Chia buồn và kêu gọi bảo vệ
ĐGH Phanxicô đã đặc biệt chia buồn với Sri Lanka ngay trong sứ điệp ngày Chúa nhật Phục Sinh 21-4-2019, tức là vào đúng buổi trưa của ngày xảy ra vụ đánh bom.
Rất nhiều nơi trên thế giới cũng đã ngỏ lời chia buồn và đồng cảm.
Riêng Đức TGM Ludwig Schick của giáo phận Bamberg, Chủ tịch Ủy ban GM Đức về Giáo Hội hoàn vũ, đã kêu gọi cần phải bảo vệ các tín hữu Kitô và các nhóm tôn giáo thiểu số trên thế giới. Cần phải dự đoán và phòng ngừa những vụ khủng bố như thế.
Vụ đánh bom
Vụ đánh bom vào Chúa nhật Phục sinh 21-4-2019 là vụ bạo lực kinh hoàng nhất mà Sri Lanka đã chứng kiến kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến năm 2009.
Vào khoảng 08:45 giờ địa phương (03:15 GMT; 10:30 giờ Việt Nam), 6 vụ nổ được báo cáo trong một khoảng thời gian ngắn: 3 nhà thờ ở Negombo, Batticaloa và quận Kochchikade của Colombo đã bị đánh bom ngay khi Thánh lễ Phục sinh đang được cử hành; và 3 vụ nổ khác làm rung chuyển các khách sạn Shangri-La, Kingsbury và Cinnamon Grand ở thủ đô của nước này.
Khi cảnh sát vội vã săn lùng những kẻ chủ mưu thì 2 vụ nổ tiếp theo được báo cáo: Một vụ nổ xảy ra lúc 13g45 gần vườn thú ở Dehiwala, miền nam Colombo; và vụ thứ tám xảy ra lúc 14g15 gần quận Dematagoda ở Colombo trong một cuộc đột kích của cảnh sát, giết chết ba sĩ quan.
Nhà thờ Thánh Sebastiano tại Negombo
Nhà thờ Thánh Antôn ở thủ đô Colombo
Số nạn nhân
Số người thiệt mạng trong vụ đánh bom hàng loạt nhằm vào các nhà thờ Công giáo và khách sạn ở Sri Lanka trong Lễ Phục sinh ngày 21-4 là 253, giảm hơn 100 so với con số 359 được công bố trước đó, Thứ trưởng Quốc phòng Ruwan Wijewardene đã đính chính như thế vào ngày 25-4. Ông giải thích: Sự nhầm lẫn này do nhà xác cung cấp dữ liệu không chính xác.
Anil Jasinghe, tổng giám đốc các dịch vụ y tế của Sri Lanka, nói rằng: Rất khó khăn trong việc xác định các bộ phận thi thể tại hiện trường nổ bom. Bộ Y tế giải thích về con số 253 nạn nhân: “Nhiều nạn nhân bị tách ra nhiều phần. Chúng tôi đã đếm một số thi thể thành hai lần”. Cơ quan này cho biết sau khi việc khám nghiệm tử thi hoàn tất và thử nghiệm xong ADN ở các phần thi thể, con số 253 là số lượng chính xác.
Trong số 253 nạn nhân bị chết và hơn 500 người bị thương, có 119 tín hữu Công Giáo chết ngay trong lúc họ tham dự thánh lễ Phục Sinh:
- – 91 tín hữu chết và 104 người khác bị thương tại Nhà thờ thánh Sebastiano – một trong những thánh đường Công Giáo lớn nhất tại thành phố Negombo, cách thủ đô Colombo 30 cây số về hướng bắc. Một tên khủng bố đã cho bom trong người hắn nổ tung tại đây trong lúc 800 tín hữu đang dự thánh lễ.
- – 28 người chết và hơn 100 người bị thương khi bom nổ tại Đền thánh Antôn Padova ở khu vực Kochchikade thuộc thủ đô Colombo.
Tại nhà thờ Tin Lành Zion ở thành phố Batticaloa là cố đô của Sri Lanka, có 25 tín hữu bị thiệt mạng trong cuộc khủng bố.
Điều tra
Nhà chức trách tin rằng, những kẻ tấn công liên quan tới tổ chức Hồi giáo trong nước là National Thowheed Jamath. Nhóm này không được nhiều người biết đến trước khi các vụ khủng bố xảy ra.
Các vụ đánh bom hôm 21-4 đã phơi bày sự thất bại về tình báo của Sri Lanka. Sự mâu thuẫn giữa Tổng thống và Thủ tướng đã làm suy yếu hợp tác an ninh.
Bộ trưởng Quốc phòng Hemasiri Fernando ngày 25-4 đã trở thành quan chức đầu tiên từ chức sau vụ tấn công tồi tệ này.
Hiện thời, các nhà thờ Sri Lanka đã tạm đóng cửa theo khuyến nghị của lực lượng an ninh để đảm bảo an toàn.
Hơn 70 đối tượng đã bị bắt, gồm 33 người đang bị giữ tại cơ quan điều tra hình sự (CID), 4 tại bộ phận điều tra khủng bố (TID) và số còn lại bị giam giữ ở các sở cảnh sát.
Lực lượng an ninh Sri Lanka đã dùng quyền đặc biệt, tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Quân đội cũng triển khai thêm 3.000 binh sĩ xuống đường phố giúp đỡ cảnh sát.
Động cơ cuối cùng của vụ tấn công do đó vẫn còn là một câu hỏi mở, dù rằng trước đó một quan chức Sri Lanka nói những kẻ tấn công muốn trả thù vụ xả súng vào hai đền thờ Hồi giáo ở New Zealand làm 50 người thiệt mạng hồi tháng trước.
9 kẻ đánh bom tự sát
Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Ruwan Wijewardene cho biết có tổng cộng 9 kẻ đánh bom tự sát, phần lớn “được giáo dục tốt” và từ các gia đình giàu có.
8 kẻ đánh bom đã được xác định, một trong đó là phụ nữ, dù chính quyền Sri Lanka từ chối công bố chính thức danh tính của họ.
- – Một kẻ tấn công là Abdul Lathief Jameel Mohamed, đã học ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Đại học Kingston ở London, Anh, từ năm 2006 đến 2007 rồi tiếp tục học sau đại học ở Australia, trước khi trở về Sri Lanka vào năm 2013.
- – Có 2 kẻ đánh bom là anh em, con của Yoonus Ibrahim, triệu phú buôn gia vị giàu có nhất tại thủ đô Colombo.
– Một người là Inshaf, năm nay 38 tuổi, sống cùng vợ và 4 con trong biệt thự 6 phòng ngủ hơn 1,9 triệu USD tại một trong những khu phố đắt đỏ nhất Colombo. Ngôi nhà có phòng gym riêng và một dàn xe sang này thuộc sở hữu của Alawdeen, nhà buôn trang sức kiêm anh rể của Inshaf. Bản thân Inshaf cũng là một doanh nhân thành đạt, sở hữu một nhà máy sản xuất đồng, nơi được cho là địa điểm chế tạo bom tự sát.
Trong ấn tượng của họ hàng và nhân viên, Inshaf là người điềm tĩnh và sùng đạo. Y nói với vợ sẽ đi Zambia công tác hôm 19-4, dặn dò cô phải “mạnh mẽ”, trước khi kích nổ bom giết chết mình và nhiều người khác.
Inshaf Ibrahim đăng ký ở tại khách sạn Shangri-La đêm hôm trước, sử dụng tên giả và nói rằng mình đi công tác. Y đánh bom trong bữa sáng tự chọn đông người tại khách sạn này. Hắn ngần ngại một lúc trước chiếc bàn trống, đi đi lại lại, tỏ ra bồn chồn, trước khi ra quyết định kích nổ quả bom trên lưng lúc 9g12.
– Người anh em kia là Ilham Ibrahim, theo một số báo cáo là kẻ đánh bom tại nhà hàng khách sạn Cinnamon Grand. Ilham, 36 tuổi; cô vợ Fatima và ba con sống cùng bố mẹ và họ hàng trong một khu dân cư cao cấp ở thủ đô. Hàng xóm cho hay ông bà Yoonus là những người rất được kính trọng trong cộng đồng.
- – Thủ lĩnh vụ tấn công được cho là Mohammed Zaharan, còn gọi là Zahran Hashim, nhà truyền giáo Hồi giáo người Sri Lanka đã bị trục xuất khỏi cộng đồng vì quan điểm cực đoan nhưng đã tiếp tục làm các video trên YouTube để truyền bá tư tưởng của mình và có một nhóm người theo dõi trung thành.
Zaharan là nhân vật duy nhất có thể nhận dạng trong video về những kẻ đánh bom ở Sri Lanka cam kết trung thành với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), do trang tin Amaq của IS công bố khi nhận trách nhiệm các vụ tấn công ở Sri Lanka.