Tông sắc “Aperuit Illis – Ngài mở trí cho họ” nhằm thiết lập ngày Chúa Nhật Lời Chúa

TÔNG SẮC “APERUIT ILLIS – NGÀI MỞ TRÍ CHO HỌ” NHẰM THIẾT LẬP NGÀY CHÚA NHẬT LỜI CHÚA

Lm. Đa-minh Thiệu, O.Cist – chuyển ngữ 

Trong Tông Sắc ”Aperuit illis – Ngài mở tâm trí cho họ” (Lc 24,45) công bố ngày 30-9-2019, lễ thánh Giêrônimô, Đức Giáo hoàng Phanxicô ấn định Chúa Nhật thứ III mùa Thường niên là ”Chúa Nhật cử hành, suy tư và phổ biến Lời Chúa”. Đức Giáo hoàng cho biết ngài đi đến quyết định này, nhằm đáp lại nhiều lời thỉnh cầu của các tín hữu, mong muốn trong Giáo Hội có một Chúa Nhật Lời Chúa được cử hành. Sau đây là bản dịch Việt ngữ của Tông sắc này.

* * *

TÔNG SẮC

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG

PHANXICÔ

“APERUIT ILLIS – NGÀI MỞ TRÍ CHO HỌ”

THIẾT LẬP NGÀY CHÚA NHẬT LỜI CHÚA

  1. Bấy giờ Ngài mở trí cho họ hiểu lời Kinh Thánh” (Lc 24,45). Đó là một trong những hành vi cuối cùng của Đấng Phục Sinh trước khi Ngài về Trời. Ngài hiện ra với các môn đệ  khi họ quy tụ lại với nhau, bẻ bánh với họ và mở trí cho họ hiểu lời Kinh Thánh. Ngài mạc khải ý nghĩa của mầu nhiệm Phục Sinh cho những con người đang bị gây hoảng loạn và tuyệt vọng, biết rằng, theo kế hoạch đã có từ muôn thuở của Thiên Chúa Cha, thì Chúa Giê-su sẽ phải chịu khổ hình nhưng sẽ phục sinh từ cõi chết, hầu mang đến ơn hoán cải và ơn tha thứ tội lỗi (xc. Lc 24,26.46-47); và Ngài đã hứa ban Thánh Thần cho họ; còn Chúa Thánh Thần thì sẽ ban sức mạnh cho họ để họ trở nên những chứng nhân của mầu nhiệm cứu độ ấy (xc. Lc 24,49).

Mối tương quan giữa Đấng Phục Sinh với cộng đoàn các tín hữu và với Kinh Thánh là điều vô cùng quan trọng đối với căn tính chúng ta. Nếu không có Chúa Ki-tô, Đấng mở trí cho chúng ta am hiểu Kinh Thánh, thì sẽ không thể hiểu được Kinh Thánh trong chiều sâu của nó. Và trái lại, nếu không có Kinh Thánh thì cũng sẽ không thể hiểu được sứ mạng của Chúa Giê-su cũng như sứ mạng của Giáo hội Ngài trên thế giới. Thánh Giê-rô-ni-mô thật có lý khi viết: “Không biết Kinh Thánh thì cũng sẽ chẳng biết Chúa Ki-tô” (Comm. in Is., Prolog).

2.Nhân dịp bế mạc Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót, Cha đã mời gọi mọi người hãy lưu tâm tới “một ngày Chúa Nhật được hoàn toàn dành riêng cho Lời Chúa để lĩnh hội sự phong phú vô hạn mà nó phát sinh từ cuộc đối thoại không ngừng ấy của Thiên Chúa với Dân Người” (Tông Sắc Misericordia et misera, 7). Việc dành một Ngày Chúa Nhật trong năm Phụng Vụ cho Lời Chúa sẽ tạo điều kiện cách đặc biệt, để Giáo hội tái trải nghiệm về những hành vi của Đấng Phục Sinh, Đấng cũng đang mở ra cho chúng ta thấy kho tàng Lời Ngài, để chúng ta có thể trở nên những người công bố sự phong phú vô hạn ấy giữa thế giới. Trong mối liên hệ này, Cha chợt nhớ tới điều mà Thánh Ephrem đã từng viết: “Lạy Chúa, ai có khả năng thấu hiểu được sự phong phú hoàn toàn của một trong những Lời của Chúa, tức điều mà chúng con không thể hiểu được bằng trí tuệ, hơn là tiếp nhận được nó từ nguồn mạch giống như những người khát nước? Đồng thời cũng có nhiều cách giải nghĩa Lời Chúa, giống như những người nghiên cứu học hỏi về nó. Thiên Chúa đã trang điểm cho Lời Ngài bằng rất nhiều những hình thức tuyệt vời khác nhau, để bất cứ ai trong số những người học hỏi và nghiên cứu về điều mà nó làm cho người ấy thích thú, cũng đều lưu tâm; và Ngài đã giấu kín tất cả mọi kho tàng trong Lời Ngài, đến độ bất cứ ai trong chúng con mà suy nghĩ về nó, thì cũng đều được phong phú hóa nhờ nó” (Chú giải về Diatessaron, 1,18).

Vì thế, với Tông Sắc này, Cha muốn trả lời cho rất nhiều những lời thỉnh cầu mà chúng được Dân Thiên Chúa gửi đến cho Cha, để Ngày Chúa Nhật Lời Chúa sẽ có thể được cử hành trên toàn Giáo hội theo một cách thức giống nhau. Việc các Cộng Đoàn Ki-tô hữu suy tư về những giá trị to lớn mà Lời Chúa đem đến cho cuộc sống hằng ngày của họ, vào một số dịp nào đó, đã trở thành một thực hành khá phổ biến. Tại nhiều Giáo hội địa phương khác nhau đang có những sáng kiến thật đa dạng, mà các sáng kiến ấy có khả năng giúp cho các tín hữu có được một sự tiếp cận càng ngày càng sâu xa hơn với Kinh Thánh; họ lấy làm biết ơn trước một hồng ân to lớn như thế, và cố gắng sống Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày, cũng như cảm thấy có trách nhiệm phải làm chứng cho Lời Chúa theo những cách thức đáng tin cậy. 

Với Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Dei Verbum, Công Đồng Vatican II đã khuyến khích mọi người hãy tái khám phá Lời Chúa. Bản văn Công Đồng vẫn luôn có giá trị để mọi người suy niệm và áp dụng trong cuộc sống; và bản văn Công Đồng đã nhấn mạnh tới bản chất của Kinh Thánh cũng như nhấn mạnh tới việc phải tiếp tục chuyển giao Kinh Thánh từ thế hệ này sang thế hệ kia (chương II), sự linh hứng của Kinh Thánh (chương III) mà sự linh hứng ấy bao hàm cả Cựu Ước lẫn Tân Ước (chương IV và V), và tầm quan trọng của Kinh Thánh đối với đời sống Giáo hội (chương VI). Để đào sâu Giáo Lý ấy, vào năm 2008, Đức Bê-nê-đíc-tô XVI đã triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục với đề tài: “Lời Chúa trong đời sống và trong sứ mạng của Giáo hội”. Khi bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục đó, Ngài đã công bố Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục với tiêu đề là Verbum Domini – Lời Thiên Chúa. Tông Huấn này chính là một học thuyết vô cùng cần thiết đối với các cộng đoàn chúng ta[1]. Trong văn kiện đó, đặc tính thẩm thấu của Lời Chúa đã được phân tích cặn kẽ và theo một cách thức đặc biệt, mà đặc tính Bí Tích của Lời Ngài đã đặc biệt và thực sự trở nên sáng tỏ trong hành vi phụng tự[2].

Vì thế, ước chi trong đời sống của Dân chúng ta, mối tương quan có tính quyết định đó với Lời hằng sống của Thiên Chúa sẽ không bao giờ bị khuyết thiếu, mà thông qua Lời Hằng Sống ấy, Thiên Chúa sẽ không bao giờ ngừng nói với Hiền Thê của mình, để Hiền Thê có thể phát triển và lớn lên trong Đức Ái cũng như trong việc làm chứng cho Đức Tin.

  1. Vì thế, Cha ấn định rằng, ngày Chúa Nhật thứ III thường niên sẽ là Ngày được dành để cử hành, để chiêm ngưỡng cũng như để phổ biến Lời Chúa. Ngày Chúa Nhật được dành cho Lời Chúa ấy sẽ hoàn toàn thích hợp khi nó rơi vào quãng thời gian trong năm, mà chúng ta được mời gọi để thắt chặt hơn nữa các mối tương quan của chúng ta với người Do-thái, cũng như được mời gọi để cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Ki-tô hữu. Vấn đề ở đây không phải chỉ là một cuộc gặp gỡ tạm thời: Việc cử hành ngày Chúa Nhật Lời Chúa mang một tầm quan trọng có tính đại kết, vì Kinh Thánh sẽ chỉ cho những ai lắng nghe mình thấy được con đường mà họ phải bước vào để đạt tới sự hiệp nhất đích thực và bền vững.

Các cộng đoàn sẽ tìm ra cách thức để cử hành ngày Chúa Nhật ấy cách long trọng. Dù sao, điều quan trọng vẫn là việc Kinh Thánh có được một vị trí trổi vượt trong khi cử hành Thánh Lễ, hầu giải thích cho đoàn tín hữu biết về giá trị có tính quy chuẩn của Lời Chúa. Vào Chúa Nhật đó, sẽ thật là rất hữu ích nếu như người ta đề cao công cuộc loan báo Lời Chúa cũng như cố gắng trình bày các bài giảng làm sao để việc phục vụ Lời Thiên Chúa được nêu bật. Và vào ngày Chúa Nhật đó, các Đức Giám Mục có thể trao ban tác vụ Đọc Sách hay một tác vụ tương tự để nhắc người ta nhớ tới tầm quan trọng của việc công bố Lời Chúa trong Phụng Vụ. Trong thực tế, điều quan trọng là phải thực hiện tất cả mọi công việc để một số tín hữu được chuẩn bị chu đáo trước khi trở thành những người loan báo đích thực của Lời Chúa. Điều này cần phải có một sự đào tạo thích hợp giống như vẫn thường được thực hiện cho những Thầy Giúp Lễ hay những thừa tác viên trao mình Thánh Chúa ngoại lệ. Tương tự như thế, các Cha sở cũng phải tìm ra những cách thức để chuyển giao toàn bộ Kinh Thánh – hay một trong số những quyển sách Thánh – cho toàn bộ cộng đoàn Phụng Vụ, nhằm nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tiếp tục đọc và đào sâu Kinh Thánh, cũng như cầu nguyện với Kinh Thánh trong đời sống hằng ngày, đặc biệt là lectio divina.

