoảng trong Giáo hội hiện nay có khả năng canh tân Giáo hội giống như Phúc Âm. Nguyện xin cho Thượng Hội đồng (theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “bước đi cùng nhau”) dẫn chúng ta đến nơi Chúa muốn chúng ta đến.
(UCAN 17.10.2018)