Truyền Thống Các Giáo Phụ

Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo – Chương 5: Truyền Thống Các Giáo Phụ

CUỘC LỮ HÀNH ÐỨC TIN

LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Chương 5: TRUYỀN THỐNG GIÁO HỘI CÁC GIÁO PHỤ

 

 

  theChurchFathers-Truyền Thống Các Giáo Phụ
Các Giáo Phụ

 

 

Ngoài Thánh Kinh, mọi sinh hoạt Giáo hội từ tổ chức, giáo lý đến phụng vụ thường qui chiếu vào nguồn thứ hai là Thánh Truyền. Muốn đi vào Truyền Thống ấy, Giáo hội nghiên cứu về các Giáo phụ là những bậc “sư phụ” của Giáo hội, đã sống gần với nguồn các tông đồ hơn. Vì thế, ta chỉ gọi là Giáo Phụ những vị :

 

* Kỳ cựu : bên Tây trước thánh Bêda đáng kính (+735) 
                 bên Đông trước thánh Gioan Damascêno (+749)

 

* Có đời sống thánh thiện

 

* Có học thuyết chính thống : hiệp thông với Giáo hội

 

* Và được Giáo hội xác định, có thể chỉ là gián tiếp qua việc trích dẫn bản văn.

 

Nghiên cứu tài liệu các Giáo phụ, chúng ta sống lại những cảm nghiệm niềm tin Giáo hội thuở ban đầu ; tìm về một nguồn chung với anh em Chính Thống và Tin Lành. Tuy nhiên, không phải mỗi câu mỗi chữ đều có cùng giá trị, ta phải đọc chúng trong toàn bộ Kho Tàng văn học các Giáo phụ.

 

Theo bối cảnh lịch sử chung, các Giáo phụ thường được nghiên cứu theo ba giai đoạn : thời Tiên Khởi, thời Hoàng Kim và thời tồng Kết.

 

I. GIÁO PHỤ THỜI TIÊN KHỞI (trước 313)

 

Gồm các Tông phụ, các nhà hộ giáo và các nhà minh giáo


1,1. Các Tông Phụ

 

Là các môn sinh trực tiếp của các Tông đồ. Trừ các thư của thánh Ignatio, các tác phẩm thời Tông phụ đơn sơ giản dị nhưng lại có giá trị lớn lao về lịch sử niềm tin thời sơ khai. Giáo hội xác nhận 5 vị Tông phụ và 5 văn phẩm Tông phụ:

 

a/. Các tác phẩm gồm có :

 

* Kinh Tin Kính các Tông đồ

* Giáo lý các Tông đồ (+100 ?) : sách Didaches

* Ngụy thư Barnabê (+130 ?) viết cho tân tòng Do Thái còn nô lệ luật Maisen

* Thư II Clementê (+140 ?)

* Odes Salomon : những lời thi nguyện thế kỷ II.

 

b/. Các Tông Phụ gồm :

 

Giáo hoàng Clêmentê (+101) trong thư gởi Corintô, xác định vai trò hàng giáo phẩm ; thánh Ignatio Antiokia (+110) qua bảy lá thư đề cao đức tin, đức ái và đời sống đạo đức ; hai môn đệ thánh Gioan là thánh Polycarpo (+156) viết thư cho cộng đoàn Philiphê, và giám mục Papias có 5 cuốn giải thích Lời Chúa. Riêng ông Hermas(+155) là một tín hữu ở Roma, nổi tiếng với cuốn “Mục Tử”. Ông dùng nhiều thị kiến để kêu gọi những người sợ hãi chối đạo, hãy trở về với Mục tử nhân hậu.


1,2. Các nhà hộ giáo thế kỷ II

(lý do và nội dung hộ giáo xin coi chương II, I)

 

Nói chung các tác phẩm và thư từ hộ giáo nhằm giải thích cho những người cố ý hay vô tình hiểu lầm về đạo. Trong thế kỷ II có 12 nhà hộ giáo, nhưng 6 vị chỉ còn lưu lại một số câu được người khác trích dẫn :

 

– Quadratus : thư gửi Hoàng đế Hadriano (117-138)

– Ariston : sách gởi người Do Thái (năm 140)

– Aristides (140) : thư gửi hoàng đế Antonius Pius

– Miltiade (160-193) ba bài gởi dân Do Thái, dân Hy Lạp và gửi Chính quyền.

– Hai Giám mục Appolinarius và Mêliton gởi hoàng đế Marcus Aurelius

 

Người ta có thể tìm đọc thư gởi Diognète ; bộ ba cuốn của giám mục Thêophilo Antiokia ; sách gởi hoàng đế Marcus Aurelius của Athénagor, hoặc cuốn Octavius của luật sư Minucius Felix thuật lại cuộc đối thoại với một nhân vật ủng hộ việc thờ các thần.

 

Ngoài ra còn có Tatianô với giọng văn quá khích phê phán các thần và lương dân, vị này về sau theo phái tuyệt dục. Nhưng khuôn mặt tiêu biểu nhất là Thánh Justinô tử đạo (100-167) nhân vật tiên phong dùng triết Hy Lạp để viết Thần học, chứng minh Kitô giáo hoàn chỉnh các triết thuyết nhờ vào Mạc Khải. Mười tác phẩm của ngài nay chỉ còn ba : một gởi các hoàng đế, một gởi thương viện và cuốn “Đối thoại với Tryphon” nhắm đến người Do Thái.

 

Nét đặc biệt trong danh mục các nhà hộ giáo : đa số các vị là tân tòng, trí thức và giáo dân. Các vị dùng văn chương Hy Lạp, từ ngữ của lương dân và nhắm đến giới trí thức đương thời. Trừ Tatianô, các vị dùng lối văn đối thoại cởi mở, chân thành. Thánh Justino từng xin hoàng đế thị thực cho tác phẩm của mình.


1,3. Các nhà minh giáo

 

Thuật ngữ các nhà Minh Giáo dùng để chỉ những Giáo phụ phê phán các lạc thuyết, làm sáng tỏ niềm tin của Giáo hội.

 

Cuối thế kỷ II nổi bật ba vị :

Hegêsippe sau nhiều chuyến hành hương, đã viết cuốn “Kỷ niệm” cho ta thấy giáo lý Giáo hội thống nhất tại nhiều nơi ;thánh Irenê (+203) với hai cuốn “Chống lạc giáo” và “Lời giảng Tông Tuyền”, đề ra tín qui của thần học dựa vào Thánh Kinh và Thánh Truyền, ngài viết giáo lý cho giới bình dân có hệ thống ; thánh Hippolyto (+235) từng mạo nhận là giáo hoàng, nhưng sau hòa giải với đức Callixto trên đường tử đạo.

 

Đầu thế kỷ III, văn học Giáo hội có hai trường phái :

 

a/. Trường Alexandria :

 

Do ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp, các Giáo phụ thường dùng Hy ngữ, sử dụng các triết thuyết, lưu ý từ ngữ để viết thần học. Nếu Pathène là người mở trường năm 180, thì thánh Clêmentê (+215) là người gây nên phong trào thần học, vàOrigène (+254) làm cho nó hoàn chỉnh. Sử gia Eusebio nói ngài viết 2000 tác phẩm gồm chú giải, thần học, tu đức đến bài giảng.

 

b/. Phái Carthago :

 

Tuy không ở một trường nhưng chung một khuynh hướng sử dụng La ngữ, lưu ý đến sống đạo và sống mầu nhiệm hơn là lý luận.

 

Luật sư Tertuliano (+240) với lối văn kiệt xuất đã viết 5 cuốn “hộ giáo” chỉ trích châm biếm các hoàng đế đã bách hại cách bất công, 8 cuốn minh giáo, 18 cuốn về luân lý và bí tích. Từ 203, ông theo phái nghiệm ngặt của Montanus (cấm tái giá, không tha kẻ bội giáo, ngoại tình).

 

Thánh Cyprianô (+258) tuy chỉ có 13 tác phẩm nhưng lại có tầm ảnh hưởng lớn vì ngài điều hành các Giáo hội Phi-Châu. Ngài nói “Ai không có Giáo hội là Mẹ, không thể có Thiên Chúa là Cha”.

 

c/. Các Giáo Phụ khác (Tk. III)

 

Ở Roma có ông Lactantius (+325) giáo sư của thái tử Crispus. Vùng Tiểu Á có thánh Grêgorio Thaumaturgo (+270) và thánh Mêthodo tử đạo (+311). Ở Palestine có sử gia Julio Africanus (+245) tác giả bộ “Biên Niên Ký”, và thánh Pamphilo (+308), mở trường Thánh Kinh ở Cesarea. Cuối thế kỷ III, học viện Antiokia trở nên nổi tiếng với linh mục Luciano tử đạo (+312) giáo sư của Ario mà ta đã biết.


II. CÁC GIÁO PHỤ THỜI HOÀNG KIM (313-461)

 

Trong hai thế kỷ IV và V, văn học và thần học Giáo hội tiến đến trưởng thành. Đó là kết quả khá tự nhiên của ba thế kỷ tìm kiếm. Nay nhờ đế quốc thống nhất, việc trao đổi thần học được công khai và bối cảnh cụ thể của bốn công đồng chung, đã thúc đẩy các Giáo phụ xác định những danh từ thần học và khai triển nội dung giáo lý hoàn hảo hơn. Thường Giáo hội quen chia các Giáo phụ theo khu vực : Đông (Hy Lạp) và Tây (La Tinh).


2,1. Các Giáo phụ Hy Lạp

 

a/ Thánh Athanasio (295-373) : Tại công đồng Nicea, tuy mới là Phó tế, ngài đã là đối thủ của Ario. Suốt 45 năm làm Giám mục Alexandria, ngài không hề lui bước trong việc bênh vực thần tính Đức Giêsu. Trước trở ngại, ngài bình thản nói : “Chỉ là cơn mây chóng tan”, và nêu lên nguyên tắc “Tôn giáo do thuyết phục chứ không thể cưỡng bách”.

 

Năm lần bị trục xuất, có lần ngài bị đưa tới Trèves và Roma, ngài đã giúp các giám mục Âu Châu hiểu thêm về tầm mức những cuộc tranh luận và vẫn tiếp tục liên lạc thư từ sách vở với địa phận. Ngài không dùng giọng văn thông thái nhưng khai triển đề tài cách bình dân để ai ai cũng hiểu được về mầu nhiệm Ba Ngôi. Ngài nhấn mạnh “Thiên Chúa làm người để con người trở nên giống Chúa”. Với ngài, việc “Đức Giêsu là Chúa” không chỉ như lời tuyên xưng, mà chính là sức mạnh thần hóa con người.

 

b/ Ba Giáo phụ Cappadocia, Tiểu Á

 

Thánh Basilio (330-379) xuất thân từ gia đình trí thức, học rộng và có kinh nghiệm đan tu trước khi trở thành Giám mục Cêsarea quê hương của mình. Ba mối bận tâm lớn của Ngài là : truyền bá niềm tin chính thống và đời sống phụng vụ bằng lới lẽ đơn sơ thực tế, tổ chức sinh hoạt xã hội trong địa phận (thuần phong mỹ tục, kinh tế, bệnh viện, trường học, sở canh nông) và đặt nền cho đời tu đan viện qua tu luật mang tên của Ngài.

 

Thánh Grêgorio Naziano (330-390) : Mẹ ngài là thánh nữ Nonna qua kinh nguyện và nước mắt đã cải hóa chồng theo đạo, sau ông thành Giám mục. Thời thanh niên, ngài là bạn học của Basilio. Ngài nhận chức Giám mục Sarima, rồi làm giám mục Constantinople. Nhưng ngài từ chức để tránh đụng độ, sống ẩn dật, viết đến 245 bài giảng, 45 tiểu phẩm thần học và nhiều áng thơ hay. Đặc biệt ngài ghi chú các trích dẫn Kinh Thánh.

 

Thánh Grêgorio Nysseno (+394) em trai thánh Basilio, ngài cùng đi tu với anh tại Iris, nổi tiếng về việc áp dụng triết lý vào thần học. Minh chứng đức tin và lý trí hỗ trợ nhau chứ không xung khắc. Ngài ưa định nghĩa lý luận xếp loại minh bạch. Ngài có vị trí quan trọng trong công đồng Constantinopoli.

Do tình huynh đệ ba vị này được xếp thành một nhóm, được so sánh như đôi tay chỉ huy, môi miệng diễn thuyết và bộ óc triết gia. Các ngài để lại mẫu gương sáng ngời về tình bạn hợp tác phục vụ Giáo hội theo khả năng thiên phú, thu thập kiến thức trong tĩnh mịch và cùng nhau giải đáp vấn đề thời đại.

 

c/ Thánh Gioan Kim Khẩu (344-407)

 

Sinh ra ở Antiokia, Gioan lớn lên trong tình thương bà mẹ Anthusa đạo đức. Anh học hùng biện rồi vào học viện, sau đó vào sa mạc nghiên cứu Thánh Kinh 6 năm. Vì lý do sức khỏe, Gioan về quê hương và được chọn làm linh mục. Với tài giảng thuyết lừng danh, ngài được gọi là “miệng vàng” và được hoàng đế mời về làm giám mục Constantinople năm 397.

 

Trước thói trụy lạc của giáo sĩ và dân đô thị, Gioan thẳng thắn kêu gọi hối cải chứ không thỏa hiệp. Ngài mạnh dạn cảnh cáo cả hoàng hậu Eudoxia lẫn Giám mục Théophilo, kẻ ủng hộ bà. Năm 403, ngài bị kết án lưu đày nhưng dân chúng áp lực giữ lại. Năm 407 bị kết án lần nữa, ngài qua đời trên đường đến Pont, Tiểu Á. Nhà giảng thuyết đại tài Gioan thường giảng Kinh Thánh hơn là chủ đề, luôn có ý mới, cách nhìn mới, nhiều hình ảnh so sánh, văn bình dị với những chỉ dẫn thực hành cụ thể, cuộc đời nghiệm ngặt càng làm cho bài giảng thêm tính thuyết phục và đi sâu vào lòng thính giả.

 

d/ Một số vị nổi tiếng khác : như Giám mục Cesarea Eusebio (+338) nổi tiếng với Bộ Lịch sử Giáo hội 10 cuốn, thánh Ephrem Phó tế (+373) ở Edessa nổi tiếng về thơ ca nên được gọi là cây đàn Thánh Linh. Thánh Epiphan (+402), hai thánh Cyrillo Giêrusalem (+386), Cyrillo Alexandria (+444) và ông Didymo mù (+398).


2,2. Các Giáo phụ La Tinh

 

a/ Thánh Ambrosio (333-397) :

 

Nguyên là tồng trấn Milan, giám mục Ambrosio giữ chức cố vấn triều đình, có ảnh hưởng rất lớn trên quyết định quốc giáo của hoàng đế Théodose. Ngài từng bán toàn bộ gia sản để giúp người nghèo, lời ngài giảng có sức hoán cải các tội nhân, trong đó có thánh Augustino. Ngài còn chấn hưng phụng vụ sau mang danh của ngài : phụng vụ Ambrosio. Văn của ngài êm xuôi dễ hiểu cả khi chú giải lẫn khi bàn về tín lý.

 

b/ Thánh Giêronimo (347-420)

 

Tuy nóng nảy nhiều tham vọng, sau khi Giêronimo hoán cải và rửa tội, ngài chìm sâu vào đời tu khắc khổ tại sa mạc rồi đến Antiokia học Kinh Thánh. Đức Damaso gọi về Roma làm thư ký và dịch Kinh Thánh. Khi Giáo hoàng qua đời, ngài đến sống ở một hang tại Bêlem, chay tịnh và dịch thuật. Ngài là mẫu người nghiên cứu uyên thâm, bác học và kiên nhẫn.

 

Sự nghiệp để đời của Giêronimo là bản dịch Kinh Thánh Vulgata, kết quả của 22 năm làm việc từ 383-405, hiện còn dùng trong phụng vụ. Ngài chuyển ngữ bản Hy lạp qua La Tinh nhằm cho giới bình dân.

c/ Thánh Augustino (354-430)

 

Đây là vị Giáo phụ ảnh hưởng sâu xa đến toàn bộ tư duy thần học Tây phương. Nhờ nước mắt thân mẫu là bà Monica, Augustino từ bỏ phái Manikê và quá khứ tội lỗi. Ngài về quê hương phân phát gia tài rồi đi ẩn tu, sau làm Giám mục Hippone, Bắc Phi. Ngài lập đan viện tại Tòa Giám mục, bút chiến và đối thoại với các lạc thuyết. Ngài được mệnh danh tiến sĩ tình yêu, vì đó là nội dung ngài trình bài cách xuất sắc. Thánh Augustino nêu lên nguyên tắc thần học “Hiểu để tin và tin để hiểu”. Ngài viết khoảng 1030 sách và 220 lá thư, trong đó nổi bật là ba cuốn :

 

– Về Chúa Ba Ngôi

– Tự thuật : Lời tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa yêu thương tác động nơi tâm hồn thánh nhân.

– Thành Đô Thiên Chúa : Thần học sống động trong Lịch sử nhân loại. Trước nguy hiểm man dân, ngài khẳng định Roma không phải là Nước Thiên Chúa. Ngài so sánh hai thành đô của kẻ dữ và người lành.

 

d/ Thánh Lêo, Giáo Hoàng (395-461)

 

Ngoài công trình phi bác các lạc thuyết, Thánh Leo Cả còn lưu danh qua việc ngăn cản Attila (452) và người Vandal (455) không tàn phá Roma. Tại công đồng Calcêdonia các Nghị phụ đọc bản Kinh Tin Kính do ngài viết trong 40 ngày ăn chay cầu nguyện, đã xác nhận “Thánh Pherô đã nói qua Leo”. Với 96 bài giảng, 143 lá thư ngài để lại, chứng tỏ ngài am hiểu các vấn đề đương thời, phân tích rõ rệt các tranh luận tín lý và luôn nỗ lực hướng dẫn đời sống đạo của tín hữu.

 

e/ Các vị nổi tiếng khác

 

Thánh Hilario (+368) Giám mục Poitiers ; sử gia Rufino (+410) tác giả bộ Lịch sử Đời Ẩn Tu ; thi sĩ Prudentius (+405) và thánh Cassiano (+440) tác giả cuốn “Qui chế đời tu” và “Các cuộc đàm thoại trong sa mạc”.


III. GIÁO PHỤ THỜI TỔNG KẾT

 

Hạ bán thế kỷ V, văn chương Kitô giáo bước sang thời kỳ suy yếu. Lý do vì bối cảnh ly loạn do Man Dân xâm lăng và sự sa sút văn hóa chung của xã hội, nhưng sâu xa hơn, có lẽ vì hào quang của các tiền bối. Các giáo phụ thời này thiên về sao chép và tồng kết.


3,1. Tại Đông phương

 

Có một số vị nổi tiếng như Dionisio giả (+500) tại Syria ; Gioan Climaco (+649) đan viện phụ và thánh Gioan Damasceno (+754) người hùng bênh vực việc tôn kính ảnh tượng.


3,2. Tại Tây phương

 

a/ Thánh Gregorio Giáo Hoàng (540-604)

Sinh trưởng trong một gia đình quí phái, Grêgorio học thành luật sư. Nhưng năm 575, ngài bán hết gia tài và thiết lập bảy đan viện. Sau ngài làm Giám mục Syracusa, khâm sứ Constantinopoli rồi lên ngôi Giáo Hoàng. Trong 14 năm cai trị Giáo hội, ngài nâng cao uy tín Tòa Thánh Pherô, bảo vệ kỷ luật, thành công trong việc truyền bá Tin Mừng cho Dân Lombard (Ý), Visigoth (Tây Ban Nha) và Anh quốc, Ngài bênh vực quyền lợi cho các nô lệ và người Do Thái cải đạo. Lễ nghi và bình ca Gregorio đã trở thành bất hủ. Ngài còn để lại 848 thư, một số sách chú giải và mục vụ với lối văn bình dị, hay đối câu đối chữ. (Lưu ý : Xét về thời gian, đức Grêgoriô thuộc giai đoạn ba, nhưng được xếp vào “tứ trụ” GH Tây phương do ảnh hưởng lớn lao của ngài.)

 

b/ Các vị khác

 

Về Kinh Thánh có thánh Fulgentio (+533)

Về Sử có thánh Grêgorio thành Tours (+594)

Về Triết học có Boecius (+525).

 

Thánh Cassiodorus (+570) cổ võ việc học và sao chép các thủ bản tại đan viện. Năm 535, đan sĩ Dionisio đã sửa lại công lịch, lấy Lễ Giáng Sinh làm mốc, dựa theo Luca (3,1-23). Chúa Giêsu chịu phép rửa vào năm 15 đời Tiberio và khi đó ngài khoảng 30 tuổi, ông nói Chúa Giáng Sinh năm (769 + 15-30 =) 754 tính từ ngày thành lập Roma. Nhưng ông tính sai 5 năm vì Tiberio lên ngôi năm 765 và Hêrođê chết năm 750.

 

Ngoài ra còn có thánh Isidoro Sevilla (+636) biên soạn Bộ Bách Khoa, thu tóm các kiến thức từ thế kỷ I ; và thánh Bêđa Đáng Kính (+735) nổi tiếng với bộ Sử Giáo hội Anh.


TOÁT YẾU

 

Giáo phụ là các văn nhân Kitô giáo kỳ cựu, có đời sống thánh thiện, học thuyết chính thống và được Giáo hội xác định, thường chia làm ba thời kỳ :

 

1. Thời tiên khởi gồm :

 

Các Tông Phụ, môn đệ trực tiếp các Tông đồ

Các nhà Hộ Giáo : giải đáp các dư luận sai về đạo.

Các nhà Minh Giáo : giải đáp các lạc thuyết.

 

2. Thời Hoàng Kim nổi bật tám đại tiến sĩ :

 

Bên Đông : thánh Athanasio (+373), Basilio (+379),
Gregorio Naziano (+390), Gioan Kim Khẩu (+407).

Bên Tây : thánh Ambrosio (+397), Giêronimo (+420), 
Augustino (+430), và Grêgorio Cả (+604)

 

3. Thời tổng Kết :

 

Bên Tây trước thánh Bêđa đáng kính. Bên Đông trước thánh Gioan Damasceno.

Cần phân biệt Giáo phụ với Thánh Tiến Sĩ. Giáo hội tôn phong tiến sĩ các vị có học thuyết đặc biệt ảnh hưởng đến nhiều người khác, không nhất thiết ở thời các Giáo Phụ. Hiện có 33 tiến sĩ Giáo hội, trong đó có ba thánh nữ Catarina Siena, Têrêsa Avila và Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

CÂU HỎI

1. Các điều kiện để được gọi là Giáo phụ ?

2. Nói tồng quát ba thời kỳ Giáo Phụ ?

3. Tông phụ là gì ? Có bao nhiêu vị ?

4. Nhận định về các nhà hộ giáo ?

5. Đặc tính hai phái văn học Kitô giáo thế kỷ III ?

6. Kể tên các Giáo phụ chính thời Hoàng Kim ?

7. Bối cảnh nào thúc đẩy thần học phát triển th.kỷ IV và V

8. Nhận xét chung các Giáo phụ giai đoạn chót ?

9. Phân biệt Giáo Phụ với Tiến Sĩ Giáo hội ?

 

BÀI ĐỌC THÊM


DANH SÁCH 33 TIẾN SĨ GIÁO HỘI (theo A. B, C)

           

Albertô, Anphongsô, Ambrôsio, Anselmô, Antôn Padoua, Athanasio, Augustino, Basilio, Bêđa, Bênađô, Bonaventura, Catarina Siena, Cyrillo Giêrusalem, Cyrillo Alexandria, Êphrem, Giêronimo, Gioan Damasceno, Gioan Kim Khẩu, Gioan Thánh Giá, Grêgorio, Grêgorio Naziano, Hilario, Isiđôro Sevilla, Laurenso Brindisi, Lêo cả, Phanxicô Salêsio, Phêro Canisius, Phêro Chrysologo, Phêrô Damiano, Roberto, Têrêsa Avila, Têrêsa Hài Đồng và Tôma Aquinô.

 

(Cập nhật: Ngày 12.04.2015, Đức Thánh Cha Phanxicô tôn phong Thánh Gregorio Narek trở thành vị Tiến Sĩ thứ 36 của Hội Thánh, sau thánh nữ Hildegart von Bingen người Đức, và thánh Linh Mục Gioan Avila người Tây Ban Nha)

BA CẤP BẬC THỪA TÁC VỤ

 

“Hãy nghe theo các vị Giám sự (Episcope : giám mục = l’évêque) như Chúa Kitô nghe cha ngài, và nghe hàng niên trưởng (le collège depresbytres) như nghe các tông đồ; về phần các phó tế, hãy kính trọng họ như luật Chúa. Về những gì liên quan đến Giáo hội thì đừng ai làm gì ở ngoài giám mục của mình. Bí tích Thánh thể chỉ được coi là hợp pháp khi cử hành dưới quyền chủ sự của Giám mụchay do người mà ngài đã ủy quyền.

 

Ở đâu có Giám mục ở đó có cộng đoàn, cũng như ở đâu có Chúa Kitô ở đó có Giáo hội công giáo. Nếu giám mục không đồng ý thì không được làm phép rửa cũng không được tổ chức bữa ăn huynh đệ(là bữa ăn tương trợ và thân hữu với ý nghĩa tôn giáo, nhưng khác với Tiệc Thánh thể), nhưng tất cả những gì ngài ưng thuận thì đẹp lòng Chúa”. (Ignatio Antiokia, thư gửi Smyrna,VIII)

 

Mọi người hãy kính trọng các phó tế như Chúa Giêsu Kitô, cũng như kính trọng Giám mục là hình ảnh Chúa Cha; Hãy kính trọng các linh mục như những đại diện Chúa và như tập thể các tông đồ. Không có các ngài thì không thể nói đến Giáo hội”. (Ignatio Antiokia, thư gửi người Trallien)

TÂM TƯ MỘT NGƯỜI TRÍ THỨC

Bằng một ngôn từ giàu chất thơ và dễ hiểu đối với các tín hữu, tác giả tấm bia mộ này tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu, vào Giáo hội và Bí tích Thánh thể. Ông làm chứng cho tính công giáo của hội thánh.

 

“Tôi tên là Abercius. Tôi là môn đệ của một mục tử thánh thiện, ngài dẫn đoàn chiên lên núi và xuống đồng bằng, ngài là người nhìn xa trông rộng. Chính ngài đã dạy tôi những sách đáng tin. Ngài đã gửi tôi đến Rôma chiêm ngưỡng vương quyền uy nghi và nhìn ngắm nữ hoàng trong y phục vàng. Ở đó tôi thấy một dân được ghi dấu sáng ngời. Tôi cũng thấy cánh đồng Syrie và mọi thành phố, thấy Nisible ở bên kia bờ Euphrate. Khắp nơi tôi đều gặp các Kitô hữu.

 

Ở nơi nào đức tin cũng hướng đạo cho tôi. Đi khắp nơi đức tin cho tôi của ăn là con cá lớn và tinh tuyền do trinh nữ thánh thiện đánh bắt. Bà không ngừng phân phát cá cho bạn hữu ăn. Bà có thứ rượu tuyệt hảo Bà cho để dùng với Bánh. Tôi, Anbercius, tôi cho viết những điều này vào tuổi 72. Người anh em xin cầu cho Abercius.

(Bản bia mộ của Abercius, GM Hierapolis ở Phrygie
cuối thế kỷ thứ II, trích JC. Để đọc LSGH I, 66

THÁNH KINH LUÔN CÓ NGHĨA THIÊNG LIÊNG

 

Những bức tường thành Giêrico sụp đỗ khi tiếng kèn vang lên. Giêrico là khuôn mặt của thế hệ này, và chúng ta thấy sức mạnh và thành trì của nó đã sụp đỗ do tiếng kèn của các tư tế. Sức mạnh và thành trì đó chính là việc tôn thờ ngẫu tượng. Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, mà Giôsuê là hình bóng báo trước việc xuất hiện, đã sai các tông đồ ngài, trang bị bằng Phúc Âm giống như các tư tế mang kèn (…) và giờ đây, việc tôn thờ ngẫu tượng, các triết thuyết đã sụp đỗ tan tành.

Origène, Bài giảng về Giosuê – JC. Để đọc LSGH I, 72

NGƯỜI SAMARITANÔ TỐT LÀNH 
(bài giảng của Oigênê)

 

“Một người từ Samari xuống Giêricô”. Nơi người này, ta nhận ra Ađam, con người trong thân phận đích thực của mình, đã sa ngã do tội bất tuân ; “Giêrusalem” là thiên đàng, là Giêrusalem thiên quốc và Giêrico là thế giới này. “Quân cướp” tượng trưng những sức mạnh thù địch, ma quỉ hay các tiến sĩ giả hiệu đến trước Đức Kitô. Các “Vết thương” là sự bất tuân và tội lỗi. Việc “cướp mất áo quần” tượng trưng việc đánh mất tính bất hoại và bất tử cũng như mọi nhân đức. “Người bị bỏ rơi nửa sống nửa chết” tượng trưng tình trạng hiện tại của bản tính chúng ta đã trở nên “nửa sống nửa chết ” ; ” Tư tế ” là lề luật. Thầy Lê Vi là các ngôn sứ ; Người “Samaritanô” là Đức Kitô, Đấng đã mặc lấy xác phàm trong lòng Đức Maria ; “Lưng lừa là thân thể Đức Kitô. “Rượu” là lời giáo huấn của Ngài. “Dầu” là lời nói tốt đẹp đối với mọi người, là lòng nhân từ thương xót; “quán trọ” là Giáo hội ; “Chủ quán” là các Tông đồ và những người kế vị, tức là các giám mục, các tiến sĩ Giáo hội … “Người samaritanô trở lại” là cuộc tái lâm của Đức Kitô.

(Origène, Bài giảng về Phúc Âm Luca – JC. Để đọc LSGH I, 72)

TRUYỀN THỐNG CÁC TÔNG ĐỒ

 

Truyền thống các tông đồ là điều hiển nhiên trong toàn thế giới và tất cả những ai muốn nhận biết chân lý đều có thể gặp trong từng Giáo hội. Chúng tôi có thể kể tên các vị Giám mục đã được các tông đồ thiết lập trong Giáo hội và những đấng kế vị các ngài cho đến chúng ta… Các Tông đồ muốn rằng những người các Ngài chọn kế vị và trao sứ mạng giảng huấn phải tuyệt đối hoàn hảo và vô phương trách cứ (…).

 

Nhưng nếu trong một tác phẩm thế này, mà kể ra tất cả những vị giám mục nối ngôi tại tất cả các Giáo hội thì quá dài dòng, nên chúng tôi chỉ kể ra danh sách của một Giáo hội lớn nhất, cổ kính nhất, và mọi người đều biết, Giáo hội do hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô đã thiết lập và xây dựng ở Roma, nhằm chứng minh rằng truyền thống Giáo hội Roma nhận từ các tông đồ và đức tin mà Giáo hội này rao giảng cho mọi người, đã được truyền đến chúng ta qua sự kế tục của các Giám mục, chúng tôi phản đối những kẻ, bằng bất cứ cách nào, hoặc vì tự cao, vì hư danh, vì lầm lạc về giáo lý mà tạo ra những bè phái bất hợp pháp. Vì nguồn gốc cao cả của Giáo hội Roma, mà toàn thể Giáo hội, tức là tất cả các tín hữu, phải đồng tâm nhất trí với Giáo hội đó. Vì lợi ích của tín hữu khắp nơi, mà truyền thống các tông đồ đã luôn luôn được bảo tồn trọn vẹn nơi Giáo hội này.

(Iréné, chống lạc giáo III, 3,1-2 – JC. Để đọc LSGH I,t.69)

THÁNH ATHANASIO

 

“Thiên Chúa làm người để ta trở nên giống Chúa”. Ai nói về nhân tính Ngôi lời cũng biết về Thiên tính Ngài (…) Nói về nước mắt Thiên Chúa khóc, hãy nhớ ngài biểu lộ thiên tính qua việc phục sinh Lagiarô. Đấng từng đói khát, cũng từng biểu lộ quyền năng qua việc nuôi sống 5000 người với năm chiếc bánh. Đấng thi hài an nghỉ trong mộ, đã sống lại với tư cách Thiên Chúa (…) Ngôi Lời đã làm người để chúng ta trở thành Thiên Chúa (…) Qua thân xác hữu hình, Ngài cho biết khái niệm về Chúa Cha vô hình. Chấp nhận những đớn hèn của con người, Ngài cho ta thông phần vào cuộc sống bất tử.

(JC. Để đọc LSGH I, 114)

THÁNH BASILIÔ

Bài giảng kỳ hạn hán và nạn đói

 

Đói là nỗi bất hạnh nhất của con người và chết đói là cái chết đau khổ nhất (…). Đói là khổ hình chậm chạp, là nỗi đau kéo dài, là sự ác vừa ẩn vừa hiện, cái chết như sắp tới mà chưa tới (…). Thân xác tím ngắt xanh xao liên kết với bệnh tật… Cặp mắt yếu ớt thất thần thu lại giữa tròng như hạt đậu trong vỏ sò. Bụng trống rỗng không chút lương thực, ruột thì quặn lại chỉ còn da bọc xương.

 

Kẻ vô tình trước một thân thể như vậy đáng trách thể nào ? Nơi hắn có đầy tàn ác chăng ? Phải chăng, đáng liệt hắn vào những kẻ phi nhân như cầm thú, đáng coi hắn như kẻ phạm trọng tội hoặc một tên sát nhân ? Phải, kẻ có thể cứu trợ khỏi điều xấu này mà hà tiện không chia sẻ, đáng bị kết án như tội giết người (…)

 

Bạn nghèo ư ? Một người khác nghèo hơn bạn, bạn có lương thực 10 ngày ư ? Kẻ khác chỉ còn một. Hỡi người tốt và quảng đại hãy chia sẻ những gì mà mình còn lại để hòa đồng với kẻ bần cùng. Đừng ngần ngại cho phần ít ỏi bạn có, đừng coi lợi ích riêng tư lớn hơn hiểm họa chung. Dù lương thực bạn chỉ còn một ỗ bánh mà có người ăn xin trước cửa hãy lấy ỗ bánh ra khỏi rương, giơ tay lên trời mà đọc những lời lẽ quảng đại này : “Lạy Chúa, Ngài thấy đây là miếng bánh cuối của con trong lúc nguy kịch, nhưng con thấy trước mắt mệnh lệnh Ngài truyền, con xin chia phần nhỏ bé của con cho người anh em đang đói. Cả Ngài nữa, xin ban cho tôi tớ Ngài đang gặp nguy hiểm. Con biết lòng Ngài nhân từ, con tín thác vào quyền năng Ngài. Xin đừng trì hoãn tình thương và nếu đẹp lòng Ngài, xin rộng ban muôn vàn ơn huệ “.

 

Nếu bạn nói và hành động như thế, miếng bánh bạn cho người nghèo sẽ là hạt mầm của mùa gặt, nó đem lại hoa quả sung túc và đặt cọc cho lương thực bạn. Hãy là sứ giả của lòng thương xót. (JC. Để đọc LSGH I. p 15).

GREGORIO NYSSENO

Hình ảnh Chúa Trời nơi con người.

 

Vẻ đẹp thần linh không phải là vẻ hào nhoáng bên ngoài của khuôn mặt hay diện mạo, mà hệ tại hạnh phúc khôn tả của cuộc sống hoàn thiện. Cũng như trong các màu sắc người họa sĩ dùng để trình bày trên bản vẽ một nhân vật, ông sắp xếp màu theo vật tự nhiên để bức chân dung có vẻ đẹp của vật mẫu. Hãy tưởng tượng như thế về Đấng tác tạo nên chúng ta. Mầu sắc xứng hợp với vẻ đẹp Thần linh là các nhân đức mà Ngài phú bẩm cho hình ảnh Ngài để biểu lộ qua chúng ta những quyền năng của Ngài. Ở đây việc hòa hợp mầu sắc không liên quan gì đến mầu đỏ, màu trắng hay hỗn hợp mầu, đến màu đen vẽ mắt và lông mày (…) thay vào đó là sự thanh sạch, sự tự do siêu nhiên, đến hạnh phúc, đến việc xa rời sự ác và tất cả những gì làm ta giống với thiên tính…

Thiên Chúa là tình yêu và là nguồn tình yêu. Đấng là mẫu cho bản tính chúng ta sẽ đặt nơi chúng ta đặt tính này vì chính Ngài đã phán : “Nơi điều này mọi người biết các con là môn đệ Thày, là các con hãy yêu thương nhau “. Vậy nếu thiếu tình yêu, toàn bộ các nét hình ảnh trong chúng ta đều bị bóp méo biến dạng.

(Việc sáng tạo con người; chương V – JC. Để đọc LSGH I p 16)

THÁNH GIOAN KIM KHẨU

Kitô hữu phải lưu tâm đến ơn cứu độ anh em mình

 

Đức Kitô không cho Thánh Phaolô thoát những nguy hiểm. Ngài muốn trí tuệ con người được xử dụng tối đa. Ngài muốn dạy chúng ta rằng các tông đồ cũng là người như ta và ân sủng không thay ta làm tất cả, kẻo người ta xem các tông đồ như các mẩu gỗ. Chính nhờ đó, hoạt động của các ngài mới càng sinh động. Đến lượt chúng ta hãy làm như thế để phục vụ ơn cứu độ anh em mình. Sẵn sàng chịu đau khổ vì ơn cứu độ anh em, việc đó không kém giá trị việc tử đạo. Không có gì làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn.

 

Không gì lạnh lẽo bằng một tính hữu không lo cứu người khác. Bạn đừng lấy cớ nghèo, bà góa với hai đồng xu sẽ khóa mồm bạn lại. Thánh Phêrô đã nói : vàng bạc tôi không có, còn thánh Phaolô thì nghèo đến nỗi thường xuyên đói và thiếu lương thực. Bạn có thể nại đến lý lịch tầm thường, các tông đồ là những người vô danh sinh bởi cha mẹ vô danh.

 

Cũng đừng than mình kém văn hóa, các tông đồ ngay cả đọc cũng không biết. Bạn là nô lệ hay người sống ngoài pháp luật vẫn luôn có thể làm theo khả năng. Đó là trường hợp Ônêsimo (…) Và bạn thấy đó, thánh Phaolô đã gọi anh vào vinh dự nào, Ngài nói “Để anh ta tham gia vào hàng ngũ của tôi “. Bạn đừng lấy cớ bệnh. Timôtê thường xuyên bệnh. Hãy nghe thánh Phaolô : “Anh nhớ dùng chút rượu để giảm cơn đau bao tử đi “.

 

Mỗi người đều có thể hữu ích cho tha nhân, nếu người đó muốn làm tốt cho những kẻ thuộc về mình (…). Ai chỉ lo lợi riêng tư là kẻ vô ích. Ngay cả các thiếu nữ trinh bạch, đẹp đẽ đạo đức mà không hữu ích cho ai, thì vì chính điều đó họ bị thiêu đốt. Cũng thế, với những kẻ không cho Đức Kitô ăn. Nên nhớ Người sẽ không khiển trách họ về hạnh kiểm, tội lỗi hay lời báng bổ; mà chỉ vì không ích lợi gì cho ai. Như kẻ đã chôn nén của bạc mình, đời sống y không có gì khiển trách, nhưng y không làm ích gì cho ai khác.

(Bài giảng XX sách Công Vụ tông đồ – JC. Để đọc LSGH I, 115)

THÁNH AMBROSIO

Những lời khuyên về cầu nguyện

 

Giờ đây hãy nghe xem chúng ta phải chứng minh thế nào … thánh Tông đồ nói : Tôi muốn những người nam cầu nguyện mọi nơi, giơ đôi bàn tay trong sạch không giận giữ không cãi cọ. Và Chúa lại phán trong Tin Mừng : “Khi cầu nguyện con hãy vào phòng mình đóng cửa lại rồi cầu nguyện với Cha của con”. Bạn có thấy gì mâu thuẫn không ? Thánh Tông đồ nói cầu nguyện mọi nơi, còn Chúa nói cầu nguyện trong phòng. Nhưng chẳng có gì mâu thuẫn cả … Bạn có thể cầu nguyện mọi nơi mà luôn luôn ở trong phòng, cái phòng mà ở đâu bạn cũng có. Dù bạn sống giữa lương dân hay giữa người Do thái, ở đâu cũng có căn phòng kín đáo, căn phòng đó chính là tâm hồn bạn. Dù bạn giữa quần chúng, bạn vẫn có trong nội tâm một căn phòng cửa khép và kín đáo.

 

Khi cầu nguyện bạn vào phòng mình, quả là hợp lý khi nói vào phòng, hãy vào để đừng cầu nguyện như những người Do Thái bị Chúa trách : ” Dân này thờ ta bằng môi miệng, còn lòng chúng xa ta”. Chớ gì lời nguyện bạn không phải như thế. Hãy chú ý vào lời nguyện, hãy đi sâu vào tâm hồn mình.

 

Khi cầu nguyện bạn đừng la lớn, đừng phô trương cho đám đông. Hãy cầu nguyện kín nhiệm trong lòng. Tin chắc rằng Đấng thấy tất cả và nghe tất cả, sẽ nghe lời bạn trong nơi bí mật. Hãy cầu nguyện Cha bạn trong nơi bí ẩn, vì Đấng thấy hết mọi điều bí ẩn sẽ nghe lời bạn …

 

Vì lý do nào phải cầu nguyện trong nơi bí mật hơn là đọc lớn tiếng ? Cứ nhìn quanh ta. Nếu bạn xin một người thính tai, bạn nghĩ mình phải la lên hay chỉ năn nỉ nhẹ nhàng vừa giọng ? Nếu bạn gặp người điếc, bạn mới phải cất cao tiếng để họ nghe chứ ? Vì thế, ai la lên là đã tin rằng Thiên Chúa chỉ có thể nghe nếu hắn la lớn tiếng và khi khẩn nài, họ đã hạ giá quyền năng Chúa. Trái lại, ai cầu nguyện trong thinh lặng, đã tỏ niềm tin mình rằng : Thiên Chúa thấu suốt tận đáy lòng, Ngài nghe lời bạn cầu nguyện trước khi bạn thốt ra khỏi miệng.

(Các bí tích, VI, 11-16, JC. Để đọc LSGH I. p 117)

THÁNH GIÊRONIMO

Lời khuyên về việc dạy một bé gái

 

Thánh Giêrônimô gửi thư cho một bà bạn về việc giáo dục cháu gái của bà. Hai bà cháu cùng tên là Paula

 

Khi chọn danh từ để tập cho bé đặt câu, thì đừng bạ chữ nào dạy chữ ấy mà phải chọn cách ý thức với dụng ý nối kết chúng với nhau. Chẳng hạn như tên của các ngôn sứ, các tông đồ : cho học tên tổ phụ bắt đầu từ Adam, theo trình tự như trong phúc âm Matthêu và Luca, để bé vừa học chữ vừa được chuẩn bị cho tương lai…

 

Nên trao phó việc giáo dục cho một trinh nữ nhiều kinh nghiệm, mẫu mực về đức tin và về ngôn hạnh, cô sẽ dạy dỗ bằng gương sống của mình, tập cho bé thức dậy ban đêm để cầu nguyện và đọc thánh vịnh, hàt thánh thi vào lúc tinh sương, với giờ kinh thứ ba, thứ sáu, thứ chín, và cuối cùng thắp lên ngọn đèn nhỏ dâng hiến vào chiều hôm.

 

Thay cho vàng bạc, lụa là, hãy dạy bé yêu mến Sách thánh. Bé mê Sách thánh, không phải vì bìa da Babylone hoặc bìa mạ vàng, nhưng vì sự rõ ràng chuẩn xác và đầy ý nghĩa của bản văn. Trước hết bé nên học thánh vịnh. Nhờ thánh vịnh bé sẽ tránh khỏi các bài hát đời; và sách châm ngôn sẽ dạy bé cách sống. Với sách giảng viên, bé sẽ học khinh chê sự vật trần thế. Qua sách Gióp bé ham mê, gắn bó với tấm gương can đảm và kiên nhẫn.

 

Tiếp theo, hãy bé bước vào sách Tin Mừng, mà từ nay bé không bao giờ được rời tay; rồi với thành tâm thiện chí bé giải khát nơi sách Tông đồ công vụ và các thánh thư. Khi kho lẫm tâm hồn bé đã chứa chan của cải châu báu đó rồi, hãy giúp bé lãnh hội các sách tiên tri và bộ bảy sách đầu của Kinh thánh, rồi đến sách Các Vua, sách Sử Ký, Edras và Esther. Cuối cùng, không còn gì nguy hiểm nữa, bé có thể học hỏi Diễm Tình Ca. Nếu bắt đầu học mà dùng sách này, tâm hồn bé có nguy cơ thương tổn, vì chưa có thể hiểu được rằng đây là bài ca hôn lễ thiêng liêng, được che dấu dưới ngôn ngữ phàm tục. Bé cũng cần dè dặt với các sách ngụy thư. Nơi các sách này phải khôn ngoan lắm mới đãi được vàng trong vũng bùn.

(JC. Để đọc LSGH I, p 118)

VỀ NGUỒN CÁC GIÁO PHỤ

 

Khi nghiên cứu về công đồng Vaticanô II, chúng ta thấy cách về nguồn các giáo phụ của Giáo hội hiện nay :

 

1/ Trừ hiến chế về Giáo hội và Mạc khải, nơi các bản văn giáo phụ được trích dẫn phong phú, còn các văn bản khác của Vaticanô II rất ít trích và hầu như không trích dẫn trong hiến chế mục vụ.

 

2/ Thế nhưng các văn bản ấy được soạn theo “cách trình bày” của các giáo phụ, nhấn mạnh về lịch sử cứu độ và thái độ cởi mở trước những giá trị trần thế.

 

3/ Nói khác đi, về nguồn giáo phụ, Vaticanô II không lặp lại lời của các Ngài cho bằng noi gương các Ngài, sống như các Ngài trong hội nghị, trong việc soạn văn bản và dự phóng hoạt động.

Phân tách thái độ các giám mục tại công đồng ít ra chúng ta rút ra được 5 bài học sau :

 

– Đức Kitô nguồn mọi mặc khải

– Yêu mến Đức Kitô qua Kinh Thánh

– Vai trò phụng vụ

– Canh tân sức mạnh của Thần Khí

– Mầu nhiệm Giáo hội hoàn cầu

 

1. Đức Kitô, nguồn mọi mạc khải

 

Trong hiến chế mạc khải, công đồng khẳng định Thánh Kinh, Thánh Truyền là hai nguồn mạc khải phân biệt chứ không tách biệt, cả hai đều phát xuất từ nguồn mạch duy nhất,có thể nói là nên một vì khởi từ một nguồn chung là con người Đức Giêsu “trung gian và là sự sung mãn của toàn bộ mạc khải” (Số 2). Trước đây khi đối đầu với Tin Lành, có lúc Giáo hội quá nhấn mạnh truyền thống đến nhự ngang hàng với Kinh Thánh, rồi vô tình phân ly hai nguồn mạch và chỉ lưu tâm đến việc sử dụng Thánh kinh và Truyền thống, quên mất sự tuôn trào của nguồn mạch chung là Đức Kitô.

 

II. Các giáo phụ với Kinh Thánh

 

Công đồng học theo gương các giáo phụ đã coi Kinh Thánh là khởi điểm, là trung tâm và là kết luận của mọi suy tư. Các giáo phụ là các nhà chú giải Thánh kinh không biết mệt, ngay trong các bài minh giáo và hộ giáo, Thánh Kinh vẫn là tiêu chuẩn tối hậu.

 

Vaticano II đặt lại vị trí đúng mức của Thánh Kinh

 

1/ Tổ chức suy tôn Lời Chúa : 
Đức Phaolô VI rước Kinh Thánh trên trán, cổ vũ suy tôn Lời Chúa.

 

2/ Nhấn mạnh công thức của thánh Giêrônimô 
‘Ignoratio Sripturarum, ignoratio Christi ‘ .

 

3/ Kinh Thánh là linh hồn của thần học, của giáo lý và của phụng vụ.

 

4/ Những trích dẫn Kinh thánh dổi dào trong các văn kiện

 

Thực ra, cho đến thế kỷ XIII trong Giáo hội, thời của các tiến sĩ kinh viện lớn như Anbêto, Tôma, Bônaventura, Kinh Thánh vốn là nguồn mọi suy tư thần học, kể cả khi các nhà thần học khảo cứu triết học của Aristote …

 

III/ Phụng Vụ : Trung tâm mọi hoạt động và giáo huấn

 

Các giáo phụ luôn hăng hái phục vụ bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Di sản các bài giảng giáo phụ đã lấy chất liệu từ chu kì phụng vụ và nhắm đưa Kitô hữu vào đời sống Bí tích. Vaticanô II đã đặt lại tầm quan trọng của phụng vụ, địa phương hóa phụng vụ để mọi người đều có thể tham gia cách tích cực, phân phối các bài đọc Kinh Thánh đầy đủ theo chu kỳ hai và ba năm, cổ võ việc giảng và giải thích trong các thánh lễ, cũng như việc giúp giáo hữu sống chu trình phụng vụ và Bí Tích.

 

IV/ Mầu nhiệm Giáo hội Công giáo

 

Nếu xưa kia các giáo phụ ở nhiều miền khác nhau đã liên đới trách nhiệm cách chặt chẽ, Th. Ignatio gủi thư cho bảy giáo đoàn, Thánh Augustino là trung tâm miền Phi châu… Các vị ý thức trách nhiệm với việc chung của Giáo hội xảy ra tại các địa phận khác (đặc biệt khi có lạc giáo, và tham dự các công đồng) …

 

Thì nay, các giám mục không chỉ họp để đồng trách nhiệm trong các “công đồng chung”, mà còn đề xướng tổ chức hội đồng giám mục quốc gia để giải quyết các việc trong nước, hội nghị giám mục từng châu lục địa và cứ ba năm lại có thượng hội đồng giám mục thế giới … Biểu hiện tính liên đới phổ quát hơn

 

V/ Canh tân, cập nhật hóa, vai trò Thánh Thần

 

Vaticano II được tiến hành với bầu khí tin tưởng vào Chúa Thánh Thần. Đức Gioan XIII đã mở cửa sỗ cho luồng gió mới ùa vào. Văn bản của Vaticano II rất ít mệnh lệnh, không hề có vạ tuyệt thông, luôn mở ngỏ cho thế giới, mở ngỏ để đo lường thành quả …

 

Có người coi công đồng như một thi hứng, một đà tiến,một luồng gió. Dĩ nhiên thi hứng vẫn phải diễn đạt qua thơ, đà tiến phải xác định một hướng và gió cần có cột buồm, nhưng văn bản của Vaticano II là hiện thân của tinh thần đối thoại, chấp nhận thay đổi thường xuyên để cập nhật hóa.

 

Ở đây, một lần nữa ta thấy bài học của các giáo phụ. Các vị xưa đã lưu tâm đến thời đại của mình. Giải quyết những khó khăn đang xảy ra và không sao lãng giá trị của lao động, tổ chức trần thế. Sống đức tin, các vị đã đóng trọn vai trò với giai đoạn lịch sử của mình, để tạo nên giáo hội Trung cổ. Đến khi người ta chỉ lo sưu tầm những ý kiến của những bậc tiền bối thì đó là thời suy vi của thế kỷ VII và VIII rồi.

(JC. Để đọc LSGH I, p 91) Lm Phanxicô Xaviê Ðào Trung Hiệu OP 
Hiệu đính tháng 9/2006