Tiếp kiến chung 12-5-2021: Đức Thánh cha: Chúa Giêsu luôn ở với chúng ta, dù chúng ta không nhận ra Ngài

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung
Ngày 12.5.2021

ĐỨC THÁNH CHA: CHÚA GIÊSU LUÔN Ở VỚI CHÚNG TA,
DÙ CHÚNG TA KHÔNG NHẬN RA NGÀI

Giuse Trần Đức Anh, O.P.

 Sau sáu tháng tiếp kiến chung dưới dạng trực tuyến, từ thư viện dinh Tông tòa, tôn trọng các qui luật an ninh y tế, sáng thứ Tư, 12/5/2021, Đức Thánh Cha Phanxcô vui mừng gặp lại các tín hữu hành hương trong buổi tiếp kiến chung tại sân thánh Damaso, thuộc khuôn viên dinh Tông tòa. Đây là buổi tiếp kiến chung thứ mười bốn tính từ đầu năm nay.

Sân thánh Damaso thường là nơi đón tiếp các đoàn xe của các vị Quốc trưởng, thủ tướng hoặc các nhà ngoại giao cấp cao, hoặc làm nơi tuyên thệ ngày 6/5 hằng năm của các tân vệ binh Thụy Sĩ. Hiện diện tại sân này sáng nay, có khoảng bốn trăm tín hữu.

Tôn vinh Lời Chúa

Buổi tiếp kiến chính thức bắt đầu lúc 9 giờ 15 phút sáng, nhưng Đức Thánh Cha đến sân Damaso lúc 9 giờ để chào thăm các tín hữu. Họ nồng nhiệt chào đón ngài, tất cả đều mang khẩu trang. Trong số các tham dự viên cũng có một số linh mục trẻ và một nhóm nữ tu.

Bắt đầu buổi tiếp kiến là bài đọc ngắn, trích từ thánh vịnh thứ 10 (1.12-14):

“Lạy Chúa, sao Chúa nỡ đứng xa! Ngày khốn quẫn, sao Ngài lánh mặt? … Lạy Chúa, xin đứng dậy ra tay, xin đừng quên những người nghèo khổ. Sao kẻ ác dám khinh thường Thiên Chúa, dám nhủ thầm Chúa chẳng phạt đâu! Nhưng Chúa nhìn nỗi khổ cực đau thương, Chúa để ý tự tay lo liệu. Người yếu thế giao phó đời mình cho Chúa, kẻ mồ côi được chính Chúa phù trì”

Bài huấn giáo

Trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài về việc cầu nguyện và bài thứ 33 ngài trình bày hôm 12/5 có chủ đề là: “Cuộc chiến đấu kinh nguyện”.

Đức Thánh Cha ứng khẩu nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tôi hài lòng mở lại cuộc gặp gỡ diện đối diện này, vì nói trước mặt mà không có gì, trước một máy thu hình, là điều không đẹp lắm. Và bây giờ sau bao nhiêu tháng, nhờ lòng can đảm của Đức ông Sapienza, (trưởng ban tiếp kiến) chúng ta làm buổi tiếp kiến tại đây. Và gặp lại anh chị em, mỗi người có lịch sử riêng, những người đến từ các nơi, từ Italia, Hoa Kỳ, Colombia, có đội bóng với bốn anh em nhỏ người Thụy Sĩ, thiếu em gái nữa. Nhìn thấy mỗi người anh chị em, thật là điều hài lòng, vì tất cả chúng ta đều là anh em trong Chúa. Cả những người ở xa cũng trở nên gần gũi. Có sơ Genevière, đến từ Lunapark, những người làm việc. Cám ơn anh chị em vì sự hiện diện và viếng thăm của anh chị em. Hãy mang sứ điệp của tôi đến cho mọi người…

Khó khăn khi cầu nguyện

Về kinh nguyện Kitô, cũng như toàn thể cuộc sống Kitô hữu, không phải là “một cuộc đi dạo”. Trong số những vị cầu nguyện mà chúng ta gặp trong Kinh Thánh và trong lịch sử Giáo hội, không ai có một kinh nguyện “thoải mái”. Chắc chắn kinh nguyện này mang lại một an bình lớn, nhưng qua một cuộc chiến đấu nội tâm, nhiều khi cam go, có thể xảy ra trong những giai đoạn nhiều khi lâu dài trong cuộc sống. Cầu nguyện không phải là điều dễ dàng. Mỗi khi chúng ta muốn cầu nguyện, tự nhiên trong tâm trí xuất hiện bao nhiêu hoạt động khác, mà trong lúc bình thường những việc này có vẻ không quan trọng và cấp thiết như vậy. Hầu như sau khi hoãn lại việc cầu nguyện, chúng ta mới nhận thấy những việc đó không hề cấp thiết như thế, và thậm chí chúng ta còn phí phạm thời giờ vì chúng. Kẻ thù lường gạt chúng ta như vậy.

Kinh nghiệm của các thánh nhân khi cầu nguyện

Tất cả những người nam nữ của Thiên Chúa không phải chỉ kể lại niềm vui khi cầu nguyện, nhưng cả những nhàm chán và mệt mỏi mà kinh nguyện có thể tạo nên: trong một lúc nào ấy, kinh nguyện là một cuộc chiến đấu cam go nếu muốn trung thành với thời giờ và cách thức cầu nguyện. Vài vị thánh tiếp tục cầu nguyện, năm này qua năm kia, mà không cảm thấy hứng thú khi cầu nguyện, không cảm thấy sự hữu ích của kinh nguyện. Thinh lặng, cầu nguyện, sự tập trung là những tập luyện khó khăn, và nhiều khi bản tính con người nổi lên chống lại. Chúng ta thích ở nơi khác trên thế giới, chứ không ở đó để cầu nguyện, trên băng ghế nhà thờ để cầu kinh. Ai muốn cầu nguyện phải nhớ rằng đức tin không phải là dễ dàng, và đôi khi ta tiến bước trong tăm tối hầu như hoàn toàn, không có những điểm tham chiếu.

Những kẻ thù chống cầu nguyện

Sách Giáo lý liệt kê một danh sách dài những kẻ thù của cầu nguyện (Xc nn. 2726-2728). Có người nghi ngờ không biết kinh nguyện có thể thực sự đi tới Thiên Chúa toàn năng hay không: tại sao Thiên Chúa im lặng? Đứng trước sự bất khả lãnh hội về những sự thần linh, có những người khác nghi ngờ phải chăng kinh nguyện chỉ là một động tác tâm lý; một hoạt động có lẽ là hữu ích nhưng không thực sự cần thiết: thậm chí người ta có thể thực hành cầu nguyện mà không phải là tín hữu.

Khó khăn nhất đến từ nội tâm chúng ta

Nhưng những kẻ thù tai hại nhất của kinh nguyện là ở trong chúng ta. Sách Giáo lý gọi chúng là: “Nản chí trước những khô khan của chúng ta, buồn sầu vì không dâng hiến tất cả cho Chúa, vì chúng ta có “nhiều của cải”, thất vọng vì không được lắng nghe theo ý chúng ta, sự hãnh diện của chúng ta bị tổn thương khi cứ nhấn mạnh về sự bất xứng của chúng ta là kẻ tội lỗi, dị ứng đối với sự nhưng không của kinh nguyện” (n. 2728). Hiển nhiên đó chỉ là một danh sách tóm lược, có thể dài hơn nữa.

Vượt qua khó khăn và cám dỗ khi cầu nguyện

Vậy ta phải làm gì trong khi bị cám dỗ, khi mà tất cả dường như lung lay? Nếu chúng ta duyệt qua lịch sử tu đức, chúng ta nhận thấy ngay cách thức các vị tôn sư của linh hồn nhận rõ tình trạng mà chúng ta đã mô tả. Để khắc phục chúng, mỗi tôn sư ấy đã đóng góp một phần: một lời khôn ngoan, hoặc một gợi ý để đương đầu với những thời kỳ gặp khó khăn. Đây không phải là những lý thuyết được đề ra trong văn phòng, đúng hơn là những lời khuyên nảy sinh từ kinh nghiệm, chứng tỏ tầm quan trọng phải kháng cự và kiên trì trong kinh nguyện.

Thật là điều hay khi duyệt qua một số những lời khuyên ấy, vì mỗi lời đều đáng được đào sâu. Ví dụ cuốn “Linh thao” của thánh Ignatio Loyola là một cuốn sách nhỏ chứa đựng những khôn ngoan sâu xa, dạy cách xếp đặt thứ tự cuộc sống của ta. Sách ấy giúp hiểu rằng, đời sống Kitô là một cuộc chiến đấu, là quyết định ở dưới lá cờ của Chúa Giêsu Kitô chứ không phải dưới ngọn cờ của ma quỉ, cố gắng làm điều thiện cả khi nó trở thành khó khăn.

Chúng ta không lẻ loi khi chiến đấu

Trong những lúc thử thách, nên nhớ lại rằng chúng ta không lẻ loi, có ai đó canh chừng bên cạnh và bảo vệ chúng ta. Cả thánh Antôn Viện phụ, người sáng lập đời đan tu Kitô ở Ai Cập cũng đã đương đầu với những lúc kinh khủng, trong đó, kinh nguyện biến thành một cuộc chiến đấu cam go. Người viết tiểu sử thánh Antôn là thánh Atanasio, Giám mục thành Alexandria kể rằng: một trong những giai thoại tệ nhất xảy ra cho thánh Antôn là vào khoảng 35 tuổi, tuổi mà nhiều người thường gặp khủng hoảng. Thánh Antôn bị xáo trộn vì thử thách ấy, nhưng ngài chống cự. Sau cùng khi thanh thản trở lại, thánh nhân ngỏ lời với Chúa với giọng hầu như trách móc: “Chúa ở đâu? Tại sao Chúa không đến ngay để chấm dứt những đau khổ của con?”. Và Chúa Giêsu đáp: “Antôn, Cha vẫn ở đó. Nhưng Cha đợi xem con chiến đấu” (Cuộc đời thánh Antôn, 10).

Chúa luôn ở cạnh chúng ta

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Chúa Giêsu luôn ở với chúng ta: nếu trong một lúc mù quáng, chúng ta không nhận thấy sự hiện diện của Ngài, chúng ta sẽ thấy được trong tương lai. Nhiều khi chúng ta cũng lập lại cùng câu nói mà Tổ phụ Giacob một hôm đã nói: “Hẳn thật, Chúa ở đây mà tôi không biết” (St 28,16). Vào cuối đời, khi nhìn lại đằng sau, cả chúng ta cũng có thể nói: “Tôi tưởng mình cô độc, nhưng không phải vậy, Chúa Giêsu ở với tôi”.

Chào thăm và nhắn nhủ

Nối tiếp bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt chuyển ý tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha, kèm theo lời chào thăm của ngài.

Khi chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng “Ngày mai, tức là ngày 13/5, phụng vụ kính nhớ Đức Mẹ Fatima và kỷ niệm 40 năm thánh Gioan Phaolô II bị mưu sát. Thánh nhân thường nhấn mạnh với xác tín rằng: chính Đức Mẹ Fatima đã cứu thoát ngài. Biến cố này làm cho chúng ta ý thức rằng: cuộc sống chúng ta và lịch sử thế giới ở trong tay Chúa. Chúng ta hãy phó thác Giáo hội, bản thân và toàn thế giới cho Khiết Tâm Mẹ Maria. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình, cho đại dịch chấm dứt, cho chúng ta được tinh thần thống hối và hoán cải”.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha nói: “Trong tháng Năm này, tháng kính Đức thánh Trinh Nữ, tôi cầu xin sự bảo vệ từ trời cao của Đức Mẹ cho mỗi người trong anh chị em và cho gia đình mỗi người.

“Sau cùng, như thường lệ, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Anh chị em hãy năng chạy đến cùng Mẹ Maria, Mẹ các tín hữu! Những hình thức khác nhau để tôn sùng Đức Mẹ, và đặc biệt là kinh Mân Côi, sẽ giúp anh chị em sống hành trình đức tin và làm chứng tá Kitô.”

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh Cha.

 Nguồn: vietnamese.rvasia