  1. Sự kiện dân Israel hồi hương sau khi bị lưu đày bên Babylon được đánh dấu bởi việc đọc Sách Luật. Qua sách Nơ-hê-mi-a, Kinh Thánh đã tường thuật lại cho chúng ta biết khoảnh khắc đầy cảm động ấy. Dân chúng tụ hội nhau lại tại Giê-ru-sa-lem, trên quảng trường trước cửa Nước để lắng nghe Sách Luật. Dân Israel đã bị phân tán bởi cuộc lưu đày, nhưng giờ đây đã được quy tụ lại với nhau “muôn người như một” chung quanh Sách Thánh. Trong lúc đọc Sách Thánh, dân chúng đã “lắng tai nghe” (Nh 8,3), vì Dân biết rằng, mình sẽ thấy được trong Lời ấy ý nghĩa của các biến cố mà mình đã trải qua. Việc công bố những Lời ấy đã gây xúc động cho mọi người, và họ đã khóc: “Ông Ét-ra và các thầy Lê-vi đọc rõ ràng và giải thích Sách Luật của Thiên Chúa, nhờ thế mà toàn dân hiểu được những gì các ông đọc. Bấy giờ ông Nơ-hê-mi-a, tổng đốc, ông Ét-ra, tư tế kiêm kinh sư, cùng các thầy Lê-vi là những người đã giảng giải Luật Chúa cho dân chúng, nói với họ rằng: “Hôm nay là ngày thánh hiến cho Ðức Chúa là Thiên Chúa của anh em, anh em đừng sầu thương khóc lóc.” Sở dĩ ông nói thế là vì toàn dân đều khóc khi nghe lời Sách Luật. Ông Ét-ra còn nói với dân chúng rằng: “Anh em hãy về ăn thịt béo, uống rượu ngon và gửi phần cho những người không có sẵn của ăn, vì hôm nay là ngày thánh hiến cho Chúa chúng ta. Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của Ðức Chúa là thành trì bảo vệ anh em”“ (Nh 8,8-10).

Những lời trên hàm chứa một Giáo Huấn rất quan trọng. Kinh Thánh không thể chỉ thuộc về một ít người, chứ đừng nói chi tới chuyện nó chỉ là một tuyển tập các thứ sách dành cho một ít người được chọn. Kinh Thánh trước tiên thuộc về Dân Chúa, mà Dân ấy được quy tụ lại để lắng nghe Kinh Thánh, và tự nhận ra chính mình trong những lời ấy. Thường có những xu hướng cố gắng độc chiếm Kinh Thánh bằng cách dành riêng nó cho những giới nào đó, hay cho những nhóm người được ưu tuyển. Không được phép như thế. Kinh Thánh là cuốn sách của Dân Thiên Chúa, mà qua việc lắng nghe Lời Chúa, người ta sẽ đạt tới được sự hiệp nhất sau khi đã bị phân tán và chia rẽ. Lời Chúa sẽ làm cho các tín hữu được hợp nhất, và làm cho họ trở thành một Dân.

  1. Trong sự hiệp nhất mà nó thúc đẩy sự lắng nghe, nhiệm vụ hàng đầu và to lớn của các vị mục tử chính là việc phải làm sao để giải thích và giúp mỗi người hiểu được Kinh Thánh. Vì Kinh Thánh chính là cuốn sách của Dân Chúa, nên tất cả những ai được kêu gọi phục vụ Lời Chúa, đều phải cảm thấy sự tối cần thiết trong việc mở ra cho cộng đoàn của họ một con đường để tới gần với Kinh Thánh.

Trước tiên, bài giảng có một chức năng hoàn toàn đặc biệt, vì bài giảng mang “một đặc tính Bí Tích” (Tông Huấn Evangelii Gaudium, 142). Nếu Linh Mục dẫn đưa thính giả đi sâu vào Lời Chúa với một ngôn ngữ giản dị và thích hợp với người nghe, thì Ngài cũng sẽ có thể “trình bày vẻ đẹp của những hình ảnh mà Chúa Giê-su đã sử dụng để thôi thúc người ta làm điều thiện” (nt). Đó là một cơ hội mục vụ mà người ta không được phép bỏ qua.

Trong thực tế, đối với nhiều tín hữu chúng ta, đây chính là cơ hội duy nhất để nhận thức được vẻ đẹp của Lời Chúa, cũng như nhận ra mối tương quan của Lời Chúa đối với đời sống hằng ngày của mình. Vì thế phải dành thời gian thích hợp cho việc soạn bài giảng. Người ta không được phép giải thích các Bài Đọc Kinh Thánh cách ứng biến. Mặt khác, các nhà giảng thuyết chúng ta cũng không được phép giảng giải quá dài với những bài giảng quá thiên về sự hiểu biết, hay với những đề tài chẳng ăn nhập vào đâu cả. Nếu người ta dành thời gian để suy niệm bản văn Kinh Thánh và chiêm niệm trong cầu nguyện, thì người ta sẽ có khả năng nói với con tim để đạt tới được con tim của thính giả, đến độ có thể diễn tả được điều chính yếu mà nó được tiếp nhận cũng như đơm bông kết trái. Chúng ta đừng bao giờ chán nản trước việc dành thời gian để đọc Kinh Thánh và cầu nguyện, để Kinh Thánh “không bị đón nhận như lời người phàm, nhưng như Lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của Lời ấy” (1Tx 2,13). 

Thật tốt biết bao nếu như các Giáo Lý Viên cũng cảm thấy rằng, việc không ngừng canh tân nhờ vào việc am hiểu cũng như nhờ vào việc học hỏi và nghiên cứu Kinh Thánh, là điều rất cần đối với sứ mạng của họ trước việc phục vụ sự phát triển trong Đức tin. Điều này khiến họ có khả năng thúc đẩy một cuộc đối thoại đích thực giữa thính giả và Lời Chúa.

  1. Trước khi Đấng Phục Sinh đến với những người môn đệ đang tự nhốt mình trong nhà để mở trí cho họ am hiểu Kinh Thánh (xc. Lc 24,44-45), thì Ngài đã hiện ra với hai người trong họ trên đường từ Giê-ru-sa-lem tới Em-maus (xc. Lc 24,13-35). Tin Mừng theo Thánh Lu-ca cho biết rằng, ngày Phục Sinh cũng chính là ngày Chúa Nhật. Hai người môn đệ đó đã nói với nhau về những biến cố vừa xảy ra, cụ thể là về cuộc khổ hình và cái chết của Chúa Giê-su. Con đường của họ bị in đậm dấu ấn của sự đau buồn cũng như của sự tuyệt vọng về sự kết thúc bi ai của Chúa Giê-su. Họ cứ ngỡ Ngài là Đấng Messia và là nhà giải phóng, và giờ đây thì họ lại đang phải đối diện với một kinh nghiệm gây sốc về một kẻ Chịu Đóng Đinh. Chính Đấng Phục Sinh đã âm thầm tiến đến gần các môn đệ và đồng hành với họ, nhưng họ không nhận ra Ngài (xc. Lc 24,16). Trên đường đi, Ngài đã hỏi thăm họ và biết được rằng, họ đã không hiểu gì về cuộc khổ hình và cái chết của Ngài. Ngài bảo họ rằng, “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là trì độn” (Lc 24,25), rồi bắt đầu từ ông Mô-sê cho đến tất cả các ngôn Sứ, “Ngài giải thích cho họ hiểu những gì liên quan đến Ngài trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24,27). Chúa Ki-tô là chuyên viên số một của khoa chú giải! Các sách Cựu Ước đã tiên đoán về những gì Ngài sẽ thực hiện, nhưng chính Ngài muốn trung tín với Lời ấy để mạc khải một lịch sử cứu độ, mà lịch sử ấy sẽ được kiện toàn trong Chúa Ki-tô.
  2. Vì thế, với tư cách là Sách Thánh, Kinh Thánh nói về Chúa Ki-tô và loan báo về Ngài như là Đấng phải bước qua đau khổ để đạt tới được vinh quang (xc. Lc 24,26). Không chỉ một phần nhưng là toàn bộ Kinh Thánh đều nói về Ngài. Nếu không có Kinh Thánh thì người ta sẽ không thể hiểu được cái chết và sự phục sinh của Ngài. Vì lý do đó mà một trong những bản tuyên xưng Đức Tin cổ xưa nhất đã nhấn mạnh như sau: “Chúa Ki-tô đã chết cho tội lỗi chúng ta, chiếu theo Kinh Thánh, và đã được mai táng trong mồ. Vào ngày thứ ba Người đã được phục sinh, và Ngài đã hiện ra với ông Kê-pha” (1Cor 15,3-5). Vì Kinh Thánh nói về Chúa Ki-tô, nên chúng ta có thể tin rằng, cái chết và sự phục sinh của Ngài không phải là những câu chuyện thần thoại, nhưng là những biến cố lịch sử, và đứng trong trung tâm Đức Tin của các Tông Đồ. 

Mối liên kết giữa Kinh Thánh và Đức Tin của những người đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy rất sâu xa. Vì Đức Tin phát sinh từ việc lắng nghe, và việc lắng nghe được quy hướng về Lời Chúa Ki-tô (xc. Rm 10,17), nên các tín hữu được mời gọi hãy coi trọng và trân quý việc lắng nghe Lời Chúa, cả trong Phụng Vụ lẫn trong khi cầu nguyện riêng, cũng như trong sự chiêm niệm.

  1. “Cuộc đồng hành” của Đấng Phục Sinh với các môn đệ làng Em-maus đã kết thúc với bữa ăn tối. Người lữ hành đầy bí nhiệm đã nghe theo lời mời khẩn khoản của hai người môn đệ: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày đã sắp tàn” (Lc 24,29). Họ cùng ngồi vào bàn, và Chúa Giê-su cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ. Lúc đó mắt họ mở ra và họ nhận ra Ngài (xc. Lc 24,31).

Nhờ vào cảnh tượng đó, chúng ta hiểu được rằng, mối tương quan giữa Kinh Thánh và Bí Tích Thánh Thể là điều không thể tách rời. Công Đồng Vatican II dậy rằng: “Giáo hội vẫn luôn tôn kính Kinh Thánh giống như chính thân mình Chúa Ki-tô, vì Giáo hội, đặc biệt là trong Phụng Vụ Thánh, không ngừng đón nhận Bánh Hằng Sống từ bàn tiệc Lời Chúa, như Mình Thánh Chúa Ki-tô, và trao cho các tín hữu” (Dei Verbum, 21).

Việc đọc Kinh Thánh cách liên tục và đều đặn cũng như việc cử hành Bí Tích Thánh Thể sẽ giúp mọi người nhận ra rằng, cả hai đều thuộc về nhau. Với tư cách là các Ki-tô hữu, chúng ta là một Dân bước đi trong lịch sử, được củng cố nhờ vào sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta, Đấng nói với chúng ta và nuôi dưỡng chúng ta. Ngày được dành cho Kinh Thánh không nên chỉ diễn ra “một lần trong năm”, nhưng nên diễn ra một lần cho suốt năm. Thực ra chúng ta cảm nhận được sự tối cần thiết của việc bắt đầu với Kinh Thánh và gắn bó mật thiết với Đấng Phục Sinh, Đấng không ngừng phân phát Lời và Bánh trong cộng đoàn tín hữu. Vì lý do đó, chúng ta phải có một sự gắn bó mật thiết với Kinh Thánh, nếu không, con tim sẽ hóa lạnh, và cặp mắt sẽ bị khóa lại, vì chúng ta bị liên lụy đến vô vàn những hình thức mù lòa khác nhau, như chúng ta đã từng như thế.

Kinh Thánh và các Bí Tích liên kết cách mật thiết với nhau. Nếu Lời Chúa dẫn đưa vào các Bí Tích và chiếu soi các Bí Tích, thì sự giải thích này sẽ biểu lộ như là đích điểm của một con đường mà chính Chúa Ki-tô sẽ mở ra cho cả tinh thần lẫn con tim, để chúng ta nhận biết nhiệm cục cứu độ của Ngài. Trong mối liên hệ ấy, chúng ta không bao giờ được phép quên Giáo huấn của sách Khải Huyền. Giáo huấn này dạy rằng, Chúa Ki-tô đứng trước cửa và gõ. Nếu ai nghe được giọng nói của Ngài và mở cửa cho Ngài, thì Ngài sẽ bước vào và dùng bữa với người ấy (xc. Kh 3,20). Qua Kinh Thánh, Chúa Giê-su Ki-tô gõ vào cánh cửa tâm hồn chúng ta; nếu chúng ta lắng nghe và mở cánh cửa tinh thần và con tim ra, thì Ngài sẽ bước vào cuộc sống chúng ta và ở lại với chúng ta.

  1. Trong thư thứ hai gửi ông Timôthê, mà theo một nghĩa nào đó, bức thư này chính là di chúc tinh thần của Thánh Phao-lô, Thánh Nhân đã khuyên người môn đệ trung tín của Ngài hãy siêng năng đọc Kinh Thánh. Thánh Tông Đồ xác quyết rằng: “Tất cả những gì được viết trong Sách Thánh cũng đều do Thiên Chúa linh hứng, nên sẽ có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục” (2Tm 3,16). Lời xác quyết trên của Thánh Phao-lô đối với ông Timôthê chính là một nền tảng căn bản mà nhờ đó Hiến Chế Dei Verbum của Công Đồng Vatican II đã trình bày về một đề tài rất quan trọng, đó là sự linh hứng của Kinh Thánh; từ nền tảng căn bản đó, cứu cánh của ơn cứu độ đã dẫn đến chiều kích thiêng liêng cũng như dẫn đến nguyên tắc nhập thể đối với Kinh Thánh.

Dựa vào lời xác quyết mà Thánh Phao-lô dành cho ông Timôthê, Hiến Chế Dei Verbum đã nhấn mạnh rằng, các sách Thánh “dạy ta cách chắc chắn, trung tín và không sai lầm về những chân lý mà Thánh Kinh ghi lại vì ơn cứu độ của chúng ta” (số 11). Vì những cuốn sách này có thể làm cho chúng ta trở nên khôn ngoan hầu đạt tới được ơn cứu độ thông qua Đức Tin vào Chúa Giê-su Ki-tô (xc. 2Tm 3,15), nên những chân lý được chứa đựng trong Sách Thánh sẽ hữu ích cho ơn cứu độ của chúng ta. Kinh Thánh không phải là một bộ tuyển tập các sách lịch sử, cũng chẳng phải là một biên niên sử, nhưng hoàn toàn được nhắm tới ơn cứu độ của toàn bộ con người. Gốc rễ mang tính lịch sử không thể chối cãi của những cuốn sách trong bộ Kinh Thánh không được phép làm cho chúng ta quên đi mục đích có tính nguyên thủy ấy, tức ơn cứu độ của chúng ta. Tất cả đều quy hướng về mục tiêu mà nó được khắc sâu trong bản chất của Kinh Thánh. Nó được biên soạn với tư cách là lịch sử cứu độ mà trong đó Thiên Chúa nói và hành động để gặp gỡ mọi người và cứu họ thoát khỏi sự ác và cái chết.

Để đạt tới được mục tiêu cứu độ ấy, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Kinh Thánh đã biến những lời của con người – được viết ra theo cách thức của con người – thành Lời Thiên Chúa (xc, Dei Verbum, 12). Vai trò của Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh mang một ý nghĩa căn bản. Nếu không có tác động của Ngài thì người ta sẽ luôn có nguy cơ tự nhốt mình lại trong bản văn đã được viết ra cách thuần túy. Điều đó sẽ dễ dàng dẫn tới việc giải thích Kinh Thánh duy mặt chữ, điều mà người ta phải tránh cho xa để không phản bội lại đặc tính linh hứng, năng động và thánh thiêng của bản văn Kinh Thánh. Căn cứ vào đó, Thánh Tông Đồ đã nhắc nhớ rằng: “Chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống” (2Cor 3,6). Vì thế, Chúa Thánh Thần sẽ biến Kinh Thánh thành Lời hằng sống của Thiên Chúa, mà Lời ấy được sống cũng như được tiếp tục chuyển giao trong Đức Tin của Dân Thánh Ngài.

  1. Tác động của Chúa thánh Thần không chỉ liên quan tới sự hình thành nên Kinh Thánh, nhưng cũng còn tác động cả trong những ai lắng nghe Lời Chúa nữa. Thật là quan trọng khi các Nghị Phụ của Công Đồng ấn định rằng, “phải đọc và suy niệm Kinh Thánh trong tinh thần mà sách đó được viết ra” (Dei Verbum, 12). Với Chúa Giê-su Ki-tô, mạc khải của Thiên Chúa đã đạt tới được đỉnh điểm cũng như đã đạt tới được sự viên mãn của nó; nhưng Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục hoạt động. Trong thực tế, sẽ là điều bị cắt bớt khi người ta muốn giới hạn tác động của Chúa Thánh Thần vào trong bản chất thần hứng của Kinh Thánh và các tác giả khác nhau của sách này. Vì thế, cần có sự tín thác vào tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng vẫn đang tiếp tục thực hiện một hình thức linh hứng đặc biệt khi Giáo hội công bố Kinh Thánh, cũng như khi Huấn Quyền ân cần giải thích sách ấy (Nt, 10) và khi mỗi tín hữu biến Kinh Thánh thành tiêu chuẩn thiêng liêng của mình. Trong ý nghĩa đó, chúng ta sẽ có thể hiểu được những Lời của Chúa Giê-su khi Ngài nói với những người môn đệ đã xác nhận rằng, họ đã hiểu được ý nghĩa của những dụ ngôn mà Ngài kể cho họ nghe: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13,52).
  2. Cuối cùng, Hiến Chế Dei Verbum giải thích rằng: “Vì Lời Thiên Chúa, được diễn tả qua ngôn ngữ nhân loại, được đồng hóa với tiếng nói nhân loại, cũng như khi xưa Lời Thiên Chúa Cha hằng hữu đã trở nên giống loài người, sau khi nhận lấy sự yếu đuối của xác thịt” (số 13). Vì thế, người ta có thể nói rằng, sự nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa sẽ tạo hình và mang lại ý nghĩa cho mối tương quan giữa Lời Chúa và ngôn ngữ nhân loại, với những điều kiện lịch sử và văn hóa của nó. Trong chính sự kiện ấy, truyền thống đã được thành hình, mà truyền thống ấy cũng chính là Lời Thiên Chúa (Nt, 9). Người ta thường có nguy cơ tách rời Kinh Thánh ra khỏi truyền thống mà không hề hiểu rằng, cả truyền thống lẫn Kinh Thánh đều cùng là một nguồn mạch duy nhất của mạc khải. Đặc tính chữ viết của Kinh Thánh làm cho truyền thống trở thành lời hằng sống không kém phần giá trị; cũng vậy, truyền thống sống động mà Giáo hội không ngừng chuyển giao từ đời này sang đời kia trong suốt nhiều thế kỷ, đã sở hữu cuốn Sách Thánh này như là “quy luật tối thượng hướng dẫn Đức Tin” (Nt, 21). Trước khi Sách Thánh trở thành một văn bản được ghi lại bằng chữ viết, thì nó đã được lưu truyền bằng miệng, và luôn được duy trì cách sống động nhờ vào Đức Tin của một Dân tộc, mà Dân ấy nhìn nhận Kinh Thánh là lịch sử và là bản sắc của mình giữa nhiều dân tộc khác. Đức Tin của Kinh Thánh đặt nền tảng trên Lời hằng sống chứ không phải trên một cuốn sách.
  3. Nếu Kinh Thánh được đọc trong một tinh thần tương tự với tinh thần mà nó được viết ra, thì nó sẽ luôn luôn mới mẻ. Cựu Ước không bao giờ trở thành cũ kỹ khi nó là một phần của Tân Ước, vì tất cả đều được biến đổi nhờ vào một Thần Khí, Đấng linh hứng cho nó. Toàn bộ Kinh Thánh có một chức năng Ngôn Sứ: điều này không liên quan tới tương lai, nhưng tới cái hôm nay của những ai nuôi sống mình bằng Lời Chúa. Chính Chúa Giê-su cũng đã nói rõ điều đó khi bắt đầu đời sống hoạt động của mình: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Ai dưỡng nuôi mình mỗi ngày bằng Lời Chúa, thì người ấy sẽ như Chúa Giê-su, trở thành một người đồng thời với những con người mà mình gặp gỡ; người ấy không bị cám dỗ sa vào một sự luyến tiếc quá khứ khô cằn, hay mơ tưởng một tương lai vô định.

Kinh Thánh hoàn tất những hoạt động mang tính Ngôn Sứ của mình, đặc biệt là nơi những ai lắng nghe nó. Nó khơi dậy cả sự ngọt ngào lẫn sự cay đắng. Ở đây Cha chợt nhớ tới những lời của Ngôn Sứ Ê-dê-ki-en. Khi Thiên Chúa yêu cầu ông phải nhai cuốn Kinh Thánh, thì ông nhận ra rằng: “Nó ngọt như mật ong trong miệng tôi” (Ed 3,3). Khi sống trên đảo Patmos, Thánh Gio-an Tông Đồ cũng có được kinh nghiệm của Ngôn Sứ Ê-dê-ki-en với việc ăn cuốn sách, nhưng bổ sung thêm một chi tiết: “Nó ngọt ngào như mật ong trong miệng tôi, nhưng khi tôi nuốt rồi, thì bụng dạ tôi cay đắng” (Kh 10,10).

Sự ngọt ngào của Lời Chúa thôi thúc chúng ta chia sẻ nó với những con người mà chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống của mình, hầu diễn tả sự xác tín vào niềm hy vọng được chứa đựng trong đó (xc. 1Pr 3,15-16). Trái lại, sự cay đắng thường xuất hiện khi chúng ta phải quyết định sống Lời Chúa cách nhất quán – một điều khó khăn đối với chúng ta biết chừng nào -, hay khi chúng ta vấp phải một sự khước từ cách cụ thể, vì người ta không tin rằng, Lời Chúa có thể trao ban ý nghĩa cho cuộc sống. Vì thế, chúng ta không bao giờ được phép lấy làm nhàm tai với Lời Chúa, nhưng phải dùng Lời Chúa để nuôi dưỡng mình hầu khám phá ra mối tương quan của chúng ta đối với Thiên Chúa, cũng như đối với những người anh chị em của chúng ta, rồi sống mối tương quan ấy cách sâu đậm hơn.

  1. Một thách đố to lớn mà Kinh Thánh đưa ra liên quan tới Đức Ái. Kinh Thánh không ngừng kêu gọi người ta sống Đức Ái nhân hậu như Thiên Chúa Cha, Đấng đòi hỏi con cái mình phải sống trong Tình Yêu. Cuộc sống của Chúa Giê-su chính là một sự diễn tả hoàn hảo về Tình Yêu của Thiên Chúa, mà Tình Yêu ấy không giữ lại bất cứ điều gì cho mình, nhưng trao hiến cách không giới hạn bản thân mình cho tất cả. Trong dụ ngôn về ông La-gia-rô nghèo túng, chúng ta thấy được một sự chỉ dẫn đầy giá trị. Khi ông La-gia-rô và người phú hộ qua đời, và khi viên phú hộ thấy người nghèo trong lòng Tổ Phụ Ab-ra-ham, thì ông đã xin vị Tổ Phụ sai La-gi-a-rô đến với những người anh em của mình để khuyên họ phải sống Đức Ái, hầu giúp họ không phải chịu cực hình như ông. Câu trả lời của Tổ Phụ Ab-ra-ham rất cứng cỏi: “Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị ấy” (Lc 16,29). Lắng nghe Kinh Thánh để thực thi Lòng Nhân Hậu: đó là một thách đố to lớn đối với cuộc sống chúng ta. Lời Thiên Chúa luôn có khả năng mở to cặp mắt chúng ta để chúng ta bước ra khỏi chủ nghĩa cá nhân mà nó luôn bóp nghẹt chúng ta và khiến chúng ta trở nên cằn cỗi. Do đó, Lời Chúa luôn mở ra cho chúng ta con đường của sự cộng tác và tình liên đới.
  2. Một trong những sự kiện quan trọng nhất trong mối tương quan giữa Chúa Giê-su và các môn đệ của Ngài chính là biến cố Hiển Dung. Cùng với Thánh Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, Chúa Giê-su đã đi lên một ngọn núi cao để cầu nguyện. Các sách Tin Mừng kể lại rằng, trong khi dung mạo và y phục Chúa Giê-su trở nên chói sáng, thì hai người khác đã đến đàm đạo với Ngài: đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a, hai vị đại diện cho Lề Luật và các Ngôn Sứ, nghĩa là đại diện cho toàn bộ Kinh Thánh. Thánh Phê-rô đã phản ứng trước cảnh tượng ấy bằng một sự kinh ngạc đầy vui mừng: “Thưa Thầy, chúng con được ở đây thì tốt quá. Chúng con xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Mô-sê và một cho Ê-li-a” (Lc 9,33). Lúc đó, một đám mây đã bao phủ các Ngài, và các môn đệ hết sức sợ hãi.

Biến cố hiển dung nhắc nhớ tới Lễ Lều, khi ông Ét-ra và ông Nơ-hê-mi-a đọc sách Thánh cho dân Nghe sau khi họ đã hồi hương từ cảnh lưu đày. Đồng thời, biến cố ấy cũng tiên đoán về vinh quang của Chúa Giê-su hầu chuẩn bị sẵn sàng cho biến cố khổ hình có tính gây sốc. Đám mây mà nó bao phủ các môn đệ và là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, cũng lưu ý tới vinh quang thần tính ấy. Cuộc biến hình của Chúa Giê-su cũng giống như “cuộc biến hình” của Kinh Thánh mà nó vượt lên trên chính mình khi nó nuôi dưỡng sự sống của các tín hữu. Tông Huấn Verbum Domini cũng nhắc tới điều đó: “Nếu sự xếp đặt giữa những tư tưởng khác nhau của Kinh Thánh được ấn định, thì việc tiến hành một cuộc vượt qua từ chữ viết tới tinh thần, cũng được xác định. Sự vượt qua này không tự động diễn ra, và cũng không phát xuất từ chính mình; đúng hơn, cần phải vượt qua mặt chữ” (số 82).

  1. Trên con đường tiếp nhận Lời Thiên Chúa, Thân Mẫu Chúa Ki-tô sẽ luôn đồng hành với chúng ta. Mẹ được gọi là người có phúc, vì Mẹ đã tin rằng, tất cả những gì Thiên Chúa hứa cùng Mẹ sẽ được thực hiện (xc. Lc 1,45). Mối phúc của Đức Maria xuất hiện trước tất cả mọi mối phúc mà Chúa Giê-su đã dành cho những ai nghèo túng, buồn sầu, dịu hiền, kiến tạo hòa bình và bị bách hại, vì mối phúc ấy chính là điều kiện tiên quyết và cần thiết cho mọi mối phúc khác. Không có bất cứ người nghèo nào được chúc phúc vì họ nghèo cả; người ta chỉ được chúc phúc khi người ta tin vào sự viên mãn của Lời Chúa. Thánh Augustinô, một môn đệ và là một bậc thầy vĩ đại về Kinh Thánh, đã nhắc nhớ rằng: “Từ trong đám đông, có một người đã nói với tất cả sự thán phục như sau: “Phúc thay lòng dạ nào đã cưu mang Ngài”. Và Chúa Giê-su đáp lại: “Phúc thay người nào lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành”. Ngài có ý nói rằng: Nếu như Thân Mẫu của Thầy mà anh chị em khen là có phúc, sở dĩ như vậy là vì Mẹ đã luôn bảo tồn Lời Chúa; không phải vì Ngôi Lời đã trở thành xác phàm trong Mẹ và cư ngụ giữa chúng ta, nhưng vì Mẹ đã bảo toàn Lời ấy của Thiên Chúa, mà nhờ vào Lời ấy, Mẹ đã trở thành Mẹ, và Lời ấy đã trở thành xác thịt trong Mẹ” (Tract. in Io. Ev., 10,3).

Ước chi Ngày Chúa Nhật Lời Chúa sẽ làm cho sự gắn bó mật thiết đầy thành kính và không ngừng với Kinh Thánh được phát triển trong Dân Thiên Chúa, giống như một vị Thánh của thời cổ đại đã từng dậy: “Lời hoàn toàn ở gần bạn, Lời ấy ở trên môi miệng bạn và trong lòng bạn, bạn có thể giữ lấy lời ấy” (Deut 30,14).

Ban hành tại Rô-ma
Trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Gio-an Lateran
Ngày 30 tháng 09 năm 2019
tức ngày kính nhớ Thánh Giê-rô-ni-mô
Khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 1600 năm ngày qua đời của Ngài

PHANXICÔ

Nguồn: simonhoadalat.com 

[1] Xc. AAS 102 (2010), 692-787.

[2] “Đặc tính Bí Tích của Lời có thể được hiểu tương tự như sự hiện diện của Chúa Ki-tô trong hình bánh và rượu. Khi chúng ta tiến lên bàn Thánh và tham dự bữa tiệc Thánh Thể, thì chúng ta sẽ thực sự lãnh nhận mình và máu Chúa Ki-tô. Việc công bố Lời Chúa trong khi cử hành Phụng Vụ diễn ra trong sự nhận thức rằng, chính Chúa Ki-tô đang hiện diện trong đó và đang hướng về chúng ta để được đón nhận” (Verbum Domini, 56).