Tiến sĩ George Weigel, người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và hiện là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo, vừa có một bài viết trên tờ First Things hô hào rằng vụ Tòa án tối cao ở Úc minh oan cho Đức Hồng Y Pell cần phải khiến cho cả Giáo hội và các chính quyền trên thế giới suy nghĩ rõ ràng hơn, và hành động công bằng hơn, khi phải đối mặt với tội ác lạm dụng tình dục.
Biết bao các linh mục bị oan vì sự tín nhiệm đối với người khiếu nại, do các áp lực xã hội, trong quá nhiều trường hợp, đã được nâng lên thành tiêu chí duy nhất để xét xử. Bị cáo bị khẳng định ngay từ đầu có tội. Hành động như thế, người ta hủy bỏ hai trong số những trụ cột quan yếu của luật hình sự: đó là bị cáo phải được giả định là vô tội và nghĩa vụ của nhà nước là phải chứng minh được bị cáo thực sự có tội chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi một sự nghi ngờ hợp lý.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây: After Cardinal Pell’s Rightful Acquittal. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
After Cardinal Pell’s Rightful Acquittal
George Weigel
Sau phán quyết trắng án đúng đắn của Đức Hồng Y Pell
J.B. Đặng Minh An dịch
Quyết định đồng thanh của Tòa án tối cao của Úc bác bỏ các bản án chống lại Đức Hồng Y George Pell về tội “lạm dụng tình dục trong quá khứ” và khẳng định ngài hoàn toàn vô tội đã được hân hoan chào đón. Sự thật và công lý đã được phục hồi. Một người vô tội đã được giải thoát khỏi nhà tù. Hệ thống tư pháp hình sự ở tiểu bang Victoria được cơ quan tư pháp tối cao của Úc khiển trách rằng họ đã gây ra những sai trái nghiêm trọng. Những kẻ thù ghét Đức Hồng Y Pell trên các phương tiện truyền thông Úc đã được nhắc nhở rằng sức mạnh của họ có những giới hạn.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều cần được suy xét sau vụ án này, trong đó chứa đựng tất cả những dấu ấn tỏ tường đến mức trắng trợn của một cuộc săn phù thủy.
Phải chăng tập đoàn Phát thanh Truyền hình Úc (ABC) do chính phủ tài trợ đã thông đồng với một sở cảnh sát Victoria bại hoại trong một nỗ lực nhếch nhác để đào bới những tội ác bị cáo buộc mà trước đó chưa từng được báo cáo? Tại sao một vụ án yếu đến mức như vậy lại có thể được đưa ra xét xử, trong bối cảnh là các bằng chứng nhằm thuyết phục rằng những gì được cáo buộc đã xảy ra chỉ đơn giản là không thể xảy ra trong khung thời gian và tình huống mà người khiếu nại tố cáo? Tại sao bồi thẩm đoàn chưa bao giờ được thông báo rằng người khiếu nại có tiền sử về các vấn đề tâm lý? Bầu không khí đánh hội đồng ở Victoria có ảnh hưởng như thế nào đến bồi thẩm đoàn bế tắc trong phiên tòa đầu tiên xét xử Đức Hồng Y, và ảnh hưởng ra sao đến bản án có tội vô lý đến mức không thể nào hiểu được của bồi thẩm đoàn trong phiên tòa tái thẩm? Tại sao Đức Hồng Y bị cấm cử hành thánh lễ trong hơn 400 ngày, ngay cả trong khi bị biệt giam?
Đây là những câu hỏi thích đáng với nước Úc và cần được các cơ quan công quyền ở đó kiểm tra; ít nhất cần phải có một cuộc điều tra của quốc hội về hành vi của ABC và cảnh sát Victoria. Vụ án Đức Hồng Y Pell cũng có ý nghĩa đối với các quốc gia khác và đối với Giáo hội trên thế giới, khi các quan chức chính quyền và các nhà lãnh đạo Công Giáo tiếp tục vật lộn với bệnh dịch toàn xã hội về nạn lạm dụng tình dục người trẻ.
Đức Hồng Y Pell đã có hai phiên xét xử bồi thẩm vì ở bang Victoria, một bị cáo trong vụ án hình sự không thể yêu cầu được xét xử bởi một phiên tòa gồm toàn các thẩm phán, từ chuyên môn gọi là “bench trial”. Chắc chắn chính sách này cần phải được xem xét lại trong tất cả các khu vực tài phán mà nó đang có hiệu lực, do khó khăn cực độ của việc đưa ra một bồi thẩm đoàn không thiên vị trong các tình huống công chúng đang bị gây sốt bởi các phương tiện truyền thông như những phiên tòa xung quanh vụ Đức Hồng Y Pell (giống như vụ Salem ở Mỹ năm 1692, hoặc vụ án Dreyfus tại Pháp năm 1894).
Tại tiểu bang Victoria, một cáo buộc hình sự về lạm dụng tình dục có thể được đưa ra xét xử chỉ dựa thuần túy trên lời của người khiếu nại. Không cần phải có bằng chứng cụ thể của hành vi lạm dụng được cho là đã xảy ra. Điều này cần phải được xem xét lại, không chỉ ở Úc mà còn ở cả các quốc gia khác.
Vụ kiện của công tố viên chống lại Đức Hồng Y Pell thuần túy dựa trên sự tin tưởng vào người khiếu nại, ngoài ra không có gì khác. Hai thẩm phán đưa ra quyết định phúc thẩm vào mùa hè năm ngoái đã giữ nguyên lời kết tội Đức Hồng Y cũng viện dẫn sự tín nhiệm tương tự trong quyết định của họ. Có một cái gì đó sai lầm rất nghiêm trọng ở đây. Mặc dù, sự tin tưởng vào sự thành thật của người khiếu nại nên là sự khởi đầu của một chuỗi lý luận pháp lý, nhưng nó không phải là sự kết thúc của vấn đề. Vì nếu “sự tin tưởng nơi sự thành thật” của người khiếu nại là tiêu chí duy nhất để xét xử, thì khi đó việc bảo vệ một người bị phỉ báng thực sự là không thể nào có thể thực hiện được trong một vụ án lạm dụng tình dục (hoặc bất kỳ cáo buộc nào khác).
Khi nâng một tiêu chí của xét xử pháp lý, là sự tín nhiệm đối với người khiếu nại, lên thành tiêu chí duy nhất để xét xử, là khẳng định ngay từ đầu bị cáo có tội, prima facie, và hủy bỏ hai trong số những trụ cột quan yếu của luật hình sự: đó là bị cáo phải được giả định là vô tội và nghĩa vụ của nhà nước là phải chứng minh được bị cáo thực sự có tội chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi một sự nghi ngờ hợp lý. Phán quyết của Tòa án Tối cao phản đối mạnh mẽ sự tập trung phán xét hẹp hòi này, tương tự như những gì Thẩm phán Mark Weinberg nêu ra khi bất đồng quan điểm với quyết định phúc thẩm sai lầm hồi tháng 8 năm ngoái. Các bồi thẩm viên và những ai hành nghề pháp lý trên toàn thế giới nên chú ý điều này. Nếu không, tình cảm sẽ thay thế lý trí trong việc xét xử các vụ án hình sự, và đó thực sự là sự kết thúc của pháp luật.
Sự thiếu trách nhiệm của truyền thông không chỉ là vấn đề ở Úc. Tuy nhiên, ABC đã đặt ra một kỷ lục mới cho sự xấu xa của nó trong chiến dịch phỉ báng chống lại Giáo Hội Công Giáo và Đức Hồng Y Pell, khi mở một chiến dịch đạt đến độ sâu mới của sự bại hoại ngay cả khi Tòa án Tối cao đang xem xét quyết định kháng cáo. Và ABC là một dịch vụ phát sóng thuộc sở hữu công cộng. Do đó, cần phải có một số suy nghĩ nghiêm chỉnh về trách nhiệm công cộng của các đài truyền hình nhà nước trên toàn thế giới. Không ai có quyền dùng tự do ngôn luận hoặc quyền tự do báo chí để tham gia vào các hành vi cố ý phỉ báng tính cách của người khác, và càng chắc chắn rằng không ai có thể dùng tiền của người nộp thuế để thực hiện các hành vi khốn nạn như vậy.
Đức Hồng Y Pell đã được minh oan, nhưng những vấn đề khác tiếp theo vẫn chưa được giải quyết. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng việc trắng án của Đức Hồng Y giúp cả Giáo hội và các chính quyền suy nghĩ rõ ràng hơn, và hành động công bằng hơn, khi phải đối mặt với tội ác lạm dụng tình dục.
J.B. Đặng Minh An dịch
(Vietcatholic 18.04.2020/ The First Things)