Từ ngày 21.12 đến ngày 26.12.2020 _ Phút lắng đọng Lời Chúa

21.12.2020

THỨ HAI TUẦN IV MÙA VỌNG

Lc 1,39-45

Lời Chúa:

“Tai tôi vừa nghe tiếng em chào thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng”. (Lc 1,44)

Câu chuyện minh họa:

Năm 1876, khi Alexander Graham Bell phát minh ra điện thoại, có một vấn đề được đặt ra là phải nói lời gì khi bốc máy trả lời điện thoại. Ông Bell đề nghị người trả lời nên chào là “Ahoy!” Tiếng này nghe hơi lạ tai! Có lẽ cũng từ tiếng “Ahoy” và Hello” phát sinh ra tiếng “Alô”?

Tiếng “Hello” sau này mới xuất hiện do Thomas Edison, người khám phá ra điện và là một người bạn thân đang giúp ông Bell cải tiến kỹ thuật điện thoại. Tiếng “Hello” đầu tiên xuất hiện trong văn chương vào năm 1880. Nhà văn Mark Twain đã gọi những thiếu nữ làm ở tổng đài điện thoại là những “hello girls”. Sau cùng, vào năm 1883, tiếng “Hello” được đưa vào tự điển. Và bây giờ, trên 100 năm sau, nó là một trong những tiếng được sử dụng phổ thông nhất trên thế giới.

Suy niệm:

Lời chào mang nhiều ý nghĩa: có thể đó là một lời chào xả giao, một lời chào thể hiện sự tôn trọng nhau… Nhưng lời chào của sứ thần khi vào nhà trinh nữ Maria mang lại một sứ điệp vô cùng quan trọng: Mẹ sẽ là Mẹ Thiên Chúa. Lời chào của Maria khi đến viếng thăm người chị họ là Êlisabeth đã làm cho người con trong bụng nhảy lên vui sướng, vì được Thiên Chúa viếng thăm.

Đức Maria đã mang đến cho bà Êlisabeth niềm vui, khiến bà nhận ra sự hiện diện của Con Thiên Chúa nơi Mẹ. Nơi cung lòng thánh thiện, Con Thiên Chúa đã ngự trị, được sống bằng sự sống của Mẹ.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con cũng là đền thờ, nơi Thiên Chúa ngự trị để mỗi ngày chúng con mang Tin Mừng, niềm vui và sự bình an của Chúa đến cho nhiều người nhất là những người chưa nhận biết Chúa.

22.12.2020

THỨ BA TUẦN IV MÙA VỌNG

Lc 1,46-56

Lời Chúa:

“Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!” (Lc 1,49).

Câu chuyện minh hoạ:

Ngày nọ, một người bạn đến tìm nhà giảng thuyết Mc-Leod Campbell trong tâm trạng bối rối: “Này anh, xin anh nói cho tôi hay; làm thế nào mà anh luôn tìm thấy Chúa?” Nhà giảng thuyết trầm ngân một lúc rồi nói: “Làm thế nào mà tôi luôn tìm thấy Chúa ư? Không đâu, tôi không luôn tìm thấy Chúa đâu, nhưng tôi biết là Chúa luôn tìm thấy tôi!”

Suy niệm:

Hạnh phúc là điều mà ai cũng mơ ước và tìm mọi cách để đạt được. Thế nhưng, khi chúng ta làm cho người khác điều tốt đẹp thì đó là hạnh phúc cho chúng ta. Những hạnh phúc mà chúng ta tìm nơi vật chất, giàu sang, thú vui sẽ mau qua và đó cũng không phải là hạnh phúc thật.

Hạnh phúc mà Đức Maria cảm nhận được chỉ có nơi Thiên Chúa vì những ân huệ Chúa đã dành cho Mẹ. Và Mẹ đã dành suốt cuộc đời mình để đáp lại ân huệ đó.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra những ân ban mà Chúa đã dành cho chúng con, để chúng con biết trân trọng và trao ban những ân ban ấy cho những người xung quanh. Có như thế, chúng con mới thật sự hạnh phúc.

 

 

 

 

 

23.12.2020

THỨ TƯ TUẦN 4 MÙA VỌNG

Lc 1,57-66

Lời Chúa:

“Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.” (Lc 1,57-58)

Câu chuyện minh họa:

Trong tờ thông tin liên lạc của một giáo xứ nọ, người ta đọc thấy ở trang bìa của số ra tháng 12 như sau: Mùa Vọng là mùa của thai nghén…

Có lẽ chỉ có những người đàn bà đã hơn một lần kinh qua thời kỳ thai nghén và sinh nở mới có thể giúp chúng ta hiểu được thế nào là 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau… Trong 9 tháng 10 ngày, ngoài những nôn mửa không ngừng, người đàn bà mang thai thường phải trải qua nhiều tâm trạng khác nhau của vui buồn lẫn lộn…

Vui vì sự sống và niềm hi vọng đang lớn dần trong tâm hồn và thể xác của mình, người đàn bà mang thai cũng lo sợ vì những bất ngờ không lường trước được. Những đột biến trong người cũng khiến cho người đàn bà mang thai cảm nhận được sự mỏng dòn, yếu đuối của con người. Tất cả mọi cử động, chế độ dinh dưỡng đều được cân nhắc cẩn thận để không phương hại đến bào thai… Có nên tiếp tục đi nhanh như trước kia không? Có được hút một điếu thuốc như trước không? Có nên dùng càfê không? Có nên dùng một chút bia rượu không? Có nên thức khuya không?… Tất cả đều được cân nhắc từng li từng tí.

Bào thai càng lớn dần, niềm vui và nỗi lo lắng cũng tăng thêm… Và khi đến ngày nở nhụy khai hoa, như Chúa Giêsu đã nhận xét, niềm vui của người đàn bà khỏa lấp được tất cả những chờ đợi trong khi mang thai và những đớn đau trong khi sinh con.

Sự chào đời của hài nhi không những mang lại niềm vui, nhưng cũng đảo lộn cuộc sống trong gia đình. Ðứa bé đã trở thành trung tâm của cuộc sống gia đình. Giờ giấc thay đổi, nhịp sống cũng thay đổi. Và có lẽ cái nhìn cũng đổi mới với mọi người trong nhà.

Suy niệm:

Sứ mạng của Gioan là dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến: san bằng núi đồi, lấp đầy thung lũng, uốn những con đường quanh co… Gioan kêu gọi mọi người sám hối, dạy người ta ăn ngay ở lành, khuyên người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để đón nhận ơn tha thứ. Hôm nay Chúa cũng muốn mỗi người chúng ta là Gioan Tẩy Giả, giới thiệu Chúa cho người khác, đem người khác đến gần Chúa hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng được mời gọi làm cho Chúa lớn lên, nghĩa là phải bỏ mình, chịu thiệt thòi, làm tất cả để Chúa được vinh danh, như Gioan sẵn sàng để hai môn đệ của mình là Gioan và Anrê đi theo Chúa.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết chuẩn bị tâm hồn thật sốt sắng để chào đón Chúa, và để cho Ngài lớn lên trong cuộc đời chúng ta mỗi ngày.

24.12.2020

THỨ NĂM TUẦN IV MÙA VỌNG

Lc 1,67-79

Lời Chúa:

“Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel, đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.” (Lc 1,68)

Câu chuyện minh họa:

Văn hào Mark Twain cách đây ba thế kỷ, có viết một cuốn sách tiểu thuyết nổi tiếng tựa đề “Hoàng tử và cậu bé nghèo”. Chuyện kể lại tình bạn của hai cậu bé giống hệt nhau khiến người ta tưởng là sinh đôi. Một trong hai cậu bé tên là Edward, hoàng tử xứ Galles. Còn Tom Canty, người bạn của vị hoàng tử, lại là một cậu bé con nhà nghèo.

Một ngày kia, hai cậu bé có một ý nghĩ ngộ nghĩnh là thay đổi địa vị xã hội. Tom vào thế chỗ của vị hoàng tử Edward trong triều đình, còn Edward thì khoác lên mình một mảnh áo rách rưới và bắt đầu cuộc phiêu lưu. Cậu lang thang đầu đường xó chợ bên cạnh những người cùng cực nhất trong xã hội.

Thế nhưng một lúc nào đó, hai cậu cũng cảm thấy mệt mỏi với trò chơi đầy phiêu lưu này. Edward mới sực tỉnh  về ngôi vị hoàng tử của mình. Trong bộ áo rách rưới nhơ bẩn, cậu tìm đủ mọi cách để chứng minh rằng mình là hoàng tử nối ngôi của xứ Galles. Nhưng cảnh sát đã không tin… Thế là hoàng tử Edward đành phải lặng lẽ bước vào tù vì tội giả mạo.

Giữa lúc Tom cậu bé nghèo  sắp sửa được tấn phong làm vua, thì hoàng tử Edward xuất hiện… Không mấy chốc cậu đã được phục hồi trong ngôi vị hoàng tử của cậu. Chính nhờ kinh nghiệm của những tháng ngày làm người ăn xin, lang thang đầu đường xó chợ với những người cùng khổ, mà Edward đã trở thành một vị vua đạo đức và giầu lòng thương người.

Suy niệm:

Thiên Chúa đã đến với loài người, hoán đổi vị thế với chúng ta. Ngài mặc lấy thân phận nghèo hèn để chúng ta mang lấy danh hiệu Con Thiên Chúa. Nhờ đó chúng ta được chia sẻ sự sống thần linh của Ngài, và Ngài chia sẻ với chúng ta trong thân xác Ngài những đau khổ của phận người.

Chúng ta được mang danh là người thánh, nghĩa là người dành riêng cho Thiên Chúa, người để cho Thiên Chúa lớn lên trong mình, mà Thiên Chúa là Tình Yêu, nên người thánh phải là người để cho “Tình yêu” ngự trị và chiến thắng tất cả, tin tưởng phó thác, an vui, thuận hoà, tha thứ, và để cho Thiên Chúa lớn lên trong mình. Người là Đấng đem đến cho nhân loại một tương lai hứa hẹn vượt quá mọi khả năng tiên đoán.

Ước gì cuộc sống của chúng ta được dệt nên bằng những “Đêm thánh vô cùng”, như thế là chúng ta đang hát lên khúc ca đêm thánh tuyệt vời, tuyệt vời không phải bởi lời ca ý nhạc, nhưng tuyệt vời bởi những cử chỉ tin yêu, phó thác.

 

 

 

 

 

25.12.2020

THỨ SÁU

LỄ CHÚA GIÁNG SINH

Ga 1,1-18

Lời Chúa:

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1,14)

Câu chuyện minh họa:

Có một chuyện ngắn, mang tựa đề là “Người khách cuối cùng”, tôi xin được tóm tắt như sau:

Thôn ấp Bêlem còn chìm trong bóng tối. Hài nhi Giêsu còn thiếp ngủ trong máng cỏ. Bỗng cửa chuồng bò mở ra. Một bà lão xuất hiện. Thân hình gầy guộc. Nước da nhăn nheo. Áo quần rách rưới. Maria nhìn bà lão bằng cặp mắt canh chừng, lo âu và thoáng một chút sợ hãi. Bà lão tiến lên, tiến lên nữa, đến tận máng cỏ. Rất may là Hài nhi Giêsu vẫn còn ngủ yên. Nhưng rồi bất ngờ, đôi mắt Hài nhi Giêsu khẽ mở và nhìn bà lão. Maria càng ngạc nhiên hơn nữa khi thấy cặp mắt của bà lão giống hệt cặp mắt của Hài nhi Giêsu, vì cả hai cùng sáng lên một tia hy vọng. Bà lão nghiêng mình trên máng cỏ. Bàn tay thọc sâu vào trong túi. Dường như bà lão lấy ra một vật gì đó, rồi đặt xuống bên cạnh Hài nhi Giêsu. Maria thắc mắc không hiểu là vật gì.

Yên lặng một lúc, bà lão đứng lên và cất bước. Như có một sức mạnh thần bí thúc đảy, bà lão bước đi nhanh nhẹn. Lưng không còn còng xuống và nét mặt lấy lại được vẻ tươi trẻ. Bà lão mất hút trên khoảng đồi xa xa. Bấy giờ, ngọn gió không còn lạnh cóng vì hừng đông đã ló dạng. Maria lại gần bên máng cỏ xem bà lão đã để lại vật gì. Maria vô cùng ngạc nhiên và kêu lên:

  – Ôi, một quả táo vàng.

Bà lão ấy là hình ảnh tượng trưng cho Evà, đã trao lại cho Hài nhi Giêsu quả táo của tội lỗi đầu tiên. Và giờ đây, Hài nhi Giêsu đang cầm trên tay như cầm một trái cầu nhỏ, cho một thế giới mới xuất hiện.

Suy niệm:

Tội nguyên tổ đã ảnh hưởng trên tất cả chúng ta, mọi người đều lãnh án đau khổ và chết. Từ tội nguyên tổ ấy sinh ra nhiều thứ tội lỗi nơi con người: Cain, tháp Babel, cho đến tội của mỗi người. Do tội lỗi, con người tự đẩy mình xa rời Thiên Chúa. Tội lỗi phá đổ mối dây hiệp thông và tạo nên một vực thẳm ngăn cách con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Thế nhưng, vì tình yêu nhân loại, Con Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm nhỏ bé, sinh ra nơi hang đá nghèo hèn, mặc lấy thân phận yếu hèn như chúng ta, Ngài cúi xuống thật gần với con người để nâng con người sa ngã lên. Ngài đã cứu độ chúng ta bằng con đường tự hạ, tự hủy mình ra không. Ngài đã đến kéo con người ra khỏi vực thẳm, phá đổ bức tường ngăn cách, và dẫn con người về với nguồn ơn cứu độ.

Hiểu được ý nghĩa đó, mỗi người chúng ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhận hồng ân Chúa đang tuôn tràn trên mỗi người qua mầu nhiệm nhập thể, và trao ban cho tha nhân bằng những hành vi chia sẻ, những lời cảm thông, và những cách đối xử đầy tình người hơn.

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra tình yêu vô biên của Chúa đang đến với con người qua mầu nhiệm nhập thể, không những thế, Người đến với chúng con qua nhiều cách thức, nhất là nơi những người nghèo khổ đang cần đến chúng con.

 

 

 

 

 

26.12.2020

THỨ BẢY

NGÀY II TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Thánh Stêphanô tử đạo tiên khởi

Mt 10,17-22

Lời Chúa:

“Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10,22)

Câu chuyện minh họa:

Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy.

Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm:

“Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ”. Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó.

Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.

Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì, nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới…

Suy niệm:

Là chứng nhân của Đức Kitô, chúng ta cần phải xả thân dù mất cả mạng sống. Và đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân, mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ, như sự chọn lựa của hạt giống thứ hai.

“Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét”: Ngài nhắc nhở và động viên chúng ta phải tin tưởng, chịu đựng và lấy đó làm cơ hội để “làm chứng cho Thầy”; và trong những hoàn cảnh ấy, “hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được, và một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”

Xin cho mỗi người chúng ta biết kiên trì và vững tin vào quyền năng của Chúa trước những biến cố, thử thách trong cuộc đời, và can đảm làm chứng cho Chúa như thánh Stêphanô đã anh dũng làm chứng cho Chúa đến hơi thở cuối cùng.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho