02.01.2023
Thứ Hai
Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazanzênô,
giám mục, Tiến sĩ Hội thánh
Ga 1,19-28
Lời Chúa:
“Có một vị đứng giữa các ông mà các ông không biết.” (Ga 1,26b)
Câu chuyện minh họa:
Một bà mua vé xe lửa để đi thưởng ngoạn một chuyến ngắn ngang qua một vùng nổi tiếng là nhiều cảnh đẹp. Khi lên tàu, bà loay hoay mãi mới để được các bao túi lên giá để hành lý cho đúng ý mình. Sau đó bà lại phải chỉnh màn che cửa sổ cho phù hợp. Bà cũng thích ngồi ở dãy ghế cuối cùng trong toa, nên lại đổi chỗ. Chưa yên, bà lục hết ngăn này ngăn nọ trong ví để xem có vé về hay không.
Cuối cùng bà mới để ý thưởng thức cảnh bên ngoài. Cũng ngay lúc ấy người lái tàu báo tin qua máy là tàu đã đến nơi mà bà ấy định đi. Khi ấy bà mới lẩm bẩm: “Tôi mà biết tàu đi nhanh như thế thì tôi đã không loay hoay bận rộn với những việc không đâu vào đâu cả, chỉ mất thì giờ thôi”.
Suy niệm:
Người hành khách ấy quá bận rộn với việc thoải mái, tiện nghi cho chuyến đi mà bỏ mất cảnh đẹp hai bên đường, đến khi định thưởng thức thì hành trình đã hết. Trong cuộc đời chúng ta cũng vậy, có lúc chúng ta đã không nhận ra Chúa, để rồi đến lúc không còn cơ hội nữa, chúng ta mới cảm thấy hối tiếc. Chúa vẫn luôn bên ta trong mọi biến cố, trong mọi người nhưng chúng ta có nhận ra Chúa nơi họ không? Là những Kitô hữu chúng ta không những nhận ra Chúa nhưng cần phải mang Chúa đến cho những người khác nữa. Gioan đã làm chứng cho Chúa trong sứ mạng tiền hô, mời gọi mọi người sám hối để đón nhận Đấng là ánh sáng, là Đấng Cứu Độ đang đến trong trần gian.
Lạy Chúa, xin cho con biết sống triệt để vai trò của mình là môn đệ Chúa, biết hăng say làm chứng cho Chúa trong bậc sống và trong trách nhiệm của mình.
03.01.2023
Thứ Ba
Ga 1,29-34
Lời Chúa:
“Tôi đã thấy nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”. (Ga 1,34)
Câu chuyện minh họa:
Đức Cha Helder Camara đã kể lại chính kinh nghiệm của Ngài như sau:
Tôi có một người anh hơn tôi 5 tuổi đã được rửa tội, và theo học tại một trường do các cha Dòng Maria điều khiển. Nhưng sau đó, anh tôi tuyên bố là đã hoàn toàn mất đức tin. Sau khi tôi thụ phong Linh Mục. Tôi đã cùng anh về chung sống với một người chị không lập gia đình. Mỗi lần tôi sắp đi giảng hoặc đi dâng thánh lễ, anh tôi thường hỏi:
– Hôm nay chú định giảng gì đó?
Tôi thành thật giải thích cặn kẽ cho anh tôi hiểu những gì tôi đang định giảng cho người khác, anh tôi chú ý lắng nghe, nhưng không đưa ra một lời bình luận nào. Tám năm sau, lúc bị bệnh nặng và biết mình sắp chết, anh gọi tôi lại bảo:
– Tôi biết chú là người thông minh và hiểu rộng hơn tôi. Tôi không bao giờ thấy sự cách biệt giữa đức tin và cuộc sống của chú. Vậy tôi xin hỏi chú: Có thể tin thế cho người khác được không? Có thể hưởng nhờ đức tin của một người mà mình tin tưởng không? Tôi tin vào sự chân thành của chú. Tôi đã mất đức tin, nhưng tôi có thể dựa vào đức tin của chú để rước Mình Thánh Chúa không? Tôi trả lời:
– Tôi tin rằng Chúa sẽ tưởng thưởng thái độ khiêm tốn của anh. Tôi không nghi ngờ gì hết. Tôi sẽ trao Mình Thánh Chúa cho anh, và tôi tin chắc rằng anh sẽ được Chúa thương:
Trong cơn xúc động, anh tôi nói:
– Bây giờ thì chưa được đâu, tôi còn phải xưng tội đã.
Tôi định đi tìm một vị linh mục đến để giải tội, nhưng anh tôi dứt khoát đòi xưng tội với tôi. Và anh tôi đã xưng tội, rước lễ một cách sốt sắng. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, tôi đã nghe anh tôi thốt lên:
– Tôi tin, tôi tin! Tôi tin không phải là vì chú, nhưng là vì chính tôi tin.
Suy niệm:
Gioan Tẩy Giả chưa từng biết Chúa Giêsu, nhưng ông lại là người bà con với Chúa và chắc chắn đã quen biết Ngài. Không phải Gioan nói ông không biết Chúa là ai, nhưng ông muốn nói là mình chưa từng nhận biết Ngài là Đấng Messia; ông vừa mới được mạc khải rằng Giêsu chính là Con Thiên Chúa. Một lần nữa, Gioan Tẩy giả nói rõ phận sự duy nhất của ông là chỉ cho người ta đến với Chúa Cứu Thế. Ông chẳng là gì hết, còn Chúa Giêsu là tất cả. Ông không hề đòi hỏi danh tiếng hay địa vị cho chính mình, ông chỉ là người kéo màn để Chúa Giêsu một mình chiếm ngự trung tâm sân khấu.
Đối với chúng ta, những con cái của Chúa, thì nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là làm chứng tá cho Chúa bằng đời sống của chúng ta. Vì theo Chúa cần phải tin, buộc phải giữ, mà những điều ấy, đôi khi vượt quá sức hiểu biết và suy tưởng của con người. Do đó, cần phải sống bằng một đời sống chứng nhân. Giữa những bách hại dã man, giữa những nguyền rủa thậm tệ, giữa những ngược đãi bất công, nếu những con cái Chúa vẫn can đảm, vẫn hiên ngang tuyên xưng niềm tin của mình, thì cuộc sống ấy chính là cuộc sống chứng tá hùng hồn nhất, có sức thuyết phục nhất.
Lạy Chúa, xin thánh hóa tâm hồn chúng con để đời sống chúng con trở thành lời chứng sống động cho tình yêu Đức Kitô.
04.01.2023
Thứ Tư
Ga 1,35-42
Lời Chúa:
“Các anh tìm gì thế?” (Ga 1,38)
Câu chuyện minh họa:
Một thương gia người Mỹ, lúc chết đã làm chúc thư để lại gia tài đồ sộ cho các con. Người con gái của ông tên Grace lúc đó 23 tuổi, đang tu ở tu viện Đaminh Nữu Ước. Ông để cho cô này một triệu đô la, với điều kiện là cô phải rời tu viện và tuyên bố bỏ đạo Công giáo. Cuối cùng nữ tu Grace dứt khoát không rời tu viện, cũng không bỏ đạo. Vì thế cô đã mất cả phần tài sản to lớn đó.
Suy niệm:
Theo Chúa là một chọn lựa dứt khoát, có thể những chọn lựa ấy mang đến thua thiệt cho bản thân. Những người nghe Gioan giới thiệu Chúa có tâm hồn thiện chí, muốn sống chính trực nên khi được Gioan giới thiệu “đây là Chiên Thiên Chúa” và họ đã đi theo mặc dù biết Chúa không là người giàu sang, quyền quý.
“Các ông tìm gì” xem ra đây là một câu hỏi để mỗi người chúng ta tự trả lời trước mặt Chúa, tự bản thân mỗi người bày tỏ niềm khao khát. Các ông đã đi theo Chúa với niềm vui phấn khởi, không phải vì một món lợi nhưng nhận ra nơi Chúa là Đấng Cứu Độ. Và khi nhận được niềm vui ấy, các ông cũng đã loan báo cho những người khác nữa.
Bản thân tôi, khi nhận được niềm vui nơi Chúa, tôi có biết chia sẻ cho anh chị em tôi chưa?
05.01.2023
Thứ Năm
Ga 1,43-51
Lời Chúa:
“Làm sao Ngài lại biết tôi?” (Ga 1,48)
Câu chuyện minh họa:
Ngày nọ, một người bạn đến tìm nhà giảng thuyết Mc-Leod Campbell trong tâm trạng bối rối: “Này anh, xin anh nói cho tôi hay; làm thế nào mà anh luôn tìm thấy Chúa?” Nhà giảng thuyết trầm ngâm một lúc rồi nói: “Làm thế nào mà tôi luôn tìm thấy Chúa ư? Không đâu, tôi không luôn tìm thấy Chúa đâu, nhưng tôi biết là Chúa luôn tìm thấy tôi!”
Suy niệm:
Nathanael được biết Chúa qua lời giới thiệu của Philipphê. Ông ngần ngại có vẻ không tin Chúa vì làm sao có thể tin rằng Thiên Chúa sao lại xuất thân từ “Nadareth, làm sao có cái gì hay được?” Nhưng ông đã vượt qua giới hạn đó để xem cho biết Chúa. Chúa Giêsu đã thấu suốt tư tưởng và ý nghĩ của Nathanael nên đã hứa cho ông thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.
“Làm sao Ngài lại biết tôi?” diễn tả một niềm khao khát sâu thẳm nơi tâm hồn của Nathanael, niềm khát khao chân lý, khát khao được cứu độ. Vì thế, ông đã thốt lên “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel”. Đó có phải là tâm tình của mỗi chúng ta hay không? Chúng ta có khao khát mãnh liệt một Thiên Chúa như thế không? Nhờ niềm khao khát đã đưa Nathanael đến gặp gỡ Chúa Giêsu, và Chúa cũng đang chờ đợi để gặp gỡ mỗi người chúng ta từng ngày.
Lạy Chúa, Chúa đang dang rộng cánh tay đón đợi mỗi người chúng con, xin cho con biết mở lòng ra, mở con mắt đức tin để chạy đến với Chúa và ở lại với Chúa luôn mãi.
06.01.2023
Thứ Sáu
Mc 1,7-11
Lời Chúa:
“Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.” (Mc 1,7)
Câu chuyện minh họa:
Trong một trại giam những người nô lệ ở Nam Mỹ, những người da đen ban ngày thì lam lũ làm việc quần quật trên nương mía, dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt, ăn không đủ no, bị hành hạ đánh đập như một đàn vật; ban đêm lại bị lùa vào giam trong trại như một đám tù nhân. Bỗng một đêm nọ một người trong bọn họ rỉ tai với những người chung quanh rằng một người da đen đang tìm cách để giải thoát họ. Dấu hiệu để nhận ra người đó là một cây Thánh Giá trên trán người ấy. Niềm hy vọng dâng trào trong tâm hồn của tất cả mọi người; mấy đêm liền họ không sao chợp mắt được, sống trong hồi hộp đợi chờ. Rồi giây phút đó đã đến: trong đêm khuya, một người da đen, đã đến, lẻn vào mở cửa và giải thoát họ, dẫn họ chạy, chạy suốt đêm và cuối cùng họ đã đến miền đất tự do. Rồi người da đen đó biến mất. Đêm hôm sau, sau một buổi nhảy múa vì niềm vui được tự do, mọi người an giấc thì bỗng một luồng ánh sáng giữa đêm khuya làm sáng rực cả cánh rừng nơi họ đang ngủ. Mọi người choàng tỉnh dậy, thì thấy Chúa Giêsu hiện đến với họ với cây Thánh Giá trên trán. Họ liền nhận ra người đã đến giải thoát cho họ chính là Chúa Giêsu.
Suy niệm:
Chúa Giêsu khi khởi đầu cuộc sống công khai của mình bằng việc chịu phép rửa tỏ lòng sám hối. Ngài là Đấng vô tội, Ngài đến để đưa nhân loại ra khỏi vùng tối tăm. Ngài từ bỏ địa vị, hòa mình vào dòng người tội lỗi để đứng ngang hàng với con người. Nhìn vào đó chúng ta thấy Ngài là Đấng quá khiêm tốn, Ngài cùng đi với con người trong hành trình sám hối để con người biết cúi mình trước tội lỗi của mình. Hành động ấy cũng mang đến cho mỗi người chúng ta một sứ điệp trong cuộc đời công khai của Ngài là mời gọi mọi người sám hối để được ơn cứu độ.
Lạy Chúa, xin cho con khiêm tốn để nhìn nhận tội lỗi mình mà sám hối, dám chấp nhận cắt tỉa đau đớn để lớn lên trong ơn Chúa mỗi ngày.
07.01.2023
Thứ Bảy
Ga 2,1-11
Lời Chúa:
“Người bảo gì các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,7)
Câu chuyện minh họa:
Cách đây ít lâu, có một bài báo thú vị của một phụ nữ kể lại việc trang hoàng nhà cửa của gia đình bà. Mọi công việc trang trí đều được vợ chồng tâm đầu ý hợp với nhau cho đến khi chồng bà dùng quyền độc đoán bảo người trang trí nội thất treo bức hình Chúa Giêsu kích thước khoảng: 40×50 cm vào chỗ nổi bật nhất trong nhà. Bà cố gắng thuyết phục chồng đổi ý nhưng ông vẫn cứ khăng khăng không chịu.
Tuy nhiên, đang lúc tranh cãi với nhau, bà chợt nhớ lại những lời Chúa Giêsu: “Bất cứ ai nhìn nhận Ta trước mặt kẻ khác, thì Ta cũng sẽ nhìn nhận người ấy trước mặt Cha Ta, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32). Thế là bà chịu nghe theo ý kiến của chồng.
Giờ đây bà nói rằng bà rất vui đã nghe theo ý chồng vì bà nghĩ rằng bức hình Chúa Giêsu đã gây được ảnh hưởng đáng kể trên gia đình bà lẫn trên bạn bè khách khứa nữa. Chẳng hạn ngày nọ có người khách lạ sau khi chăm chú nhìn vào bức hình liền nói với bà: “Bà biết không, Chúa Giêsu trên bức hình đó không nhìn vào bà đâu, Ngài nhìn xuyên qua tâm hồn bà đó!”. Và đêm nọ, một người bạn, sau khi ngồi ngắm bức hình cũng thốt lên: “Lúc nào tôi cũng cảm thấy trong nhà chị rất bình an”. Tuy nhiên, -người phụ nữ nói thêm – ấn tượng mạnh mẽ nhất tác động trên bạn bè khách khứa của tôi là mỗi khi nhìn tấm hình Chúa Giêsu thì tâm hồn họ luôn được nâng lên cao.
Cuối cùng, người phụ nữ nói rằng, có thể mọi người sẽ cười và không chừng còn nhạo báng những nhận xét trên đây của bà, nhưng bà chẳng bận tâm. Bà tâm sự: “Theo ý của tôi, một khi bạn biết mời Chúa vào nhà, chắc chắn bạn sẽ được biến đổi không còn như trước nữa”.
Suy niệm:
Đôi tân hôn đã không ngần ngại mời Chúa đến dự tiệc cưới của họ, và điều không tưởng tượng được đã xảy ra với họ khi họ thiếu rượu. Trong cuộc sống, chúng ta hay quên mời Chúa đến với gia đình trong những lúc khó khăn, những lúc dường như bế tắc. Chúng ta hãy bắt chước gia đình trẻ này mời Chúa hiện diện như là phần tử trong gia đình, và dành cho Chúa một vị trí xứng đáng. Ngài sẽ luôn ban cho gia đình chúng ta thứ rượu nồng của tình yêu. Và nhờ thế, gia đình sẽ đầy ấp tiếng cười và tràn đầy niềm vui vì có Chúa làm chủ gia đình chúng ta.
Lạy Chúa, xin chúc phúc cho gia đình chúng con, và xin Chúa ở lại luôn mãi để gia đình chúng con luôn chan chứa tình yêu, và luôn tỏa hương nồng nàn của rượu ngon hạnh phúc.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho