03.01.2022
THỨ HAI SAU LỄ HIỂN LINH
Mt 4,12-17.23-25
Lời Chúa:
“Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 4,17)
Câu chuyện minh họa:
Người Hồi giáo có chuyện sau đây: Ngày kia Đức Ala truyền cho một sứ thần xuống thế gian tìm xem có điều gì tốt đẹp nhất để mang về trời. Sứ thần đáp xuống ngay một chiến trường nơi máu của các vị anh hùng đang chảy lai láng. Sứ thần thu nhặt một ít máu mang về cho Đức Ala. Nhưng xem ra Đức Ala không hài lòng mấy. Ngài bảo: “Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều quý giá nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất nơi trần gian.”
Sứ thần đành phải giáng thế một lần nữa. Lần này ngài gặp đám tang của một người giàu có nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi theo sau quan tài, vừa đi vừa khóc vừa xông hương để tỏ lòng biết ơn đối với vị đại ân nhân. Sứ thần liền thu nhặt hương thơm mang về trời. Lần này Đức Ala mỉm cười đón lấy hương thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng, Ngài nói: “Dĩ nhiên lòng biết ơn là một trong những điều hiếm có và tốt đẹp nơi trần gian. Nhưng Ta nghĩ rằng còn có một cái gì tốt đẹp hơn.”
Lại một lần nữa sứ thần đành phải vâng lệnh. Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp 4 phương, một buổi chiều nọ ngồi nghỉ bên vệ đường, Ngài bỗng thấy một người đang khóc sướt mướt. Trước những câu hỏi đầy ngạc nhiên của sứ thần, người ấy giải thích: “Tôi đã chìu theo cơn cám dỗ mà phạm tội. Giờ đây nước mắt là lương thực hằng ngày của tôi”. Sứ thần giơ tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và thẳng cánh bay về trời. Đức Ala chăm chú nhìn những giọt nước mắt rồi mỉm cười nói: “Thế là ngươi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quả thật dưới trần gian không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời. Một lòng sám hối chân thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân ấm áp của tình yêu.
Suy niệm:
Hành vi sám hối dẫn con người tới ơn cứu độ, sám hối khi con người ý thức mình đi lệch đường và quay về đường ngay nẻo chính.
Đó cũng là sứ mạng của Chúa Giêsu khi đến trần gian và cũng là sứ mạng của mỗi người chúng ta. Chúng ta được mời gọi mang ánh sáng đến những vùng tối tăm. Ánh sáng đó là Chúa Kitô, Ngài đến thiết lập Nước Trời trên trần gian này. Nước ấy chứa đựng chân lý và tình yêu. Ngày nay thế giới tràn ngập những lọc lừa, giả dối, hận thù… Vì thế rất cần ánh sáng chân lý chiếu giãi. Do đó, những Kitô hữu phải là ánh sáng và chiếu rọi ánh sáng cho những vùng chưa nhận biết Chúa, bằng đời sống đức tin và đời sống chứng tá.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mở lòng đón nhận ánh sáng Chúa và chiếu tỏa ánh sáng ấy trong môi trường chúng con sống và phục vụ.
04.01.2022
THỨ BA SAU LỄ HIỂN LINH
Mc 6,34-44
Lời Chúa:
“Chính anh em hãy cho họ ăn.” (Mc 6,37)
Câu chuyện minh họa:
Một chiều đông lạnh lẽo, triết gia Thomas Carlyle đang ngồi trước lò sưởi trong phòng khách. Cửa mở, cha xứ mới của giáo xứ bước vào. Sau mấy câu xã giao, cha xứ hỏi: “Theo ngài, lúc này giáo xứ mình cần cái gì nhất?” Không chút ngập ngừng, triết gia đáp ngay: “Cái mà giáo xứ cần nhất lúc này, đó là người ta nhận biết một Thiên Chúa không phải chỉ trong lí thuyết.”
Suy niệm:
Vì chạnh lòng thương đám đông dân chúng mà Chúa Giêsu đã hóa bánh ra nhiều để đám đông không bị đói. Cử chỉ ấy cho chúng ta thấy Ngài là Đấng giàu lòng thương xót. Ngài không chỉ quan tâm đến cái đói thể xác nhưng muốn ban phát tình thương. Ngài không làm phép lạ một mình nhưng Ngài muốn các môn đệ cộng tác: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Và chính lòng quảng đại của các môn đệ mà phép lạ đã xảy ra.
Chúa không bỏ rơi những người theo Ngài, Ngài nuôi dưỡng phần xác lẫn phần hồn. Đám đông dân chúng theo Chúa lắng nghe Ngài đến nỗi quên cả ăn uống, chứng tỏ họ khao khát Lời Chúa. Đáp lại tấm lòng yêu mến của họ, Chúa đã lấp đầy tâm hồn họ bằng lời và làm no lòng họ bằng lương thực.
Lạy Chúa, xin cho con biết khát khao Lời Chúa để được tình yêu Chúa lấp đầy.
05.01.2022
THỨ TƯ SAU LỄ HIỂN LINH
Mc 6,45-52
Lời Chúa:
“Người lên thuyền với các ông, và gió lặng.” (Mc 6,51)
Câu chuyện minh họa:
Một ghềnh đá nằm trên một ngọn núi cao được gia đình chim phượng hoàng chọn làm nơi xây tổ đẻ trứng và ấp con. Từ ghềnh đá này người ta có thể nhìn thấy bao quát cảnh vật chung quanh.
Thấm thoát thời gian trôi nhanh, chim phượng hoàng mẹ nhìn con và nói
– Đã đến lúc các con phải tập bay.
– Bay như thế nào? Ba chiếc mỏ non nớt cùng cất tiếng hỏi:
Chim mẹ trả lời:
– Các con phải đi ra mép ghềnh đá rồi buông mình rơi xuống và vỗ cánh để gió nâng các con lên.
Ba chú chim con ngơ ngác nhìn nhau với những ánh mắt đầy lo sợ. Tuy thế chúng cũng vâng lời mẹ đi ra mép ghềnh đá nhìn xuống vực thẳm, nhưng rồi lại vội vàng quay trở về chui vào tổ tìm sự an toàn.
Ngày hôm sau chim phượng hoàng mẹ cũng lặp lại lời nói hôm qua:
– Đã đến lúc các con phải tập bay.
Một chú chim con sợ hãi nói:
– Vực thẳm sâu quá!
Con khác tiếp lời:
– Chúng con sẽ phải rơi xuống tan xác mất thôi.
Và con thứ ba thú nhận:
– Chúng con sợ quá, mẹ ơi!
Nhưng chim phượng hoàng mẹ nói như ra lệnh:
– Hãy đi ra bờ vực thẳm!
Thấy đàn con không nhúc nhích, phượng hoàng mẹ nói giọng cương quyết hơn:
– Hãy đi ra mép gềnh đá, đừng sợ!
Theo lệnh mẹ, ba chú chim con chậm rãi bỏ tổ tìm ra mép ghềnh đá. Chim mẹ nhẹ nhàng dùng mỏ đẩy ba con đi nhanh hơn. Đến nơi, một con can đảm nhảy xuống vực thẳm và tung cánh. Được gió nâng đỡ, nó vỗ những nhịp cánh đầu tiên và bay trong bầu trời cao rộng.
Suy niệm:
Đang mệt mỏi vì gió thổi mạnh, các ông cố gắng chèo chống với sóng gió của biển cả, một bóng người xuất hiện nên các ông tưởng thấy ma, sửng sốt la lên. Chúa quyền năng, Ngài đã xuất hiện ngay khi các ông gặp khó khăn, đang vật lộn với sóng gió dữ dội. Qua đó chúng ta thấy rằng Ngài không bỏ rơi các môn đệ của Ngài. Ngài đến ngay lúc các ông tưởng chừng như thất vọng. Ngài đến để trấn an các ông, nâng đỡ tinh thần các ông và giúp các ông nhận ra tình yêu của Chúa.
Ngày nay, giữa những lúc khó khăn, thử thách trong cuộc sống chúng ta có nhận ra Chúa đang hiện diện với chúng ta không?
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi lúc nhất là những lúc khó khăn, để chúng con luôn an tâm rằng, Chúa hằng đồng hành cùng chúng con: “Chính Thầy đây đừng sợ”.
06.01.2022
THỨ NĂM SAU LỄ HIỂN LINH
Lc 4,14-22a
Lời Chúa:
“Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.” (Lc 4,15)
Câu chuyện minh họa:
Chuyện xảy ra trong một đêm trình diễn văn nghệ Giáng sinh: một thanh niên hóa trang thành một người ăn mày để diễn nhạc cảnh Chúa đến với người nghèo. Nhưng thanh niên này không thể nào bước lên sân khấu được, vì khi anh tới gần đó thì bị những người trong ban trật tự đuổi đi. Họ tưởng anh là một tên ăn mày thật, và họ sợ anh phá rối buổi trình diễn. Xét về mặt hóa trang thì ban tổ chức văn nghệ đã thành công. Tuy nhiên xét về tinh thần thì họ đã tự mâu thuẫn: họ muốn nói cho khán giả biết Chúa đến với người nghèo, nhưng khi gặp người nghèo, dù chỉ là một người giả nghèo, thì họ đã xua đuổi. Tin Mừng đã không thấm nhập vào lòng những kẻ trình diễn Tin Mừng.
Suy niệm:
Trong ngày khởi đầu sứ vụ, Chúa Giêsu công bố rõ sứ mạng của Ngài: loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, và công bố một năm hồng ân của Chúa. Trước lời tuyên bố mọi người đều thán phục. Khi nghe những lời ấy, có lẽ chúng ta cũng thán phục Chúa, nhưng chuyện tin Chúa là một điều khác. Đám đông theo Chúa cũng thán phục Người nhưng lại theo những người biệt phái và kinh sư để rồi lên án Chúa. Còn chúng ta, chúng ta thấy, nghe và tin Chúa như thế nào? Và thái độ của chúng ta đối với Chúa là gì?
Trong sự thinh lặng của nội tâm, chúng ta duyệt xét lại cuộc đời để biết mình đã lắng nghe, tin và thi hành lệnh truyền của Chúa như thế nào?
Lạy Chúa, chúng con được mời gọi sống sứ mạng của Chúa, xin cho chúng con biết dùng chính đời sống của mình mà loan báo và giới thiệu Chúa cho người khác.
07.01.2022
THỨ SÁU SAU LỄ HIỂN LINH
Lc 5,12-16
Lời Chúa:
“Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh”. (Lc 5,13)
Câu chuyện minh họa:
“Khi còn có thể làm việc được thì người mắc bệnh vẫn còn được chung sống với gia đình. Nhưng đến khi thân tàn ma dại không làm được chi nữa, nhất là khi các vết ung thối bắt đầu phá miệng lở loét ra, máu mủ vấy đầy, khiến những người chung quanh nhờm gớm, kinh tởm không chịu được, thì dân làng đưa họ vào rừng, cất cho họ một túp lều tranh để người cùi ở lại đó một mình sống chết ra sao mặc kệ!
Khi yếu liệt, cô đơn trong túp lều hiu quạnh, người cùi đói khổ mà chết dần chết mòn một cách thảm khốc, ấy là không kể trường hợp có thể bị cọp đói tha đi, vì có lời đồn đại rằng cọp rất hám thịt người cùi.
Suy niệm:
Vào thời Chúa Giêsu, mọi người coi bệnh phong cùi như một tội nặng bị Thiên Chúa phạt, và là căn bệnh lây lan cần phải xa lánh mọi người. Nhưng thái độ chữa bệnh của Chúa Giêsu: “Ngài giơ tay đụng vào anh” chứng tỏ ngài không hề ghê tởm anh. Ngài còn dạy anh phải đi trình diện tư tế để anh được hòa nhập vào cộng đồng, được phục hồi nhân phẩm. Ngài đã chữa anh về phần xác đồng thời cũng chữa anh về phần hồn.
Người mắc chứng bệnh phong này nhận thấy mình cần được chữa lành nên tìm đến với Chúa, với hy vọng anh được chữa lành. Chúng ta có ý thức rằng mình là những người tội lỗi, bệnh tật cần được Chúa chữa lành không? Mỗi lần tôi rước Chúa, là mỗi lần tôi chạm đến Chúa, tôi có ý thức điều đó không?
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khao khát Chúa để được Người chữa lành, biến đổi và được hoán cải để trở nên con người mới hầu xứng đáng với danh hiệu làm con Chúa.
08.01.2022
THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH
Ga 3,22-30
Lời Chúa:
“Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3,30)
Câu chuyện minh họa:
Mục sư tiến sĩ Spencer, nổi tiếng một thời, nhà thờ của ông chật ních những người, nhưng thời gian trôi qua, tín hữu của ông ít dần. Một vị mục sư trẻ đến ngôi nhà thờ bên kia đường thu hút hết đám đông của ông. Đêm nọ, trong ngôi nhà thờ của tiến sĩ Spencer chỉ có số ít người họp lại, ông nhìn xuống bầy chiên ít ỏi của mình và hỏi:
– Những người khác đi đâu hết rồi?
Mọi người im lặng, ngượng ngùng, rồi một viên chức đáp:
– Tôi nghĩ rằng, họ đã đến ngôi nhà thờ bên kia đường để nghe ông mục sư trẻ bên đó.
Tiến sĩ Spencer im lặng trong phút chốc rồi mỉm cười nói:
– Tốt lắm, vậy tôi nghĩ rằng, chúng ta nên đi theo họ.
Rồi ông bước xuống tòa giảng, dẫn số tín hữu của mình qua bên kia đường.
Suy niệm:
Biết chấp nhận những giới hạn của bản thân, nhìn nhận điều tốt nơi người khác là cách để giúp chúng ta thoát tính ganh tị, như lời Thánh Phaolô đã nói: “Ai cũng được miễn là Chúa Giêsu được vinh danh”.
Thánh Gioan Tẩy Giả đã dạy cho chúng ta bài học khiêm tốn, hạ mình đi để Chúa được lớn lên, đành rằng thời ấy Gioan là người nổi bật nhưng ông biết vai trò và bổn phận của mình: Chúa phải nổi bật lên, còn tôi phải nhỏ đi. Ông ý thức vai trò của mình là người dọn đường cho Chúa, để mọi người được nhìn thấy vinh quang Chúa, và đến lúc ông phải để cho hình bóng mình lu mờ đi, để Chúa được tỏ hiện.
Mỗi chúng ta có để cho hình bóng của Chúa được lớn lên và sáng hơn trong cuộc sống của mình chưa?
Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức và sống đúng vai trò của mình, không vì nhìn thấy người khác được may mắn hơn mà sinh lòng ganh tị, vì trước mặt Chúa mọi người đều có một vai trò khác nhau.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho