Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?

Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú, đứa thì khá căm ghét và đứa khác vẫn còn đi nhà thờ. Không đứa nào trong chúng nó sống với chúng tôi nữa, nhưng tôi ước rằng mình có thể làm gì đó để củng cố đức tin của chúng. Tôi có thể làm gì?

Cảm ơn bạn vì câu hỏi này. Tôi thường xuyên nói chuyện với các phụ huynh đang gặp tình huống tương tự. Bạn và vợ/chồng bạn đã cố gắng hết sức để truyền thụ đức tin cho con cái. Thường khi con cái chúng ta không chấp nhận đức tin, chúng ta không chỉ đặt câu hỏi “Tôi đã làm gì sai?” mà còn hỏi “Tôi có thể làm gì bây giờ?”

Đó là câu hỏi mà qua đó tôi muốn đưa ra một số điểm để bạn cân nhắc.

Vẫn còn ba điều rất quan trọng mà các bậc phụ huynh có thể làm để giúp con cái mình xây dựng đức tin, bất kể chúng có còn ở nhà hay không.

Đầu tiên, có lẽ không có gì mạnh mẽ hơn cho bằng chứng tá của một đời sống Công giáo đích thực.

Như bạn biết đấy, một trong những điều khiến nhiều người xa rời đức tin là do sự giả dối hoặc không nhất quán. Khi hành động của chúng ta không khớp với lời nói, mọi người sẽ nhanh chóng tin vào hành động của chúng ta hơn là tin vào những gì chúng ta nói. Một trong những bằng chứng mạnh mẽ nhất mà bất kỳ ai cũng có thể đưa ra cho người khác đó là chứng tá đích thực của cuộc sống. — Kiểu sống mà mọi người xung quanh chúng ta có thể thấy được và nói rằng, “Ồ, họ thực sự tin vào những gì họ nói là họ tin”.

Nói như vậy không có nghĩa là bạn phải hoàn hảo. Điều đó là không thể. Đôi khi, chứng từ về những giới hạn và những điểm yếu của bản thân có thể chỉ ra sự thật và ân sủng tìm thấy trong Chúa Kitô.

Chẳng hạn, có lần tôi nói chuyện với một phụ huynh, cô ta bày tỏ sự bực bội về việc cô liên tục bảo các con không được la hét nhau nữa nhưng rồi lại mất bình tĩnh và la hét chúng. Cô ấy chia sẻ rằng cô không thích mình trở thành kẻ giả hình như vậy trong chuyện này. Nhận xét của cô ấy có lý, nhưng tôi muốn nhắc nhở rằng nếu các con của cô nhìn thấy sai lầm của cô, thì chúng cũng nên thấy cô xin lỗi và xin tha thứ.

Bạn hãy nhìn xem, sẽ thế nào nếu bạn là một phụ huynh hoàn hảo và một môn đệ hoàn hảo của Chúa Giêsu? Khi con của bạn đạt đến một độ tuổi nhất định, chúng nhận ra rằng chúng không phải là những môn đệ hoàn hảo và cũng không phải là cha mẹ hoàn hảo, đến giai đoạn chúng có thể sẽ từ bỏ đức tin vì “cha mẹ tôi có thể sống điều này, nhưng đó chỉ vì họ tốt hơn tôi”, và chúng có thể tự loại mình ra. Nhưng nếu bạn chứng minh rằng bạn không chỉ biết cách làm hết sức mình để theo Chúa mà còn biết cách xin tha thứ khi thất bại, đó là lời chứng mạnh mẽ cho người môn đệ đích thực.

Thứ hai, chúng ta không bao giờ có thể đánh giá thấp sức mạnh lời chúc phúc của cha mẹ.

Trong Cựu Ước, những người cha được coi là các tư tế của gia đình. Họ là những người có thể dâng lễ và chúc lành cho gia đình mình. Trong giao ước mới, tất cả chúng ta đã được tạo nên cho cái được gọi là “vương quốc tư tế”. Vì vậy, cha mẹ có quyền, có khả năng và thậm chí nhiệm vụ để chúc lành cho con cái của họ. Dù cả cha và mẹ đều có thể chúc lành cho con cái, nhưng sự chúc lành của người cha có sức mạnh đặc biệt. Nếu bạn là cha của bất kỳ đứa trẻ nào (con ruột, con nuôi hoặc con thiêng liêng), phúc lành của bạn đối với chúng có giá trị đặc biệt.

Tôi luôn cổ vũ những người cha đặt tay lên con cái của họ và vẽ dấu thánh giá trên trán của chúng. Thoạt tiên có thể thấy kỳ lạ, nhưng nó hoàn toàn có ý nghĩa và có tác dụng thực sự. Lời chúc phúc của cha mẹ có thể rất mạnh mẽ.

Thứ ba, bất kể con cái bạn đang còn ở nhà hay đã chuyển đi nơi khác, các bậc cha mẹ đều được giao nhiệm vụ cầu nguyện cho con cái mình.

Và khi tôi nói “cầu nguyện cho con cái của họ,” tôi có ý nói tới lời cầu nguyện chuyển cầu tận tâm. Điều này khác xa với việc chỉ nói, “Ồ, và cũng cầu cho cả các con của tôi nữa…”. Đến đây là bước vào lĩnh vực cầu nguyện và ăn chay cho phần rỗi của con cái bạn. Tôi biết mẹ tôi thường xuyên dâng chúng tôi lên trước Chúa trong lời cầu nguyện mỗi ngày. Tôi biết bà cũng thường xuyên ăn chay cho chúng tôi bằng này hay cách khác. Bà đã làm điều này để chúng tôi thực hành đức tin thường xuyên, và bà cũng làm điều này cho chúng tôi khi gặp khó khăn trong thực hành. Các bậc phụ huynh nên cầu nguyện cho tất cả con cái của mình, ngay cả những đứa có vẻ “ổn”.

Suy tư cuối cùng dành cho các bậc phụ huynh có thể rơi vào cái bẫy tự lên án bản thân. Bạn có thể nhìn lại cách mình nuôi dạy con cái và tự trách mình vì đã thất bại. Điều đó có thể đúng. Trong cuộc sống này, bạn có thể thất bại. Bạn có thể đã làm sai. Nhưng sẽ thế nào nếu bạn là cha mẹ hoàn hảo? Sẽ thế nào nếu bạn không làm điều gì sai nhưng đã nuôi dạy chúng với tỷ lệ hoàn hảo của tình yêu và kỷ luật? Sẽ thế nào nếu bạn đã nuôi dạy chúng với hình ảnh hoàn hảo của Thiên Chúa Cha? Bạn biết điều này: Ngay cả khi như vậy, không có gì đảm bảo rằng chúng sẽ chấp nhận tình yêu của Chúa trong cuộc sống của chúng.

Làm sao chúng ta biết được điều này? Chúng ta biết được điều này vì Thiên Chúa là người Cha hoàn hảo. Và chính con cái của Ngài quay lưng lại với Ngài, cho dù Ngài thật hoàn hảo và yêu thương họ cách vẹn toàn. Con người quay lưng lại với tình yêu của Thiên Chúa. Tại sao chúng ta lại ngạc nhiên nếu chính con cái của chúng ta lại quay lưng lại khi chứng kiến tình yêu không hoàn hảo của chúng ta đối với Chúa?

Ân sủng nào mà bạn đang cầu nguyện để con cái của bạn trải nghiệm? Hãy để ân sủng đó an ủi trái tim bạn. Nó có giống với tình yêu mà bạn muốn con cái mình biết và nói “có” hay không? Hãy nói “có” với tình yêu đó trong cuộc sống của chính bạn. Nếu chúng ta không sẵn lòng làm điều đó, thì không có điều gì khác mà chúng ta làm sẽ tạo nên sự khác biệt. Câu chuyện chưa kết thúc. Vẫn còn thời gian để nói “có”.

Chuyển ngữ: G. Võ Tá Hoàng
Chuyển ngữ từ: themiscellany.org
Nguồn: gpquinhon.net