Tòa Thánh kêu gọi Phật Giáo cộng tác chống nạn nô lệ tân thời

ROMA. Trong sứ điệp chúc mừng các tín hữu Phật giáo nhân ngày lễ Vesakh, Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn mời gọi tín đồ hai tôn giáo cộng tác để bài trừ nạn nô lệ mới.

Jean-Louis-Tauran-Tòa Thánh kêu gọi Phật Giáo cộng tác chống nạn nô lệ tân thời
Ảnh: Reuters

 

Đối với tín đồ Phật giáo nguyên thủy, lễ Vesakh kính nhớ các biến cố quan trọng trong cuộc đời Đức Phật như đản sinh, thành đạo, viên tịch và nhập niết bàn. Năm nay lễ này được cử hành vào ngày 1-6 tới đây. Tại các nước theo Phật giáo Đại Thừa, như Việt Nam, Đại Hàn và Trung Quốc, các biến cố trên đây được mừng vào những ngày khác nhau.

 

 Trong sứ điệp, công bố hôm 20-4-2015, ĐHY Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn và vị Tổng thư ký của Hội đồng là cha Miguel Ángel Ayuso Guixot, nhắc đến sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày Hòa Bình thế giới đầu năm 2015 này, với chủ đề ”Không còn là nô lệ, nhưng là anh chị em với nhau”, qua đó ĐTC nhận xét rằng mặc dù nạn nô lệ đã bị chính thức bãi bỏ trên toàn thế giới, nhưng vẫn còn ”hàng triệu người – gồm trẻ em, người nam người nữ thuộc mọi lứa tuổi, – bị tước đoạt mất tự do và buộc lòng phải sống trong những điều kiện giống như nô lệ” (n.3).

 

 ĐTC Phanxicô cũng nêu một số ví dụ thời nay: nhiều người nam nữ và trẻ em lao công, người di dân bị nhiều lạm dụng về thể lý, cảm xúc và tính dục, phải chịu những điều kiện làm việc thật ô nhục; có nhiều người, trong đó có các trẻ vị thành viên phải hành nghề mại dâm, làm nô lệ tính dục, nam và nữ; có những người bị những kẻ khủng bố bắt cóc và buộc chiến đấu, không kể những người bị tra tấn, bị cắt chặt cơ phận hoặc bị giết”.

 

 Sứ điệp của Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn nhắc đến giáo huấn của Phật giáo. Trong một phần của Bát chánh đạo, Đức Phật đã tuyên bố rằng việc buôn bán các sinh vật, kể cả những người nô lệ và mại dâm, là một trong những nghề mà các phật tử không được dấn thân vào (AN 5,177). Đức Phật cũng dạy hãy tìm kiếm của cải bằng phương thế ôn hòa, lương thiện và với những phương thế hợp pháp, không cưỡng bách, bạo hành, hoặc lường gạt (Xc AN 4,47; 5,41; 8,54).

 

 Và ĐHY Tauran kết luận rằng ”Trong tư cách là Phật tử và Kitô hữu, ân cần tôn trọng sự sống con người, chúng ta phải cộng tác với nhau để chấm dứt những tệ nạn trên đây. ĐGH Phanxicô mời gọi chúng ta vượt thắng sự dửng dưng và u mê, đảm bảo ”việc cứu giúp các nạn nhân, giúp họ phục hồi về phương diện tâm lý và huấn luyện, cũng như giúp họ tái hội nhập vào xã hội nhập cư hoặc xã hội nguyên quán” (5).

 

 Sau cùng ĐHY cầu mong việc mừng lễ Vesakh có kèm theo cố gắng mang lại hành phúc cho những người kém may mắn hơn chung ta, và là cơ hội để đào sâu cách thức cộng tác giữa các tín hữu Kitô và Phật tử, để không còn những người nô lệ nữa, nhưng là anh chị em với nhau” (SD 20-4-2015)

 

 (G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 20.04.2015)