Tòa Thánh lên tiếng về việc Peter Saunders mạ lỵ Đức Hồng Y George Pell trên truyền hình


Peter Saunders

Trả lời câu hỏi của các ký giả, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh ra tuyên bố như sau hôm mùng 1 tháng Sáu năm 2015:

“Những phát biểu của ông Peter Saunders (một trong 17 thành viên của Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em) trong một chương trình truyền hình rõ ràng đã được đưa ra một cách hoàn toàn cá nhân và không đại diện cho Ủy ban, là cơ quan không có thẩm quyền để điều tra hay đưa ra những phán quyết về các trường hợp cụ thể.

Hơn nữa, Đức Hồng Y George Pell đã luôn luôn trả lời một cách cẩn thận và kỹ lưỡng những cáo buộc và các câu hỏi đặt ra bởi các nhà chức trách có thẩm quyền của Úc, và quan điểm của ngài đã được làm sáng tỏ một lần nữa trong những ngày gần đây bởi một tuyên bố công khai của ngài, là điều phải được coi là đáng tin cậy và xứng đáng được tôn trọng và chú ý.”

Peter Saunders là ai?

Peter Saunders, 57 tuổi là người Anh hiện cư trú tại London. Peter Saunders cho biết khi còn học tiểu học, ông ta bị quấy nhiễu tính dục bởi một thày giáo tại New Malden, London và bởi chính người nhà của ông. Sau này, khi người thày giáo bị cáo buộc đã quấy nhiễu tính dục nhiều học sinh khác tổng giáo phận chỉ thuyên chuyển thày giáo này sang một trường Công Giáo khác chứ không đuổi việc và cũng không báo cảnh sát. Peter Saunders cũng tố cáo hai linh mục Dòng Tên đã xàm xở với ông tại một trường trung học trong vùng Wimbledon, London.

Năm 1995, Peter Saunders thành lập tại Anh quốc “Hiệp Hội Toàn Quốc Những Người Bị Lạm Dụng Thời Thơ Ấu” với mục đích rõ rệt là theo đuổi các vụ kiện đòi đưa ra công lý những người xách nhiễu tính dục họ.

Ngày 22 tháng Ba năm 2014, Đức Thánh Cha đã ký tự sắc thành lập Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em và hôm 8 tháng 5 vừa qua, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, theo ủy nhiệm của Đức Thánh Cha, đã ký và công bố Qui chế, theo đó Ủy ban này là một cơ quan tư vấn cho Đức Thánh Cha trong việc bảo vệ trẻ em, chống nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, và đề nghị với ngài những biện pháp và sáng kiến cần được thi hành trong Giáo Hội hoàn vũ.

Ủy ban nhóm khóa họp toàn thể một năm 2 lần, và nếu có 2 phần 3 thành viên yêu cầu, thì vị Chủ tịch có thể triệu tập khóa họp ngoại thường, và cũng có thể họp qua các phương tiện viễn liên (videoconference).

Hiện nay, vị chủ tịch Ủy ban là Đức Hồng Y Sean O’Malley, dòng Capuchino, Tổng Giám Mục giáo phận Boston, Hoa Kỳ. Vị tổng thư ký là Đức Ông Robert W. Oliver người Mỹ. Ủy ban hiện nay có 7 phụ nữ, 5 linh mục, 5 giáo dân. Họ là chuyên gia thuộc các ngành như tâm lý trị liệu, trợ tá xã hội, thần học gia, luật gia. Có hai người nguyên là nạn nhân đã bị lạm dụng tính dục là Marie Collins và Peter Saunders.

Phát ngôn viên của Đức Hồng Y George Pell cho biết Peter Saunders chưa hề một lần gặp Đức Hồng Y.

Những mạ lỵ không thể chấp nhận được nhắm vào Đức Hồng Y George Pell

Đức Hồng Y Pell đã bị tấn công không ngừng bởi một số phương tiện truyền thông Úc. Thủ đoạn của những cơ quan có truyền thống bài Công Giáo này là đồng loạt nhại lại những cáo buộc đã cũ, bất kể là những cáo buộc cũ ấy có thêm những tình tiết mới hay không. Trong tuần qua, một đợt tấn công mới được thực hiện đồng loạt trên nhiều phương tiện truyền thông trong đó nhại lại một cáo buộc là khi còn là Giám Mục phụ tá Melbourne (chức vụ do Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long đảm nhận hiện nay), Đức Hồng Y tương lai đã không báo cáo với cảnh sát về tội lạm dụng của một linh mục ấu dâm khét tiếng là linh mục Gerald Ridsdale. Đức Hồng Y Pell đã nhiều lần khẳng định rằng ngài không biết về sự lạm dụng vào thời điểm đó. Đức Hồng Y cũng đã nói rằng ngài mong muốn được nói chuyện với Ủy ban hoàng gia điều tra những vụ lạm dụng tính dục, và sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi mới nào.

Bất kể những tuyên bố của Đức Hồng Y Pell sẵn sàng trả lời bất kỳ vấn đề nào được đặt ra trong thời gian ngài lãnh đạo Giáo Hội tại Úc, trong chương trình 60 Minutes tối Chúa Nhật 31 tháng Năm, Peter Saunders đã tấn công Đức Hồng Y rất nặng nề. Ông ta nói:

“Cá nhân tôi nghĩ rằng ông ta không giữ vững được vị trí của mình đâu, vì giờ đây ông ta có một lô những phủ nhận. Ông ta có cả lô những thứ như hạ nhục con người, hành động nhẫn tâm, lạnh lòng từ tâm – bất lương, tôi dám nói như vậy”.

Được giới thiệu như “cố vấn cho Đức Giáo Hoàng”, Peter Saunders không ngại đưa ra phán quyết:

“Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là ông ta phải bị loại sang một bên – là ông ta phải bị trả về Úc Đại Lợi và Đức Giáo Hoàng phải có hành động mạnh nhất chống lại ông ta. Ông ta là một cái gai khổng lồ bên cạnh Đức Giáo Hoàng Phanxicô nếu ông ta được phép ở lại”.

Những mạ lỵ chống lại Đức Hồng Y Pell là không thể chấp nhận được vì trên tất cả các bằng chứng sẵn có, Đức Hồng Y Pell là một trong số các giám mục Công Giáo đầu tiên trên thế giới đề cập mạnh mẽ đến vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em bởi các giáo sĩ. Ngay khi ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Melbourne vào tháng Bảy năm 1996, ba tháng sau, tức là tháng 10 năm 1996, ngài đã hình thành ngay cơ quan Melbourne Response để đối phó với tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em.

Phản ứng của Đức Hồng Y George Pell

Đứng trước những mạ lỵ vô căn cứ và hàm hồ của Peter Saunders, phát ngôn viên của Đức Hồng Y George Pell nói:

“Ngay từ những hành động đầu tiên của mình trong tư cách là một tổng giám mục, Đức Hồng Y Pell đã đưa ra một lập trường mạnh mẽ chống lại sự lạm dụng tình dục trẻ em và đề ra những quy trình để những khiếu nại có thể được cứu xét và điều tra độc lập.

Đức Hồng Y Pell chưa bao giờ gặp ông Saunders, người dường như đã hình thành những ý kiến mạnh mẽ của mình mà chưa bao giờ nói chuyện qua với ngài.

Dưới ánh sáng của tất cả các tài liệu có sẵn, bao gồm cả những chứng từ đã tuyên thệ của Đức Hồng Y, không có lý do gì để đưa ra những tuyên bố sai lạc và đầy thành kiến.

Trong trường hợp này, Đức Hồng Y không còn lựa chọn nào khác hơn là tham khảo ý kiến với các cố vấn pháp lý của mình.”

Đe dọa kiện Peter Saunders về tội mạ lỵ dường như là hoàn tòan đúng với trông đợi của Peter Saunders. Hàng loạt những cam kết ủng hộ tài chính trên quy mô toàn thế giới cho Peter Saunders đang được dấy lên. Nhiều quan sát viên nhận định rằng dù Peter Saunders có mạ lỵ Đức Hồng Y tàn bạo và vô lý đến đâu, ngài cũng không có đủ tài chính để thắng trong một vụ kiện như vậy.

Vì thế, Peter Saunders tỏ ra không ngán. Ông ta tuyên bố thẳng thừng:

“Nếu vị trí của tôi trong ủy ban (Tòa Thánh bảo vệ trẻ em) có bị chao đảo vì tôi muốn nói sự thật của tôi thì mặc kệ nó”. Ông ta nói rằng sự đe dọa có hành động pháp lý của Đức Hồng Y “là rất đáng tiếc, rất đáng buồn, và không phải là Kitô giáo.”

Những âu lo trước những phát biểu đầy cảm tính 

Các quan sát viên ghi nhận một cách âu lo rằng một số thành viên trong Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em có khuynh hướng hành động theo cảm tính, và đầy cá nhân tính. Peter Saunders không phải là trường hợp thứ nhất.

Ngày 26 tháng Ba vừa qua, Marie Collins, một thành viên khác trong Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em “phang” luôn cả Đức Giáo Hoàng trong việc bổ nhiệm Đức Cha Juan Barros từ Giám Mục Giáo Phận Quân Đội Chí Lợi về làm Giám Mục giáo phận Osorno.

Bà Marie Collins, một phụ nữ Ái Nhĩ Lan, tỏ ra nghi ngờ thiện chí của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Bà nói: “Là một người từng bị lạm dụng, tôi rất kinh ngạc trước việc bổ nhiệm ở Chí Lợi vì nó có vẻ đi ngược lại chính những gì Đức Thánh Cha đã nói về việc không chấp nhận bất cứ ai giữ các vị trí đáng tin cậy trong Giáo Hội mà không có hồ sơ hoàn toàn 100 phần trăm bảo vệ trẻ em”.

Những người chống việc bổ nhiệm này cho rằng Đức Cha Juan Barros là học trò của linh mục Fernando Karadima, là người đã gây ra những tai tiếng rất tai hại cho Giáo Hội tại Chí Lợi.

Cha Fernando Karadima đã từng là một gương mặt rất có thế giá trong Giáo Hội tại nước này. Ông đã giúp đào tạo khoảng 40 linh mục trong đó có 4 vị sau này là Giám Mục, trong đó có Đức Cha Juan Barros.

Tháng 2 năm 2011, Bộ giáo lý Đức Tin tuyên bố rằng những cuộc điều tra tại Chí Lợi cho thấy cha Karadima đã lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên và truyền cho cha Karadima, lúc ấy đã 84 tuổi, phải lui vào sống ẩn dật, chấm dứt mọi thừa tác vụ công khai. Quyết định của Bộ giáo lý Đức Tin đã được đưa ra dù rằng trước đó tòa án đời đã hủy bỏ những cáo buộc chống lại cha Karadima xét vì những vụ lạm dụng đã xảy ra quá lâu và đương sự đã quá già.

Tai tiếng trong vụ cha Karadima gây ra những thiệt hại nặng nề cho Giáo Hội vì những cáo buộc cho rằng Đức Tổng Giám Mục Juan Francisco Fresno, Tổng Giám Mục Santiago de Chile, đã bao che cho những tội lỗi của cha Karadima trước những cáo buộc của anh chị em giáo dân từ năm 1984.

Đức Cha Juan Barros lúc ấy là cha thư ký cho Đức Tổng Giám Mục. Vì thế, ngài bị nghi ngờ đã có những ý kiến chống lại việc mở một cuộc điều tra các tội lỗi của cha Karadima – là thày dạy cũ của mình.

Cha Ciro Benedettini, Phó giám đốc văn phòng báo chí Vatican, cho biết vào ngày thứ Hai 31 tháng 3 rằng trước khi Đức Thánh Cha tuyên bố việc thuyên chuyển Đức Cha Juan Barros từ Giám Mục giáo phận quân đội Chí Lợi về làm Giám Mục giáo phận Osorno, “Bộ Giám Mục đã xem xét cẩn thận việc đề cử vị giám mục này và không tìm thấy lý do khách quan nào chống lại với bổ nhiệm”

Trước đó, Đức Tổng Giám mục Fernando Chomali Garib của tổng giáo phận Concepcion, Chí Lợi, tiết lộ rằng ngài đã riêng Đức Giáo Hoàng Phanxicô để thảo luận về việc bổ nhiệm gây tranh cãi này, và Đức Giáo Hoàng đã nói với Đức Tổng Giám Mục rằng ngài đã phân tích tất cả các hồ sơ quá khứ và không thấy có lý do khách quan nào cho thấy không nên bổ nhiệm Đức Cha Barros làm giám mục giáo phận Osorno.

Đặng Tự Do