27.06.2016
THỨ HAI TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN
Mt 8,18-22
Lời Chúa:
“Anh hãy theo Tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ” (Mt 8,22)
Câu chuyện minh họa:
Một giáo sĩ Tây phương tên Waldmeter thuật lại chuyện người bạn của giáo sĩ là một thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ giàu có và thông minh. Ông khuyên anh nên du lịch Âu châu sau khi tốt nghiệp để kiến thức được thêm đầy đủ, Người Thổ trả lời: “nhưng tôi phải chôn cha tôi trước đã”. Vị giáo sư tỏ bày cảm thông và chia buồn về việc cha chàng qua đời. Nhưng thanh niên Thổ cho biết cha chàng vẫn còn sống, và chàng có ý nói mình phải làm tròn bổn phận đối với cha mẹ và bà con, trước khi có thể từ giã họ lên đường du lịch, và quả thật, anh không thể nào ra đi cho đến khi cha mình đã qua đời, và rất có thể còn nhiều năm nữa.
Suy niệm:
Những người được Chúa gọi hoặc muốn theo Chúa cảm thấy mình đứng trước nhiều đòi hỏi. Đối với hai người xin đi theo, Chúa Giê-su cũng đòi từ bỏ của cải, sự an toàn, sự cố định và từ bỏ cả gia đình nữa. Chúa đòi họ sống thanh thoát tuyệt đối không còn bám víu vào của cải, không còn lo toan việc đời để được hoàn toàn tự do và thanh thoát theo Chúa và làm việc cho Chúa. Những đòi hỏi của Chúa Giê-su không có tính cách khắt khe, nặng nề, nhưng là điều kiện để người môn đệ nên giống Chúa hơn và trung thành thi hành sứ mạng Chúa muốn trao phó.
Lạy Chúa, theo Chúa là hạnh phúc đời con, xin cho con luôn xác tín điều đó, để đời con luôn có Chúa là gia nghiệp và hạnh phúc mãi mãi không gì ngăn bước chân con.
28.06.2016
THỨ BA TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN
Thánh Irênê, Giám mục, tử đạo
Mt 8,23-27
Lời Chúa:
“Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!” (Mt 8,25)
Câu chuyện minh họa:
Một sĩ quan người Anh có đức tin mạnh mẽ được phái đến phục vụ ở một xứ nọ. Ông cùng gia đình xuống thuyền để đi đến đó. Thuyền rời bến được vài ngày thì biển động mạnh, một cơn bão kinh khủng ập đến làm thuyền có nguy cơ bị đắm. Sự lo lắng, nỗi sợ hãi xâm chiếm tất cả mọi người trên thuyền. Vợ của viên sĩ quan là người tỏ ra lo sợ hơn cả. Bà trách cứ chồng bà, vì trái với phản ứng sợ hãi của vợ, ông tỏ ra rất bình tĩnh. Thái độ bình tĩnh này bị bà xem như một biểu lộ sự thiếu lo lắng, yêu thương đối với bà và con cái. Sau khi nói vài lời ngắn gọn với vợ, ông rời căn phòng, nhưng liền sau đó ông quay trở lại với thanh kiếm trên tay. Với ánh mắt thảm não, ông tiến về phía người vợ và dí mũi kiếm vào ngực bà. Lúc đầu bà này sợ tái mặt, nhưng sau đó bỗng bà cười lớn tiếng, không hề tỏ vẻ sợ hãi.
– Làm sao em có thể cười khi em cảm thấy mũi nhọn của lưỡi kiếm trên ngực em? Em không sợ sao? – viên sĩ quan hỏi –
– Làm sao em sợ được – bà trả lời, – khi em thấy lưỡi kiếm ấy ở trong tay một người thương em.
– Vậy tại sao em lại muốn anh sợ cơn bão tố này khi anh biết rằng nó ở trong tay của Cha anh là Người hằng yêu mến anh?”
Suy niệm:
Tâm trạng của các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ cũng là tâm trạng của nhiều người trong chúng ta. Thử hỏi có ai trong chúng ta mà đã không hơn một lần phải đối đầu với những cơn cuồng phong trong cuộc sống không? Đó chính là những lúc chúng ta bị dao động bởi những lo lắng buồn phiền, bởi những hận thù ghen ghét, bởi những dục tình bất chính cuốn hút. Vào những lúc đó, Chúa vẫn ở bên cạnh chúng ta, để sẵn sàng cứu chúng ta, nếu chúng ta nhận ra sự hiện diện của Ngài và đặt niềm tin vào Ngài.
Lạy Chúa là cứu cánh đời con, xin cho con luôn cảm nghiệm Chúa luôn ở cạnh con để đời con có Chúa là chỗ dựa vững chắc.
29.06.2016
THỨ TƯ TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN
Lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ
Mt 16,13-19
Lời Chúa:
“Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16,18)
Suy niệm:
Truyện cổ Roma thường ghi lại các cuộc chiến thắng khải hoàn của các vị Hoàng đế. Sau một lần thắng trận, các vị hoàng đế thường hướng dẫn các đoàn quân tiến qua các ngã phố cho dân chúng tung hô.
Lần kia, các đường phố đều đông nghẹt. Người ta phải dựng một khán đài đặc biệt để hoàng gia có thể theo dõi cuộc diễu hành. Khi hoàng đế và quân đội tiến đến gần khán đài nơi hoàng hậu và các công chúa, hoàng tử đang chờ đợi, người ta kinh ngạc vô cùng vì vị hoàng tử nhỏ nhất đã rời khỏi khán đài và chạy vụt đến chiến xa của hoàng đế.
Những người vệ binh có trách nhiệm giữ an ninh hai bên đường đã chận hoàng tử lại. Họ giải thích cho cậu biết rằng: xa giá đang tiến lại gần chính là xa giá của hoàng đế. Không ai được phép đến gần… Vị hoàng tử nhỏ điềm nhiên trả lời: “Ngài là hoàng đế của các ông, còn đối với tôi thì ngài là cha tôi”.
Suy niệm:
Nhận biết và tuyên xưng Con Thiên Chúa là một ơn quan trọng, vì nhận biết là một trong ba yếu tố: biết, tốt và hợp để dẫn tới tình yêu. Cha ông ta thường bảo: “Vô tri bất mộ”, không biết thì không mến, chúng ta không thể mến yêu một người mà chúng ta không hề quen biết, nhưng nếu chỉ nhận biết không mà thôi thì chưa đủ, chưa trọn vẹn. Vì biết thì chưa chắc đã mến, ma quỉ nhận biết Thiên Chúa rõ ràng (Mc 3,12), nhưng chúng đâu có mến yêu Thiên Chúa.
Hẳn không ai trong chúng ta muốn nhận biết Thiên Chúa để rồi thù ghét Ngài như ma quỉ, nhưng cũng phải nhận rằng chúng ta chưa nhận biết và yêu mến Chúa cho đủ. Chúng ta cần nhận biết Thiên Chúa và đem hết tâm hồn yêu mến Chúa là Đấng đã chết vì yêu chúng ta.
Như xưa Chúa chọn Phêrô là một người ít học, Chúa chọn Phaolô là người bắt đạo,… để chứng tỏ cho chúng con biết rằng, những người Chúa chọn không theo một tiêu chuẩn nào, nhưng là cách để Chúa biểu lộ quyền năng của Ngài. Xin cho chúng con cũng dám từ bỏ tất cả để đi theo lời mời gọi của Chúa dấn thân cho Nước Trời.
30.06.2016
THỨ NĂM TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN
Mt 9,1-8
Lời Chúa:
“Này con, cứ yên tâm, tội con được tha rồi.” (Mt 8,22)
Câu chuyện minh họa:
Bác sĩ Paul Toumier trong quyển “Sách Ghi Ca Bệnh của Một Bác Sĩ” đã trưng dẫn một thí dụ điển hình: “Có một cô gái bị bệnh thiếu máu, một đồng nghiệp tôi đã chữa trị mấy ngày mà không thành công. Cuối cùng anh bạn đồng nghiệp tôi quyết định đưa cô ta đến bác sĩ quân y ở chỗ cô làm việc để xin phép gởi cô đến một nhà an dưỡng trên núi. Tuần lễ sau, bệnh nhân báo tin cho biết sĩ quan quân y bằng lòng cho phép đi nghỉ, nhưng có nói thêm: “khi thử máu, tôi thấy kết quả không phù hợp với điều anh trưng dẫn”. Bạn tôi hơi bối rối, lấy ngay một mẫu máu mới và vội vã đến phòng thí nghiệm, số hồng huyết cầu đã thình lình thay đổi. Bạn tôi thuật tiếp: “nếu tôi không phải là người có thói quen cẩn thận trong phòng thí nghiệm, nếu tôi không cẩn thận kiểm soát kết quả thử nghiệm của từng bệnh nhân, tôi chắc đã nghĩ rằng mình phạm lầm lẫn”. Ông quay sang hỏi cô gái: “Từ lần thăm bệnh sau cùng đến nay đã có gì lạ thường xảy ra trong đời sống cô không. Cô ta đáp: “Có một việc việc xảy ra là bất ngờ tôi đã có thể tha thứ cho một người tôi từng ghét cay ghét đắng, tức thì tôi cảm nhận rằng cuối cùng mình đã tìm lại được ý nghĩa cuộc đời”.
Suy niệm:
Người bại liệt biết mình có tội, là sống đối nghịch với Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu đem ơn tha thứ cho anh, anh biết mình được giải hòa với Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu chữa anh bại liệt như thế, Ngài chứng tỏ rằng Ngài có thể chữa lành cả bệnh tật thể xác và đem sự tha thứ cho linh hồn con người. Đến với Chúa Giêsu, chúng ta cũng sẽ được bình an và được chữa lành về thân xác cũng như linh hồn.
01.07.2016
THỨ SÁU TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN
Mt 9,9-13
Lời Chúa:
“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 8,22)
Suy niệm:
Những người Do Thái nhìn Matthêu là người tội lỗi. Nhưng Chúa Giêsu có một cái nhìn khác về ông. Ngài đến để xóa đi làn sóng dư luận đang vùi dập ông. Kết quả là ông đã dứt khoát rời khỏi bàn thu thuế và đi theo Chúa. Matthêu đã dứt khoát, không tiếc xót bỏ đi cái nghề xem ra bảo đảm cuộc sống cho ông để đi theo một người có cuộc sống bấp bênh.
Với cái nhìn tích cực, Chúa Giêsu đã biến đổi cuộc đời của một con người, từ thu thuế thành môn đệ, từ một bàn tay đếm tiền, khối óc mánh khóe để làm giàu bất chính thành một người biết sử dụng đôi tay và khối óc viết Tin Mừng.
Cách hành động của Chúa Giêsu hôm nay không chỉ dành riêng cho Matthêu, nhưng dành cho tất cả mọi người chúng ta. Cách đáp trả tốt nhất là chúng ta biến đổi cuộc đời bằng cách dứt khoát với quá khứ tội lỗi và sống một đời sống mới.
Mỗi người chúng con đều là tội nhân trước mặt Chúa nhưng Chúa không bỏ rơi mà còn yêu thương tha thứ, xin cho chúng con trong những lần sai lỗi biết khiêm tốn chạy đến với Chúa để đón nhận Lòng Thương Xót của Chúa.
02.07.2016
THỨ BẢY TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN
Mt 9,14-17
Lời Chúa:
“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay” (Mt 9,15).
Câu chuyện minh họa:
Vua Alphôngsô của Tây Ban Nha thường có thói quen hay đi thăm thần dân cách kín đáo. Ngày nọ, khi đi thăm một tỉnh nhỏ, nhà vua thuê một phòng tại một khách sạn nhỏ để nghỉ ngơi.
Vì thấy cung cách của người khách mới đến thuê phòng có vẻ quí phái, nên người dọn phòng tò mò hỏi:
– Hình như ông không phải là khách du lịch hạng xoàng?
Nhà vua muốn biết tại sao người dọn phòng lại hỏi mình như thế nên ông hỏi lại:
– Sao anh lại hỏi tôi như vậy?
Người dọn phòng đáp:
– Vì tôi thấy cử chỉ cũng như cung cách của ông khác hẳn. Chắc ông là người ở trong triều đình có phải không?
Nhà vua trả lời một cách lấp lửng:
– Một cách nào đó có thể là đúng như anh nói.
Người dọn phòng hỏi tiếp:
– Vậy hẳn ông là người trực tiếp phục vụ Đức Vua?
Nhà vua xác nhận:
– Anh đoán chẳng sai chút nào.
Người dọn phòng tò mò hỏi tiếp:
– Phục vụ Đức Vua thì ông làm gì?
Nhà Vua mỉm cười đáp:
– Ồ, nhiều việc lắm, chẳng hạn như là sáng nào tôi cũng phài cạo râu cho Ngài.
Suy niệm:
Theo phong tục người Do Thái, lễ cưới là một lễ hội. Trong những ngày này, mọi người đều được hưởng niềm vui trọn vẹn. Ở đây, Chúa Giêsu chính là tân lang, là Đấng Israel trông đợi. Chính Ngài đem niềm vui và ơn cứu độ cho nhân loại.
Cuộc đời của mỗi Kitô hữu được đan dệt bằng những cuộc tìm kiếm Chúa không ngừng. Nhưng Chúa không ở chỗ kia hay chỗ nọ mà ở ngay trong những biến cố, những sự việc xảy ra trong cuộc sống hằng ngày.
Xin cho Lời Chúa thấm nhuần trong tâm hồn mỗi người chúng con, để chúng con hiểu và đem ra thực hành trong đời sống ngày.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho