20.01.2020
THỨ HAI TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN
Mc 2,18-22
Lời Chúa:
“Rượu mới, bầu cũng phải mới”. (Mc 2,22)
Câu chuyện minh họa:
Trong tác phẩm nổi tiếng của mình, La Fête des Fous, thần học gia Harvey Cox đã phân tích mối liên hệ của con người với cuộc lễ. Trong cuộc lễ, ông nói, con người tổng hợp quá khứ và loan báo tương lai của mình. Trong một tiệc cưới, người ta làm gì, nếu không phải là gom góp lại cái quá khứ yêu đương của cặp trai gái và rọi chiếu nó vào trong tương lai? Chính bởi vì người ta đã yêu thương nhau và muốn yêu nhau nữa, nên mới dừng lại trong lúc này để nói lên câu “Ta yêu nhau”.
Tác giả nói thêm: Cái quá khứ mà người ta tìm lại được trong cuộc lễ đó, đã được gạn lọc, biến đổi và làm cho nên đẹp. Còn lại chỉ là những giờ phút hạnh phúc và dễ dàng. Chính từ đó mà buổi lễ tiệc mới có được vẻ vui chơi nhộn nhịp để người ta ăn uống vui đùa và ca hát.
Suy niệm:
Rượu mà Chúa Giêsu mang đến trong trần gian là rượu của niềm vui, của sự giải thoát, và dẫn đưa con người thuộc về Nước Chúa. Ngài muốn chúng ta đến gần hơn với Thiên Chúa, loại bỏ những cái cũ là hình thức bên ngoài để tìm kiếm Thiên Chúa. Bên cạnh đó, Ngài còn thông ban Thánh Thần canh tân mỗi người chúng ta, tăng sức mạnh giúp chúng ta vững bước trên con đường theo Chúa. Rượu mới, bình cũng phải mới, nên tâm hồn chúng ta cũng phải được đổi mới sao cho phù hợp với tin mừng của Chúa.
Xin cho tâm hồn con được đổi mới bằng việc mặc lấy tinh thần của Chúa, tinh thần quảng đại, nhân hậu, tha thứ… để hình ảnh của Chúa được người khác nhận biết qua đời sống của con.
21.01.2020
THỨ BA TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN
Thánh Anê, trinh nữ, tử đạo
Mc 2,23-28
Lời Chúa:
“Ngày sabat được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabat”. (Mc 2,27)
Câu chuyện minh họa:
Theo một cổ truyện của người Hồi Giáo, thì Nasruddin là hiện thân của những người độc thân khó tính. Trong một buổi trà dư tửu hậu, khi được hỏi về lý do tại sao ông không bao giờ lập gia đình, Nasruddin đã giải thích như sau: “Suốt cả tuổi thanh niên, tôi đã dành trọn thời giờ để tìm kiếm người đàn bà hoàn hảo. Tại Cairo, thủ đô của Ai Cập, tôi đã gặp một người đàn bà vừa đẹp vừa thông minh, với đôi mắt đen ngời như hạt oliu. Ðẹp và thông minh, nhưng người đàn bà này không có vẻ dịu hiền chút nào. Tôi đành bỏ Cairo để đi Baghdad, thủ đô Iraq, để may tìm ra người đàn bà lý tưởng tôi hằng mơ ước. Tại đây, tôi đã tìm thấy một người đàn bà hoàn hảo như tôi mong muốn, nghĩa là nàng vừa đẹp, vừa thông minh và cũng có tấm lòng quảng đại nữa. Nhưng chỉ có điều là hai chúng tôi không bao giờ có đồng quan điểm với nhau về bất cứ điều gì.
Hết người đàn bà này đến người đàn bà khác: người được điều này, người thiếu điều kia. Tôi tưởng mình sẽ không bao giờ tìm được người đàn bà lý tưởng cho cuộc đời. Thế rồi, một hôm tôi gặp được nàng, người đàn bà cuối cùng trong cuộc tìm kiếm của tôi. Nàng kết hợp tất cả những đức tính mà tôi hằng mong muốn, nghĩa là nàng vừa đẹp, vừa thông minh, vừa quảng đại tử tế. Nàng đúng là người đàn bà hoàn hảo.
Nhưng cuối cùng, tôi đành phải quyết ở độc thân suốt đời. Các bạn có biết tại sao không? Nàng cũng đang đi tìm một người đàn ông hoàn hảo. Và tôi đã được nàng chấm như một người đàn ông còn quá nhiều thiếu sót.
Suy niệm:
Người đàn ông trong câu chuyện trên cho chúng ta một bài học về quy luật của cuộc sống: chúng ta cần phải thích nghi với cuộc sống và mọi người, đừng bắt người khác phải theo mình, vì trên đời chẳng có ai hoàn hảo cả.
Những người Pharisêu tự coi họ là người giữ luật tốt nên bắt bẻ Chúa và các môn đệ. Qua đó, Chúa Giêsu dạy cho họ một bài học: luật là để phục vụ con người chứ không phải luật lệ được đặt ra để hành hạ con người. Hơn nữa, Ngài còn đặt luật lệ trên tình bác ái huynh đệ.
Lạy Chúa, chu toàn luật Chúa là bổn phận của mỗi Kitô hữu, nhưng đừng để con quá câu nệ lề luật mà quên đi anh chị em xung quanh.
22.01.2020
THỨ TƯ TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN
Mc 3,1-6
Lời Chúa:
“Ngày sabat được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” (Mc 3,4)
Câu chuyện minh họa:
Người ta kể lại rằng thánh Antôn ẩn tu đã tìm đến gặp một người thợ giày, vì nghe đồn rằng người thợ giày này có một đời sống đạo đức lạ thường. Ðể hỏi đâu là bí quyết để nên thánh, người thợ giày đáp gọn: “Tôi chỉ biết đóng giày”.
Ngạc nhiên vô cùng, thánh Antôn hỏi vặn lại: “Nếu chỉ có thế thì làm sao mà gọi là thánh thiện được. Tôi đây, tôi tưởng nghĩ đến Chúa từng phút giây. Ông có bí quyết gì khác nữa không?”. Người thợ giày giải thích: “Tôi làm việc 8 giờ, cầu nguyện 8 giờ và ngủ nghỉ 8 giờ”.
Thánh Antôn vẫn chưa cho đó là cuộc sống lý tưởng. Ngài cho biết, ngài cầu nguyện từng phút giây. “Vậy ông sống đức khó nghèo như thế nào?”. Người thợ giày bảo: “Tôi cho Giáo hội một phần ba của cải của tôi, một phần ba tôi bố thí cho người nghèo và một phần ba tôi giữ lại cho tôi”. Thánh Antôn chưa cho đó là bí quyết nên thánh trọn hảo, bởi vì chính ngài đã phân phát tất cả của cải của ngài cho Giáo hội và người nghèo…
Thánh nhân vặn hỏi mãi, cuối cùng người thợ giày mới khai ra bí quyết của ông như sau: “Mặc dù tôi phân phát một phần ba tiền lương của tôi cho người nghèo, nhưng đêm ngày tôi không ngủ yên được khi tôi nhìn thấy cảnh nghèo xung quanh tôi, đến độ tôi đã thưa với Chúa: Chúa ơi, thà để con đi hỏa ngục còn hơn nhìn thấy những người khốn khổ này phải triền miên trong cảnh nghèo đói…”.
Nghe đến đó, thánh Antôn đã bỏ ra về. Ngài chợt hiểu rằng ngài chưa đủ thánh thiện như người thợ giày này đến độ dám hy sinh tất cả chỉ vì người nghèo.
Suy niệm:
Chúa Giêsu đặt họ trước vấn đề nan giải để họ kết luận xem cần phải làm điều lành hay điều dữ, giết người hay cứu người. Nhưng họ chỉ biết làm thinh, họ khép kín tâm hồn trước người anh em đang gặp khó khăn. Chúa Giêsu trong thân phận con người, Ngài cũng cảm nhận được những nỗi đau của con người, và Ngài đã giải thoát họ qua việc chữa lành bệnh. Ngài đã mặc cho ngày sabat một ý nghĩa: ngày của niềm vui, sự giải thoát và ngày của tình bác ái yêu thương.
Lạy Chúa, xin cho tâm hồn con luôn rộng mở trước những khó khăn của anh chị em con.
23.01.2020
THỨ NĂM TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN
Mc 3,7-12
Lời Chúa:
“Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người” (Mc 3,10)
Câu chuyện minh họa:
Có một giai thoại về Trang Tử như sau:
Một hôm, Trang Tử cùng đệ tử đi chơi núi, có một người thợ rừng hỏi: “Tại sao cây này không dùng được?” Trang Tử liền nói: “Cây này vì bất tài mà được sống lâu.” Về đến nhà, người thợ bắt con chim không biết gáy để làm tiệc đãi khách. Hôm sau đệ tử hỏi Trang Tử?
– Hôm qua, cái cây trên núi vì bất tài mà sống, con chim hồng vì bất tài mà chết; theo Thầy, Thầy xử trí thế nào?
Trang Tử cười:
– Tài và bất tài đều là quấy cả. Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống.
Đông Phương đề cao sự khôn ngoan ở đời; Tây Phương chịu ảnh hưởng Hy Lạp cũng dạy: con người lý tưởng là con người biết nhiều, và biết là con người không chỉ là một nhận thức suông, mà thiết yếu là đi vào tri giao mật thiết.
Suy niệm:
Đám đông dân chúng kéo đến tìm Chúa không phải vì biết Ngài là ai, nhưng chỉ vì họ muốn được ăn uống no nê, được chữa bệnh, và được chứng kiến các phép lạ… Ma quỷ biết Ngài trong sự ghen ghét vì không muốn Ngài tiêu diệt chúng; các môn đệ của Chúa nhận biết Chúa qua việc đi theo Ngài, chứng kiến những việc Ngài làm, những phép lạ, nhất là biến cố tử nạn và Phục sinh của Chúa, cũng như các ông sống trong mối tương giao thân tình với Chúa. Ngài cũng mong muốn mỗi Kitô hữu sống trong mối tương giao thân tình ấy để nhận biết, yêu mến và đi theo Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nhận biết Chúa qua những người anh chị em đang gặp khó khăn, nơi những khuôn mặt khổ đau, đói kém, nghèo hèn… để con biết đem đến cho họ không phải sự no ấm của cơm bánh, sự chữa lành nơi thân xác, mà đem đến tình thương mà Chúa đã trao ban cho con.
24.01.2020
THỨ SÁU TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN
Thánh Phanxicô Salêsiô, giám mục, Tiến sĩ Hội thánh
Mc 3,13-19
Lời Chúa:
“Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn.” (Mc 3,13)
Câu chuyện minh họa:
Daigu viếng đại sư Baso ở Trung Hoa, Baso hỏi:
_ “Anh tìm gì?”
Daigu đáp:
_ “Giác ngộ”
Baso hỏi:
_ “Anh có một kho tàng của riêng anh. Tại sao anh đi tìm bên ngoài?”
Daigu lại hỏi:
_ “Kho tàng của tôi ở đâu?”
Baso đáp :
_ “Cái gì anh nói là kho tàng của anh”.
Daigu giác ngộ! Từ đó về sau Daigu luôn luôn thúc giục bạn bè:
_ “Hãy mở kho tàng của riêng anh mà dùng” .
Suy niệm:
Đức Giêsu gọi những kẻ Người muốn, chứ Ngài không gọi những ai có tài, hay có những đặc tính riêng nào. Ngài gọi họ và ban cho họ ơn làm môn đệ Ngài. Người môn đệ cần ở lại với Chúa Giêsu, để chia sẻ những buồn vui, chia sẻ cuộc sống và sứ mạng với Người. Ở lại với Người và được sai đi đến với người khác, như Người đã được Chúa Cha sai đi. Vậy mỗi người chúng ta cần ở lại với Chúa trong mối tương quan thân mật với Chúa để được Ngài bồi bổ sức mạnh, và khi ra đi, chúng ta cũng cần ra đi với Chúa trong sứ vụ; vì nơi Người, chúng ta có sức mạnh.
Lạy Chúa, xin cho con biết ở lại với Chúa trong mối tương quan như bạn hữu, để con được thổ lộ những tâm tư thầm kín; xin cho con ở lại với Chúa trong mối tương quan cha-con, để con sẵn sàng thi hành thánh ý; và xin cho con được ở lại trong mối tương quan là môn đệ Chúa để con biết phục vụ anh chị em con.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho