Tông huấn « Gaudete et Exsultate»

TÔNG HUẤN « GAUDETE ET EXSULTATE »

(HÃY VUI MỪNG VÀ HÂN HOAN),

của Đức Thánh Cha Phanxicô

về lời kêu gọi nên thánh trong thế giới hôm nay

(19/03/2018)

*  *  *

Chương Năm

CHIẾN ĐẤU, TỈNH THỨC

PHÂN ĐỊNH

  1. Đời sống Kitô-hữu là một cuộc chiến đấu liên lỉ. Cần phải có sức mạnh và can đảm, để chống lại các cám dỗ của ma quỷ và để loan báo Tin Mừng. Cuộc chiến này rất cao đẹp, vì cho phép chúng ta ăn mừng (célébrer) mỗi khi Chúa chiến thắng trong cuộc đời của chúng ta.
  2. CHIẾN ĐẤU và TỈNH THỨC
  3. Đây không chỉ là một cuộc chiến chống lại thế gian và não trạng thế tục, vốn hay lừa dối chúng ta, khiến chúng ta u mê đần độn và làm cho chúng ta biến thành những người tầm thường, thiếu dấn thân và không niềm vui. Cuộc chiến đấu này cũng không giản lược vào cuộc chiến đấu chống lại những yếu đuối và những xu hướng xấu của con người (mỗi người đều có xu hướng xấu riêng: biếng nhác, xa hoa, ham muốn, ghen tị, những xu hướng khác nữa). Đây cũng là một cuộc chiến đấu thường xuyên chống lại ma quỷ, tên trùm của sự dữ. Chính Chúa Giêsu ăn mừng (fêter) chiến thắng của chúng ta. Ngài đã vui mừng khi các môn đệ của Ngài từ từ tiến bộ trong việc rao giảng Tin Mừng, khi vượt qua những chướng ngại của Ác Thần, và Ngài reo vui: “Thầy thấy Satan như chớp từ trời sa xuống” (Lc 10, 18).

Hơn cả một thần thoại

  1. Chúng ta sẽ không nhìn nhận sự hiện hữu của ma quỷ, nếu chúng ta cố nhìn cuộc sống với những tiêu chuẩn thực nghiệm và không có cảm thức siêu nhiên. Một cách chính xác, xác tín rằng quyền lực thần dữ hiện diện ở giữa chúng ta, chính là điều cho phép chúng ta hiểu tại sao sự dữ đôi khi lại có sức mạnh tàn phá đến như thế. Các tác giả Thánh Kinh quả là có một hành trang khái niệm giới hạn, để diễn tả một số thực tại và vào thời của Đức Giêsu, người ta đã có thể lẫn lộn, chẳng hạn, bệnh động kinh với sự việc bị quỷ ám. Tuy nhiên, điều này không được dẫn chúng ta đến việc đơn giản hóa quá đáng thực tại, bằng cách nói rằng, tất cả các trường hợp được tường thuật lại trong các sách Tin Mừng đều là những căn bệnh tâm thần và rốt cuộc cho rằng, không có ma quỷ hoặc ma quỷ không hoạt động. Sự hiện diện của nó được tìm thấy ngay trong trang đầu của Thánh Kinh, và trang này kết thúc với chiến thắng của Thiên Chúa trên ma quỷ [120]. Quả thật, khi dạy chúng ta Kinh Lạy Cha, Đức Giêsu đã yêu cầu chúng ta kết thúc bằng cách xin Chúa Cha giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ. Hạn từ được sử dụng ở đây không qui chiếu về sự dữ trừu tượng và phiên dịch chính xác phải là “Ác Thần” (le Malin). Nó ám chỉ một cá thể (êtrepersonnel) phá rối chúng ta. Đức Giêsu đã dạy chúng ta mỗi ngày cầu xin ơn giải thoát này, để quyền năng của nó không thống trị chúng ta.
  2. Như vậy, chúng ta đừng nghĩ rằng ma quỉ là một huyền thoại, một hình dung, một biểu tượng, một hình ảnh hay một ý tưởng [121]. Sai lầm này sẽ dẫn chúng ta đến việc buông tay, nới lỏng chú ý và để mình bị lộ ra hơn. Ma quỷ không cần chiếm hữu chúng ta, nó đầu độc chúng ta bằng hận thù, buồn sầu, ham muốn, những thói xấu. Nó phá hoại cuộc đời của chúng ta, gia đình và cộng đoàn của chúng ta, khi chúng ta mất cảnh giác, vì nó rình mò “như sư tử gầm gừ, rảo quanh, tìm mồi cắn xé” (x. 1Pr 5, 8).

Cảnh giác và tin tưởng

  1. Lời Chúa mời gọi ta một cách rõ ràng “hãy chống lại những mưu chước của ma quỷ” (Ep 6, 11) và dập tắt “mọi tên lửa của Ác Thần” (Ep 6, 16). Cho cuộc chiến đấu này, chúng ta có những khí giới mạnh mẽ Chúa ban cho chúng ta: đức tin được diễn tả trong cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, cử hành Thánh lễ, tôn thờ Thánh thể, bí tích Hòa giải, các việc bác ái, đời sống cộng đoàn, dấn thân thi hành sứ vụ. Nếu chúng ta lơ là, những hứa hẹn lừa đảo của sự dữ sẽ dễ dàng quyến rũ chúng ta, như thánh linh mục Brochero đã nói: “Có quan trọng gì việc Lucifer hứa hẹn giải phóng chúng ta và ngay cả phủ lấp chúng ta bằng những lợi ích của nó, nếu đó là những lợi ích giả dối, nếu đó là những lợi ích độc hại?” [122].
  2. Trên con đường này, phát triển điều tốt lành, trưởng thành thiêng liêng và lớn lên trong tình yêu là những đối trọng tốt nhất chống lại sự dữ. Không ai chống lại được, nếu dừng lại ở điểm chết, nếu hài lòng với điều ít ỏi, nếu ngừng mơ ước dâng cho Chúa chính bản thâm mình cách quảng đại hơn. Tệ hơn nữa, nếu họ rơi vào tinh thần lụn bại, vì “ai khởi đầu mà không có niềm tin, thì đã thua trước một nửa trận chiến rồi, và vùi lấp những tài năng của mình […] chiến thắng thuộc đức tin Kitô luôn là một thập giá, nhưng là một thập giá vốn đồng thời cũng là ngọn cờ chiến thắng, mà chúng ta dương cao với sự hiền lành (tendresse) chiến đấu, chống lại những tấn công của sự dữ” [123].

Hư hỏng thiêng liêng

  1. Con đường thánh thiện là nguồn của bình an và niềm vui, mà Thần Khí ban cho chúng ta, nhưng đồng thời Ngài cũng đòi hỏi chúng ta hiện hữu với “những ngọn đèn cháy sáng” (Lc 12, 35) và chúng ta phải chú ý: “Anh em hãy giữ mình khỏi mọi hình thức của sự dữ” (1Thes 5, 22). “Vậy, anh em hãy tỉnh thức” (Mt 24, 42; Mc 13, 35). “Chúng ta đừng mê ngủ” (1Thes 5, 6). Vì những ai nghĩ mình không có những lỗi nghiêm trọng chống lại Luật Thiên Chúa, có thể rơi vào tình trạng u mê hoặc mê ngủ. Vì chẳng thấy mình có gì nghiêm trọng đáng trách, nên họ không nhận ra sự nguội lạnh, dần dần xâm chiếm đời sống thiêng liêng của mình và họ rốt cuộc trở nên yếu nhược và hư hỏng.

Sự hư hỏng thiêng liêng thì tồi tệ hơn sự sa ngã của một tội nhân, vì đó là một sự mù quáng tiện nghi (confortable) và tự đủ, khi đó mọi sự cuối cùng dường như trở nên hợp lệ: lừa dối, vu khống, ích kỷ và những hình thức tinh vi khác của tính tự qui chiếu về bản thân (autoréférentialité), bởi vì “chính Satan giả dạng thành thiên thần ánh sáng” (2Cr 11,14). Chính như thế mà vua Salômôn đã kết thúc những ngày của đời ông, khi mà vua Đavít “đại tội nhân” đã biết đưa mình ra khỏi cơn khốn khổ của mình. Trong một trình thuật, Đức Giêsu đã cảnh báo chúng ta chống lại sự cám dỗ lừa dối, làm cho chúng ta trôi dạt về phía sự hư đốn: Người nói về một người được giải thoát khỏi tay tên quỷ, rồi khi nghĩ rằng đời mình giờ đây đã tinh tuyền, lại kết thúc bởi trình trạng bị ám bởi bảy tên quỷ khác (xem Lc 11, 24-26). Một đoạn Thánh Kinh khác dùng một hình ảnh thật mạnh: “Con chó quay trở lại với đồ mửa của riêng nó” (2Pr 2, 22; x. Cn 26, 11).

 

  1. PHÂN ĐỊNH (DISCERNEMENT)
  2. Làm thế nào để biết một điều đến từ Chúa Thánh Thần hay nó có nguồn gốc nơi tinh thần của thế gian hay nơi tinh thần của ma quỷ? Cách thức duy nhất, đó là phân định, vốn đòi hỏi không chỉ khả năng suy nghĩ hay lý lẽ thường tình. Đó cũng là một ân huệ phải nài xin. Nếu chúng ta xin Chúa Thánh Thần ơn huệ ấy với sự tin tưởng, và nếu chúng ta đồng thời nỗ lực phát triển ơn ấy nhờ cầu nguyện, suy nghĩ, đọc sách và lắng nghe những lời khuyên tốt lành, thì chắc chắn chúng ta sẽ lớn lên trong khả năng thiêng liêng này.

Một sự cần thiết cấp bách (nécessité impérieuse)

  1. Ngày nay, khả năng phân định lại trở nên cần thiết cách đặc biệt. Thực vậy, đời sống hiện nay cung cấp vô vàn những khả thể hành động, giải trí và thế giới trình bày chúng như thể tất cả chúng đều có giá trị và tốt đẹp. Mọi người, nhưng đặc biệt là giới trẻ, bị đưa vào một nền văn hóa bấm nút chuyển kênh liên tục (zapping constant). Người ta có thể đồng thời lướt qua hai hoặc ba màn hình và tương tác đồng thời trên những nơi ảo khác nhau. Không có sự khôn ngoan phân định, chúng ta có thể dễ dàng biến thành những con rối, bị cuốn vào những xu hướng nhất thời.
  2. Điều này đặc biệt quan trọng khi một sự mới mẻ xuất hiện trong đời sống của chúng ta, và khi lúc đó phải phân định xem đó có phải là rượu mới của Thiên Chúa hay đó là một thứ mới mẻ lừa dối của tinh thần thế tục hoặc của tinh thần ma quỷ. Trong những trường hợp khác, điều ngược lại có thể xảy ra, bởi vì các thế lực của sự dữ xui khiến chúng ta không thay đổi, cứ để yên mọi sự như chúng là, chọn lựa chủ nghĩa bất động hay sự cứng nhắc. Như thế, chúng ta ngăn chặn hơi thở của Chúa Thánh Thần hành động. Chúng ta được tự do, đến từ sự tự do của Đức Giêsu, nhưng Người mời gọi chúng ta kiểm tra những gì đang ở bên trong chúng ta – các ước muốn, lo âu, sợ hãi, những khao khát – và những gì xảy ra ở bên ngoài chúng ta – “các dấu chỉ của thời đại” – để nhận ra những nẻo đường của tự do tròn đầy. “Anh em hãy xem xét mọi sự; điều gì là tốt, anh em hãy giữ lại” (1Tx 5, 21).

Luôn luôn dưới ánh sáng của Chúa

  1. Sự phân định cần thiết không chỉ vào những thời điểm ngoại thường, hay khi chúng ta phải giải quyết các vấn đề nghiêm trọng hay khi phải đưa ra một quyết định đặc biệt quan trọng. Đó là một công cụ chiến đấu để đi theo Chúa tốt hơn. Chúng ta luôn luôn cần phân định, để sẵn sàng nhận biết những thời điểm của Thiên Chúa và ân sủng của Ngài, để không lãng phí những gợi hứng của Chúa, để không bỏ qua lời mời gọi lớn lên của Người. Thường thường điều này diễn ra trong những việc bé nhỏ, trong điều không đáng lưu tâm, bởi vì sự lớn lao được tỏ lộ trong điều đơn sơ và hàng ngày [124]. Vấn đề là đừng có những giới hạn cho điều là lớn lao, cho điều gì là tốt hơn và đẹp hơn, nhưng đồng thời cũng chú ý đến những gì bé nhỏ, đến việc cho đi chính mình hôm nay. Vì thế, tôi yêu cầu tất cả các Kitô hữu thực hiện mỗi ngày việc đối thoại với Chúa, Đấng yêu thương chúng ta và thực hiện việc « xét mình » chân thành. Đồng thời, sự phân định dẫn chúng ta đến việc nhận ra những phương tiện cụ thể mà Chúa an bài trong kế hoạch yêu thương nhiệm mầu của Người, để chúng ta không chỉ dừng lại ở những ý định tốt lành.

Một ơn huệ siêu nhiên

  1. Đúng là sự phân định thiêng liêng không loại trừ những đóng góp của các hiểu biết về con người, cõi hiện sinh, tâm lý, xã hội hay luân lý. Nhưng nó vượt trên chúng. Cả những qui luật khôn ngoan của Hội Thánh cũng chưa đủ. Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng phân định là một ân sủng. Mặc dù nó bao hàm lý trí và sự cẩn trọng, nó vẫn vượt trên chúng, vì đó là việc đoán ra mầu nhiệm của kế hoạch duy nhất và không thể bắt chước, mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta, và mầu nhiệm này được thực hiện trong những bối cảnh và những giới hạn khác biệt nhất. Những gì được đặt cuộc trong phân định, không chỉ là một sự êm xuôi đời này (bien-être temporel), cũng không là sự hài lòng vì đã làm một điều gì hữu ích, hoặc cũng không là ước muốn có được một lương tâm thanh thản. Điều được hay mất trong phân định, là ý nghĩa của cuộc đời tôi trước mặt Chúa Cha, Đấng hiểu biết tôi và yêu thương tôi, là ý nghĩa thực sự của cuộc sống tôi, mà không ai biết rõ hơn Ngài. Hiểu ở mức độ tận cùng, phân định dẫn đến chính nguồn của sự sống không tan biến, nghĩa là, biết Chúa Cha, Thiên Chúa Chân Thật Duy Nhất, và Đấng mà Ngài đã sai đến, Đức Giêsu-Kitô (x. Ga 17, 3). Phân định không đòi hỏi những khả năng đặc biệt, cũng không chỉ dành cho những người thông minh hơn hoặc học thức hơn, và Chúa Cha tự nguyện tỏ mình ra cho những người bé nhỏ (x. Mt 11, 25).
  2. Cả khi Chúa nói với chúng ta bằng nhiều cách khác nhau, trong công việc, qua người khác và ở mọi lúc, thì chúng ta cũng không thể bỏ qua sự thinh lặng của cầu nguyện thật chú tâm, để nhận ra tốt hơn ngôn ngữ của Thiên Chúa, để giải thích ý nghĩa thực sự của những soi sáng mà chúng ta xác tín mình nhận được, để xoa dịu những lo âu và để tái cấu tạo toàn thể cuộc sống của mình dưới ánh sáng của Thiên Chúa. Như thế, chúng ta có thể làm phát sinh một tổng hợp mới mẻ, trào vọt ra từ sự sống được khai sáng bởi Chúa Thánh Thần.

Lạy Chúa, xin hãy nói

  1. Tuy nhiên, có thể xẩy ra là, ngay trong cầu nguyện, chúng ta né tránh việc để cho mình bị chất vấn bởi sự tự do của Chúa Thánh Thần, Đấng hành động như Ngài muốn. Chúng ta phải nhớ rằng, phân định cầu nguyện (discernement priant) phải tìm thấy nguồn của nó nơi sự sẵn sàng lắng nghe Chúa, lắng nghe người khác, lắng nghe chính thực tại, vốn luôn chất vấn chúng ta một cách mới mẻ. Chỉ có ai sẵn sàng lắng nghe, mới có được sự tự do để từ bỏ quan điểm phiến diện hay không đầy đủ của riêng của mình, từ bỏ những thói quen của mình, những sơ đồ của mình (schémas). Làm như thế, người này sẵn sàng để đón nhận tiếng gọi, tiếng gọi phá vỡ những an toàn của mình, nhưng lại dẫn đến một sự sống tuyệt hảo hơn, vì vẫn chưa đủ khi mọi sự đều xuôi chảy, mọi sự đều êm ả. Thiên Chúa có thể đang ban cho chúng ta điều gì đó hơn nữa, và vì sự thoải mái của chúng ta trong tiện nghi, chúng ta không để tâm.
  2. Một thái độ lắng nghe như thế, chắc chắn bao hàm sự vâng phục đối với Tin Mừng như là tiêu chuẩn tối hậu, nhưng cũng vâng phục đối với Huấn Quyền, vốn gìn giữ Tin Mừng bằng cách tìm ra trong kho tàng của Hội Thánh điều phong nhiêu nhất cho thời điểm hôm nay của ơn cứu độ. Vấn đề không phải là áp dụng các công thức, cũng không phải là lặp lại quá khứ, bởi vì cùng những giải pháp không có giá trị trong mọi tình huống, và điều hữu ích trong một bối cảnh có thể không hữu ích trong một bối cảnh khác. Sự phân định các thần loại giải thoát chúng ta khỏi sự cứng nhắc, vốn không là điều không có chỗ đứng trước “ngày hôm nay vĩnh cửu” của Đấng Phục Sinh. Chỉ có Thần Khí mới biết thấm nhập vào những nếp gấp mịt mờ nhất của thực tại và để ý đến tất cả mọi sắc thái của thực tại, để cho, vào một ngày mới, làm trồi hiện tính sự mới mẻ của Tin Mừng.

Luận lý (logique) của ơn huệ và của Thập Giá

  1. Một điều kiện thiết yếu cho sự tiến bộ trong việc phân định, đó là tự giáo dục mình cho sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và cho các thời điểm của Ngài, vốn không bao giờ là những thời điểm của chúng ta. Thiên Chúa không làm cho lửa ào xuống thiêu đốt những kẻ ngoại đạo (xem Lc 9, 54), cũng không cho phép “nhổ cỏ lùng” đang mọc lên cùng với lúa mì (x. Mt 13, 29). Cũng cần có lòng quảng đại, vì “cho đi thì hạnh phúc hơn là tiếp nhận” (Cv 20, 35). Chúng ta không phân định để khám phá ra điều chúng ta có thể rút ra được hơn nữa từ cuộc sống này, nhưng để nhận biết làm sao chúng ta có thể hoàn tất tốt hơn sứ mạng được ủy thác cho chúng ta trong Phép Rửa, và điều đó bao hàm việc chúng ta phải sẵn sàng cho những từ bỏ, đến mức cho đi mọi sự. Thực vậy, hạnh phúc thì nghịch lý, và hạnh phúc mang lại cho chúng ta những kinh nghiệm tốt nhất khi chúng ta chấp nhận luận lý nhiệm mầu, vốn không thuộc về thế gian. Như Thánh Bonaventura đã xác quyết điều này, khi nói về thập giá: “Đây là luận lý của chúng ta” [125]. Nếu có ai đi vào trong năng động này, khi đó người này sẽ không để cho lương tâm của mình bị tê liệt và sẽ mở lòng ra cách quảng đại cho phân định.
  2. Khi chúng ta dò dẫm trước nhan Thiên Chúa những con đường của cuộc sống, thì sẽ không có những phạm vi bị loại trừ. Trên mọi bình diện của cuộc sống, chúng ta có thể tiếp tục lớn lên và dâng hiến điều gì đó hơn nữa cho Thiên Chúa, bao gồm cả những bình diện mà ở đó chúng ta có kinh nghiệm về những khó khăn lớn lao nhất. Nhưng, cần phải xin Chúa Thánh Thần giải thoát chúng ta và xua đuổi sự sợ hãi, vốn đưa chúng ta đến chỗ ngăn cấm Ngài đi vào trong một số lãnh vực thuộc đời sống của chúng ta. Ngài là Đấng đòi hỏi mọi sự, nhưng cũng trao ban mọi sự, và Ngài không muốn đi vào trong chúng ta để làm tàn tật hay làm suy yếu, nhưng để mang vác chúng ta đến sự tròn đầy. Điều này cho chúng ta thấy rằng, phân định không phải là một thứ tự-phân tích duy ngã (auto-analyse intimiste), hay nội quan quy ngã (introspection égoïste), nhưng là một tiến trình đi ra đích thực khỏi chính mình, hướng về mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đấng giúp chúng ta sống sứ mạng, mà Ngài đã mời gọi chúng ta, vì điều thiện hảo của anh chị em chúng ta.

(176-177)

Ban hành tại Rôma, ở Đền Thánh Phêrô,
vào ngày 19 tháng 3, Lễ trọng kính Thánh Giuse, năm 2018,
là năm thứ sáu của triều đại của tôi.
ĐTC Phanxicô

(Giuse Nguyễn Văn Lộc chuyển ngữ
theo bản Tiếng Pháp)

——————-

[120] X. Bài giảng trong Thánh Lễ ở Casa Santa Marta, 11 tháng 10 năm 2013: L’Osservatore Romano, ngày 12 tháng 10 năm 2013, tr. 2.[121] X. PHAOLÔ VI, Bài Giáo Lý, Triều Yết Chung ngày 15 tháng 11 năm 1972: Insegnamenti X (1972), tt. 1168-1170: “Một trong các nhu cầu lớn nhất của chúng ta là phòng thủ chống lại sự dữ mà chúng ta gọi là quỷ dữ… Sự dữ không đơn thuần là một sự khiếm khuyết nhưng là một năng lực, một hữu thể tinh thần sống động, bị hư hỏng và làm cho người khác ra hư hỏng. Một thực thể khủng khiếp, bí nhiệm và đáng sợ. Những ai từ chối nhìn nhận sự hiện hữu của nó, hoặc biến nó thành một nguyên lý độc lập không bắt nguồn từ Thiên Chúa như các thụ tạo khác, hoặc giải thích nó như một nguỵ thực tại, một nhân cách hoá những nguyên nhân ẩn tàng của các sự bất hạnh của chúng ta. Những người ấy không còn ở trong phạm vi giáo huấn của Thánh Kinh và Hội Thánh nữa”.[122] JOSÉ GABRIEL DEL ROSARIO BROCHERO, “Plática de las banderas”, in CONFERENCIA EPISCOPAL ARGENTINA, El Cura Brochero. Cartas y sermones, Buenos Aires, 1999, 71.[123] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24 tháng 11 năm 2013), 85: AAS 105 (2013), 1056.[124] Trên mộ phần của Thánh Ignatiô Loyola, có khắc hàng chữ đầy ý nghĩa: Non coerceri a maximo, conteneri tamen a minimo divinum est (“Những gì thuộc về Thiên Chúa, không bị hạn chế bởi điều lớn nhất, nhưng được chứa đựng trong điều nhỏ nhất”).[125] Collationes in Hexaemeron, 1, 30.