Tính nhân bản trong việc truyền giáo

Một nhiệm vụ được xem là quan trọng nhất trong các nhiệm vụ chính yếu của hàng giáo phẩm đó là nhiệm vụ giáo huấn, tức là truyền rao chân lý về Đức Kitô. Qua nhiệm vụ này Tin Mừng Cứu Độ, các huấn thị của Hội Thánh được dẫn giải và thông truyền cho mọi người. Thực tế đã có rất nhiều vị chủ chăn đã bồi dưỡng đời sống tâm linh của người giáo dân bằng những bữa tiệc chia sẻ Lời Chúa với đầy đủ các dưỡng chất: sốt sắng, đạo đức và nhất là giúp người giáo dân có một định hướng tốt cho thái độ sống đạo của mình. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng không ít những bữa tiệc chia sẻ Lời Chúa quá tềnh toàng, nghèo nàn, thiếu dưỡng chất mà “bếp trưởng” là các linh mục và tu sĩ  đã chế biến một cách qua loa vội vàng rồi “ chiêu đãi ”  cho giáo dân.

 

Trong một thánh lễ luôn gồm có hai phần : Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể với những nghi thức cử hành mang tính hiệp nhất trong giáo hội toàn cầu. Điều khác biệt duy nhất có được trong các thánh lễ đó là bài giảng, là phần chia sẻ Lời Chúa. Có thể nói “ chất lượng” một bài giảng hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng về giáo lý, thần học, đặc biệt là về tu đức và đời sống nội tâm trong đức tin của chính đấng đang giảng dạy muôn dân ấy. Thế nhưng rất nhiều bài giảng trong những lễ Chúa Nhật nhưng vẫn không được đầu tư, chuẩn bị một cách nghiêm túc. Nhiều bài giảng chỉ biết diễn xuôi lại một cách nhạt nhẽo đoạn Kinh Thánh. Đây là một việc làm vô bổ vì giáo dân đã quá quen thuộc với những sự kiện xảy ra trong các đoạn Kinh Thánh. Điều họ cần là một lời chia sẻ phản ảnh một đời sống nội tâm trong đức tin phong phú. Phải có một niềm thao thức thực sự về những hiện trạng sống, về những thách đố mới của người giáo dân trong xã hội đang suy đồi về văn hóa và đạo đức, và đó sẽ  là động lực để vị chủ chăn hiểu rõ mình nên “pha chế” thế nào để những hạt sữa Lời Chúa trở nên thích hợp và bổ ích cho đời sống tâm linh và đạo đức của các con chiên của mình trong chính hoàn cảnh sống của họ.

 

Với sự phát triển ngày càng cao của các phương tiện khoa học kỹ thuật, của đời sống văn minh, cuộc sống luôn chuyển mình, xã hội luôn đổi mới, vì thế con người không thể bằng lòng an phận với những kiến thức mình vừa đạt được, cho dù là được công nhận ở kết quả cao đến đâu đi nữa, vì chúng sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu, cũ kỹ so với nguồn kiến thức đang được cập nhật từng giây phút.Vì thế, người có học trong thời đại mới là người biết cách học chứ không phải là người thủ đắc được một số kiến thức nhất định. Thế nhưng sau nhiều năm học tập, tu hành một cách  khổ luyện, nhiều thầy khi thành “ chánh quả” với chức vị linh mục và được mọi người gọi là Cha đã không còn muốn tiếp tục cố gắng nữa, hay nói khác đi họ thực sự không biết cách học. Với đặc quyền giảng dạy muôn dân trên toà giảng, những vị này hài lòng với danh phận hiện tại và rất tự tin khi nghĩ rằng mình hoàn toàn làm chủ bài giảng, mà không sợ bất cứ một trường hợp “phản biện” nào có thể xảy ra.

 

Rất nhiều vị lợi dụng tòa giảng để đề cao cái Tôi của mình bằng cách giới thiệu những bằng cấp và học vị mình đạt được, hay khoe thành tích du học của mình với những địa danh mình đã từng đặt chân đến. Có vị biến bài giảng thành một buổi kể chuyện về những phép lạ, những điều ấy đem lại lợi ích gì trong việc xây dựng một đức tin trưởng thành cho giáo dân ? Nhiều bài giảng đề cập đến những câu chuyện thời sự, mới nghe có vẻ cập nhật với cuộc sống xã hội, nhưng người nghe lại thất vọng vì người giảng quá miên man miêu tả các sự kiện, khiến giáo dân cảm thấy mình như đang nghe chương trình điểm báo! Tại một số xứ đạo, nhiều linh mục dùng đưa vào bài giảng thông báo về những cuộc quyên góp hay tệ hại hơn là những chỉ trích, lên án công khai những con chiên cứng đầu cứng cổ hay chây lười việc đạo đức. Trong khi những đối tượng đó có lẽ chẳng bao giờ đi lễ và nạn nhân hứng chịu những lời chì chiết đó lại là những con chiên ngoan đạo.

 

Và rồi, giáo dân vì lòng yêu mến Chúa hay chỉ để giữ bổn phận đối với ngày Chúa Nhật, cũng phải im lặng chịu trận cho hết những bài giảng “ như cái lẩu thập cẩm ” ấy. Và trong một cái nhìn nhất định thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ đang gánh chịu những bất công và mất mát. Bất công vì họ không được tôn trọng một cách đúng mức và mất mát vì thời gian của họ bị tiêu dùng một cách vô bổ. Và như thế có nghĩa là họ đang bị đối xử một cách thiếu nhân bản trong mối quan hệ giữa người truyền đạo và người được truyền đạo.

 

Trong bài “ Đạo làm người” Đức Cha J.B. Bùi Tuần viết: “ Phát triển đạo Chúa là việc ta muốn làm và phải làm. Nhưng đừng quên phát triển đạo làm người và đạo làm người Việt Nam nơi bản thân ta và những người thuộc về ta. Thiếu nhân bản nơi những nhà truyền giáo là một khủng hoảng gây hại rất nhiều cho việc phát triển Tin Mừng, hy vọng khủng hoảng đó sẽ không bùng nổ trong Hội Thánh Việt Nam, nơi bao người Công giáo Việt Nam đang gắn bó thiết tha và phục vụ hết mình”.

 

Có ý kiến cho rằng khi giảng dạy giáo lý hay rao giảng Tin Mừng chúng ta cứ việc rao giảng theo khả năng của mình, còn việc Lời của Đấng Hằng Sống cho chạm tới cõi lòng của con người hay không đó là tác dụng của Chúa Thánh Thần. Trái banh “ trách nhiệm” được chuyển đến chân của Chúa Thánh Thần bằng một cú sút ngụy biện cho cái lối chây lười và thiếu cố gắng. Vì Chúa Thánh Thần chỉ làm việc và làm việc một cách rất dễ thương và sáng tạo với những ai thực sự có nhiệt tâm phục vụ cho việc mở mang Nước Trời.

 

Chuyện kể rằng …

 

Một nhà đạo sĩ người Ấn Độ lên đường với người đồ đệ đi theo hầu và có bổn phận phải chăm sóc con lạc đà bạn đường của hai thầy trò.

 

Tối hôm đó, hai thầy trò vào nghỉ chân ở một quán trọ bên đường. Người đồ đệ đi đường xa mệt mỏi quá nên quên cả việc buộc lạc đà vào cột quán trọ, vừa lim dim đôi mắt ngủ vừa thầm thì cầu xin Chúa: “Lạy Chúa, xin Chúa coi dùm con con lạc đà, con xin phó thác nó trong tay Chúa”.

 

Sáng hôm sau, vừa thức giấc người đồ đệ vội ra tìm lạc đà, nhưng không còn thấy bóng dáng nó đâu nữa. Nhà đạo sĩ mới hỏi:

 

– Lạc đà đâu rồi?

 

Người đồ đệ thưa:

 

– Thưa thầy con không biết, xin Thầy hỏi Chúa xem, tối qua con đi đường xa mệt quá nên thiếp ngủ lúc nào không hay. Con đã phó thác lạc đà nhờ Chúa giữ dùm, nếu lạc đà chạy trốn hoặc bị mất cắp đâu phải là lỗi của con, đó là trách nhiệm của Chúa, hẳn không phải là Thầy đã dạy bảo con là phải có lòng phó thác tin tưởng nơi Chúa đó sao.

 

Nhà đạo sĩ ôn tồn nói thêm:

 

– Con ơi, dĩ nhiên là phải có lòng tin tưởng phó thác nơi Chúa, nhưng trước hết con cũng phải làm tròn bổn phận của con, tuy đặt lòng tin tưởng nơi Chúa, nhưng trước khi đi ngủ lẽ ra con nên cẩn thận buộc lạc đà vào cột, bởi vì Chúa không có tay nào khác ngoài hai tay của con.

 

“Lời Người nung chảy vàng khối, Lời Người phá đổ tội lỗi, thân con đứa bé thơ ngây dám đâu loan báo Lời Ngài” Đúng là chúng ta cần phải có tâm tình tin tưởng phó thác khi gánh vác sứ mệnh loan truyền Lời Hằng Sống. Sự thực thì Chúa cũng không cần đến khả năng của chúng ta, nhưng Chúa rất cần tấm lòng cộng tác của chúng ta đối với công việc phục vụ Ngài vì “ Chúa không có tay nào khác ngoài hai tay của chúng ta”. Thái độ chúng ta cần phải có là tinh thần tìm hiểu và thực thi những gì Chúa muốn trong đời sống phục vụ , để trở nên dụng cụ sắc bén trong tay của Ngài. Vì thế làm việc theo khả năng không quan trọng bằng làm với hết sự cố gắng, với hết sự nhiệt thành của mình, và Chúa Thánh Thần cũng chỉ cộng tác với những tâm hồn đầy lửa yêu mến như thế.

 

Sự phát triển của ngành công nghệ thông tin là một hổ trợ tích cực cho những ai tham gia công tác truyền thông . Chuẩn bị một bài giảng tốt cũng là một mảng hoạt động trong lĩnh vực này. Vì thế, chỉ cần có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, nhiệt tâm với công cuộc truyền rao Tin Mừng, một linh mục có thể hòa mình vào dòng chảy của xã hội bằng cách theo dõi những trang tin tức hay tham khảo những tài liệu về chia sẻ, suy niệm của giáo hội và những huấn thị của Hội Thánh như kẻ biết “ đứng trên vai người khổng lồ”, kết hợp với những quan sát nhạy cảm, bắt kịp nhịp thở của cuộc sống và trải nghiệm sống của bản thân, chắc chắn rằng họ sẽ cung cấp cho giáo dân những lời rao giảng thực sự mang hiệu quả cho việc mở mang Nước Chúa .

 

 Tháng Sáu được ví như “ mùa cưới “ của các tu sĩ. Trên các trang mạng Công Giáo rộ lên những tin về thánh lễ phong chức linh mục. Sau thánh lễ phong chức thật trang trọng và sốt sắng, mỗi tân linh mục sẽ bước vào một hành trình mới và cuộc hành trình ấy sẽ luôn được gắn liền với việc loan báo Tin Mừng . Nếu thực sự ý thức được giá trị món hàng mình muốn chuyển tải, người ta sẽ đầu tư lựa chọn những phương tiện tối ưu nhất để bảo vệ nó đến đối tượng nhận một cách an toàn và trọn vẹn. Do vậy ước mong các tân linh mục luôn nhận thức được rằng “ Lời Ngài nung chảy vàng khối” để khi muốn chuyển tải thông điệp vô giá đó, những người lãnh nhận sứ mệnh cao cả đó khắc biết phải nên rao giảng với một tâm thế như thế nào, để cho Lời Ngài được phong quang chiếu rọi trong từng cõi miền sâu thẳm của con người .

 

Điền Phương Thảo

(thanhlinh.net)