Khi lên kế hoạch phát triển một khu nghỉ dưỡng cho các tín hữu Công giáo hành hương tại Galilee (Galilê), cha Juan M. Solana, Dòng Đạo binh Chúa Kitô, không thể nào ngờ được rằng đã tìm được thị trấn quê hương của Thánh Maria Madalena và một giáo đường cổ đại mà theo các chuyên gia khảo cổ học, nhiều khả năng là nơi Chúa Giêsu từng giảng đạo. Vào thời của Chúa, Magdala là một làng chài trù phú. Đây cũng là quê hương của bà Maria Madalena, tức Maria của thành Magdala theo Kinh Thánh. Ngôi làng nằm trên bờ biển phía tây của Galilee, nơi được Kinh Thánh ghi lại là vùng đất Chúa Giêsu sống, rao giảng cho muôn dân và thực hiện hầu hết các phép lạ tại đây.
Ảnh chụp từ trên không toàn bộ khu di tích – Ảnh: Populararcheoogy
Phát hiện bất ngờ
Theo tờ The New York Times, câu chuyện bắt đầu vào năm 2004. Cha Solana, người đứng đầu Viện Giáo hoàng Notre Dame thuộc Trung tâm Jerusalem, một khu phức hợp cung cấp nơi ăn chốn ở cho các tín hữu hành hương, nảy ra ý tưởng xây dựng một cơ sở tương tự tại vùng Galilee ở phía bắc Israel. Sau khi tìm kiếm địa điểm thích hợp, 4 khu đất thuộc sở hữu tư nhân đã được thu mua tại bờ biển tây bắc của Galilee, gần thị trấn nhỏ Migdal thuộc Israel và ngôi làng Ả Rập Al-Majdal đã bị tàn phá. Cả hai đều được cho từng là thị trấn cổ Magdala.
Kế hoạch của cha Solana là phá bỏ những túp lều trong khu nghỉ dưỡng cũ kỹ tên là Hawaii Beach, được xây vào thập niên 1960, và thay bằng khách sạn có sức chứa 300 khách, một nhà hàng và nơi cầu nguyện cho người hành hương. Các kiến trúc sư đã được thuê, và giấy phép xây dựng được cấp vào năm 2009. Thủ tục cuối cùng cần làm là tiến hành công tác đào bới theo yêu cầu bắt buộc cho mỗi công trình tại Israel, và đội ngũ chuyên gia khảo cổ cũng như các nhóm được Giáo hội Công giáo cử đến không nghĩ rằng họ có thể tìm được điều gì đáng giá tại đây.
Bản đồ cho taháy vị trí của Magdala – Ảnh: Google Maps
Tuy nhiên, khi đào đến độ sâu hơn 30 cm, một chiếc ghế bằng đá đã lộ diện, và kết quả kiểm tra cho thấy nó là một phần của di tích thuộc về một giáo đường cổ vào thế kỷ thứ nhất. Đây là một trong 7 giáo đường từ thời Đền thờ Thứ hai vẫn còn tồn tại đến giờ phút này, và cũng là giáo đường đầu tiên được tìm thấy ở bờ biển Galilee. Một đồng tiền cổ địa phương nằm trong một căn phòng đã được xác định có niên đại từ năm 29, thời điểm Chúa Giêsu sống tại Magdala, theo Kinh Thánh.
Magdala trong Kinh Thánh
Những người tham gia dự án lập tức nghĩ đến một đoạn trong Phúc Âm thánh Matthêu: “Thế rồi Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân”. Nơi dự định xây khu nghỉ dưỡng chỉ cách Capernaum (Caphanaum), trung tâm của các hoạt động của Chúa Giêsu, khoảng 7 km. Các chuyên gia nhanh chóng xác định đây không chỉ là địa điểm gần Magdala; mà nó chính là Magdala. Nỗ lực khai quật tiếp tục, các nhà khảo cổ học lần lượt tìm thấy một khu chợ thời cổ, một khu vực khác gồm nhiều căn phòng sát ngay những hồ nước, nhiều khả năng được sử dụng để ướp muối cá, đặc sản nổi tiếng thời đó của làng chài Magdala; một khu dinh thự lớn hoặc tòa nhà công cộng được khảm và gắn bích họa; khu vực của ngư dân với các lưỡi câu và đồ dùng đánh bắt thời cổ; và một phần của cảng biển thuộc thế kỷ thứ nhất. Giáo đường cổ đã được khai quật ngay tại điểm mà các kiến trúc sư lên kế hoạch xây nhà thờ Công giáo, nằm bên phải lối vào khách sạn theo trên bản vẽ. “Chúng ta có thể thấy được cảnh tượng Chúa Giêsu rao giảng cho những người ngồi trên các ghế đá của hội đường, đọc kinh Torah”, cha Solana nói.
Mắt xích thất lạc
“Chúng tôi vẫn chưa thực sự hiểu được quyền năng của khối đá này”, theo Arfan Najar, nhà khảo cổ học và đồng trưởng nhóm dẫn dắt dự án khai quật tại Magdala. Thế nhưng chuyên gia này cho rằng bất cứ người nào đã làm ra khối đá đó phải là người từng nhìn thấy tận mắt Đền thờ thứ hai. Ông Najar đánh giá việc tìm được Magdala, đã bị quân La Mã tàn phá trùng với thời điểm hủy hoại Đền thờ thứ hai, là một phát hiện đặc biệt quan trọng vì nơi này chưa từng bị can thiệp bởi bất cứ công trình nào sau đó. Từng tảng đá ở đây đều thuộc về thế kỷ thứ nhất. “Nó chính là mắt xích thất lạc lâu nay: Giai đoạn Chúa Giêsu ở Galilee”, ông kết luận.
Với việc phát hiện di tích quan trọng, đề án xây dựng được sửa đổi, nhưng giáo đường mới đã được xây xong, với bệ thờ được tạo thành hình giống như một con thuyền. “Chúa Giêsu thường đứng trên thuyền của Thánh Phêrô để giảng đạo cho đám đông, nên chúng tôi muốn tái dựng ý tưởng này ở đây”, theo cha Solana. Bên cạnh đó, giáo đường cổ cũng chứa một số cổ vật lạ thường, bao gồm một khối đá (có thể là một cái bàn) được khắc họa với chi tiết tỉ mỉ, gồm những cột và khung vòm; một cây đàn 7 nhánh của người Do Thái cổ với các vò rượu và dầu ở mỗi bên, một hoa hồng 12 lá và những chiếc xe ngựa bốc lửa. Khối đá này dường như là phiên bản thu nhỏ của Đền thờ thứ hai tại Jerusalem, đã bị hủy hoại vào năm 70, được trang hoàng thêm bằng các biểu tượng tưởng niệm Đền thờ thứ nhất.
Chuyên gia Arfan Najar và chiếc bàn đá bí ẩn – Ảnh: NPR
Trong khi đó, đồng trưởng nhóm Dina Gorni-Avshalom, đại diện cho Cơ quan Cổ vật Israel, nhận định rằng giáo đường và chiếc bàn đá đã cung cấp cơ hội chưa từng có cho giới khoa học tìm hiểu về bản chất của mối liên kết giữa người Do Thái ở phía bắc và đền thờ tại Jerusalem, cũng như mối quan hệ giữa Do Thái giáo và Công giáo đời đầu. Trên hết, bà cho rằng đã thu thập được “chứng cứ thích đáng” để đưa ra kết luận rằng Chúa Giêsu từng đặt chân đến nơi này.
Ling Lang
“Chúng ta có thể thấy được cảnh tượng Chúa Giêsu rao giảng cho những người ngồi trên các ghế đá của hội đường, đọc kinh Torah”, theo cha Solana.
Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc