28.01.2020
THỨ BA TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
Thánh Tôma Aquinô, linh mục, Tiến sĩ Hội thánh
Mc 3,31-35
Lời Chúa:
“Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mc 3,35)
Câu chuyện minh họa:
Nàng là một thiếu nữ trẻ đẹp, đã đính hôn với một chàng trai, và đang chờ đợi ngày làm lễ thành hôn. Thế rồi một hôm, bỗng nàng cảm thấy đau ở tay. Nàng đến gặp một bác sĩ. Sau khi đã khám nghiệm, bác sĩ cho biết, nàng mắc bệnh phong cùi. Thế là số phận của nàng cũng như bao nhiêu người cùi khác, đó là phải vào sống trong một trại cùi, được thiết lập ở một nơi xa xôi hẻo lánh, tách biệt khỏi gia đình và xã hội.
Hôm ấy người ta chở nàng đến trại cùi. Vừa đến nơi, thấy những người đàn bà rách rưới bẩn thỉu, nàng bật khóc và tinh thần xuống tột độ. Sự tuyệt vọng đã hiện rõ nét trên khuôn mặt xinh xắn của nàng. Những người đưa nàng đến đây đều có cùng một ý nghĩ là, có thể nàng sẽ tự tử.
Nhưng may thay, mấy ngày hôm sau, một vị Thừa sai đang phục vụ trong trại cùi đã đến xin nàng giúp Ngài săn sóc cho những người cùi khác.
Một tia hy vọng đã lóe lên trong đầu nàng. Từ đó, nàng bắt tay vào việc bằng cách mở lớp dạy chữ cho các em cùi và những người lớn chưa biết chữ. Nàng cũng hướng dẫn những phụ nữ có con. Cách chăm sóc và nuôi nấng con cho chu đáo.
Nhưng điều mà nàng làm, đã thay đổi hẳn bộ mặt của trại cùi một cách rõ nét nhất đó là những buổi sinh hoạt mà nàng đứng ra hướng dẫn. Nhờ cây đàn Accordion mà nàng được các vị thừa sai sắm cho, nàng đã tạo được một bầu không khí vui nhộn cho cả trại cùi.
Ít lâu sau, người ta hỏi cảm tưởng của người thiếu nữ Ấn kia, khi nàng vừa mới đến trại, Nàng tâm sự: “Khi vừa mới đến đây, tôi bắt đầu hồ nghi Thiên Chúa. Tôi không biết rằng có Thiên Chúa hay không nữa. Vì nếu có Thiên Chúa là tình thương, mà sao Ngài lại để cho con người khổ sở như thế này. Nhưng bây giờ thì tôi biết đó là ý Chúa. Và trường hợp của tôi là Ngài muốn cho tôi ở đây, để làm vơi đi nỗi sầu khổ của nhiều người ở đây. Vì thế, tôi không còn buồn nản như lúc mới tới đây nữa, mà tôi hân hoan thực thi ý của Chúa. Bao lâu tôi còn sống tôi sẽ cảm tạ Chúa vì Ngài đã dắt tôi tới đây.”
Suy niệm:
Người phụ nữ trong câu chuyện trên thực sự thuộc về gia đình của Chúa vì cô đã nhận ra ý Chúa và thi hành ý Ngài.
Chúa Giêsu cũng xuất thân trong một gia đình như mỗi người chúng ta nghĩa là có cha, có mẹ. Hơn nữa, Ngài cũng có một gia đình thiêng liêng là các môn đệ và những người lắng nghe lời rao giảng của Ngài. Đức Mẹ vừa thuộc về gia đình tự nhiên vừa thuộc về gia đình thiêng liêng của Chúa, vì Mẹ lắng nghe và thi hành ý muốn của Chúa.
Qua Bí tích Rửa Tội, chúng ta được gia nhập vào Giáo hội, nghĩa là trở thành con cái Chúa, là thành viên của gia đình Chúa, nhưng đó chỉ là bước khởi đầu. Chúng ta chỉ thực sự thuộc về gia đình Chúa khi chúng ta tuân hành thánh ý Người và thực thi điều Người dạy. Muốn được như thế, chúng ta phải lắng nghe tiếng Chúa và gắn bó mật thiết với Người.
Lạy Chúa, xin dạy con biết lắng nghe và thi hành ý muốn của Chúa để con mãi thuộc về Chúa, và được sống với Chúa trong gia đình thiêng liêng của Ngài.
29.01.2020
THỨ TƯ TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
Mc 4,1-20
Lời Chúa:
“Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều.” (Mc 4,2)
Câu chuyện minh họa:
Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagayad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi “Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không?”. Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời “Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã”… Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua “Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng hạ thần đã hiểu được”… Giác ngộ đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi chân lý”.
Suy niệm:
Chúa Giêsu dùng hình ảnh gần gũi với đời sống để áp dụng bài giảng của Ngài vào đời sống của con người. Vì thế, ai cũng có thể tiếp nhận được. Ngài dùng dụ ngôn để khai mở mầu nhiệm Nước Trời, thế nhưng không phải những gì Ngài dạy mọi người nghe đều hiểu hết nhưng những người thành tâm thiện chí biết tìm kiếm, khao khát thì Thiên Chúa vén mở cho họ.
Lời Chúa không phải chỉ nghe qua là đủ, nhưng cần phải làm cho lời ấy sinh hoa trái. Hạt giống được gieo vào nơi đất tốt là những người nghe, đón nhận và làm cho sinh hoa trái. Ngài cũng chỉ cho các môn đệ những cản trở của việc không sinh hoa trái: bị satan quấy phá, không kiên trì trong những lúc gian nan, và những đam mê.
Thường khi chúng ta đóng khung Thiên Chúa trong sự hiểu biết hạn hẹp của mình nên chúng ta không hiểu về Thiên Chúa. Vì thế, trong sự thinh lặng nội tâm, chúng ta xét duyệt lại bản thân mình thuộc loại đất nào: sỏi đá, gai góc, hay đất tốt?
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khao khát tìm kiếm chân lý như thửa đất luôn được cày xới trở thành màu mỡ và sinh nhiều hoa trái.
30.01.2020
THỨ NĂM TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
Mc 4,21-25
Lời Chúa:
Người nói với các ông: “Hãy để ý tới điều anh em nghe. Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.” (Lc 10,1)
Câu chuyện minh họa:
Có một câu chuyện kể về một thiếu nữ rất yêu thích những bông hoa. Cô ta trồng một loài cây leo quí hiếm ở chân một bức tường bằng đá. Cây leo này mọc rất nhanh và mạnh, nhưng không hề trổ hoa. Hết ngày này sang ngày kia, cô tận tâm vun xới và tưới nước, cố gắng bằng mọi cách vun đắp cho nó nở hoa.
Vào một buổi sáng, lúc cô đang đứng trước cây leo này trong tâm trạng thất vọng, thì người hàng xóm tật nguyền nhà bên cạnh gọi cô lại và nói:
– Chị không thể nào tưởng tượng được rằng tôi vui mừng biết bao với những bông hoa trên cây leo nhà chị đã trồng đâu.
Cô liền nhìn qua phía bên kia tường và thấy cả một đám hoa. Cây leo đã bò xuyên qua kẽ hở của bức tường và nở hoa ở phía bên kia. Tội nghiệp cô gái! Cô cứ nghĩ rằng cây leo của cô là đồ vô dụng, trong khi nó đã luôn luôn chứng tỏ được ích lợi của nó đối với một con người vô cùng cần đến nó. Người tật nguyền kia đã được phong phú hoá và rất đỗi vui mừng, nhờ những cố gắng đầy tin tưởng của cô gái kia, trong việc vun xới chỉ một thân cây leo, mặc dù cô ta không thể nhìn thấy được những kết quả trong việc làm của mình.
Suy niệm:
Đôi khi những việc làm của chúng ta xem ra vô nghĩa vì chúng ta không thấy được kết quả nhưng thật sự nó mang lại niềm vui cho người khác mà chúng ta không biết.
Lời Chúa cũng thế, khi chúng ta tiếp nhận Lời Chúa chúng ta cần để cho Lời Chúa được tỏa sáng, dù bản thân mình có chịu thiệt thòi, hy sinh, mất mát… Tác dụng của cây đèn là chiếu sáng, bổn phận của người Kitô hữu là làm chứng cho Ánh Sáng. Nếu cây đèn không chiếu sáng thì người ta vất nó đi, nếu Kitô hữu không còn làm chứng cho đức tin, người Kitô hữu trở nên vô dụng. Như thế, đời sống người Kitô hữu là sống và làm chứng cho đức tin, như ngọn đèn được đặt trên giá cao cho mọi người thấy. Giữa cơn bão táp của biển cả, tàu bè tìm kiếm ngọn hải đăng để cập bến; giữa gian nan thử thách của cuộc đời, con người tìm kiếm Chúa để đẩy lui những bóng tối, u ám bao phủ và để tìm ánh sáng chân lý Chúa chiếu rọi.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết vun trồng niềm tin của mình mỗi ngày, để đời sống đức tin của chúng con được lớn mạnh hơn nữa, và như thế chúng con mới là những ngọn đèn đặt trên giá chiếu rọi mọi người.
31.01.2020
THỨ SÁU TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
Thánh Gioan Bosco, linh mục
Mc 4,26-34
Lời Chúa:
“Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết.” (Mc 4,26-27)
Câu chuyện minh họa:
Một ngày kia, một tông đồ giáo dân dẫn tôi đến gia đình của một người làm nghề kéo xe lôi. Đến đấy tôi nhận được một món quà hết sức bất ngờ và rất to lớn: Cả nhà gồm vợ chồng và 7 đứa con xin theo đạo. Khi được hỏi lý do thì người chồng cho biết: Mười mấy năm trước khi còn nhỏ, anh học trường các sư huynh Lasan và dã có lòng mộ mến Đạo Chúa. Lòng mộ mến ấy vẫn âm ỉ trong lòng anh. Tuần trước khi anh gặp người tông đồ giáo dân này, tàn lửa âm ỉ đó bỗng bùng lên thành một ngọn lửa thôi thúc anh phải xin theo Chúa.
Suy niệm:
Tâm hồn con người là một mảnh đất, gia đình cũng là mảnh đất, nơi gieo trồng và nảy mầm hạt giống đức tin. Thiên Chúa đã gieo hạt giống của Ngài, để cùng với ân sủng và sự trợ giúp của Ngài mà hạt giống âm thầm phát triển, trổ sinh hoa trái. Trong quá trình lớn lên của hạt giống, không thể tránh khỏi những khó khăn, thử thách, chúng ta cứ tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài sẽ giúp chúng ta vượt thắng.
Chúa Giêsu dùng hình ảnh tự nhiên nói về sức mạnh và sự lớn lên của nó để nói về sự phát triển về phương diện siêu nhiên nơi con người: mạnh mẽ và kỳ diệu. Bên cạnh đó nó còn hàm chứa niềm hy vọng, nó bất chấp mọi khó khăn, trở ngại, yếu đuối… qua hình ảnh lúa vàng trĩu hạt, chim trời có thể làm tổ được diễn tả sự mạnh mẽ của Nước Trời.
Lạy Chúa, xin giúp con biết để cho Lời Chúa soi sáng và hướng dẫn cuộc đời con, để những hoa trái Ngài gieo được nẩy mầm, lớn lên và trổ sinh hoa trái.
01.02.2020
THỨ BẢY TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
Mc 4,35-41
Lời Chúa:
“Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ”. (Mc 4,39)
Câu chuyện minh họa:
Có một người đàn bà đạo đức nọ trong cơn bệnh thập tử nhất sinh, chỉ có hy vọng duy nhất để cứu sống là phải chịu một cuộc giải phẫu.
Người đàn bà chấp nhận cuộc giải phẫu với hy vọng còn tiếp tục sống để lo cho người con trai của bà.
Khi người ta bắt đầu giải phẫu, bà yêu cầu cho con bà được chứng kiến những giờ phút đau đớn của bà. Thời đó chưa có thuốc tê cho nên bệnh nhân thường phải trải qua những đau đớn khủng khiếp.
Mặc dù đau đớn, nhưng người đàn bà xem ra vẫn can đảm chịu đựng được. Thế nhưng vào tới những giây phút cuối, khi lưỡi dao mổ của các bác sĩ chạm đến gần trái tim thì người đàn bà rùng mình và miệng kêu lên: “Lạy Chúa!”
Chứng kiến cảnh đau đớn của người mẹ, đứa con trai không cầm được cảm xúc đã thốt lên những lời xúc phạm đến Thiên Chúa. Ngay lúc đó người đàn bà nghiêm chỉnh bảo con: “Hỡi con, im đi, con làm mẹ đau đớn hơn lưỡi dao mổ của các bác sĩ nhiều. Con đã làm sỉ nhục Đấng ban sức mạnh và an ủi cho mẹ”.
Nói xong, bà mở bàn tay ra cho mọi người xem một tượng chịu nạn nhỏ mà bà nắm chặt trong tay suốt từ lúc bắt đầu cuộc giải phẫu đến giờ. Đó là thuốc tê đã làm dịu những cơn đau của bà.
Sau mấy tháng quần quại đau đớn trên giường bệnh, người đàn bà đã an nghỉ trong Chúa. Trước khi lìa đời, bà đã trao ảnh chuộc tội đó lại cho người con trai và dặn cậu: “Con hãy giữ lấy ảnh này vì đó sẽ là niềm an ủi cho con”.
Suy niệm:
Cuộc sống này có biết bao điều kỳ diệu mà dường như chúng ta chưa khám phá ra. Những điều kỳ diệu ấy phát xuất từ tình thương của Chúa. Người phụ nữ trên đây đã khám ra Chúa là sức mạnh và là niềm an ủi của bà và bà đã trao lại bí kíp ấy cho người con.
Hình ảnh gió và biển tượng trưng cho sự dữ mà các môn đệ đang phải vất vả chiến đấu. Khi các ông vất vả chèo chống vì sóng gió, các ông lại thấy Chúa ngủ, chẳng quan tâm gì đến các ông. Chúa lại phán với gió biển “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ”. Chính lúc ấy, Chúa biểu lộ quyền năng của Ngài trên thần dữ, và trên thiên nhiên. Chúa trách các môn đệ “Sao nhát thế?”, nhắc nhở lòng tin của chúng ta vào Thiên Chúa. Vì thế, mỗi chúng ta được gọi là môn đệ của Chúa cần có lòng tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, nhất là trong những lúc bão tố cuộc đời, cùng đi với Chúa, chúng ta sẽ cảm thấy bình an.
Lạy Chúa, lòng tin của chúng con còn yếu kém, xin Ngài củng cố và ban ơn nâng đỡ để không gì ngăn bước con đến với Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho