Mama Carol – Mẹ Carol – là tên mà các trẻ em ở Zambia gọi bà Carol McBrady, một phụ nữ 58 tuổi ở thị trấn Crystal, tiểu bang Minnesota, Hoa kỳ, dù bà không có con ruột.
Mọi chuyện bắt đầu từ 16 năm trước đây. Khi đó, bà McBrady được mời sang Phi châu để giúp đỡ chăm sóc cho các trẻ em bị sida. Bà dự định đến Zimbabwe, nhưng rồi bạo lực bùng phát tại quốc gia này đã cản trở dự định của bà, thế là bà chuyển sang thăm một quốc gia khác ở châu Phi, đó là Zambia. Và cuối cùng, chuyến đi này như một chuyến đi định mệnh, đã thay đổi cuộc đời của bà. Sau hai chuyến đi đến Zambia, năm 2004, bà McBrady đã bán nhà cửa của mình ở Hoa kỳ và chuyển đến sống ở thành phố Lusaka, một thành phố cách xa quê nhà gần 20 ngàn cây số. Tại đây điều kiện sống thật khó khăn, không có điện, không có nước, không có món cà phê cappuccino. Đó là một sự thay đổi lớn lao và một tiến trình dài.
Bà McBrady kể lại con đường đến với các trẻ em đường phố của bà. Ngày đầu tiên hay ngày thứ hai khi bà đến Zambia, người ta đưa bà đến các con đường, bà bắt đầu làm việc với các trẻ em đường phố và trái tim bà đã bị các em chiếm hữu. Bà chia sẻ: “Các em là những người trẻ tuyệt vời. Có rất nhiều năng lực trên những con đường đó và rất nhân bản và đầy niềm vui. Tôi đã thật vui. Chúng tôi đã chơi bài và ăn bánh mì với bơ đậu phộng. Bà McBrady đã dạy cho các em chơi bài xì dách, một trò chơi dễ dàng nhưng đối với những đứa trẻ đã trải qua những đau khổ không thể tin nổi, như bị cha mẹ bỏ rơi, thì trò chơi này tạo cho các em cơ hội tiếp xúc lần đầu tiên với một người lớn thật có ý nghĩa.
Không lâu trước đó, bà McBrady được biết về những cảnh đời bi thảm của hàng trăm trẻ em lăn lộn trên các đường phố vì bị cha mẹ bỏ rơi. Những trường hợp đau buồn nhất là khi một phụ huynh qua đời và người còn lại đã quyết định rằng mình không muốn nuôi đứa trẻ nữa. Nhiều đứa trẻ đã rơi vào con đường tội phạm, buôn bán ma túy hay trộm cắp để có thứ để ăn. Phần lớn các em bị lạm dụng tính dục ở một mức độ nào đó. Vừa bị bỏ rơi lại bị lạm dụng đã khiến cho trái tim của các em trở nên chai cứng và hận thù đâm rễ sâu trong lòng các em. Bà McBrady đã cầu nguyện để làm sao có thể tạo nên một sự thay đổi và bà đã nhận ra rằng gia đình là điều mà các em cần nhưng lại không có. Bà tin là Chúa đã gọi bà đến Zambia để làm điều này.
Bà McBrady đã bắt đầu công việc cách khiêm tốn, sống trong một căn hộ nhỏ và thành lập Hội Hành động vì trẻ em Zambia, một tổ chức phi lợi nhuận giúp đỡ các trẻ em đường phố với các can thiệp vào các cuộc khủng hoảng, cung cấp nơi ăn chốn ở cho các em và quan trọng nhất là mang lại cho các em cảm giác được sống trong một gia đình. Năm 2007, bà đã xây nhà Cứu độ để cho các em có môi trường sống ổn định. Nhà này có 22 giường, nhưng thường thì có con số các em em sống ở đó nhiều hơn khả năng của ngôi nhà. Sau đó bà còn lập nông trại Kulanga Bana nuôi gia cầm để cung cấp nhà ở cố định và công ăn việc làm cho các em. Năm 2016, bà McBrady còn thành lập nhà Cứu chuộc, một ký túc xá cho các trẻ em theo học trường trung học.
Hoạt động của bà McBrady đã giúp nhiều cảnh đời của các trẻ em được thay đổi. Năm 2005, khi Jonathan lên 8, cậu bé đã được đến với sự chăm sóc của bà McBrady. Mẹ của Jonathan sinh thêm một đứa con và không thể chăm sóc cậu bé, còn người cha thì không hề xuất hiện trong cuộc sống của đứa con. Jonathan được dạy đi kiếm tiền trên đường phố để mang về trả tiền thuê nhà. Khi cậu bé không kiếm được đủ tiền thì mẹ của em đuổi em ra khỏi nhà. Cuối cùng chính người mẹ này đã đem Jonathan giao cho bà McBrady để mong đổi lại bà có tiền thuê nhà. Bà McBrady đã đồng ý trả tiền thuê nhà cho bà mẹ tháng đó, để đổi lại bà ta có thể trao bé Jonathan cho bà McBrady chăm sóc. Cậu bé Jonathan bị sida và bị lao và có vẻ sẽ không thể sống lâu. Bà McBrady đưa Jonathan đến nhà Cứu độ và cuộc đời của cậu bé đã được thay đổi hoàn toàn. Hiện nay Jonathan đã học xong lớp 12 và cậu đang là phụ huynh chăm sóc ngôi nhà Cứu chuộc.
Thỉnh thoảng bà McBrady trở về quê nhà Minnesota để quyên góp tiền bạc và thăm gia đình của bà cũng như giáo xứ quê nhà. Các thành viên trong gia đình của bà McBrady, gồm 6 anh chị em và mẹ của bà đều tham gia vào sứ vụ bác ái của bà, dù họ chưa bao giờ đến Zambia. Chị Betty Thomes nói: “Các trẻ em thì quan trọng và các em quan trọng đối với gia đình chúng tôi. Vì thế, khi chúng tôi thay đổi cuộc sống của các trẻ em, điều đó thật vĩ đại.
Bà McBrady hiểu rằng nếu các em được sống với gia đình thì tốt hơn là sống trong một cơ sở. Bà nói: “Xây dựng các gia đình là điều rất quan trọng, chứ không chỉ là các cô nhi viện. Các trẻ em của chúng tôi không có gia đình nhưng các em không phải là trẻ mồ côi. Chúng tôi tạo nên một gia đình nhỏ cho các em và nó trở thành gia đình vĩnh viễn bền vững của các em.”
Vào dịp lễ Giáng sinh, bà McBrady đã giúp các em cử hành ngày Chúa Giêsu sinh ra. Đó là một sự kiện nổi bật trong năm. Các nhân viên và tình nguyện viên đã trải qua hàng giờ để gói các món quà cho từng em. Câu chuyện Giáng sinh là sự kiện hàng năm nhắc nhở lý do tại sao bà McBrady tiếp tục làm những điều bà đang làm và sẽ tiếp tục làm như thế cho đến khi Chúa nói với bà dừng lại. Bà cũng cho biết nó tỏ cho thấy yếu tố quan trọng nhất trong sứ vụ của bà, đó là đức tin. Bà chia sẻ: “Bạn không thể làm bất cứ điều gì trên thế giới này mà không có đức tin. Nó sẽ là vô nghĩa khi nói về điều này mà không hiểu rằng tôi đang ở đây là vì đức tin cuả tôi. Tôi ở đây bởi vì tôi thực sự tin chắc chắn rằng Chúa không tạo nên các trẻ em đường phố. Đó là các vấn đề do con người tạo nên và Chúa muốn chúng ta giải quyết vấn đề.” (CNS 28/12/2017)
(Hồng Thủy, RadioVaticana 19.03.2018)