Từ ngày 11.10 đến ngày 16.10.2021 _ Phút lắng đọng Lời Chúa

11.10.2021

THỨ HAI TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN

Lc 11,29-32

Lời Chúa:

“Ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.” (Lc 11,30)

Câu chuyện minh họa:

Một học giả kia rất thông thái nhưng cũng rất đãng trí. Một hôm ông cưỡi lừa đi thăm một người bạn. Dù đang cưỡi lừa, ông vẫn cứ dán mắt vào quyển sách, tay buông lỏng dây cương. Do đó con lừa sau khi đi một đoạn đường đã quay trở lại chính ngôi nhà của ông. Ông tưởng đó là ngôi nhà của người bạn. Ông nhìn ngôi nhà từ trên xuống dưới, từ trước tới sau, và kết luận: “Ông bạn của ta cẩu thả quá, nhà hư gần sập tới nơi mà không sửa sang gì cả”.

Vợ ông bước ra tiếp lời: “Ông nhận xét đúng đấy. Nhưng đây là ngôi nhà của chính ông”.

Nhiều người rất sáng về chuyện người khác, nhưng rất mù về những khuyết điểm của chính mình.

Suy niệm:

Khi dân chúng xin dấu lạ, Chúa chỉ cho thấy dấu lạ của ngôn sứ Giôna mà thôi. Dấu lạ này báo trước cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu chịu chết chôn trong lòng đất ba ngày và sự phục sinh ban ơn cứu độ. Những biệt phái và luật sĩ thấy tận mắt những việc Chúa làm vậy, mà các ông vẫn không chịu tin Ngài là Con Thiên Chúa.

Sống trong thế giới tục hóa, người ta muốn loại trừ Thiên Chúa, họ chỉ nghĩ đến cái thực dụng, muốn nhìn thấy những cái thực tế, không nhìn ra những gì sâu xa, bí ẩn. Con người bị cám dỗ tìm dấu lạ Thiên Chúa làm, muốn nhìn thấy vinh quang tỏ hiện. Nhưng Thiên Chúa vẫn im lặng. Chúng ta chỉ nhìn thấy dấu lạ của Thiên Chúa khi chúng ta sống tĩnh lặng, để nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động chúng ta mới nghe được tiếng nói yêu thương từ nơi Thiên Chúa. Qua câu chuyện ngôn sứ Giôna cũng cho ta thấy một dấu lạ vĩ đại, dù không thấy Chúa nhãn tiền nhưng chúng ta thấy được phép lạ Chúa thực hiện. Một phép lạ thay đổi cả lối suy nghĩ và cuộc đời của Giôna.

Lạy Chúa, xin Chúa cho mỗi người chúng con biết thinh lặng thực sự trong cõi lòng, để lắng nghe lời mời gọi yêu thương của Chúa, nhờ đó cuộc sống chúng con được thay đổi mỗi ngày trong ơn Chúa.

 

 

 

 

 

12.10.2021

THỨ BA TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN

Lc 11,37-41

Lời Chúa:

“Bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà.” (Lc 11,39)

Câu chuyện minh họa:

Trong mẩu truyện ngắn với tựa đề “Đồng vọng ngược chiều”, được đăng trong tuyển tập bốn mươi truyện rất ngắn do hội Nhà văn xuất bản, tác giả Lã Thế Khanh đã kể lại cuộc gặp gỡ cảm động, giữa hai người mù: một bà lão ăn xin và một bé gái cũng ăn xin.

Bên một đống rác lớn, bà lão van vỉ xin khách qua đường giúp đỡ nhưng không có một hồi âm nào ngoài tiếng vo ve của mấy con nhặng xanh, đang tranh ăn trên một chiếc lá bánh. Bà lão vẫn tiếp tục van vỉ điệp khúc cũ, nhưng càng về sau càng thống thiết, những câu nói rời rạc như rãi chảy ra từ khuôn miệng dúm dó, xệch xạc của bà.

Trong khi đó, tại một gốc cây sếu già, một bé gái ăn xin mù lòa đang thiu thiu ngủ, nó gối đầu trên một cái túi khâu bằng nhiều loại vải cũ, một cái bát sắt hoen rỉ thủng đáy nằm lăn lóc bên cạnh. Từ sáng sớm đến giờ chưa có gì trong bụng, cho nên bé Chi đói rũ người, nó hy vọng giấc ngủ xua tan cái đói. Bé Chi bỗng giật thót người: có một bàn chân nào đó dẫm lên người nó. Đang lúc đói mệt, bé Chi gầm lên:

– Mù à, người ta nằm đó mà dẫm lên?

Bà lão ăn xin lại van vỉ:      

– Bà mù, bà mù thật cháu à. Thôi bà đã trót, cho bà xin.

Lặng đi một lát, bé Chi đưa hai tay sờ mặt mình, từ hai hốc mắt của nó những giọt nước mắt mặn chát chảy ra, nó ngập ngừng:

– Cháu… Cháu xin lỗi bà, cháu không biết bà như thế.

Bà lão ngúc ngoắc đầu như thể chấp nhận, rồi tiếp tục đi về phía có đông người. Ngẫm nghĩ điều gì đó, bé Chi lấy trong túi áo ra tờ giấy bạc hai trăm đồng mất góc, quả quyết:

– Bà ơi? Cháu biếu bà này!

Khuôn mặt lộ vẻ vui mừng, bà lão chậm chạp quay trở lại, rồi chìa nón về phía gốc cây chờ đợi.

Đúng khoảnh khắc ấy, một cơn gió nhẹ ào qua. Từ trên cây sếu già, những phiến lá khô rơi xuống, khẽ khàng, đúng vào cái nón của bào lão.

Ngỡ con bé thả tiền vào nón, bà lão đưa tay quờ đi quờ lại. Một cái nhíu mày xéo ngang vừng trán nhăn nheo. Bà lão buồn bã đi tiếp về phía cửa ga. Vừa đi bà vừa thầm rủa:

– Bố con nhà mất dạy… Lừa cả người già… Rồi giời sẽ bắt tội đấy con ạ!

Ngồi ở gốc cây, bé Chi vẫn chìa đồng bạc về phía trước, vẻ thành tâm. Chờ mãi, không thấy bà lão nhận tiền, nó đứng phắt dậy thảng thốt gọi:

– Bà ơi! Cháu xin biếu bà! Thực đấy mà!

Không ai trả lời con bé. Nó đưa tay quờ quạng quanh mình. Bàn tay nó chạm phải thân cây sếu già, thô nhám.

Nhét tờ bạc vào túi áo, một tay cầm túi, một tay chống gậy, con bé mù thập thững tìm đường.

Lúc ấy là mười hai giờ trưa. Nắng mùa hạ chói chang, in hình bé Chi xuống nền đường, tròn như đồng tiền vàng.

Suy niệm:

Trong sâu thẳm tâm hồn con người có vùng ánh sáng, nhưng nhiều khi của cải vật chất và những đam mê đã làm che khuất vùng sáng ấy, đôi khi còn nảy sinh sự gian tà. Do đó, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có những ý tưởng cao đẹp trong lòng, phải có sự ước muốn điều tốt và làm điều tốt.

Hôm nay, Chúa muốn dạy chúng ta phải biết thanh tẩy tâm hồn cho trong sạch chứ không dựa vào nghi lễ bên ngoài. Một dấu chỉ cho sự trong sạch ở nội tâm là những hành động bác ái, yêu thương. Đây là một điều mới mẻ và độc đáo trong Phúc Âm của Thánh Luca, vì việc bác ái hay lòng yêu thương người xung quanh có sức thanh tẩy tâm hồn. Vì một khi đã yêu thương họ thực sự, thì không còn dã tâm mà làm hại họ nữa. Chúa Giêsu cũng muốn mỗi người hãy biết tôn trọng nội tâm của người khác, không được xét đoán, vì chỉ có Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nội tâm con người, mới xét đoán một cách công bằng.

Lạy Chúa, xin cho mọi việc làm của con đều gây ảnh hưởng tốt đến người xung quanh, để danh Chúa được thể hiện.

 

 

 

 

 

13.10.2021

THỨ TƯ TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN

Lc 11,42-46

Lời Chúa:

“Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu! Khốn cho cả các ngươi nữa, hỡi các nhà thông luật.” (Lc 11,42.46)

Câu chuyện minh hoạ:

          Một phụ nữ nọ có một giấc mơ lạ lùng. Bà được một thiên thần dẫn đến một nhà thờ để thờ lạy Thiên Chúa. Ở đó, bà thấy người chơi đàn vĩ cầm chơi rất say sưa, nhưng không nghe một nốt nhạc nào phát ra từ cây đàn. Ca đoàn hát, miệng nhấp nháy, nhưng chẳng một lời nào phát ra từ môi miệng họ. Cộng đoàn cầu nguyện chung với nhau, nhưng cũng chẳng lời nào được nghe thấy. Người đàn bà quay về phía thiên thần và hỏi: “Tại sao tôi chẳng nghe thấy gì vậy?”. Thiên thần trả lời: “Chẳng có gì để nghe cả”.

Suy niệm:

Sau khi lên tiếng khiển trách những người Pha-ri-sêu và các luật sĩ về tội vụ luật và hình thức, Chúa Giê-su đã vạch ra tội giả hình của họ là chỉ biết chất lên vai kẻ khác gánh nặng, còn họ thì không giữ, nên Chúa Giêsu đã nói rất nặng: “khốn cho các ngươi”. Đây là lời khiển trách những con người chỉ biết sống theo hình thức bên ngoài, còn tâm hồn thì đầy những xấu xa và tội lỗi.

Qua những lời quở trách nặng nề, Chúa Giêsu muốn mặc khải cho họ biết rằng lối suy nghĩ của họ là một thứ bệnh. Căn bệnh của: ganh tị, coi mình là tuyệt đối, coi lề luật trọng hơn sự sống, danh lợi, và vụ hình thức. Và Chúa Giêsu chính là người thầy thuốc chữa những căn bệnh này. Ngài chữa bằng Thập giá. Vì qua thập giá, Chúa mặc khải lòng thương xót, tình yêu thương vô bờ bến, và đó chính là con đường dẫn chúng ta đến nguồn sống muôn đời.

Lạy Chúa, xin cho chúng con có một trái tim hiền hoà, nhân hậu và khiêm tốn của Chúa Giê-su, để chúng con sống đúng phẩm giá người con như lòng Chúa mong ước. Amen.

 

 

 

14.10.2021

THỨ NĂM TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN

Lc 11,47-54

Lời Chúa:

“Các người cất giấu chìa khóa của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi lại ngăn cản”. (Lc 11,47)

Câu chuyện minh họa:

Một ngày nọ, triết gia Diogene của Hy Lạp đã đến giữa chợ Athène và dựng lên một căn lều có ghi đậm hàng chữ như sau: “Ở đây có bán sự khôn ngoan”.

Một bậc khoa cử tình cờ đi qua căn lều đọc được lời rao báo, mới cười thầm trong bụng… Muốn biết đằng sau căn lều ấy có những gì, ông mới sai người đầy tớ cầm tiền để dò la và mua cho được cái mà người bán gọi là sự khôn ngoan.

Người đầy tớ cầm tiền ra đi làm theo lời căn dặn của chủ… Anh đưa cho Diogene 3 hào và nói rằng chủ của anh muốn có sự khôn ngoan. Cầm lấy 3 hào bỏ vào túi, triết gia Diogene nói với người đầy tớ một cách trang trọng như sau: “Anh hãy về đọc lại cho chủ anh nghe câu này: Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”.

Vị khoa cử thành Athène vô cùng thích thú vì lời khôn ngoan này. Ông đã cho viết trước cửa nhà như khuôn vàng thước ngọc để chính ông suy niệm mỗi ngày và tất cả những ai đi qua trước nhà ông đều có thể đọc thấy…

Suy niệm:

Chúa Giêsu trách các luật sĩ về tội giả hình. Các ông là những người thông hiểu luật, hiểu biết Thánh Kinh, đáng lẽ họ phải tận dụng cơ hội để giảng dạy và sống tốt, nhưng đàng này họ lại là những người bị Chúa quở trách. Lời quở trách ấy cũng là một lời nhắc nhở mỗi người chúng ta biết tận dụng cuộc sống hiện tại để mua lấy nước trời thì thật là phúc cho chúng ta, vì nước trời được xây dựng ngay trong trần gian này. Nhưng với sức riêng của chúng ta thì chưa đủ, cần có sự trợ giúp của ơn Chúa nữa, nếu chúng ta biết cộng tác với Người và biết mở lòng đón nhận những ân ban ấy.

Lạy Chúa, xin cho con biết ý thức rằng chỉ có Chúa mới là hạnh phúc thật và là cùng đích của cuộc đời, để giữa dòng đời trôi nổi này, con không tìm gì ngoài một mình Chúa là đấng đem lại hạnh phúc thật cho con.

 

 

 

 

 

15.10.2021

THỨ SÁU TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN

Lc 12,1-7

Lời Chúa:

“”Anh em đừng sợ người ta.”. (Lc 12,1)

Câu chuyện minh họa:

Có một cậu bé được cha mẹ gửi học trong một trường nội trú. Ngay buổi tối đầu tiên, trước khi lên giường đi ngủ, cậu bé đã quì gối xuống và cầu nguyện. Thế là một chiếc giày bay vèo qua đầu cậu bé và tiếp theo là những tiếng cười giễu cợt.

Tối hôm sau, cậu bé cũng lại quì gối và cầu nguyện. Những em khác trong phòng thì chờ đợi để chế nhạo. Thế nhưng khi nhìn thấy dáng bộ trang nghiêm và sốt sắng của cậu bé, các em khác tỏ vẻ dè dặt, rồi im lặng và thán phục. Sau cùng, những em khác cũng đã bắt chước, quì gối và cầu nguyện trước khi đi ngủ.

Suy niệm:

Trong cuộc sống chúng ta gặp rất nhiều nỗi sợ: sợ mất việc, sợ đói, sợ mất địa vị… thế nhưng bên trên những nỗi sợ hãi ấy là niềm tin của chúng ta. Chúng ta có sợ hãi khi mất niềm tin, xa việc đạo đức, hay thờ ơ trước tình yêu Chúa không?. Đó mới là điều thực sự làm chúng ta phải lo sợ. Có những lúc chúng ta sợ khi phải làm dấu thánh giá trước mọi người, sợ từ chối bạn bè khi đến giờ tham dự thánh lễ, sợ khi đức tin của chúng ta bị người khác tấn công…  Nhưng Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: “Các con đừng sợ” vì “Ai xưng tụng Ta trước mặt người đời, thì Ta cũng sẽ xưng tụng nó trước mặt Cha Ta ở trên trời. Còn ai chối bỏ Ta trước mặt người đời, thì Ta cũng sẽ chối bỏ nó trước mặt Cha ta ở trên trời” (Mt 10,32-33). Vì thế, nếu chúng ta trung thành với Chúa, Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta bao giờ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn trung thành với Chúa, để chúng con luôn sống bình an.

 

 

 

 

 

16.10.2021

THỨ BẢY TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN

Lc 12,8-12

Lời Chúa:

“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.” (Lc 12,8)

Câu chuyện minh họa:

Một tu sĩ Hồi Giáo nọ quy tụ được 60 môn sinh. Sau một thời gian giáo huấn họ, ông quyết định như sau: Ta thấy đã đến lúc phải làm một cuộc hành trình mới. Ta không biết những gì sẽ xảy ra cho thầy trò chúng ta. Các ngươi hãy tuân giữ các điều ta đã truyền dạy cho các ngươi. Hãy nhớ điều này: trong bất cứ lúc nào, hễ ta giơ tay lên trời thì các ngươi hãy hô lớn: “Tôi chết thay cho thầy tôi”.

Ðám môn sinh nhận thấy không thể chấp nhận được một đề nghị xem ra điên rồ như thế, cho nên 59 người đã bỏ cuộc trở về với nếp sống cũ của họ. Chỉ có một người chấp nhận điều kiện và quyết tâm đi theo thầy mình cho đến cùng. Hai thầy trò lên đường mà không biết đi về đâu. Họ đi mãi cho đến lúc tới một thành phố do một bạo chúa cai trị. Không bao lâu thì họ vào thành phố, ông bạo chúa đã ra lệnh cho các binh lính như sau: “Các ngươi hãy bắt giữ lấy tên du thử du thực đầu tiên và điệu đến đây cho ta. Ta muốn treo cổ hắn để làm một bài học cho bọn vô lại trong thành phố này”.

Thế là bọn lính đã đến bắt người đệ tử của vị tu sĩ và điệu đến trước mặt bạo chúa. Giữa lúc cuộc hành quyết sắp bắt đầu, thì vị tu sĩ mới xuất hiện giữa đám đông và hô lớn: “Thưa quan lớn, xin hãy giết tôi, vì chính tôi là người đã dụ dỗ thanh niên này bỏ nhà ra đi để sống kiếp sống lang thang như tôi”. Nói xong ông giơ tay lên trời.

Vừa thấy cử chỉ ấy của vị thầy, người thanh niên mới gào lên: “Thưa quan lớn, tôi muốn chết thay cho thầy tôi”.

Quan bạo chúa nghe thế, mới hỏi các viên cố vấn của mình như sau: “Họ là ai mà sẵn sàng chết thay cho nhau?”. Quan bạo chúa mới cho điệu vị tu sĩ đến trước mặt và yêu cầu giải thích cho cặn kẽ về mối tương quan giữa thầy trò.

Vị tu sĩ Hồi Giáo mới bình tĩnh phát biểu như sau: “Thưa quan lớn, chúng tôi có nghe nói rằng bất cứ ai được giết trong thành phố này đều được phúc trường sinh bất tử. Dĩ nhiên, nghe biết như thế, cho nên thầy trò chúng tôi mới hăm hở đến đây để được chết như thế”.

Nghe thế, quan bạo chúa mới mỉm cười, rồi ra lệnh trả tự do cho họ.

Suy niệm:

Chúa Kitô đã dùng chính cái chết của Người để chứng minh cho tình yêu của Người đối với nhân loại. Vì thế, chúng ta là môn đệ của Chúa, chúng ta phải biết chấp nhận hy sinh, đau khổ có khi còn phải mất mạng nữa. Nhưng có một bảo đảm là chính Chúa sẽ ban thưởng Nước Trời cho chúng ta nếu chúng ta trung thành, can đảm bước theo và làm chứng cho Ngài trong mọi hoàn cảnh.

Trước những bắt bớ của người đời, Chúa Giêsu an ủi các môn đệ và bảo vệ các ông. Ngài sẽ ban Thánh Thần để soi sáng và hướng dẫn các ông để các ông biết cần phải nói gì. Vì thế chúng ta đừng sợ, nhưng luôn can đảm và vững tin trong đời sống đức tin của mình, nhất là những lúc phải đối diện với sự bắt bớ vì Chúa Kitô.

Lạy Chúa, theo Chúa là dám chọn hy sinh, quên mình. Xin cho con biết từ bỏ bản thân để sống và làm chứng cho những giá trị Tin mừng.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho