Với phương pháp “học thông qua làm việc”, các nhà truyền thông trẻ tuổi đã có cơ hội trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, học cách lắng nghe lẫn nhau và tìm kiếm những cách tiếp cận mới để lan tỏa đức tin trong không gian kỹ thuật số ngày nay.
Đào tạo truyền thông đức tin: nơi gặp gỡ các nền văn hóa
Chương trình “Faith Communication in the Digital World 2023” (FC3) năm nay đã chào đón 16 thanh niên nam nữ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực truyền thông khác nhau như nhà báo, nhà làm phim, quản lý truyền thông, phóng viên…
Phần lớn các bạn trẻ đến từ Châu Á và Châu Phi bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Singapore, Philippines, Đông Timor, Ấn Độ, Mông Cổ, Pakistan, Lebanon, Nigeria, Kenya, Zimbabwe và Brazil.
Chương trình này hướng tới ba mục tiêu chính, đó là:
(1) Thúc đẩy các hoạt động huấn luyện tâm linh và gây cảm hứng truyền thông Đức Tin với phương tiện truyền thông kỹ thuật số được sử dụng cách mới mẻ và hiệu quả;
(2) Thúc đẩy việc trao đổi tài năng tại các khu vực/quốc gia nơi Giáo hội bị gạt ra ngoài lề xã hội
(3) Xây dựng nhận thức về cách người Công giáo, đặc biệt là thế hệ trẻ, sử dụng phương tiện truyền thông kỹ thuật số trong cuộc sống hằng ngày.
Việc đào tạo chủ yếu là các buổi học trực tuyến qua Zoom vào thứ Sáu mỗi tuần vào lúc 2g30 chiều (giờ Rôma), kéo dài từ tháng 5.2023 đến tháng 4.2024.
Ngoài các chủ đề như “Giáo hội hiệp hành, trở thành người kể chuyện, người kết nối, sáng tạo hay các phương pháp truyền thông hiệu quả”, chương trình còn đào sâu các tài liệu truyền thông của Giáo hội như Sắc lệnh Inter Mirifica (1963), Huấn thị Communio et Progressio (1971), và gần đây nhất là tài liệu Hướng tới sự hiện diện tròn đầy – Suy tư mục vụ về việc tham gia mạng xã hội (2023) của Bộ Truyền Thông Vatican.
Trong buổi gặp trực tuyến đầu tiên của FC3 vào ngày 26.5.2023, tiến sĩ Paolo Ruffini, Bộ Trưởng Bộ Truyền thông đã cho biết:
“Ước mơ của chúng tôi là cùng với các bạn – những cư dân kỹ thuật số và thành viên tích cực trong cộng đồng của các bạn – tìm ra những cách thức mới và đầy sáng tạo để truyền thông đức tin trong môi trường kỹ thuật số và đưa ra những quan điểm Kitô giáo cho những tin tức với một lối dẫn chuyện Kitô giáo. Trong bối cảnh truyền thông xã hội – nơi từng cá nhân thường vừa là người tiêu dùng vừa là hàng hóa, chúng ta sẽ cùng nhau tìm kiếm một cách thế phản ứng đầy đức tin. Chúng tôi biết rằng thế giới kỹ thuật số không phải là một thế giới có sẵn. Nó đang thay đổi mỗi ngày. Và chúng ta cũng có thể thay đổi nó. Chúng ta phải thay đổi nó thành một môi trường nhân văn hơn, bắt đầu từ cộng đồng địa phương của chúng ta”.
Đúng như tinh thần của Công đồng Vatican II cách đây gần 60 năm, chương trình này giúp các nhà truyền thông trẻ xem xét cẩn thận hơn và dưới ánh sáng của đức tin về công việc và trách nhiệm mới của các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại ngày nay mà họ đang sử dụng.
Tầm quan trọng của việc lắng nghe và phân định trong Thánh Thần
Văn hóa kỹ thuật số đã mở rộng đáng kể khả năng tiếp cận người khác, đồng thời tạo ra cơ hội để mỗi người chúng ta lắng nghe một cách đa dạng và sâu sắc hơn. Các chủ đề của khóa đào tạo này giúp các bạn trẻ lắng nghe có chủ đích trong bối cảnh kỹ thuật số, biết phân định và lắng nghe bằng “trái tim”, học được cách lắng nghe chăm chú và cởi mở, không thành kiến .
Xen kẽ với những buổi học trực tuyến, các bạn trẻ có thời gian chia sẻ trong nhóm nhỏ những suy tư, trăn trở hay cảm nghiệm của mình theo phương pháp “đối thoại trong Thánh Thần” – một phương pháp mà Thượng Hội đồng Giám mục về hiệp hành đã sử dụng xuyên suốt trong các cuộc họp cấp giáo phận, cấp châu lục và thế giới.
Dù khá mới mẻ với người trẻ, nhưng phương pháp đối thoại này là một phần của truyền thống lâu đời về phân định trong Giáo hội. Nó đề xuất một hành trình tâm linh xen kẽ những khoảnh khắc thinh lặng, cầu nguyện và lắng nghe, với những khoảnh khắc đối thoại và xác định những bước mà Thần Khí đang kêu gọi chúng ta cùng nhau thực hiện. Đối thoại trong Thánh Thần không nhằm mục đích trở thành “một sự trao đổi ý kiến chung chung”, mà là “một vận hành trong đó lời được nói và được nghe tạo ra sự quen thuộc, cho phép những người tham gia trở nên thân thiết với nhau hơn”. Việc cùng nhau lắng nghe giữa những người có đức tin chính là lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần. Điều này cho phép những người trẻ trải nghiệm sự phân định chung, vượt qua những bất đồng hay định kiến để cùng nhau xác định hướng mà chúng ta cảm thấy được Thánh Thần kêu gọi để di chuyển.
Những dự án truyền thông ở châu lục
Bài tập của khóa học FC3 diễn ra gần 12 tháng này là những dự án truyền thông trong phạm vi lãnh thổ hay khu vực của mình. Các nhà truyền thông trẻ được yêu cầu lên ý tưởng và xây dựng kế hoạch truyền thông để quảng bá tài liệu mới nhất của Bộ Truyền Thông Tòa Thánh “Hướng tới sự hiện diện tròn đầy”, nhằm giúp những người trẻ, đặc biệt là thế hệ Millennials và Gen Z, có thể sống trong thế giới kỹ thuật số như “những người thân cận đầy yêu thương”, những người thực sự hiện diện và quan tâm đến nhau trong hành trình cùng đi trên “xa lộ kỹ thuật số”.
Nhiều dự án được đưa ra theo cấp châu lục như:
– Những sự kiện truyền thông liên kết với Liên Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar (SECAM), giúp các nước Châu Phi xây dựng được một mạng lưới truyền thông Công giáo mang khuôn mặt hiệp hành của Giáo hội cả trên phương tiện truyền thông xã hội.
– Tổ chức sự kiện trực tuyến mang tên “The Good Digital Samaritan in Asia” trên nền tảng Gather.town của các bạn trẻ đến từ khu vực Đông Nam Á, liên kết với Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) và SIGNIS. Sự kiện này hy vọng quy tụ được những nhà truyền thông Công giáo trẻ tham gia “đối thoại” trực tuyến cùng với các chuyên gia, với niềm ước mong làm cho mạng xã hội trở thành một không gian nối kết và nhân văn hơn và biến xa lộ kỹ thuật thành những đại lộ để tương tác chân thành với người khác, để đi vào những cuộc trò chuyện có ý nghĩa, để bày tỏ tình liên đới, và để xoa dịu sự cô lập và nỗi đau của ai đó. Một điều thú vị trong sự kiện trực tuyến này sẽ là khu vực “Coffee with Bishop”, là một nơi để các nhà truyền thông trẻ gặp gỡ thân tình với các giám mục.
Trải nghiệm tại Rôma và gặp Đức Thánh Cha
Đối với một nhà truyền thông Công giáo – đặc biệt là những nhà truyền thông trẻ, đức tin chính là động lực truyền rao Tin Mừng trong thế giới kỹ thuật số ngày nay. Và được chia sẻ đức tin với nhau là điều rất quan trọng. Các nhà truyền thông trẻ của chương trình FC3 đã có một cơ hội rất đặc biệt để chia sẻ đức tin với nhau tại Rôma.
Sau thời gian tham gia các buổi học trực tuyến, 16 nhà truyền thông trẻ đã có cơ hội đến Rôma vào tuần cuối tháng 9.2023, được trực tiếp gặp mặt nhau tại trụ sở Bộ Truyền Thông và chia sẻ những hành trình lẫn kinh nghiệm của mình, không chỉ về truyền thông mà còn về sự hiểu biết đa dạng văn hóa và đức tin muôn màu của từng vùng đất.
Các bạn trẻ này được hướng dẫn đi tham quan 4 Vương cung thánh đường lớn ở Rôma, viếng hầm mộ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, Bảo tàng Vatican và nhà nguyện Sistina. Những người trẻ từ 20 đến 33 tuổi này được đến trụ sở Vatican News, bảo tàng Radio Vatican để học và biết thêm về lịch sử hình thành và phát triển lâu đời của truyền thông giáo hội Công giáo Rôma. Họ được gặp mặt và làm việc với các cơ quan của Tòa Thánh như Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích; Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống; Talitha Kum – tổ chức chống nạn buôn người và Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới (WUCWO). Cùng các vị đại điện của từng tổ chức, các bạn trẻ đã chia sẻ kinh nghiệm của mình và lắng nghe những dự định về dự án truyền thông sắp tới của mỗi cơ quan, để sau đó hỗ trợ xây dựng những kế hoạch truyền thông hiệu quả. Sự hợp tác giữa Bộ Truyền Thông với các dự án này đều nhằm đem lại những kinh nghiệm trực tuyến lành mạnh hơn, trong đó mọi người có thể tham gia vào các cuộc trò chuyện và vượt qua những bất đồng với một tinh thần biết lắng nghe nhau.
Những ngày ở Rôma trùng với dịp trước khi khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới, nên các bạn trẻ đã có cơ hội được gặp mặt Đức Thánh Cha Phanxicô vào sáng thứ Tư ngày 27.9.2023 trong buổi tiếp kiến chung và tham dự đêm cầu nguyện đại kết Together do Cộng đoàn Taizé tổ chức tại quảng trường Thánh Phêrô vào tối thứ Bảy, ngày 30.9.203. Đó là một trải nghiệm hiệp hành sống động mà Bộ Truyền Thông qua chương trình “Faith Communication in the Digital World” đã đem lại.
Qua chương trình huấn luyện cùng với các cuộc gặp gỡ đặc biệt, những nhà truyền thông trẻ của Giáo hội – những người đã chịu phép Rửa – cảm thấy mình có liên quan đến sự thay đổi của Giáo hội theo lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô và mang trong mình khao khát về một Hội thánh hiệp hành, tiến bước trong sự hiệp thông, để theo đuổi một sứ mạng chung với sự tham gia tích cực của mọi thành viên và mỗi thành viên.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 139 (Tháng 01 & 02 năm 2024)