28.01.2019
THỨ HAI TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
Thánh Tôma Aquinô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Mc 3,22-30
Lời Chúa:
“Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha…” (Mc 3,28).
Câu chuyện minh họa:
Người ta kể, một hôm có một chàng thanh niên đến gặp Cha Placido Viccardi, dòng Biển Đức, ở Italia, để xin xưng tội. Chàng thanh niên này quì xuống và thưa với Cha Viccardi:
– Thưa Cha, con là kẻ tội lỗi khốn nạn nhất, vì con đã phạm đủ mọi thứ tội.
Cha Viccardi đáp:
– Đúng, con đã phạm đủ mọi thứ tội, nhưng con không phải là kẻ có tội khốn nạn nhất, vì có một tội nặng nhất mà con đã không phạm tội ấy.
Chàng Thanh niên ngẩng đầu lên nhìn Cha Viccardi ngạc nhiên hỏi:
– Thưa cha, làm sao Cha biết? Tội đó là tội nào vậy?
Cha Viccardi trả lời:
– Tội nặng nhất mà con đã không phạm, đó là con đã không nghi ngờ và thất vọng về lòng từ bi của Chúa. Sở dĩ Cha biết như thế, vì nếu không, thì con đã không đến đây để xin lãnh nhận Bí Tích Giải Tội. Vậy nhân danh Đấng giầu lòng từ bi và yêu thương mà con vẫn hằng tin tưởng cậy trông, Cha tha thứ hết mọi tội lỗi cho con. Con hãy về, và cố gắng đền đáp lòng yêu thương tha thứ của Chúa nhé.
Suy niệm:
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tuyên bố, những kẻ phạm đến Chúa Thánh Thần thì không được tha. Vậy tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội nào? Đó là tội qui về cho ma quỉ, những việc của Thiên Chúa, hay nói khác đi là việc dám đồng hoá Chúa, nguồn mạch của mọi sự nhân lành, với Satan, nguồn mạch của mọi sự dữ và nhất là chúng ta đánh mất lòng cậy trông vào Chúa.
Điều kiện duy nhất để một tội nhân được tha là phải thật lòng ăn năn thống hối. Người phạm đến Chúa Thánh Thần, không còn tin tưởng và cậy trông nữa, họ không ăn năn thống hối, vì thế họ không được tha thứ.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết cậy trông vào Chúa; nhất là khi phạm tội, xin cho chúng con biết thống hối thật sự để được Chúa thứ tha.
29.01.2019
THỨ BA TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
Mc 3,31-35
Lời Chúa:
“Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mc 3,35)
Câu chuyện minh họa:
Nàng là một thiếu nữ trẻ đẹp, đã đính hôn với một chàng trai, và đang chờ đợi ngày làm lễ thành hôn. Thế rồi một hôm, bỗng nàng cảm thấy đau ở tay. Nàng đến gặp một Bác Sĩ. Sau khi đã khám nghiệm, Bác Sĩ cho biết, nàng mắc bệnh phong cùi. Thế là số phận của nàng cũng như bao nhiêu người cùi khác, đó là phải vào sống trong một trại cùi, được thiết lập ở một nơi xa xôi hẻo lánh, tách biệt khỏi gia đình và xã hội.
Hôm ấy người ta chở nàng đến trại cùi. Vừa đến nơi, thấy những người đàn bà rách rưới bẩn thỉu, nàng bật khóc và tinh thần xuống tột độ. Sự tuyệt vọng đã hiện rõ nét trên khuôn mặt xinh xắn của nàng. Những người đưa nàng đến đây đều có cùng một ý nghĩ là, có thể nàng sẽ tự tử.
Nhưng may thay, mấy ngày hôm sau, một vị Thừa sai đang phục vụ trong trại cùi đã đến xin nàng giúp ngài săn sóc cho những người cùi khác.
Một tia hy vọng đã lóe lên trong đầu nàng. Từ đó, nàng bắt tay vào việc bằng cách mở lớp dạy chữ cho các em cùi và những người lớn chưa biết chữ. Nàng cũng hướng dẫn những phụ nữ có con. Cách chăm sóc và nuôi nấng con cho chu đáo.
Nhưng điều mà nàng làm, đã thay đổi hẳn bộ mặt của trại cùi một cách rõ nét nhất đó là những buổi sinh hoạt mà nàng đứng ra hướng dẫn. Nhờ cây đàn Accordion mà nàng được các vị thừa sai sắm cho, nàng đã tạo được một bầu không khí vui nhộn cho cả trại cùi.
Ít lâu sau, người ta hỏi cảm tưởng của người thiếu nữ Ấn kia, khi nàng vừa mới đến trại, Nàng tâm sự: “Khi vừa mới đến đây, tôi bắt đầu hồ nghi Thiên Chúa. Tôi không biết rằng có Thiên Chúa hay không nữa. Vì nếu có Thiên Chúa là tình thương, mà sao Ngài lại để cho con người khổ sở như thế này. Nhưng bây giờ thì tôi biết đó là ý Chúa. Và trường hợp của tôi là Ngài muốn cho tôi ở đây, để làm vơi đi nỗi sầu khổ của nhiều người ở đây. Vì thế, tôi không còn buồn nản như lúc mới tới đây nữa, mà tôi hân hoan thực thi ý của Chúa. Bao lâu tôi còn sống tôi sẽ cảm tạ Chúa vì Ngài đã dắt tôi tới đây.”
Suy niệm:
Trong cuộc sống, nếu chúng ta biết ý thức tha nhân là anh em, và phục vụ họ như phục vụ chính Chúa, đó mới là người môn đệ đích thực và là người nhà của Chúa Kitô.
Lời Chúa hôm nay mở ra cho chúng ta một chân trời mới: chúng ta thuộc về một gia đình cao sang hơn gia đình trần gian này. Nhiều người trong chúng ta hầu hết thuộc dòng dõi quý tộc: mang họ Nguyễn, Lê, Trần… Và chúng ta lấy làm hãnh diện vì dòng họ của mình. Nhưng người Công giáo còn được thuộc về một dòng họ cao quí hơn nhiều, đó là được làm con Thiên Chúa. Người còn ban cho chúng ta một gia tài cao cả đó là Lời Chúa, và cái quan trọng hơn, quí giá hơn, đó là Ngài hằng ở với ta.
Lạy Chúa, xin cho con biết coi trọng địa vị cao sang Chúa dành cho con là thuộc về gia đình của Ngài, khi lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa.
30.01.2019
THỨ TƯ TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
Mc 4,1-20
Lời Chúa:
“Người gieo giống đi ra gieo giống….” (Mc 3,3)
Câu chuyện minh họa:
Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagayad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi “Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không?”. Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời “Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã”… Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua “Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng hạ thần đã hiểu được”… Giác ngộ đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi chân lý”
Suy niệm:
Hôm nay Chúa muốn cho chúng ta biết giá trị của việc lắng nghe Lời Chúa không phải chỉ nghe là đủ nhưng là đem ra thực hành và làm cho sinh nhiều hoa trái. Bên cạnh đó, Ngài cũng cho chúng ta thấy những trở ngại trong việc lắng nghe Lời Chúa: có những hạt rơi bên vệ đường bị satan quấy phá; hạt rơi nơi sỏi đá làm cho chúng ta không kiên trì lắng nghe Lời Chúa khi cuộc đời gặp những gian nan, khó khăn; và hạt rơi trong bụi gai là những đam mê, vinh hoa giàu sang đã bóp nghẹt lời; nhưng có loại hạt rơi nơi đất tốt, là mảnh đất chứa đựng sự khiêm tốn lắng nghe khi biết thinh lặng bên Chúa.
Trong thinh lặng, chúng ta xét xem tâm hồn mình thuộc mảnh đất nào: sỏi đá, gai góc hay đất tốt?
Lạy Chúa, Chúa luôn mong muốn những gì Chúa gieo vãi được nảy nở và sinh nhiều hoa trái, xin cho tâm hồn chúng con luôn là mảnh đất tốt, màu mỡ để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng và sinh hoa trái dồi dào.
31.01.2019
THỨ NĂM TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
Thánh Gioan Bosco, linh mục
Mc 4,21-25
Lời Chúa:
“Người nói với các ông: “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao? (Mc 4,21)
Câu chuyện minh họa:
Buổi chiều, người nọ lấy cây nến nhỏ từ trong hộp ra và leo lên tầng tháp cao. Cây nến hỏi:
– Chúng ta đi đâu?
– Đi lên cao hơn để chỉ đường cho tàu bè vào cảng.
– Nhưng tôi nhỏ bé thế này làm sao tàu bè thấy được?
– Chỉ cần ngươi cứ cháy sáng thôi, còn mọi việc ta lo.
Tới đỉnh tháp, người nọ đặt cây nến vào trong một cái đèn có ghép những tấm kính phản quang. Nhờ đó, ánh sáng lan tỏa và mọi tầu bè đều thấy.
Chúng ta cũng là cây nến trong tay Thiên Chúa. Chỉ cần ta cháy sáng, còn kết quả là ở Thiên Chúa.
Suy niệm:
Lời Chúa quả có sức chiếu sáng rất mạnh. Chỉ tiếc rằng Lời Chúa rót vào tai một số người giống như dầu châm vào những cây đèn không chịu cháy sáng nên cũng vô ích. Bà Chiara Lubich nói: “Chúng ta phải sống thế nào để cho dù các sách Tin Mừng trên khắp thế giới có bị đốt hết đi thì người ta nhìn vào cuộc sống chúng ta vẫn có thể chép lại Tin Mừng ấy đúng từng câu, từng chữ”.
Lý do hiện hữu của cây đèn là để soi sáng. Vậy khi cây đèn không soi sáng nữa, thì nó không còn phải là cây đèn nữa. Cũng thế, lý do hiện hữu của người Kitô hữu là phải tỏa sáng niềm tin của chúng ta, để cho người khác, nhờ ánh sáng đó mà được dẫn đưa đến chân lý và hy vọng. Việc làm chứng cho Đức tin trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, không phải là một việc làm tùy ý, nhưng đó là một đòi hỏi tất yếu, bao trùm tất cả cuộc sống Kitô hữu của chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho mọi Kitô hữu, luôn ý thức tầm quan trọng của việc sống niềm tin; và quyết tâm sống niềm tin ấy, để mỗi người trở thành những ngọn đèn được thắp sáng giữa môi trường mà chúng ta đang sống.
01.02.2019
THỨ SÁU TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
Mc 4,26-34
Lời Chúa:
“Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết.” (Mc 4,26-27)
Câu chuyện minh họa:
Một ngày kia, một tông đồ giáo dân dẫn tôi đến gia đình của một người làm nghề kéo xe lôi. Đến đấy tôi nhận được một món quà hết sức bất ngờ và rất to lớn: Cả nhà gồm vợ chồng và 7 đứa con xin theo đạo. Khi được hỏi lý do thì người chồng cho biết: Mười mấy năm trước khi còn nhỏ, anh học trường các sư huynh Lasan và đã có lòng mộ mến Đạo Chúa. Lòng mộ mến ấy vẫn âm ỉ trong lòng anh. Tuần trước khi anh gặp người tông đồ giáo dân này, tàn lửa âm ỉ đó bỗng bùng lên thành một ngọn lửa thôi thúc anh phải xin theo Chúa.
Suy niệm:
Chúa Giêsu dùng những câu chuyện đời thường để giảng dạy những điều bí ẩn về Thiên Chúa. Dụ ngôn hạt giống để khơi lên niềm hy vọng, bất chấp tất cả: những giới hạn của bản thân, tội lỗi của con người, hoàn cảnh… nhưng với ơn Chúa nó sẽ lớn mạnh và triển nở.
Tâm hồn con người là một mảnh đất, gia đình cũng là mảnh đất, nơi gieo trồng và nảy mầm hạt giống đức tin. Thiên Chúa đã gieo hạt giống của Ngài, để cùng với ân sủng và sự trợ giúp của Ngài mà hạt giống âm thầm phát triển, trổ sinh hoa trái. Trong quá trình lớn lên của hạt giống, không thể tránh khỏi những khó khăn, thử thách, chúng ta cứ tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài sẽ giúp chúng ta vượt thắng.
Lạy Chúa, xin giúp con sống tốt ơn gọi Kitô hữu mỗi ngày để những gì Chúa muốn con thực hiện đều đẹp ý Chúa.
02.02.2019
THỨ BẢY TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh
Lc 2,22-40
Lời Chúa:
“Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa” (Lc 2,22)
Câu chuyện minh họa:
Câu chuyện của một thầy giáo già kể: Trước khi bắt đầu các lớp học, thầy thường đứng trước mặt các học sinh và cúi đầu chào. Thầy luôn làm thế với thái độ rất trân trọng. Một này nọ, có vài người hỏi thầy rằng tại sao thầy lại làm thế? Thầy trả lời rằng: Thầy làm như vậy, bởi vì thầy không biết bao nhiêu trẻ học sinh sau này sẽ thành đạt. Thầy đã nhận thấy mỗi học sinh giống như một kho tàng ẩn dấu và thầy đã cúi chào trong sự tin tưởng rằng có nhiều học sinh sẽ thành công và thành đạt xứng đáng sự tôn kính trong tương lai cuộc sống. Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta một tiềm năng để trở nên vĩ đại.
Suy niệm:
Mỗi bào thai, mỗi con người bé nhỏ đều do Thiên Chúa tạo dựng và chúc phúc, vì thế chúng ta cần nâng niu và yêu thương, vì nơi các trẻ em này chứa đựng nhiều tiềm năng mà Thiên Chúa ban cho. Cụ già Simêon đã ẵm Hài Nhi Giêsu cách cung kính vì ông đã được Thánh Thần linh báo về Người. Ngày ngày ông chuyên chăm cầu nguyện trong đền thờ và mong chờ ơn cứu độ. Và chính ông đã đại diện cho toàn dân chứng kiến giây phút Đấng Cứu Độ đến viếng thăm dân Người. Thiên Chúa vĩ đại đã trở nên bé nhỏ trong vòng tay của những người tin và mong chờ ơn cứu độ.
Chúa Giêsu đã cảm thông với con người bằng chính cuộc sống của Ngài. Ngài đã trải qua những khó khăn, thử thách, khổ đau… của con người, kể cả cái chết và ngài đã sống lại để mang lại niềm hy vọng cho những ai tin tưởng nơi Ngài. Mỗi Kitô hữu chúng ta có xác tín niềm hy vọng ấy không?
Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã xuống thế làm người, sống giữa loài người và chia sẻ thân phận con người như chúng con, chắc hẳn Ngài cảm nhận thân phận yếu đuối của con người như thế nào. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết tin tưởng và cậy trông vào tình yêu của Chúa như cụ già Simêon hằng trông ngóng một Đấng Cứu Tinh sẽ đến và ông đã tận mắt chứng kiến Ơn Cứu Độ.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho