Chào mừng! Chào mừng! Cha rất vui được gặp anh em. Chúng ta có một giờ tuyệt vời để ở bên nhau. Hãy bắt đầu đặt câu hỏi! Ai là người dũng cảm nhất đây? Tiến bước lên!
Thưa Đức Phanxicô, con xin giới thiệu nhóm, một tu sĩ Dòng Tên nói bằng tiếng Tây Ban Nha. Trước tiên xin chào mừng cha đến Singapore, thành phố sư tử! Con là một tu sĩ Dòng Tên đến từ Malaysia, và con mới được thụ phong linh mục… Xin coi con như là một em bé….
À, anh là người đầu tiên lên tiếng và cha nghĩ anh là Cha Giám tỉnh cơ đấy! [ĐGH cười lớn].
Con xin phép giới thiệu khu vực của chúng con. Chúng con có 25 tu sĩ Dòng Tên từ Miền Dòng Malaysia-Singapore, bao gồm cả Cha Giám tỉnh, người ở đây, bên cạnh con, và tên của ngài là Phanxicô giống như Đức Thánh Cha. Ngoài ra còn có một tu sĩ Dòng Tên đến từ Bangkok thuộc tỉnh Nam Phi và một người từ Đức. Trong Miền Dòng này, chúng con có 40 thành viên. Độ tuổi trung bình là 56. Hai phần ba là người Malaysia và một phần ba từ Singapore. Ơn gọi rất ít, và chỉ có một người trong số chúng con dưới 40 tuổi. Trung bình cứ hai năm lại có một tập sinh. Chúng con có ít người, nhưng rất nhiệt thành trong việc phục vụ Chúa. Chúng con có hai giáo xứ rất sôi động và năng động: một ở Singapore, xứ Thánh Ignatio; và một ở Malaysia, xứ Thánh Phanxicô Xaviê. Cả hai đều được thành lập vào năm 1961. Chúng con có hai Trung tâm Linh đạo, một ở Malaysia và một ở Singapore, và một trường cao đẳng ở Malaysia. Chúng con rất vui khi được biết Cha như một người anh em và người bạn trong Chúa. Cảm ơn cha đã dành thời gian cho chúng con!
ĐGH quay sang mọi người, cười nói:
Anh ấy biết cách tiếp thị sản phẩm! Hãy đặt cho cha những câu hỏi của anh ngay bây giờ!
Cuộc đối thoại tiếp tục bằng tiếng Anh, với bản dịch tiếng Ý.
Thưa Cha, sứ mệnh nào là quan trọng đối với chúng con, những người Dòng Tên ở Châu Á?
Cha không thực sự biết những đường lối chung của Dòng mang tính toàn cầu là gì, nhưng chắc chắn Cha Arrupe rất kiên quyết về sứ mạng ở Châu Á. Lời tạm biệt của ngài thực sự là ở Châu Á, khi ngài đến thăm trung tâm tị nạn ở Bangkok. Cha Arrupe đã nói vào thời điểm đó hai điều: làm việc với những người tị nạn và không từ bỏ cầu nguyện. Một công việc quan trọng của Dòng ở Châu Á là các trung tâm xã hội, tông đồ trí thức và giáo dục. Đôi khi người ta nghĩ rằng những người Dòng Tên hiện đại phải rời khỏi các trường học. Nhưng xin đừng làm vậy! Dòng đang có nhiệm vụ đào luyện trái tim và khối óc của con người. Điều này được thực hiện tốt nơi các trường học, và các giáo sư giáo dân. Cha tin rằng tông đồ giáo dục này là cần thiết ở khu vực Châu Á, cùng với tông đồ xã hội. Anh em có tạp chí nào ở Châu Á không? Các ấn phẩm của Dòng Tên cũng là một việc tông đồ quan trọng.
Cha muốn nhấn mạnh một điều: công việc của chúng ta là hội nhập đức tin và truyền bá văn hóa. Hãy để văn hóa được phúc âm hóa, hãy để đức tin được hội nhập văn hóa: đây là một nhận thức sâu sắc tuyệt vời của những người Dòng Tên đầu tiên. Hãy nghĩ đến những người Dòng Tên Trung Quốc đã hiểu điều này ngay lập tức! Sau đó, ở Roma, họ đã bị sốc; họ sợ hãi. Điều tồi tệ nhất đã xảy ra với các cộng đoàn ở Châu Mỹ Latinh, nơi đã bị đóng cửa vì lối suy nghĩ đô hộ, từ thẩm quyền, nhưng đó không phải là tinh thần của Chúa Giêsu. Cuối cùng, điều gì đã xảy ra? Các tu sĩ Dòng Tên đã bị chém đầu.
Con rất vui vì Cha muốn lắng nghe chúng con, và chúng con thậm chí còn vui hơn khi được lắng nghe cha. Con đã được cử đến làm việc trong Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của ĐGH. Con làm việc với những người trẻ tuổi, và họ đã sáng tác truyện tranh mà họ muốn Cha xem. Công việc này được gọi là “Tông đồ cầu nguyện” theo truyền thống được thực hiện với những người lớn tuổi, và bây giờ thay vào đó, nó cũng liên quan đến những người trẻ tuổi. Những người trẻ tuổi này rất tận tâm; tuy nhiên, khi đến lúc ai đó nghĩ đến việc tham gia cùng chúng con trong Dòng, họ thấy khó đưa ra quyết định.
Và tại sao?
Họ ngưỡng mộ chúng con, nhưng khi đến lúc tham gia cùng chúng con, họ lại chờ đợi, họ trì hoãn….
Ơn gọi là thế. Mỗi người chúng ta đều có sự giằng co đối với ơn gọi. Chúng ta phải giúp những người trẻ không chỉ suy nghĩ, mà còn cảm nhận và làm việc. Ví dụ, Cha biết về các giáo phận thành thị có một số giáo xứ có hoạt động mục vụ ban đêm gọi là “đêm đồng hành”. Ở những giáo xứ đó, những người trẻ nhiệt tình giúp đỡ người nghèo, cho họ ăn. Sau đó, họ có thời gian trưởng thành về đức tin của riêng mình. Không phải tất cả họ đều đi lễ vào Chúa Nhật hoặc là tín hữu, nhưng họ tiếp cận và trưởng thành bằng cách cam kết. Vào thời của Cha, việc loan báo Tin Mừng được thực hiện thông qua các hội thảo. Tuy nhiên, ngày nay, anh em phải chấp nhận những người trẻ như họ vốn có. Anh em phải đặt ra những thách thức về mặt xã hội, giáo dục mà họ cảm nhận và đồng hành với họ trong đức tin với sự dũng cảm và thận trọng.
Về tông đồ cầu nguyện: không phải là lỗi thời, không! Nó liên quan rất nhiều đến việc tôn thờ Thánh Tâm. Trong tháng tới, Cha sẽ công bố một lá thư về lòng sùng kính Thánh Tâm. Đây là một sứ mạng đúng nghĩa của Dòng Tên: lòng sùng kính Thánh Tâm; đó thực sự là việc của riêng chúng ta.
Con là Cha xứ của Nhà thờ thánh Ignatiô. Đây là câu hỏi đầu tiên: Khi ngài được bầu, con đã trả lời phỏng vấn trên TV và nói rằng thật không thể tưởng tượng được khi một tu sĩ Dòng Tên trở thành Giáo hoàng.
Đôi khi anh lầm đấy [ĐGH cười nói].
Câu hỏi của con là, đâu là thánh giá lớn nhất mà ngài phải mang khi là một tu sĩ Dòng Tên trở thành Giáo hoàng?
Làm Giáo hoàng là một thánh giá giống như cây thánh giá của anh em vậy. Tất cả các anh em đều có thánh giá của riêng mình. Chúa đồng hành với anh em, an ủi anh em, ban cho anh em sức mạnh. Nhiều khi anh em phải cầu nguyện rất nhiều để có được ánh sáng cho các quyết định. Nhưng mọi người đều phải làm như vậy. Một điều rất đẹp là thấy Chúa nói với anh em thông qua mọi người, nói với anh em thông qua những người có thể cầu nguyện tốt nhất, những người đơn thành. Ngay cả Cha xứ cũng có những cộng sự viên của mình, Giáo hoàng cũng vậy. Và làm Giáo hoàng phải lắng nghe rất nhiều. Sau đó, Cha cố gắng không đánh mất tính hài hước của mình. Điều này thực sự quan trọng. Khiếu hài hước rất lành mạnh. Có lẽ Cha nói hơi quá, nhưng làm Giáo hoàng không khó hơn hay khác biệt gì so với làm linh mục, nữ tu hay là giám mục. Tóm lại, điều đó có nghĩa là hãy ở nơi Chúa đã đặt anh em, theo đuổi ơn gọi của mình: đó không phải là việc đền tội.
Trong trường hợp của Cha, Cha đã đến mật nghị và dự tính, và Cha dự tính, “ĐGH sẽ sớm được bầu và ngài sẽ không nhậm chức vào Tuần Thánh, có thể sẽ là tuần tiếp theo”. Đó là lý do tại sao Cha đã đặt vé khứ hồi vào thứ Bảy trước Chúa Nhật Lễ Lá, để Cha có thể có mặt ở giáo phận nhà cử hành Tuần Thánh. Cha đã chuẩn bị sẵn các bài giảng cho Tuần Thánh. Vậy nên, Cha đã không mong đợi điều đó xảy ra. Đó là cách anh em làm mọi việc; anh em tiến về phía trước, như Chúa muốn. Cha đã đọc trong một cuốn sách của nhà báo Gerald O’Connell rằng khi Cha được bầu, một Hồng y đã nói với một Hồng y khác về Cha, “Đây sẽ là một thảm họa!” Chúa sẽ cho biết nếu cha đã là một thảm họa!
Cha bắt đầu nói về Cha Arrupe. Con đã làm việc hơn 25 năm với Trại tị nạn của Dòng Tên và hiện con đang làm việc ở phía bắc với những người tị nạn và cả với người Rohingya từ Myanmar. Con cũng đang làm việc cho Laudato Si’ ở Malaysia. Một thách thức lớn đối với con là mối liên hệ giữa đức tin và công lý. Con thấy nhiều tín hữu có lòng sùng kính, nhưng khi đức tin cần thể hiện trong công lý và sự quan tâm đến thụ tạo, thì mọi người lại quay lưng. Con thấy khó nói về cách Tin Mừng phải được diễn đạt bằng việc làm, sự lựa chọn, cuộc sống hàng ngày, phục vụ nhân loại đau khổ và thụ tạo. Đôi khi con cảm thấy nản lòng….
Một “vụ scandal” lớn, có thể nói như vậy, trong Dòng là Sắc lệnh IV nổi tiếng của Tổng hội XXXII [Tựa đề của Sắc lệnh là “Sứ mệnh của chúng ta ngày nay: Phục vụ đức tin và thúc đẩy công lý”]. Cha đã ở trong Tổng hội đó. Đúng vậy, nó đã gây ra một vụ bê bối lớn trong một nhóm tu sĩ Dòng Tên người Tây Ban Nha đang cố gắng làm mất uy tín của Cha Arrupe vì đã phản bội sứ mệnh của Dòng. Cha cũng nhớ rằng cha Arrupe đã bị Phủ Quốc vụ khanh triệu hồi vì một số lo ngại liên quan con đường mà Dòng đang đi. Và ngài luôn vâng lời. Đó là một thời gian rất khó khăn. Cha biết rõ tình hình đó, vì ở Tỉnh Dòng Argentina có một tu sĩ liên quan đến những người chống lại Tổng hội và cha Arrupe. Họ là những nhóm rất hiếu chiến. Cha đã gọi cho tu sĩ đó. Tu sĩ đó từng nói với Cha, “Ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi sẽ là khi tôi thấy cha Arrupe bị treo ở Quảng trường Thánh Phêrô.” Cha Arrupe đã chịu đựng điều này với lòng tha thứ và thương xót.
Khi Thánh Gioan Phaolô II bổ nhiệm Cha Paolo Dezza làm đại diện giáo hoàng cho Dòng, người vẫn tại vị cho đến khi bầu ra Bề trên Tổng quyền mới, cha Arrupe đã hôn tay vị đại diện. Ngài là người của Chúa. Cha đang làm mọi cách có thể để đưa ngài lên tôn kính trên các bàn thờ. Ngài thực sự là một tu sĩ Dòng Tên mẫu mực: ngài không sợ hãi, ngài không bao giờ buôn chuyện về người khác, ngài lao tác cho sự hội nhập văn hóa của đức tin và phúc âm hóa văn hóa. Một vài lần cha đã vào nhà thờ Giêsu ở Roma để cầu nguyện, và cha luôn đi ngang qua mộ của cha Arrupe. Phúc âm hóa văn hóa và hội nhập văn hóa về đức tin: đây là sứ mệnh cơ bản của Dòng.
Thưa ĐTC, con là một Cha xứ ở Malaysia. Con cảm thấy rằng chúng ta có nghĩa vụ phải quảng bá bản sắc Dòng Tên của mình. Và điều này cũng dễ dàng đối với chúng con vì ngài, vì ngài công khai và rõ ràng thể hiện ý nghĩa của việc trở thành “một người vì tha nhân”. Chúng con thu hút nhiều người trẻ, nhưng sau đó họ không vào Dòng, vì quá trình đào tạo rất dài và họ cảm thấy rằng chỉ những người rất thông minh mới có thể vào được. Câu hỏi của con là, làm thế nào để chúng ta thay đổi câu chuyện này? Chúng ta có nên tiếp tục duy trì các tiêu chuẩn cao và dành nhiều năm để đào tạo hay có lẽ chúng ta nên thay đổi?
Đừng bao giờ hạ thấp lý tưởng! Tất nhiên, anh em có thể sửa đổi cách chúng ta làm việc với những người trẻ tuổi, nhưng anh em không được hạ thấp lý tưởng. Những người trẻ tuổi khao khát sự chân thực. Ví dụ, hôm nay, trước khi lên máy bay, Cha đã có một cuộc họp với những người trẻ tuổi từ Đông Timor. Cha cảm thấy họ rất dũng cảm! Họ muốn cam kết và họ cần được đồng hành trong lý tưởng của mình. Sáng nay, cha đã nói với những người trẻ tuổi rằng, “Hãy tạo ra tiếng động”. Điều thứ hai Cha nói là họ cần chăm sóc người lớn tuổi. Mối quan hệ trực tiếp giữa những người trẻ tuổi và người lớn tuổi thực sự quan trọng đối với Cha. Làm việc với những người trẻ tuổi cần có sáng kiến mỗi ngày. Nó đòi hỏi sự sáng tạo. Và đừng bao giờ nản lòng.
Một trong những kinh nghiệm mà con đã gặp là các giám mục giáo phận không đánh giá cao ơn gọi tu dòng. Các ngài coi chúng con như thể chúng con là thành viên của hàng giáo sĩ giáo phận. Họ không có ý thức về đời sống tu trì như một đặc sủng được ban cho Giáo hội. Phải làm gì đây?
Tôi hiểu là anh nói đúng. Đây là vấn đề của toàn thể Giáo hội trên thế giới. Một vấn đề mà Cha liên hệ đến là việc bổ nhiệm giám mục cho một tu sĩ Dòng Tên. Chúng ta, những người Dòng Tên, phải nói “không”. Nhưng nếu Đức Giáo Hoàng muốn, thì vì lời khấn thứ tư và anh phải trả lời “vâng”. Cha xin chia sẻ kinh nghiệm của mình: Cha đã nói “không” hai lần. Có lần Cha được hỏi làm giám mục tại khu vực tàn tích của các nhà truyền giáo Dòng Tên cũ ở biên giới với Paraguay. Cha trả lời rằng Cha muốn làm linh mục chứ không phải người canh gác những tàn tích. Một lần khác, khi Cha ở Cordova, và ở đó, Sứ thần đã gọi điện cho Cha và nói rằng ngài muốn nói chuyện với Cha. Cha bị các bề trên của mình cấm ra khỏi thành phố: đó là khoảng thời gian rất đau khổ đối với cha. Vì vậy, Sứ thần đã nói với cha rằng ngài sẽ đến sân bay và gặp Cha ở đó. Ở đó, ngài nói với Cha: ĐGH đã bổ nhiệm cha làm giám mục, và đây là lá thư chấp thuận của Bề trên Tổng quyền. Vì vậy, mọi thứ đã được quyết định và giải quyết. Khi đó, Tổng quyền là cha Kolvenbach, một người của Chúa. Chúng ta, những người Dòng Tên, phải vâng theo Giáo hội. Thánh Inhaxio đã viết ra các quy tắc để “suy tư cùng Giáo hội”. Nếu ĐGH sai bạn đi truyền giáo, bạn phải tuân theo. Nhưng liên quan đến chức giám mục, bước đầu tiên luôn trả lời “không”.
Tầm nhìn của Cha về Giáo hội trong tương lai dưới ánh sáng của tính hiệp hành là gì? Mối quan hệ giữa Giáo hội địa phương và Giáo hội trung ương là gì?
Thượng Hội đồng mà chúng ta đang tiến hành là về tính hiệp hành. Thượng Hội đồng Giám mục ra đời từ một sáng kiến của Thánh Phaolô VI, bởi vì Giáo hội phương Tây đã mất đi chiều kích hiệp hành, trong khi Giáo hội phương Đông vẫn giữ được chiều kích này. Vào cuối Công đồng, Thánh Phaolô VI đã thành lập Ban thư ký cho Thượng hội đồng Giám mục để tất cả các Giám mục có thể có chiều kích hiệp hành về đối thoại. Năm 2001, cha đã tham dự Thượng hội đồng Giám mục. Cha đã thu thập tài liệu và sắp xếp chúng. Thư ký của Thượng hội đồng sẽ xem xét tài liệu và yêu cầu loại bỏ mục này hoặc mục kia đã được các nhóm khác nhau chấp thuận bỏ phiếu. Có những điều mà ngài không nghĩ là phù hợp, và ngài sẽ nói với, “Không, sẽ không có cuộc bỏ phiếu nào về điều kia, không có cuộc bỏ phiếu nào về điều này.” Nói tóm lại, người ta không hiểu một Thượng hội đồng là gì.
Một vấn đề khác là liệu chỉ có giám mục hay cả linh mục, giáo dân hay phụ nữ có thể bỏ phiếu. Trong Thượng Hội đồng này, đây là lần đầu tiên phụ nữ được bỏ phiếu. Điều này có nghĩa là gì? Rằng đã có sự phát triển để sống tính hiệp hành. Và đây là một ân sủng từ Chúa, bởi vì tính hiệp hành phải đạt được không chỉ ở cấp độ Giáo hội hoàn vũ, mà còn ở các Giáo hội địa phương, trong các giáo xứ, trong các tổ chức giáo dục. Tính hiệp hành là một giá trị của Giáo hội ở mọi cấp độ. Đó là một hành trình rất tốt. Điều này liên quan đến một điều khác, khả năng phân định. Tính hiệp hành là một ân sủng của Giáo hội. Đó không phải là nền dân chủ. Đó là một điều gì đó khác, và nó đòi hỏi sự phân định.
Thưa cha, con có hai câu hỏi. Con là một giáo viên. Cha đã nói chúng ta phải mơ ước. Cha có ước mơ gì cho chúng con ở Singapore? Vậy thì con muốn hỏi Cha một câu hỏi nữa, vì con không thể ngủ được đêm nay nếu không hỏi: Khi nào Matteo Ricci sẽ được tuyên thánh?
Matteo Ricci là một gương mặt vĩ đại. Luôn có những vấn đề, nhưng án cho ngài đang tiến triển và Cha muốn nó tiến triển. Chúng ta phải cầu nguyện để có những điều kiện phù hợp cho việc tuyên thánh. Rồi, Cha không biết ước mơ của mình là gì! Cha đang tiến về phía trước. Ví dụ: Cha được ở đây đã là một giấc mơ! Được lắng nghe Giáo hội ở đây để phục vụ Giáo hội tốt hơn, đây là một giấc mơ.
Nghĩ về Dòng, cha mơ về Dòng hiệp nhất, can đảm. Cha thích Dòng phạm sai lầm đi về hướng can đảm hơn là về phía an toàn. Nhưng người ta có thể nói, “Nếu chúng ta ở những nơi đấu tranh, ở biên giới, thì luôn có nguy cơ ‘trượt chân’ ….”. Và Cha trả lời, “Vậy thì cứ trượt chân!” Những ai luôn sợ mắc lỗi thì chẳng làm được gì trong cuộc sống. Hãy can đảm trong những tình huống khó khăn của công việc tông đồ! Can đảm, nhưng khiêm nhường với sự cởi mở hoàn toàn của lương tâm. Khi đó, cộng đoàn, Cha Giám tỉnh sẽ giúp anh em tiến về phía trước! Chúng ta nhận ân sủng lớn trong việc xét mình. Người Dòng Tên nào giấu giếm Bề trên sẽ có kết cục tồi tệ.
“Nhưng tôi xấu hổ khi phải nói với Bề trên về những lỗi lầm của mình,” anh em có thể nói. Nhưng chúng tôi, những Bề trên cũng phạm sai lầm; chúng ta là anh em. Bề trên cũng phải bày với Bề trên của mình. Bày tỏ lương tâm là một ân sủng lớn và cũng là một trách nhiệm lớn đối với Bề trên. Người ta phải rất khiêm nhường để đồng hành với anh em trong cuộc sống của họ. Một số người nói rằng việc xét mình là chống lại sự tự do. Không phải vậy. Bày tỏ lương tâm là một viên ngọc: chúng ta thể hiện cuộc sống của mình như chúng vốn có trước mặt Chúa, và Bề trên, người nhận thức được những thiếu sót của chính mình, sẽ đồng hành với anh em. Đây là tình huynh đệ của chúng ta.
Có lẽ sự xúc phạm thô lỗ nhất mà chúng ta có thể nhận được là việc trở thành kẻ đạo đức giả. Anh em thậm chí có thể tìm thấy nó trong từ điển: “Dòng Tên” cũng có nghĩa là “kẻ đạo đức giả”. Đây là một lời vu khống, vì ơn gọi của chúng ta phải trái ngược với sự giả hình. Bổn phận bày tỏ lương tâm là một đặc sủng của Dòng. Hiểu không?
Bây giờ chúng con có hai điều dành cho Cha: Trước hết là một con gấu bông hình Thánh Ignatio!
Anh em có biết rằng Thánh Ignatio có khiếu hài hước không? Và ngài rất kiên nhẫn. Hãy nghĩ đến sự kiên nhẫn mà ngài phải có với Simão Rodrigues và tất cả những người khác….
Và sau đó chúng con có hai gói đựng những ý nguyện do các tín hữu trong giáo xứ Singapore viết. Những lời nguyện ở đây để cha chúc lành.
Đây là điều khiến Cha xúc động! Cảm ơn anh em! Anh em rao giảng bằng lời cầu nguyện!
Hai gói đựng các ý nguyện đã được mang đến cho ĐGH. Sau khi lặng lẽ đặt tay lên đó, ngài đã ban phép lành.
Cảm ơn vì những gì anh em đã làm. Cha hứa rằng cha sẽ cầu nguyện để anh em giữ ơn gọi. Bây giờ chúng ta có thể cùng nhau cầu nguyện một Kinh Kính Mừng và sau đó Cha sẽ ban phép lành cho anh em. Cha sẽ tặng mỗi người một chuỗi Mân Côi, đích thân chào từng anh em. Hãy cầu nguyện cho Cha! Ủng hộ, không chống đối nhé!
Cha kể cho anh em nghe điều này vì có lần, sau buổi tiếp kiến chung ở Quảng trường Thánh Phêrô, cha gặp một bà lão dáng người nhỏ bé có đôi mắt đẹp. Bà là một người phụ nữ khiêm nhu. Cha đến gần bà, chào bà và nhìn vào đôi mắt đẹp của bà. Cha hỏi bà, “Bà bao nhiêu tuổi?” Bà nói, “87.” “Bà ăn gì để khỏe mạnh như vậy?” Và bà nói với Cha rằng bà làm món bánh nhân thịt ngon. “Xin cầu nguyện cho tôi!”, Cha nói với bà. “Con làm như vậy mỗi ngày đó” bà trả lời. Và Cha hỏi đùa bà, “Nhưng bà cầu nguyện cho [tôi] hay chống lại [tôi]?” Người phụ nữ nhìn Cha rồi chỉ vào Vatican và nói, “Người ta cầu nguyện chống lại ngài ở trong kia!”
Đình Chẩn chuyển ngữ
Nguồn: laciviltacattolica.com; truy cập ngày 26/09/2024
Hình: Vatican News