Tình huynh đệ giữa Đức Phanxicô và Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức sau 4 năm

Ngày 11/02/2013, Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức đã thông báo quyết định từ chức. 4 năm trôi qua, quyết định của ngài có thể được mọi người hiểu cách sâu sắc hơn nhờ tình huynh đệ ngoại thường giữa ngài và Đức Giáo hoàng đương kim Phanxicô.

2popes.jpg

Trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Alessandro Gisotti, cha Lombardi, nguyên Giám đốc đài Vatican và Giám đốc phòng Báo chí Tòa Thánh, hiện là Giám đốc Quỹ Joseph Ratzinger-Benedetto XVI, đã nói về chứng tá mà Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức để lại cho Giáo hội trong những năm ẩn dật và cầu nguyện này.

 

Cha Lombardi cho biết là cách sống của Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức trong những năm này đúng với những gì ngài đã nói, đó là sống trong cầu nguyện, trong ẩn dật, từ quan điểm thiêng liêng và sự kín đáo cao độ, sự đồng hành của ngài với đời sống của Giáo hội trong lời cầu nguyện và cả sự liên đới với đấng kế vị của ngài trong trách nhiệm. Điều này đang xảy ra với sự thanh thản hoàn toàn.

 

Trong những tháng gần đây, cha Lombardi cũng có cơ hội gặp Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức. Cha hy vọng được gặp ngài nhiều hơn khi cha chịu trách nhiệm về Quỹ Joseph Ratzinger-Benedetto XVI. Cha nhận thấy Đức nguyên Giáo hoàng hoàn toàn sáng suốt về tinh thần cũng như trí tuệ, và đối với cha, gặp gỡ ngài thật là một niềm vui. Cha cho biết, thời gian qua, dĩ nhiên sức khỏe thể lý của Đức nguyên Giáo hoàng có giảm đi, nhưng tinh thần và trí óc của ngài vẫn minh mẫn. Đức nguyên Giáo hoàng không có bệnh tình gì đáng lo lắng; dù có yếu đi nhưng ngài vẫn đi lại trong nhà được.

 

Theo cha Lombardi, chứng tá đẹp nhất mà Đức nguyên Giáo hoàng đang để lại cho Giáo hội chính là đời sống cầu nguyện, với Chúa ở trung tâm, với đức tin như là ý nghĩa của cuộc sống chúng ta, sống tuổi già như thời gian chuẩn bị và quen thuộc với Thiên Chúa mà Đức nguyên Giáo hoàng chuẩn bị gặp gỡ. Cha tin rằng thật là tốt đẹp khi có Đức nguyên Giáo hoàng cầu nguyện cho Giáo hội, cho vị kế vị của ngài. Chúng ta cảm thấy được sự hiện diện của ngài, chúng ta biết là ngài hiện diện dù chúng ta không thường xuyên nhìn thấy ngài. Chúng ta cảm thấy ngài hiện diện với chúng ta; ngài đồng hành, an ủi và làm cho chúng ta an lòng.

 

Là người biết rõ về Đức Giáo hoàng Phanxicô và cả Đức nguyên Giáo hoàng, cha Lombardi nói về mối liên hệ hết sức an hòa và bình thường giữa hai vị. Trong lần cuối cùng gặp các Hồng y về Roma chuẩn bị Công nghị Hồng y, Đức Giáo hoàng Biển đức lúc bấy giờ đã hứa vâng phục, kính trọng người kế vị mình và ngài đã thực hiện điều ngài đã nói với sự gần gũi thanh thản trong tinh thần mà chắc chắn Đức Giáo hoàng Phanxicô cảm thấy được, như ngài đã nhắc đến nhiều lần. Mối liên hệ giữa hai vị Giáo hoàng được phát triển qua những cuộc viếng thăm, trò chuyện qua điện thoại của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Cha Lombardi khẳng định là chúng ta cảm thấy mối liên hệ thân tình, kính trọng và tương trợ tinh thần của hai Giáo hoàng, dù không được viết ra nhưng có thật và rất đẹp. Cha nói: “Những lần chúng ta nhìn thấy hình ảnh Đức Giáo hoàng Phanxicô cùng với vị tiền nhiệm của ngài – Đức nguyên Giáo hoàng Biên đức – đó là niềm vui lớn đối với tất cả chúng ta và là một gương mẫu điển hình về sự hiệp nhất trong Giáo hội, trong sự đa dạng.”

 

(Hồng Thủy, RadioVaticana 10.02.2017/ SD 09/02/2017)