Tôi nhấn mạnh đến việc cầu nguyện. Bởi vì tôi có khá nhiều kinh nghiệm về những phức tạp của sự tự do của người môn đệ Chúa. Chỉ xin kể một đôi chút ở đây.
1.
Từ ít tháng nay, tôi hay nhớ tới Hội Thánh của tôi và Quê Hương của tôi. Nhớ và thương. Nhớ và lo. Thương lo một cách khác thường.
Thương và lo của tôi đi giữa những hoành tráng và tưng bừng từ những đại lễ của đạo và của những đại hội của đời. Tất nhiên tôi cũng chia sẻ phần nào niềm vui đầy màu sắc đó.
Tôi cầu nguyện rất nhiều cho đồng bào yêu dấu của tôi.
2.
Nhưng lạ lùng! Mỗi lần cầu nguyện như thế, tôi lại nhìn thấy Chúa Giêsu. Người đội mạo gai, vác thập giá trên vai, đang bước đi, với vẻ rất đau đớn từ nơi này đến nơi khác.
Với tất cả tấm lòng khiêm tốn, tôi xin Chúa soi sáng cho tôi hiểu ý Chúa muốn dạy tôi điều gì qua những gì tôi đã được thấy.
3.
Chúa dạy tôi hai điều này:
Một là: Hãy cùng với Chúa Giêsu lo cứu các linh hồn vì mến Chúa và vì thương con người.
Hai là: Hãy lo cứu các linh hồn cũng bằng con đường mà Chúa Giêsu đã đi xưa, đó là con đường thánh giá.
Tôi xin vâng.
4.
Về điều thứ nhất, tôi thấy tôi thường rất thiếu.
Trên thực tế, nếu không tỉnh thức, rất nhiều trường hợp, tôi lo cứu công trình nọ, cơ sở kia, mà không ưu tiên lo cứu các linh hồn. Lo ích riêng trái với ích chung là quá sai. Lo việc ngoài nghịch với việc bổn phận cũng là quá sai.
Cũng trên thực tế, tình yêu của tôi đối với Chúa và đối với các linh hồn vẫn còn rất yếu. Tình yêu ấy nhiều khi chưa phải là lửa, mà chỉ là lý thuyết.
5.
Về điều thứ hai, tôi thấy tôi cũng thường rất sai.
Xưa, Chúa Giêsu đã cứu các linh hồn bằng thánh giá, nghĩa là bằng yêu thương được diễn tả bằng hy sinh. Còn tôi thì miệng vẫn thường tuyên xưng con đường mình đi là Thánh Giá, nhưng nếu không tỉnh thức, thì thực tế lại là tự do hưởng thụ, tự do thực dụng, tự do tục hoá dưới nhãn hiệu đạo đức giả và lừa dối.
6.
Xét mình kỹ, tôi thấy ơn gọi của tôi là hãy bước theo Chúa Giêsu cứu các linh hồn bằng con đường thánh giá.
Vấn đề căn bản của ơn gọi đó: là sự tự do của tôi phải ăn hợp với Chúa Thánh Thần. Kinh nghiệm cho thấy: sự tự do của tôi không thể tự mình chọn đúng như ý Chúa, trái lại, nó thường chọn theo ý riêng mình.
7.
Chúa dạy tôi về sự thực đó. Sự thực đó cho tôi thấy sự yếu đuối của tôi. Nhưng Chúa thương cứu tôi. Người dạy tôi hãy cầu nguyện.
Cầu nguyện, để sự tự do của tôi biết tha thiết thực sự với việc cứu các linh hồn.
Cầu nguyện, để sự tự do của tôi biết thao thức thực sự với việc Chúa đốt lửa tình yêu Chúa cháy rực lên trong tôi.
Cầu nguyện, để sự tự do của tôi biết xác tín con đường thánh giá, mà Chúa dẫn tôi vào, là một vinh dự, là một hạnh phúc.
Cầu nguyện, để sự tự do của tôi bỏ được tính an phận, tự đắc, chủ quan, vô cảm.
8.
Tôi nhấn mạnh đến việc cầu nguyện. Bởi vì tôi có khá nhiều kinh nghiệm về những phức tạp của sự tự do của người môn đệ Chúa. Chỉ xin kể một đôi chút ở đây.
9.
Rất nhiều trường hợp, khi tôi nghe Chúa gọi tôi hãy chọn một việc lành nào theo Phúc Âm, thì lập tức, tôi cũng nghe thấy nhiều tiếng gọi khác. Chúng khuyên tôi hãy chọn điều nọ điều kia mà chúng cho là điều lành, nhưng thực chất là xấu. Có thể nói là có rất nhiều tiếng gọi. Tiếng do Chúa, tiếng do quỷ.
Bởi vì thế gian này có vô số thần dữ. Chúng hoạt động rất mạnh, gieo rắc khắp nơi những ước mơ xấu. Chúng pha trộn cái xấu vào cái tốt. Chúng xếp cái xấu ngang hàng với cái tốt. Chúng làm nên những cơn bão mù mịt trong lãnh vực tinh thần.Trong hoàn cảnh như thế, con người rất cần được một Đấng thiêng liêng có quyền cho kẻ mù được thấy, cho bão gió được êm lặng. Đấng thiêng liêng ấy sẽ cứu những ai cầu nguyện với Người. Tôi có kinh nghiệm về sự thực đó.
10.
Tôi cũng xin nói về một kinh nghiệm khác. Trước đây, khi nghe giảng về con đường thánh giá, tôi tin đó là con đường tôi nên theo. Khi thấy gương các thánh đã bước theo con đường thánh giá, tôi cũng muốn bước theo. Nhưng, khi Chúa Giêsu vác thánh giá thực sự đi vào đời tôi, Người muốn tôi chịu những đau khổ phần xác phần hồn, để cùng với Người cứu các linh hồn, thì thú thực là lúc đó tôi đụng vào một sự thực đau đớn, mà tôi không ngờ. Bởi vì đau đớn là rất ghê gớm. Lúc đó, chỉ sự cầu nguyện mới giúp tôi dám chọn điều Chúa muốn chọn cho tôi. Chỉ có sự cầu nguyện mới giúp sự tự do của tôi. Chỉ có sự cầu nguyện, mới giúp tôi biết biến đau khổ của tôi thành của lễ có giá trị cứu độ.
11.
Kết quả của cầu nguyện là mặc dầu tôi không trở nên hoàn thiện như tôi muốn, nhưng tôi vững tin và phó thác vào Chúa.Nhờ đức tin ấy, tôi dâng tất cả những phấn đấu hằng ngày của tôi lên Chúa, như những lễ vật, mà sự tự do của tôi có được, để cảm tạ hồng ân Thiên Chúa. Để rồi, chính sự yếu đuối của tôi lại thanh luyện tính kiêu căng của tôi. Sự nhận thức về sự yếu hèn của tôi lại là dịp tỏ hiện quyền năng của lòng Chúa xót thương.
12.
Mới rồi, có lúc tôi thấy Chúa Giêsu vác thánh giá bước ra khỏi một nơi đang sầm uất về những hoạt động tôn giáo hoành tráng kèm theo những tiệc tùng và vui nhộn. Tôi hỏi Chúa đi đâu vậy? Thì Chúa trả lời: Chúa ra đi. Vì nơi này không có chỗ cho Chúa. Hơn nữa, họ đuổi Chúa ra ngoài nhân danh vinh quang Chúa. Nghe vậy, tôi rất buồn. Nhưng Chúa nói thêm: Sự Chúa ra khỏi nơi này không phải là một sự chấm dứt. Chúa sẽ trở lại. Tôi chưa hiểu Chúa sẽ trở lại bao giờ và bằng cách nào. Chỉ biết rằng: Sự Chúa ra đi lúc này là một cảnh báo rất nghiêm trọng.
13.
Phần tôi, tôi xác tín điều này. Chúa Giêsu sống trong tôi. Tôi đón nhận Người. Chính Người vác thánh giá trong tôi. Đó là một ơn Chúa ban, giúp tôi biết gắn kết sự tự do của tôi vào ơn thánh của Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, tôi sống sự tự do đích thực của người con Thiên Chúa. Lúc ấy, sự tự do của tôi là thoát được mọi xiềng xích của ma quỷ và tội lỗi, chỉ tìm một điều duy nhất là tình yêu Thiên Chúa, để tôi chỉ sống cho tình yêu đó mà thôi. Nhờ đó, tôi biết sống cho mọi người.
Để có được một sự tự do như thế, tôi phải tập luyện, phải cầu nguyện và sống tiết độ hằng ngày mọi lúc. Tôi rất cám ơn cộng đoàn và tất cả những ai đã nâng đỡ tôi trong việc đào tạo tôi nên người tự do như thế.
14.
Tới đây, tôi nghĩ tới Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, người con quê quán ở giáo phận Long Xuyên. Cha đã đón Chúa Giêsu vác thánh giá vào lòng mình. Cha đã tự do theo ý Chúa, tự nguyện gắn bó ở lại với đoàn chiên, khi đoạn chiên gặp khó. Cha đã thương đoàn chiên, dám chết thay cho đoàn chiên, để cứu đoàn chiên. Không đùn đẩy, nhưng Cha tự ý và mau lẹ cứu người khác. Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp là một gương sáng cho tôi. Lúc này, Hội Thánh Việt Nam rất cần nhiều người như Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp.
Long Xuyên, ngày 17.8.2015.
+ GB. Bùi Tuần