01.03.2021
THỨ HAI TUẦN 2 MÙA CHAY
Lc 6,36-38
Lời Chúa:
“Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán” (Lc 6,37)
Câu chuyện minh họa:
Có một câu chuyện được đăng trong tạp chí Reader’s Digest như sau: “Một người bạn của tôi trên chuyến trở về Nam Phi sau một thời gian sống ở Âu châu, đã phải chờ khá lâu ở phi trường Heathrow của London. Sau khi mua một ly cà phê và một gói bánh bích quy, cô kéo lê hành lý lỉnh kỉnh tới một cái bàn trống để đọc báo và ăn bánh trong khi chờ đợi máy bay.
Khi đang đọc tờ báo buổi sáng, cô nhận ra có người đang sột soạt gì đó ở bàn mình. Hé nhìn từ phía sau tờ báo, cô sửng sốt thấy một anh chàng ăn mặc lịch sự đang với tay lấy bánh của cô rồi bỏ vào miệng. Không muốn làm ầm ĩ, cô chỉ nghiêng mình để lấy một cái cho mình. Hai phút sau, cô lại nghe tiếng sột soạt. Anh chàng kia lại lấy thêm bánh để ăn.
Cho đến lúc cả hai đã ăn đến cái bánh cuối cùng trong gói, cô đã tức giận hết sức nhưng vẫn không nói được câu nào. Rồi chàng trai bỗng bẻ cái bánh cuối cùng làm hai, đẩy một nửa về phía cô và ăn nửa còn lại, rồi bỏ đi.
Lát sau, khi loa phóng thanh gọi tên cô, và yêu cầu cô xuất trình vé, cô vẫn còn bừng bừng cơn giận.
Các bạn hãy thử tưởng tượng sự xấu hổ của cô khi cô mở túi xách ra và khám phá ra rằng gói bánh của mình vẫn còn nằm nguyên trong đó.
Thì ra từ nãy tới giờ cô đã ăn bánh của người khác. Chàng trai kia đã chia sẻ với cô đến miếng bánh cuối cùng. Thật là một con người tốt bụng.”
Suy niệm:
Qua câu chuyện trên đây, chúng ta rút ra được bài học, cái nhìn của chúng ta về người khác không luôn luôn chính xác, thậm chí nhiều khi còn nhầm lẫn nữa. Vì thế, chúng ta đừng vội xét đoán hay kết án người khác. Chúng ta cần phải suy xét cẩn thận, khi có đủ bằng cớ rồi mới đưa ra kết luận.
Chúng ta cần trở nên giống Chúa Giêsu nhiều hơn. Khi lầm lỗi, Ngài mong con người trở về, Ngài sẵn sàng tha thứ cho chúng ta với một tình thương yêu vô bờ. Đối với tha nhân, chúng ta có dám tha thứ khi người anh em của mình đến xin lỗi không? Chúng ta có nhẫn nại để người anh em của mình sửa lỗi không? Chúng ta có nhìn nhận những việc làm của anh em mình với ánh mắt của Chúa không hay chúng ta chỉ biết xét đoán theo cảm tính riêng?
Lạy Chúa, chúng con vốn là những người ích kỷ, hẹp hòi chỉ biết sống cho mình. Xin Chúa thay đổi tâm hồn chúng con để mỗi ngày chúng con trở nên giống Chúa nhiều hơn.
02.03.2021
THỨ BA TUẦN 2 MÙA CHAY
Mt 23,1-12
Lời Chúa:
“Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.” (Mt 23,3)
Câu chuyện minh họa:
Trong cuốn NGỤ NGÔN MÙA ĐÔNG người ta đọc được một câu chuyện có thực và hết sức cảm động này. Chuyện nói về Mahatma Gandhi một vị lãnh tụ chính trị chủ trương bất bạo động, được mọi người dân Ấn-Độ tin cậy quý mến trong mọi việc lớn nhỏ. Một hôm, có một bà mẹ dắt một bé gái đến, khẩn nài Gandhi thuyết phục con bà chừa bỏ tật xấu ăn quá nhiều kẹo. Gandhi trầm ngâm hồi lâu rồi bảo: “Thế này nhé, tôi xin hẹn 3 tuần nữa bà đưa cháu bé trở lại đây, tôi sẽ nói chuyện với cháu…”
Ba tuần sau, người mẹ đưa con trở lại. Lần này Gandhi gọi bé gái đến bên cạnh và ôn tồn giải thích cho em về những tai hại của thói quen ăn quá nhiều chất ngọt như kẹo bánh. Em bé gật đầu hiểu ra và hứa sẽ chừa bỏ. Bà mẹ mừng rỡ, rối rít cám ơn Gandhi, nhưng bà cũng không quên thắc mắc: “Thưa ngài, sao ngài không bảo ngay cho cháu cũng những lời khuyên quý báu ấy cách đây 3 tuần?”
Gandhi khiêm tốn thú nhận: “Cách đây 3 tuần ư? Lúc ấy chính tôi cũng còn đang mắc phải tật xấu ăn quá nhiều đồ ngọt…”
Suy niệm:
Để lời nói của mình thêm giá trị, trước hết chúng ta cần thực hành điều chúng ta nói. Lời nói của Gandhi có sức thuyết phục bởi vì ông đã sửa đổi được chính bản thân ông. Người biệt phái làm nhiệm vụ lo việc tế tự đáng lẽ ra phải sống và thực hành luật Chúa cách mẫu mực nhưng không, họ tự đặt ra những giới luật theo ý mình làm lấn át cả giới luật của Thiên Chúa, làm cho việc giữ luật của dân Chúa trở nên nặng nề. Rõ ràng những biệt phái chỉ sống luật lệ theo hình thức, nhưng Chúa Giêsu muốn chúng ta sống lề luật cách triệt để hơn.
Trong việc giáo dục, khi dạy dỗ một ai đó, chúng ta có thực hành những gì mình muốn dạy dỗ người khác không hay chúng ta chỉ đưa ra những yêu sách để người khác thực hiện mà bản thân lại không lại không làm được điều đó?
Lạy Chúa, nói thì dễ nhưng làm thì thật khó. Xin cho những việc làm, lời nói, và hành động của chúng con đều thể hiện chúng con là môn đệ Chúa.
03.03.2021
THỨ TƯ TUẦN 2 MÙA CHAY
Mt 20,17-28
Lời Chúa:
“…Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20,26)
Câu chuyện minh họa:
Năm 1796, chiến tranh giữa Pháp và liên minh Ý-Áo. Đại tướng Pháp: Bonaparte đưa quân đến một địa điểm, có cái cầu bắc qua trận tuyến địch. Trong lúc trận chiến đang nguy, Bona hô tiến qua cầu. Không một ai qua. Bona xuống ngựa, giựt lá cờ quân đoàn, chân bước qua cầu, miệng hô: “Ai yêu tổ quốc thì theo ta.” Ngó lại, trên cầu chỉ có một mình mà lá cờ đã rách nhiều mảnh vì đạn của quân địch. Khi ấy có cậu bé mới 13 tuổi đánh trống thúc quân. Hai tay đập mạnh vào trống, chân bước qua cầu theo đại tướng, quân sĩ tràn theo qua cầu. Bona toàn thắng và cũng chấm dứt cuộc chiến tranh ấy.
Tám năm sau, Bona đã là hoàng đế Napoleon, trở lại chỗ cũ, có nghi lễ nghinh tiếp rất linh đình. Napoleon muốn bắt tay cậu bé Vidal đã 21 tuổi hiện ở trong quân đoàn tại đó.
Hỏi đến Vidal thì cậu đã nghỉ phép để đưa đám tang mẹ. Napoleon bãi bỏ tất cả nghi lễ quân cảnh, đi thẳng đến làng Vidal, theo sau đám tang đến huyệt, đọc bài điếu văn rồi đi bộ với Vidal trở về. Vidal từ chối và mời Hoàng đế lên xe. Hoàng đế Napoleon đáp:
– Tám năm trước con đã liều chết theo ta trên con đường chết, nay trên con đường đau khổ, con cho ta theo con, cho có bạn.
Ai đã liều chết mà theo Chúa sẽ nghe tiếng Chúa: “Ta sẽ ở với các ngươi cho đến tận thế.”
Suy niệm:
Cái tham vọng của các môn đệ là tham vọng của vật chất: chức vụ, và quyền hành. Nhân lúc này, Chúa dạy các ông một bài học về sự khiêm tốn và phục vụ: “ai trong các con muốn làm lớn thì hãy tự làm đầy tớ anh em”, vì chính Ngài đã làm gương cho các ông bằng cuộc sống yêu thương, phục vụ và hiến mạng sống vì nhân loại. Vì yêu thương Ngài đã xuống thế làm người, và ở cùng con người; Ngài mang ân phúc đến cho những con người cần đến Ngài: chữa lành những người bệnh hoạn tật nguyền, cho người mù được sáng mắt, người phong được sạch và kẻ què đi được… Hơn thế nữa, Ngài đã chết để mang lại ơn cứu độ cho hết thảy chúng ta. Vì thế, Ngài muốn những môn đệ của Ngài trở nên giống như Ngài trên con đường dấn thân, phục vụ.
Lạy Chúa, xin cho đời sống con mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn trong hành vi yêu thương, bác ái, dấn thân vì Nước Trời.
04.03.2021
THỨ NĂM TUẦN 2 MÙA CHAY
Lc 16,19-31
Lời Chúa:
“Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh…”. (Lc 16,25)
Câu chuyện minh họa:
Có một đứa trẻ bị khuyết tật bẩm sinh, hằng ngày đi học, cậu thường bị chúng bạn chế nhạo, bắt nạt, đó là điều khiến cậu trở nên lạnh lùng và khép kín. Một hôm cha cậu nhặt được một con chó sắp chết rét từ trong đống tuyết… con chó được đặt nằm xuống gần chân cậu bé, nó run cầm cập. Cậu bé không thích con chó dơ dáy này, cậu dùng chiếc nạng của mình đuổi nó đi, nó không biết đi đâu, nên nằm ngoài cửa kêu ăng ẳng thảm thiết.
Cha cậu nghe tiếng chó kêu thì biết chuyện. Vì thế, ông đến phòng để trò chuyện với cậu bé. Khi nghe cậu bé kể ở trường cậu thường bị bạn bè bắt nạt, ông nói: “Tại sao những đứa trẻ ấy lại bắt nạt con?”. Cậu bé nói: “Bởi vì chân con có tật, con không thể chơi lại chúng nên chúng mới bắt nạt con”. Người cha lúc đó mới ôn tồn nói: “Chúng khỏe mạnh, còn con yếu, cho nên chúng bắt nạt con. Còn bây giờ thì con rất mạnh, con chó lại rất yếu, vậy tại sao con lại không biết thương cảm nó?”. Nghe xong, cậu bé ngân ngấn nước mắt, một lúc sau cậu ẵm con chó vào đặt cạnh lò sưởi và vuốt ve nó… Sau này cậu bé trở thành vị bác sĩ nổi tiếng nhân hậu, được mọi người yêu thương và kính trọng.
Suy niệm:
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy người cha này thật khéo để dạy con biết sống yêu thương. Đức tính yêu thương làm cho người ta sống triệt để vai trò là người Kitô hữu. Khi con người thiếu vắng tình yêu, thì xã hội không còn sức sống. Người phú hộ trong bài Tin mừng hôm nay đã mắc phải một chứng bệnh đó là vô cảm trước người gặp đau khổ, không tỏ lòng thương xót với Ladarô dù chỉ là một miếng bánh vụn. Ông phú hộ không được vào Nước Trời không phải vì ông có nhiều của cải nhưng vì ông không biết sử dụng của cải ở đời này để mua Nước Trời. Ladarô là người ông gặp hằng ngày, thế mà ông lại dửng dưng trước đau khổ của người đồng loại. Nước Trời thật không khó để vào, chỉ cần có tình yêu thì chúng ta sẽ vào được thôi.
Lạy Chúa, xin mở mắt con để thấy người anh em đang đói khổ quanh con; xin mở tim con để con cảm thông với những bất hạnh của anh em con; xin mở tay con để trao ban tất cả; và xin mở miệng con để con biết nói lời yêu thương với anh chị em xung quanh con.
05.03.2021
THỨ SÁU TUẦN 2 MÙA CHAY
Mt 21,33-43.45-46
Lời Chúa:
“Tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.” (Mt 21,43)
Câu chuyện minh họa:
Chuyện ngụ ngôn “Lừa và Sói” kể rằng: Một hôm, lừa đang gặm cỏ, bỗng thấy Sói phi nước đại phóng tới. Lừa giả bộ đi khập khiễng. Khi Sói đến gần, hỏi nó vì sao bị thọt chân, thì Lừa trả lời:
– Vừa nãy tôi nhảy qua hàng rào bị xóc gai.
Rồi Lừa đề nghị Sói trước khi ăn thịt mình hãy nhổ gai ra đã, để khỏi bị gai đâm.
Sói tin lời, Lừa giơ cao chân để Sói soi mói kỹ lưỡng các móng chân Lừa. Lừa thừa cơ đạp mạnh vào mõm Sói rồi bỏ chạy.
Sói bị gẫy hết răng ôm đầu kêu la.
– Đáng đời ta! Cha mẹ nuôi ta thành kẻ chuyên ăn thịt, chứ đâu dạy ta làm thầy lang!
Suy niệm:
Câu chuyện ngụ ngôn cho chúng ta một bài học: kẻ nào không làm đúng công việc của mình sẽ lãnh hậu quả bi thảm. Mỗi người chúng ta là một tá điền mà Thiên Chúa giao phó vào vườn nho của Người. Người giao cho chúng ta tài năng, của cải vật chất, trí khôn… để chúng ta đem hoa lợi về cho Người. Người giao cho chúng ta không kiểm soát cũng chẳng canh chừng. Có những tá điền không làm đúng công việc của mình, nhưng chỉ biết lợi dụng tự do để làm lợi cho bản thân.
Thiên Chúa luôn nhẫn nại với chúng ta, Người sẵn sàng tha thứ tội lỗi chúng ta nếu chúng ta thật lòng sám hối. Thay vì tiêu diệt các tá điền, ông lại sai các tá điền khác canh tác. Người xây tháp canh để bảo vệ chúng ta, ban ân sủng để chúng ta có sức thi hành nhiệm vụ. Chính trong ý nghĩa đó, giúp mỗi người chúng ta ý thức hơn về trách nhiệm của mình đối với Chúa, đừng để ngày sau hết chúng ta bị thảy ra ngoài như những người tá điền sát nhân bị loại khỏi vườn nho.
Ước gì mỗi người chúng ta ý thức thân phận của mình được Thiên Chúa yêu thương và sống tốt vai trò của mình để khi Chúa đến Người sẽ ban thưởng Nước Trời.
06.03.2021
THỨ BẢY TUẦN 2 MÙA CHAY
Lc 15,1-3.11-32
Lời Chúa:
“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.” (Lc 15,20)
Câu chuyện minh họa:
Có một chàng thanh niên chán sống nơi thôn dã, đã bỏ nhà trốn lên thành thị. Ở đó, chàng đã ăn chơi, trác táng… Kiếp sống sa đọa đã đưa chàng đến chỗ thân tàn ma dại. Trong nỗi cùng cực, chàng bắt đầu hồi tâm và nhớ lại nếp sống ấm êm trong gia đình.
Chàng quyết định trở về. Nhưng trên đường về, nghĩ mình quá bất xứng, không biết cha mẹ có tha thứ không, nên chàng đã rẽ lối đi nơi khác. Ở đó, chàng viết thư về cho cha mẹ và thú nhận tội lỗi. Chàng cũng ngỏ ý: nếu cha mẹ bằng lòng thì hãy lấy chiếc áo bông treo trước cửa nhà.
Mẹ chàng đã làm gì? Bà không những treo một cái áo bông mà lấy tất cả các áo trong nhà ra treo kín cả bờ dậu trước ngõ như một rừng cờ đón rước con trở về.
Suy niệm:
Cha mẹ luôn luôn yêu thương con mình, nhất là những đứa con hư hỏng, yếu đuối, bệnh tật, và luôn mong con quay về khi sai đường lạc lối. Thiên Chúa còn hơn thế nữa, Ngài luôn dõi mắt nhìn chúng ta không phải để phán xét nhưng là để trông nom và mong chúng ta quay về khi chúng ta lạc lối. Chúng ta phiêu lưu trong tội lỗi, nhiều khi chúng ta thất vọng không dám quay về với Thiên Chúa nhưng Người vẫn không bao giờ thất vọng về chúng ta, Người luôn kiên nhẫn cho dù tội lỗi của chúng ta có lớn tới mức nào đi nữa.
Phần chúng ta, chúng ta có biết sám hối khi chúng ta có lỗi hay không? Chúng ta có dám quay về với Chúa khi chúng ta lạc lối không?
Lạy Chúa, Chúa dùng tình yêu để mở lối thoát cho chúng con, xin cho chúng con nhận ra con người tội lỗi của mình để sám hối, và được tình yêu Chúa cảm hóa tâm hồn chúng con.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho