Từ ngày 19.11 đến ngày 24.11.2018_ Phút lắng đọng Lời Chúa

Từ ngày 19.11 đến ngày 24.11.2018_ Phút lắng đọng Lời Chúa19.11.2018

THỨ HAI TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Lc 18,35-43

Lời Chúa:

“Anh muốn tôi làm gì cho anh?… Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.” (Lc 17,4)

Câu chuyện minh hoạ:

Một nhóm sinh viên tổ chức tham quan mỏ than Scottish ở Anh Quốc. Mỗi sinh viên được phát một nón bảo hộ của thợ mỏ, đằng trước nón có gắn bóng đèn nổi với một bình điện đeo ở thắt lưng.

Người hướng dẫn đưa họ vào buồng thang máy xuống tận đáy hầm than. Tới nơi, ông đề nghị các sinh viên bật đèn trên nón bảo hộ vì con đường dẫn đến khu khai thác tối đen như mực. Mái vòm chỉ cao một mét hai, nên mọi người phải cúi rạp xuống khi di chuyển. Than được chở trên băng tải và đổ vào các toa trên đường ray.

Ngay trước khi nhóm sinh viên đến khu khai thác, người hướng dẫn nói: “Các bạn hãy tắt tất cả các đèn trên nón”. Mọi người đều làm theo. Trong tăm tối, người thợ mỏ nói: “Hãy cố gắng nhìn kỹ vào ngón tay của bạn”. Chẳng ai thấy gì cả. Một vài người bắt đầu sợ hãi. Rồi người thợ mỏ nói một câu mà các sinh viên không bao giờ quên được: “Đây là tình trạng của những người mù”. Tất cả sinh viên đều hiểu ra. Bị mù thì không bao giờ thấy được ánh sáng hoặc bất cứ thứ gì khác. Họ cũng hiểu tại sao những người thợ mỏ lại thích bầu trời trong xanh và ánh nắng rực rỡ của mặt trời.

Suy niệm:

Sau khi tuyên báo lần thứ ba về cuộc khổ nạn, Chúa Giê-su cùng các môn đệ lên Giê-ru-sa-lem. Để vào thành, thầy trò đi ngang qua Giê-ri-khô. Tại đây, Chúa Giê-su đã chữa lành mắt cho người mù, vì anh đã biết kêu xin cùng Chúa: “Lạy Chúa, xin thương con” (Lc18,39).

Anh mù đã ý thức rằng mình cần Chúa, nên anh đã cố gắng hết sức để được đến gần Chúa, bất chấp mọi cản trở. Chính vì thế anh ta không chỉ được Chúa đổi mới hoàn toàn, mà anh còn thay đổi được lòng dạ hẹp hòi của những người chung quanh. Người đầu tiên anh nhìn thấy khi được sáng mắt chính là Chúa Giêsu, Đấng đã mang đến ánh sáng cho đời anh. Anh đã cởi bỏ tất cả những gì đã từng gắn bó với anh: chiếc áo choàng, đời sống ăn xin, thân phận mù lòa… mà hướng về phía trước nơi đó mang lại ánh sáng thật cho anh. Nếu chúng ta biết ý thức thân phận tội lỗi, chạy đến kêu cầu Người, chắc chắn Người sẽ không bỏ rơi ai bao giờ.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết vượt qua những cản trở, những khó khăn trong đời sống để đến với Chúa, được Chúa chia sẻ và chữa lành sự mù loà con mắt đức tin của chúng con, để chúng con nhận ra tình thương của Chúa và đền tạ Chúa. Amen.

 

 

 

 

 

20.11.2018

THỨ BA TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Lc 19,1-10

Lời Chúa:

“Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” (Lc 17,4)

Câu chuyện minh hoạ:

Telemachus là một ẩn sĩ. Một hôm Chúa thúc đẩy ông rời rừng để đi đến thành Rôma. Rôma là thủ đô Kitô giáo, nhưng ở đó vẫn còn tồn tại một tục lệ dã man là những trận giác đấu đã làm chết biết bao nhiêu mạng người. Tệ hơn nữa là khán giả rất thích cảnh giết người dã man đó. Telemachus nghĩ: “Khi nào người ta còn thích tàn sát lẫn nhau thì người ta chưa sống xứng đáng là con Chúa”. Nghĩ thế rồi Telemachus đi vào một đấu trường. Ông chạy vào giữa những lực sĩ giác đấu để khuyên họ ngừng tay. Nhưng không ai nghe, họ còn đẩy ông ra. Dù vậy ông vẫn cứ xông vào tiếp tục khuyên can. Viên quan cai quản đấu trường cho rằng Telemachus cố tình phá hoại cuộc vui nên rút gươm hạ sát ông. Khi Telemachus ngã xuống, người ta mới biết là đã giết lầm một vị thánh. Người ta hối hận. Và từ đó đế quốc Rôma bãi bỏ tục giác đấu. Bằng cái chết của mình, Telemachus đã giúp cho Rôma hoán cải.

Suy niệm:

Sau khi chữa người mù tại Giê-ri-khô, Đức Giê-su tiếp tục lên Giê-ru-sa-lem. Dọc đường, Người gặp Da-kêu. Người đã vào nhà ông và ông đã được biến đổi hoàn toàn.

Sự biến đổi của Dakêu, hay Ơn cứu độ mà ông Dakêu có được là kết quả sự hợp tác từ hai phía. Đó là Dakêu biết khiêm tốn nhìn nhận mình tội lỗi, bất toàn trước Chúa Giêsu, nên ông đã tìm mọi cách gặp cho bằng được Chúa, mời Chúa đến nhà mình. Và điều quan trọng thứ hai là chính Chúa Giêsu. Hay nói đúng hơn, ơn cứu độ đích thực là có Chúa Giêsu, vì có Chúa Giêsu là có bình an, hoan lạc. Nhờ đó, ta có thể sống quảng đại và vị tha với tha nhân, như lời Dakêu đã thưa với Chúa: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8). Chính Chúa đã mở đôi mắt tâm hồn ông Dakêu khiến ông không còn thấy tiền bạc là tất cả nữa, nhưng Chúa mới là tất cả đời ông. Ông đã quảng đại cho đi tài sản và nhận được điều lớn lao là ơn cứu độ.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con gặp được Chúa, gặp trong lời cầu nguyện, trong các giờ kinh, và gặp Chúa trong anh em… để chúng con cũng có thể sống cách quảng đại và vị tha với tha nhân như ông Dakêu. Amen.

 

 

 

 

 

21.11.2018

THỨ BA TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ

Mt 12,46-50

Lời Chúa:

“Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,50)

Câu chuyện minh hoạ:

Một ngày kia, tôi đón taxi ở thành phố Đài Bắc, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy bên trong cửa băng ghế sau của xe một dòng chữ “Bạn có thể tìm thấy một vài quyển sách nói về tôn giáo phía sau ghế bạn ngồi, trong lúc xe chạy xin mời bạn đọc chúng. Nếu bạn thích, khi rời xe, bạn có thể mang theo.”

Tôi thấy đàng trước bác tài cũng đặt một tượng Thánh Giá nhỏ. Tôi hỏi bác:

– Bác tài ơi, xin vui lòng nói cho tôi biết, các hành khách có thật sự quan tâm đến những cuốn sách đạo của bác không?

– Ồ, có chứ. Có người đọc, có người lấy đi luôn nữa.

Tôi hỏi tiếp:

– Bác cảm thấy thế nào?

– Thật sung sướng anh à. Anh biết không, tôi không có nhiều giờ để đi nhà thờ, tôi luôn chạy trên đường phố. Đây là cách làm việc tông đồ của tôi. Tôi rất sung sướng được làm hai việc một lúc: tài xế, và loan báo Tin Mừng, không cần phải làm thêm giờ. Đây là một nghề tuyệt vời.

Suy niệm:

Là Kitô hữu, chúng ta có nhiệm vụ đón nhận Lời Chúa và thi hành Lời Chúa trong cuộc sống. Để Lời Chúa thấm nhập vào mảnh đất tâm hồn, chúng ta cần khiêm tốn mở rộng cõi lòng để lắng nghe Lời Chúa, suy gẫm Lời Chúa và mang Lời Chúa vào cuộc sống mỗi ngày, qua cách đối xử thân tình với tha nhân, nhân từ hơn với những người xúc phạm đến mình, vì tất cả là anh em với nhau trong Đức Kitô.

Chúng ta có một mối dây thiêng liêng để gắn chặt mọi người với nhau đó là tình yêu Đức Kitô, vì thế chúng ta hãy năng kết hiệp với Ngài trong mọi lúc, mọi việc và mọi nơi, như Đức Maria là mẫu gương tuyệt vời mà Chúa Giêsu đã đề cao: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

Lạy Chúa, xin cho con ý thức được rằng, Lời Chúa là lương thực cho đời sống con, để mỗi ngày con luôn tìm và thi hành thánh ý Chúa trong cuộc sống; đồng thời trao ban Lời ấy cho anh chị em con bằng đời sống bác ái và vị tha, để con luôn giữ mãi tình hiệp thông trong gia đình của Chúa.

 

 

 

 

 

22.11.2018

THỨ NĂM TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Thánh Cêcilia trinh nữ, tử đạo

Lc 19,41-44

Lời Chúa:

“Phải chi ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi.” (Lc 19,42)

Câu chuyện minh hoạ:

Johannes Sebastian Bach là một nhạc sĩ Công giáo lừng danh người Đức. Khi về già bị bệnh và dường như mù lòa. Có người đề nghị ông mổ mắt. Ông nhận lời. Sau 4 ngày, bác sĩ mở băng ra, nhạc sĩ trả lời:

Xin vâng ý Chúa, tôi vẫn chẳng trông thấy gì cả. Và ông nói với thân nhân rằng: Xin mọi người hãy hát lên cho tôi bản nhạc mà tôi thích nhất, đó là bài: “Những điều Chúa làm, Ngài đều biết rõ”.

Suy niệm:

Ai cũng có một quê hương. Nhìn quê hương Giê-ru-sa-lem sắp điêu tàn dưới gót giày ngoại xâm, Chúa Giê-su đã thổn thức và khóc than. Ngài khóc bởi sự mê muội không chịu đổi thay. Ngài khóc bởi sự xấu xa tội lỗi, sự mục rửa nát tan nhưng bên ngoài tưởng chừng bình an, nguy nga tráng lệ.

Thật thế, Đức Giê-su không chỉ khóc than Thành thánh Giêrusalem đứng trước sự suy tàn, mà còn nghĩ đến thân phận mình: Tại sao con người không nhận ra Đấng Mêsia? như lời Chúa nói: “Phải chi ngày hôm nay người ta nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi.” (Lc 19,42)

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra tiếng Chúa nói với chúng con qua những biến cố trong cuộc sống và nhất là nhận ra ý Chúa qua Lời của Chúa, để chúng con luôn sống và làm theo ý Chúa. Amen.

 

 

 

 

 

23.11.2018

THỨ SÁU TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Lc 19,45-48

Lời Chúa:

“Nhà Cha Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” (Lc 19,46).

Câu chuyện minh hoạ:

Một giáo xứ miền quê nọ đã được thành lập từ lâu, nhưng chưa có một ngôi nhà thờ xây cất hẳn hoi. Giáo dân lại nằm rải rác trong hai ngôi làng sát cạnh nhau. Khát vọng duy nhất của giáo dân là được có nơi thờ phượng đàng hoàng. Với sự hăng say bộc phát của những người nông dân, mọi người đã quảng đại đáp lại lời kêu gọi của cha chính xứ: kẻ góp công, người góp của. Thế nhưng vấn đề cơ bản vẫn là: đâu là địa điểm xứng hợp nhất để xây cất ngôi nhà thờ mới. Người ở làng bên này thì muốn ngôi nhà thờ toạ lạc trong làng của mình. Người ở làng bên kia thì lại muốn nhà thờ được xây cất gần bên chỗ mình ở. Thế là hai bên cứ tranh luận, không bên nào muốn nhường bên nào. Tiền của đã có sẵn, vật liệu cũng không thiếu, nhưng không biết phải đặt viên đá đầu tiên ở đâu.

Giữa lúc vấn đề địa điểm xây cất chưa ngã ngũ, một nạn hạn hán trầm trọng đang đe dọa dân chúng trong cả hai làng. Thế là người ta chỉ còn nghĩ đến việc chống hạn hán hơn là xây cất nhà thờ. Năm ấy toàn dân trong hai làng đều phải chịu cảnh đói khát. Trong cảnh túng quẫn, lá lành đùm lá rách, dân làng hai bên mới nghĩ đến nhau. Một đêm kia, dân làng bên này lặng lẽ phân chia lúa thóc rồi mang qua cứu trợ dân làng bên kia. Trong khi đó, dân làng biên kia cũng có một ý nghĩ tương tự, họ cũng mang lúa thóc qua cứu trợ dân làng bên này. Giữa đêm tối, không hẹn mà hò, dân làng hai bên đã gặp nhau trong cùng một ý nghĩ và hành động. Không cần một lời giải thích, không cần một lời chào hỏi, họ đã hiểu nhau: Họ đặt những bao lúa xuống đất và ôm chầm lấy nhau… Điểm gặp gỡ của tình tương thân tương ái, của tình liên đới chia sẻ ấy đã được giáo dân gọi là “đất thánh” và họ đã nhất trí chọn địa điểm này làm nơi đặt viên đá đầu tiên xây cất ngôi nhà thờ mới của giáo xứ.

Suy niệm:

Đền thờ là nơi thánh thiêng để tôn thờ Chúa, thế mà con người đã biến nó thành nơi buôn bán, làm nhơ uế nơi linh thánh. Chúa Giêsu không chấp nhận cảnh tượng ấy nên đã bện roi xua đuổi tất cả để mang lại sự trang nghiêm cho đền thờ. Đó là đền thờ vật chất Ngài còn giận dữ như thế, còn đền thờ tâm hồn của chúng ta thì sao? Chắc chắn Ngài rất muốn mỗi người chúng ta mạnh dạn loại trừ khỏi mình những nhơ uế của gian tham, bất chính, tội lỗi…

Khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, tâm hồn chúng ta trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần. Và mỗi ngày, chúng ta được thanh tẩy bởi các bí tích. Vì thế, chúng ta hãy siêng năng lãnh nhận các bí tích để đền thờ tâm hồn chúng ta luôn được làm mới lại mỗi ngày.

Lạy Chúa, xin thanh tẩy tâm hồn con nên tinh sạch, để xứng đáng là ngôi đền thờ thánh thiêng Thiên Chúa ngự trị.

 

24.11.2018

THỨ BẢY TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Lc 9,23-26

Lời Chúa:

“Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9,23).

Câu chuyện minh hoạ:

Người ta kể một câu chuyện vui như sau: Có một người nọ than vãn với Chúa Giêsu rằng cây thập giá mình đang vác nặng nề quá, còn những cây thập giá của một số người khác thì lại nhẹ nhàng hơn. Chúa Giêsu bảo người ấy đem cây thập giá kia vào kho, rồi cho người ấy tự do lựa chọn một cây khác thích hợp với mình. Sau một thời gian lựa chọn, người ấy chọn được cây thập giá ưng ý và hí hửng đem tới khoe với Chúa Giêsu. Ngài mỉm cười và nói: “Đây chính là cây thập giá mà con đã bỏ vào kho hồi nãy!”

Suy niệm:

Thập giá không bao giờ là quá sức đối với mỗi người, vì khi Người trao thập giá, Người sẽ ban cho họ sức để vác. Đối với người đời, thập giá là khổ hình, điều đó cũng có thể là tâm trạng của người Kitô hữu, chúng ta mong ước lên thiên đàng một cách êm ả, không phải gặp những gian nan trắc trở, không cần hy sinh khổ chế… nhưng đối với Chúa Giêsu, thập giá là phương thế dẫn đến sự sống. Chúa Giêsu đã xuống thế làm người, mặc lấy thân phận yếu đuối của con người, chia sẻ những khổ đau của con người, và sau cùng Ngài dùng cái chết để tiêu diệt tội lỗi, và nhờ sự phục sinh của Ngài, chúng ta được cứu thoát.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã đi theo con đường của Chúa Giêsu, chết vì đạo, và làm chứng cho đức tin vào Chúa Giêsu Phục sinh. Các ngài đã làm chứng niềm tin của mình bằng cái chết với muôn hình phạt như: Bá đao, lăng trì, thiêu sống… với mục đích để trở nên giống Chúa Kitô, Đấng đã chấp nhận cái chết để cứu độ nhân loại. Ngày nay, mỗi chúng ta cũng tử đạo bằng chính cuộc sống của mình qua những bổn phận và công việc hằng ngày. Để đi theo Chúa trên đỉnh vinh quang thì chúng ta phải chấp nhận thanh luyện, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống có khi phải hy sinh mạng sống, vì đó là dịp giúp mỗi người nên thánh.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con noi gương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam dám sống cho Tin Mừng và là chứng nhân của Chúa nơi mọi người chúng con gặp gỡ. Amen.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho