Lời chứng duy nhất của Maria Magdala là “Tôi đã thấy Chúa.” Đó cũng chính là Tin Mừng mà các Ki-tô hữu được mời gọi rao giảng giữa thế giới hôm nay, trong đời sống thường ngày. Thật là một thách đố. Bởi lẽ, nếu không có kinh nghiệm gặp được Đức Ki-tô Phục Sinh, một mặt tôi không dám và cũng không có chất liệu để làm chứng, để rao giảng. Mặt khác, nếu đó không thực sự là kinh nghiệm của bản thân tôi thi những gì tôi nói về Đức Giêsu Phục Sinh sẽ chỉ là “chém gió” mà thôi. Nhưng làm sao để có thể kinh nghiệm về Chúa Phục Sinh?
Câu hỏi có vẻ đùa, vì theo truyền thống của Giáo Hội, Tuần Thánh và lễ Phục Sinh đã trở thành trung tâm của phụng vụ, đỉnh cao của đời sống các Ki-tô hữu. Đã bao nhiêu lần tôi tham dự lễ Phục Sinh, đã bao mùa Phục Sinh trải qua đời tôi, thế mà giờ đây tôi lại phải đặt vấn đề về kinh nghiệm Chúa Phục Sinh. Nhưng đó là sự thật, có thể là sự thật phũ phàng vẫn đang diễn ra, có lẽ nơi nhiều tâm hồn. Nó không hẳn là lỗi “không sốt sắng đủ” của các tín hữu. Chắc chắn người ta cũng không thể hoàn toàn đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho bối cảnh và xu hướng sống “tục hóa” của xã hội. Nó tùy vào lối nhìn của tôi về sự Phục Sinh.
Thiên Chúa vẫn đang hoạt động nơi thế giới này. Ngài đã chết chỉ một lần, và cũng đã sống lại chỉ một lần cho mãi mãi, nhưng kinh nghiệm về cái chết và sự phục sinh của Ngài vẫn có thể được tiếp tục cảm nghiệm nơi thế giới này, trong đời sống thường ngày của chúng ta. Các biến cố và sự kiện tôi gặp trong đời, nếu được chiếu dãi trong ánh sáng của cuộc đời Đức Ki-tô, sẽ đem lại cho tôi sức sống mới, kinh nghiệm mới về Thiên Chúa. “Tôi đã thấy Chúa”. Đó là kinh nghiệm phục sinh, kinh nghiệm “được sống lại thật về phần linh hồn”, là cảm nghiệm được Chúa trong đời mình. Những cảm nghiệm ấy có thể khác nhau: cảm nghiệm thấy Chúa đang chăm sóc, cảm nghiệm được Chúa đang chữa lành, cảm nghiệm được Chúa thêm sức mạnh, nâng đỡ và ủi an, cảm nghiệm được Ngài đang dạy dỗ, đang đồng hành, cảm nghiệm Ngài đang hiện diện nơi người khác… Đó là những cảm nghiệm thấy Chúa và gặp Chúa.
Và như thế, những cảm nghiệm “thấy Chúa” có vẻ không quá khó, không phải là không thể. Điều cần thiết là cần để cho tâm hồn mình biết nhạy cảm với sự hiện diện của Chúa, với những gì Chúa đang thực hiện cho tôi và cho thế giới này. Điều ấy không chỉ cần một lý trí suy xét nhưng còn cần một con tim biết rung động và một tâm hồn biết tin. Nó cũng cần một tương quan đủ thân thiết với Chúa để có một trực giác nhạy bén nhận ra dấu chỉ sự hiện diện của Ngài giữa đời.
Giuse Phạm Đình Cư, SJ