Tiếp kiến chung ĐTC: Gia đình: người nam và người nữ (phần 2)

vlcsnap-2013-03-27-13h22m47s5-620x340

Sau đây là bài chia sẻ của ĐTC trong buổi tiếp kiến chung diễn ra tại Quảng Trường Thánh Phêrô, Vatican, vào sáng thứ tư, ngày 22.4.2015.

“Anh chị em thân mến,

Trong các bài giáo lý trước về gia đình, tôi đã nói nhiều về trình thuật đầu tiên về việc tạo dựng con người trong chương thứ nhất của sách Sáng Thế, viết rằng: “Thiên Chúa dựng nên con người giống Ngài. Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài, Ngài dựng nên con người có nam có nữ” (St 1,27).

Hôm nay, tôi muốn suy tư về trình thuật thứ hai trong chương thứ hai của sách Sáng Thế. Trong chương này, chúng ta đọc thấy rằng sau khi dựng nên trời đất, Thiên chúa “nắn thành con người từ bùn đất và thổi hơi vào lỗ mũi để ban sự sống và con người trở nên sống động” (2,7). Đây là đỉnh cao của công trình tạo dựng. Nhưng vẫn còn thiếu cái gì đó. Sau đó, Thiên Chúa đặt con người vào một khu vườn tuyệt đẹp để con người lao động và canh giữ nó.

Thánh Thần, Đấng linh hứng toàn bộ Kinh Thánh, đã nhận thấy rằng dù người nam giống hình ảnh Thiên Chúa nhưng khi không có người nữ thì cũng thiếu đi cái gì đó. Thiên Chúa thấy Adam trong vườn: dù tự do, dù cao trọng… nhưng chỉ có một mình. Và Thiên Chúa nhận thấy “điều này không tốt”: thiếu đi sự hiệp thông, thiếu đi sự tròn đầy. Thiên Chúa phán:”Như thế không tốt”. Rồi Ngài nói thêm: “Ta hãy làm nên một trợ tá tương xứng cho nó” (2,18)

Thiên Chúa dẫn đến trước con người tất cả mọi loài chim thú để con người đặt tên cho chúng. Đây là một hình ảnh khác cho thấy quyền bá chủ của con người trên mọi loài thụ tạo, nhưng con người không tìm thấy loài nào giống mình. Con người tiếp tục cô đơn. Cuối cùng, Thiên Chúa dẫn đến một người nữ, thế là con người vui mừng nhận thấy rằng người phụ nữ này, chỉ duy mình cô ấy, là một phần của chính mình: “Đây là xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (2,23). Có một sự phản chiếu, một sự hỗ tương. Để cho dễ hình dung, tôi xin lấy ví dụ này: khi một người chìa tay ra với người khác thì phải có một bàn tay khác chìa ra ở hướng ngược lại, nếu không sẽ không có sự hỗ tương. Cũng tương tự như vậy, người đàn ông thiếu đi cái gì đó để vươn đến sự tròn đầy, anh ta thiếu sự hỗ tương. Người nữ không phải là một “bản sao” của người đàn ông, nhưng đến trực tiếp từ công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa. Hình ảnh “xương sườn” không diễn tả sự thấp kém hay phục tùng, nhưng ngược lại, người nam và người nữ có cùng một bản thể và bổ túc cho nhau, vì họ có sự hỗ tương. Việc Thiên Chúa nắn thành người nữ khi người nam đang ngủ nhấn mạnh rằng người nữ không phải là một loài gì đó do con người tạo ra, nhưng là do Thiên Chúa làm nên. Điều này cũng nói thêm một điều: để có thể tìm thấy người nữ, và chúng ta có thể nói là để có thể tìm thấy tình yêu nơi người nữ, người nam trước hết phải mơ về cô ấy, rồi mới có thể tìm thấy cô ấy.

Niềm tin của Thiên Chúa vào người nam và vào người nữ, những người mà Thiên Chúa trao phó cả thế giới này cho, rất lớn, trực tiếp và đầy đủ. Ngài tin tưởng họ. Nhưng sự dữ đã gieo vào trong tâm trí họ sự ngờ vực, không tin tưởng nhau, nghi ngờ nhau. Cuối cùng, họ bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa, mệnh lệnh giúp bảo vệ họ. Họ rơi vào ảo tưởng muốn mình toàn năng, và chính ảo tưởng ấy làm nhơ uế tất cả và phá hủy sự hài hòa. Chúng ta cũng nhận thấy điều đó bên trong mình, rất nhiều lần.

Tội lỗi đã tạo ra sự khác biệt và chia rẽ giữa người nam với người nữ. Tương quan giữa họ bị đục khoét bởi nhiều hình thức lạm dụng và thống trị, những quyến rũ dối trá và thói kiêu ngạo, dẫn tới những thảm kịch và bạo lực. Có đầy dẫy những dấu tích như thế trong lịch sử. Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến những tiêu cực thái quá của những nền văn hóa gia trưởng. Chúng ta hãy nghĩ đến nhiều hình thức trọng nam khinh nữ, nơi mà nhiều người nữ bị xem là tầng lớp thứ hai. Chúng ta hãy nghĩ đến nạn bóc lột sức lao động và thương mại hóa cơ thể người nữ trong nền văn hóa truyền thông ngày nay. Chúng ta cũng hãy nghĩ đến những bùng nổ gần đây của việc không tin tưởng lẫn nhau, của việc nghi ngờ hay thậm chí là thù ghét nhau đang lan tràn trong nền văn hóa của chúng ta – đặc biệt là không tin tưởng phụ nữ – liên quan đến giao ước giữa người nam và người nữ, một giao ước vốn có khả năng thắt chặt thêm mối dây hiệp thông và bảo vệ phẩm giá trong sự khác biệt.

Nếu chúng ta không tìm thấy một bước nhảy cảm thông cho giao ước giữa người nam và người nữ, có thể che chở các thế hệ mới khỏi sự bất tin và lạnh lùng, thì con cái của chúng ta đã mất gốc ngay từ trong bụng mẹ. Sự suy đồi xã hội đối với giao ước vững chắc và mang tính sinh sản giữa người nam và người nữ chắc chắn là một sự mất mát dành cho tất cả mọi người. Chúng ta phải có sự tôn trọng dành cho hôn nhân và gia đình! Kinh Thánh đã nói với chúng ta một điều rất đẹp: người nam tìm thấy người nữ, họ tìm thấy nhau, và người nam phải bỏ mọi sự để chung sống cách tròn đầy với người nữ. Vì thế người nam phải lìa bỏ cha mẹ để đến với cô ấy. Điều này thật đẹp! Điều này bắt đầu một con đường. Người nam là tất cả đối với người nữ và người nữ là tất cả đối với người nam.

Bảo vệ giao ước giữa người nam và người nữ, đối với chúng ta, những Kitô hữu là một ơn gọi đòi hỏi sự dấn thân nhưng cũng rất lôi cuốn trong điều kiện hiện nay. Trình thuật về việc tạo dựng và tội lỗi trong sách Sáng Thế cũng cho chúng ta thấy một hình ảnh tuyệt đẹp: “Thiên Chúa lấy lá vả và làm cho người nam và người nữ áo che thân” (St 3,21). Đây là một hình ảnh đẹp nhắm đến cặp đôi tội lỗi, nói với chúng ta về sự dịu hiền của Thiên Chúa dành cho người nam và người nữ. Đây là một hình ảnh người cha che chở cho con người. Chính Thiên Chúa chăm sóc và bảo vệ tuyệt tác của mình.”

 

Chuyển dịch từ bản Ý ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