Từ ngày 06.08 đến ngày 11.09.2021 _ Phút lắng đọng Lời Chúa

06.09.2021

THỨ HAI TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

Lc 6,6-11

Lời Chúa:

“Ngày sabat được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt”. (Lc 6,9)

Câu chuyện minh họa:

Trong một giai thoại về Đức Thích Ca, có kể rằng: Một hôm ngài rơi vào tay một tên cướp. Tên này dọa giết ngài, trước khi chết ngài xin hắn một ân huệ. Ngài chỉ vào một cây lớn trước mặt và nói:

– Ngươi hãy cắt đứt một nhánh cây.

Trong nháy mắt, tên cướp vung kiếp chém đứt một nhánh cây. Đức Thích Ca nói tiếp:

– Bây giờ người hãy tháp nhánh cây vào thân cây.

Tên cướp cười gằn, nói:

– Mi quả là tên khùng nên mới nghĩ rằng ta có thể làm được điều đó. Đức Thích Ca liền dạy hắn một bài học:

– Ngươi mới là tên khùng khi nghĩ rằng sức mạnh con người có thể gây thương tích và phá hủy. Người có sức mạnh thực là người biết sáng tạo và chữa lành.

Suy niệm:

Đôi khi trong công tác tông đồ, chúng ta cũng bị rơi vào tình trạng người khác không chấp nhận quan điểm của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta cứ theo dư luận mà sống, thì chúng ta có thể bị rơi vào tình trạng bi đát nhất, là không còn rao giảng Tin mừng nhưng là phản chứng Tin mừng.

Luật giữ ngày sabat là trung tâm của toàn bộ lề luật. Thế nhưng, con người đã dùng nó để xét đoán, và lên án nhau, thậm chí là giết chết thay vì mang lại sự sống. Chúa Giêsu đã giúp họ nhận ra ý nghĩa đích thực của ngày sabat, là mang lại ơn giải thoát khi chữa khỏi người bại tay. Ngài rất khéo trong cách chữa bệnh: không hành động nhưng dùng lời để chữa lành, nhằm tránh những lời tố cáo của bọn biệt phái.

Lạy Chúa, xin cho con biết khôn ngoan trong cách xử thế, để những việc con làm không là nguyên nhân để người khác tố cáo, ghen ghét hay đố kỵ.

 

 

 

 

 

07.09.2021

THỨ BA TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

Lc 6,12-19

Lời Chúa:

“Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa”. (Lc 6,12)

Câu chuyện minh họa:

Tại Roma có một nhà dành cho các bà mẹ tý hon, dưới tuổi thành niên. Căn nhà này do chị Fancesca Ganmagni điều khiển.

Chị Fancesca đã kể lại cuộc đời của chị như sau: “Tôi sinh trưởng tại Bắc Italia. Năm 20 tuổi, tôi quyết định lên đường qua Phi Châu để làm việc truyền giáo trong bậc giáo dân. Trong những năm lưu lại đây, tôi đã sa ngã và mang thai.

Ý định trở về Italia đến với tôi. Nhưng làm sao bây giờ? Tôi không thể mang cái bụng bầu về nhà cha mẹ tôi được, nhưng tôi cũng không thể đang tâm giết hại cái bào thai.

Trước tình trạng đó, tôi chỉ biết cầu nguyện và xin ơn tha thứ, vì tôi tin chắc là Chúa không bỏ tôi.

Thế rồi tôi đã trở về Italia và cho ra đời đứa con của tôi, trong lúc tôi chỉ có 2 bàn tay trắng. Tôi tìm đến căn nhà dành cho các bà mẹ độc thân, vị thành niên để xin được sống ở đó…”

Trên đây là những lời tâm sự của Fancesca. Nhờ cuộc sống chung với những bà mẹ nhỏ tuổi, Fancesca đã nảy ra ý định phục vụ cho những người đồng cảnh ngộ. Ý định đó đã thành sự thật, vì ngày nay chị đang điều khiển căn nhà dành cho các bà mẹ độc thân vị thành niên ở Italia.

Fancesca không hề mở một lớp học hay tổ chức những buổi nói chuyện về Đức Tin bao giờ. Thế nhưng cách sống cũng như cách làm việc của chị đã làm cho các bà mẹ trẻ sống với chị, đến với Chúa.

Khi được hỏi về việc cầu nguyện của chị, chị trả lời: “Ngày xưa, lúc còn bé, tôi thường dành nhiều giờ cho việc cầu nguyện. Nhưng nay thì tôi ít có thời giờ để cầu nguyện như xưa. Bây giờ tôi có một cách cầu nguyện khác cũng hữu hiệu như lối cầu nguyện trước kia mà lại tự nhiên hơn nhiều, đó là cầu nguyện theo việc làm thường ngày của tôi và qua những cử chỉ nhỏ nhặt thường tình hằng ngày”.

Suy niệm:

Chúa Giêsu chọn mười hai tông đồ để làm nền tảng của Giáo hội. Vì thế Ngài thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu luôn kết hiệp mật thiết với Chúa trong mọi hoàn cảnh, và nhất là trước mọi biến cố quan trọng. Việc chọn các tông đồ để Chúa thành lập một cộng đoàn mới gồm những người tin Chúa thì Ngài lại càng kết hiệp mật thiết với Chúa Cha hơn để Người hiểu rõ thánh ý Chúa mà thi hành.

Trước khi sai các ông đi rao giảng, Chúa cho các ông sống với Chúa, huấn luyện các ông và điều quan trọng mà Thánh Luca nhắc đến là Chúa tuyển chọn các ông chứ không phải các ông chọn Chúa. Nói lên điều đó để biết rằng ơn gọi của các tông đồ là do Chúa kêu gọi để làm công việc của Chúa và làm theo thánh ý Chúa. Các ông là những người được mời gọi cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa.

Là những Kitô hữu, chúng ta cũng được Chúa mời gọi dấn thân vào công cuộc cứu độ. Vì thế, chúng ta cần kết hiệp sâu xa với Chúa trong đời sống cầu nguyện để Lời Chúa thấm sâu vào tâm tư, tâm trí của chúng ta để chúng ta thực thi thánh ý Chúa cho đúng.

Lạy Chúa, đời sống kết hợp với Chúa là quan trọng đối với người Kitô hữu. Xin cho mỗi người chúng con biết dành thời gian sâu lắng bên Thánh Thể Chúa để chúng con kín múc nguồn ân sủng Ngài luôn tuôn đổ trên chúng con.

 

 

 

 

 

08.09.2021

THỨ TƯ TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

Sinh nhật Đức Trinh nữ Maria

Mt 1,1-16.18-23

Lời Chúa:

“Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta””. (Mt 1,23)

Câu chuyện minh họa:

Đây là một chuyện phim tưởng tượng. Đạo diễn tưởng tượng có một Đức Giáo hoàng vì chán cảnh lễ nghi rườm rà trong Tòa Thánh Vatican nên nhân một dịp đi lạc khỏi Tòa Thánh, đã đi luôn vào sống ở một ngôi làng nghèo. Làng này đang bị bệnh dịch hoành hành nên bị cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài, lương thực khan hiếm. Trong làng có một cái cối dùng sức gió để cung cấp nước, nhưng cối gió đã hư và không ai sửa. Nếp sống quá khổ cực khiến người ta không đến nhà thờ nữa, nhà thờ bị hoang phế, và chính vị Linh mục coi sóc nhà thờ đó cũng chán nản hồi tục đi làm nghề chăn cừu. Đức Giáo hoàng đã cùng với dân làng đi moi đống rác, tiếp xúc với những trẻ em lang thang bụi đời, và động viên người ta cùng Ngài sửa lại cái cối xay nước. Sau một thời gian làm việc vất vả với rất nhiều khó khăn, cái cối xay gió ấy đã được sửa chữa và hoạt động lại. Cho tới lúc đó dân làng mới biết Ngài chính là Giáo hoàng. Và Ngài giã từ họ trở về Tòa Thánh. Cuốn phim kết thúc với cảnh Đức Giáo hoàng chủ tọa một Thánh lễ có rất đông người tham dự, đặc biệt trong số đó có dân chúng của cái làng nghèo khổ kia và cả vị Linh mục nữa, vị Linh mục này đã trở về với đoàn chiên giáo dân của mình. Chắc chúng ta hiểu được ngụ ý của đạo diễn: Nếu giáo hội chỉ thu mình trong các lễ nghi ở nhà thờ thì dần dần Giáo hội sẽ xa lìa quần chúng và quần chúng cũng xa lìa Giáo hội. Còn Giáo hội dấn thân phục vụ những nhu cầu thiết thực của quần chúng thì quần chúng sẽ đến vây quanh Giáo hội.

Suy niệm:

Trong cựu ước, Thiên Chúa ở giữa dân Ngài trong đám mây, cột lửa, Hòm Bia… nhưng vì muốn ở với dân Người cách sâu xa hơn Ngài đã chấp nhận đến với con người, sống như con người và trở nên Đấng Emmanuel.  

Giáo hội có những lúc phải những con sóng gió, nhưng Thiên Chúa luôn can thiệp. Suốt dọc dài lịch sử, Giáo hội luôn gặp khó khăn thử thách, bị bắt bớ, vị Giáo hoàng đầu tiên là Phêrô cũng bị gông cùm, tra tấn, tù đày; Giáo hội trải qua những cơn bách hại khủng khiếp tưởng chừng như tan vỡ. Thế nhưng, Chúa luôn dùng mọi phương thế để cứu lấy, và hình ảnh Ngài luôn hiện diện với dân chúng qua những biến cố lớn nhỏ, vì “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Để Thiên Chúa ở với loài người, cần có sự cộng tác của Đức Maria và thánh Giuse. Qua lời “xin vâng” của Mẹ Maria, Đấng tự xưng là tỳ nữ thấp hèn của Chúa đã đồng ý cưu mang Đấng Cứu Thế để rồi nhân loại được cứu độ. Thánh Giuse cũng có những toan tính riêng nhưng Ngài đã hiểu được thánh ý Chúa mà từ bỏ ý riêng mình, để Đấng Cứu Thế đến trong trần gian qua mầu nhiệm nhập thể bởi ơn Chúa Thánh Thần. Thánh Giuse đã kính trọng công trình của Chúa và thực thi những chương trình Chúa dành cho ngài. Ngài đã khám phá ra vai trò của ngài trong chương trình cứu độ.

“Thiên Chúa ở cùng chúng ta” để xua tan mọi nỗi buồn phiền, chia rẽ, đố kỵ, nhưng hơn hết Ngài muốn đến ở trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Vì thế, mỗi người chúng ta hãy là những cung điện để Thiên Chúa ngự vào.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết loại bỏ những thái độ sống ích kỷ, nhỏ nhen, đố kỵ, hành vi tội lỗi… để tâm hồn chúng con xứng đáng là ngôi đền cho Chúa ngự, để Chúa luôn ở cùng nhân loại chúng con mọi ngày cho đến tận thế.

 

 

 

 

 

09.09.2021

THỨ NĂM TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

Lc 6,27-38

Lời Chúa:

“Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em”. (Lc 6,27)

Câu chuyện minh họa:

Tích xưa kể rằng: Hàn Tín thời Hán Cao Tổ, thuở hàn vi phải đi câu cá đổi gạo mà ăn. Thế mà có những lúc không đủ ăn. Có bà thợ giặt cảm thương đã mời Hàn Tín đến dùng cơm tại nhà. Hàn Tín đi đâu cũng mang thanh gươm kè kè bên mình.

Một hôm, có tên đồ tể Ác Thiểu muốn hạ nhục Hàn Tín, chận đường thách:

Chú thường mang gươm, chả biết để làm gì! Bây giờ tôi không cho chú đi. Chú có gan thì sẵn thanh gươm đó hãy chém tôi đi, bằng không thì phải lòn trôn tôi mà đi.

Hàn Tín chẳng chút do dự, lòn trôn tên hạ tiện đó mà đi, vì tự nhủ: “Giết thằng này thì được rồi, nhưng mà lấy mạng mình đổi mạng nó, thì không đáng tí nào!”

Sau Hàn Tín nhờ có công giúp Hán Cao Tổ dựng nước mà được phong làm Vua Tam Tể. Lúc bấy giờ, Hàn Tín bèn mời bà thợ giặt đến biếu nghìn lạng vàng để tạ ơn. Rồi không những không thèm trả thù tên đồ tể mất dạy xưa, lại phong cho hắn chức Trung Huý. Ác Thiểu rất ngạc nhiên, khúm núm nói: “Lúc trước tôi ngu lậu thô bỉ, đã dại dột xúc phạm đến oai nghiêm ngài, nay tội ấy được tha chết là may, còn dám mong đâu ban chức tước?

Hàn Tín ôn tồn bảo: “Ta chẳng phải là kẻ tiểu nhân hay cố chấp, đem lòng thù hận. Hành động của ngươi ngày xưa tuy quá đáng, nhưng cũng là bài học luyện chí cho ta. Vậy nhà ngươi chớ tị hiềm mà hãy nhận chức ta ban”.

Suy niệm:

Hàn Tín đã lấy oán đền ơn, không trả thù dù ngày xưa ông bị xúc phạm. Bị xúc phạm, xỉ vả, chê cười… cách tự nhiên chúng ta không thể nhịn được. Nhưng qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa muốn chúng ta đi xa hơn nữa là biết tha thứ cho những người trót phạm đến ta, đi bước trước để làm hòa, để tâm hồn không còn những bất an mà đến với Chúa. Muốn được như thế, chúng ta cần có tính quảng đại, và độ lượng để tha thứ tất cả, để xứng danh là môn đệ Chúa Kitô. Chính Chúa đã làm gương cho chúng ta ngay chính trên thập giá: tha thứ cho những kẻ giết Ngài, nhục mạ Ngài. Không những thế, Ngài lại còn chúc lành và ban ơn cho mọi người.

Xin Chúa giúp con biết sống quảng đại như Chúa, để tâm hồn con được bình an, và mỗi ngày con mỗi tiến sâu hơn trong tình yêu của Chúa.

 

 

 

 

 

10.09.2021

THỨ SÁU TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

Lc 9,39-42

Lời Chúa:

“Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã…”. (Lc 6,42)

Câu chuyện minh họa:

Một tu sĩ tập sinh đau khổ nhiều vì quá nhậy cảm. Hơi một tí là thầy giận dữ chửi rủa. Lý do bao giờ cũng là do tại người khác. Một hôm thầy nghĩ rằng: tôi sẽ được bình an nếu tôi vào sống trong sa mạc xa cách tất cả mọi người.

Nghĩ sao làm vậy. Thầy vào sống trong sa mạc.

Quả thực thầy đã sống những ngày bằng an. Nhưng một buổi chiều nọ, thầy đặt bình nước xuống đất và không biết vì đất lồi lõm hay vì quỉ chọc phá mà bình nước đã lật đổ, bể tan tành và làm đổ hết nước ra ngoài.

Suy niệm:

Đôi khi những cơn giận dữ của chúng ta là do ở nơi ta, ta không vị tha, không bao dung mà chỉ nghĩ đến cái tôi của mình hơn cả. Chính vì thế, lúc nào chúng ta cũng thấy người khác là nguyên cớ gây cho chúng ta khó chịu, bực bội, bất an… Nếu chúng ta suy nghĩ lại, chúng ta sẽ thấy những gì chúng ta làm cho người khác khó chịu gấp bao nhiêu lần họ gây ra cho chúng ta. Hôm nay, Chúa muốn chúng ta nhìn lại chính mình để kiểm điểm bản thân, thay đổi lối sống để có cái nhìn mới về tha nhân. Nhờ đó, chúng ta không còn cảm thấy tha nhân là hỏa ngục nữa, nhưng giúp nhau sửa đổi, sống tốt hơn.

Lạy Chúa, xin biến đổi tâm hồn con mỗi ngày nên hiền hòa, và nhân hậu như Chúa, để con nhận ra tất cả mọi người đều là anh em với nhau.

 

 

 

 

 

11.09.2021

THỨ BẢY TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

Lc 6,43-49

Lời Chúa:

“Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu,…”. (Lc 6,43)

Câu chuyện minh họa:

Tôi vào thăm gia đình một cựu trung uý Hải quân tại vùng St Louis, Missouri. Anh chị tiếp đón khách rất lịch sự. Trong lúc ngồi nói chuyện, quan sát xung quanh phòng, trên bàn viết… tôi thấy có một dấu khác biệt với các nhà tôi từng đến thăm. Đó là sau cánh cửa ra vào anh chị đã viết một chữ NHẪN to tướng treo ở đó. Trên bàn viết, cũng một chữ NHẪN to không kém. Ngay ở hè, lối vào các phòng bên trong, cũng một chữ NHẪN to cả một gang tay. Tôi đã lựa lời để hỏi anh chị sao lại viết chữ này?

Anh đã gật gù ra chiều ưng ý lắm, rồi bình tĩnh trả lời, “Thưa cha, từ ngày vợ chồng chúng con tìm được biện pháp nhắc nhở này, gia đình con thấy được nhiều thăng tiến hơn. Chữ nhẫn ở cửa nhắc chúng con ra đường, ở sở làm, phải nhẫn nại với mọi người, mọi xe, mọi chờ đợi hoặc bất trắc xẩy ra. Chữ Nhẫn ở bàn viết, nhắc con phải luôn nhẫn nại với bao vấn đề phải giải quyết hằng ngày. Và mỗi lần ra vào bên trong, chữ Nhẫn kia nhắc nhở chúng con phải nhẫn nại bao nhiêu có thể giữa vợ chồng, và trong vấn đề nuôi dạy con cái. Ngoài ơn Chúa, chính chữ NHẪN đã đem lại hạnh phúc cho vợ chồng chúng con, cho việc rèn luyện các cháu.”

Suy niệm:

Việc giáo dục trong gia đình rất cần thiết để những “mầm xanh” của xã hội được lớn lên trong ngay thẳng, trung thực và nhẫn nại. Vì thế, những người con trong gia đình đạo đức phần lớn góp cho xã hội, Giáo hội những thành quả tốt đẹp. Cũng vậy, là những môn đệ Chúa Kitô, chúng ta càng trở nên giống như Người về mọi phương diện, vì chúng ta được tiếp xúc với Chúa nhiều qua việc cầu nguyện, kết hợp với Chúa trong thinh lặng, lắng nghe và thực hành Lời Chúa… Có như thế đời sống đức tin của chúng ta mới đâm rễ sâu vào “lòng đất” và sinh nhiều hoa trái.

Lạy Chúa, xin cho con biết phát huy những gì con nhận được dù nhỏ bé, nhưng với sự cố gắng và với ơn Chúa mỗi ngày, con được triển nở hơn trong đức tin và tình mến Chúa.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho