Trong quan điểm cổ truyền của văn hóa Việt Nam, đi tu có nghĩa là từ bỏ trần thế và nhân duyên trần thế.
Rộng hơn là quan điểm về tu của khu vực Á Đông, tùy từng nền văn hóa của mỗi nước, quan niệm về tu có những đặc trưng riêng. Tuy nhiên, các nước khu vực Á Đông trong quan niệm tu lại chung một sự ảnh hưởng không nhỏ của Phật giáo. Đối với Giáo hội Công giáo lại có những nét khác biệt, thay vì bỏ đời, lánh đời, trốn tránh đời, người tu sĩ Công giáo lại chủ trương vào đời, hay hơn nữa là yêu đời, yêu đời trong đời sống độc thân với Tình Yêu của Thiên Chúa. Ơn gọi tu trì, thực sự là một huyền nhiệm đối với con người.
Thế kỷ XXI, thế kỷ của toàn cầu hóa, thế kỷ của trí tuệ và sự phát triển siêu việt trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đã nâng cao mạnh mẽ đời sống của con người. Nó đáp ứng hầu hết nhu cầu căn bản về đời sống vật chất của con người. Từ những thành quả mà thời đại mang tới, con người đã chầm chậm tạo ra những trào lưu hưởng thụ vô bờ, có khi quên đi những giá trị căn bản nền móng cho một xã hội văn minh. Nhiều bạn trẻ lao mình vào những cuộc chơi trác táng với lý lẽ con người chỉ sống một lần, cứ thả ga hưởng thụ để rồi khi chết đi không phải hối tiếc. Với lối suy nghĩ đó, đối với họ, đi tu là cả một điều khủng khiếp, thậm chí đó là một “từ mới” đối với một số người. Tại sao phải từ bỏ một cuộc sống tự do phóng khoáng, những quan hệ xã hội tuyệt vời để sống một môi trường gò bó, giờ giấc nghiêm ngặt với những câu kinh lặp đi lặp lại chán ngắt? Tại sao ở ngoài đời lập gia đình, anh chị cũng có thể cống hiến và phục vụ xã hội, có khi mạnh mẽ và thiết thực hơn mà anh chị lại đi tu, sống cô quạnh độc thân, trong tu viện tĩnh lặng đến đáng sợ như vậy để làm gì ? …
Có hàng ngàn câu hỏi tại sao, tại sao, để chất vấn một tu sĩ nhằm cố gắng giải thích bằng được, theo lý lẽ lập luận của con người. Nhưng không, đáp lại những câu hỏi oái ăm, những triết lý con người, người tu sĩ giải đáp bằng hai chữ Tình Yêu. Đơn giản đến thế sao ?
Nhà thơ Nguyễn Phước Tiến trong bài thơ Tình Yêu đã lặp đi lặp lại hai câu thơ để xuyên suốt bài thơ ba khổ của mình:
“Tình yêu là gì hở nhỏ?
Anh không định nghĩa được đâu”
Tình yêu khác giới là một đề tài muôn thủa, mà con người đã chi dùng không biết bao nhiêu giấy mực để viết về nó. Trong thơ văn, tình yêu được bay bổng và lý tưởng hóa như những câu chuyện cổ tích đẹp tuyệt vời khiến người ta phải trầm trồ thán phục. Trong phim ảnh, tình yêu đó lại càng được thăng hoa bởi nó được cảm nhận bằng cả tâm hồn. Trong nghệ thuật, tình yêu giữa con người với con người đã được xây dựng đa dạng, phong phú và đầy đủ cung bậc cảm xúc. Trong cuộc sống, tình yêu con người với con người có lẽ cho ta nhìn đa chiều và gần nó hơn. Một mối tình có thể xuất hiện một loạt cảm xúc tích cực cũng như tiêu cực: chán, ghét, yêu, thích, tức giận, hung phấn,… trong suốt quãng thời gian hữu hạn mà cuộc tình đó tồn tại. Hai người yêu nhau, nói chuyện với nhau mỗi ngày, có khi là mỗi giờ, nhìn nhau mỗi ngày, bên nhau mỗi ngày, bằng cách này hay cách khác. Họ có thể trao cho nhau hơi ấm vật lý trực tiếp và những lời nói hành động để động viên nhau, cùng nắm tay nhau để vượt qua những khó khăn trong đời sống hôn nhân. Vậy mà, có đôi khi hay có thể là nhiều khi, hai người, hai vợ chồng vẫn mâu thuẫn và tranh cãi, gây lộn với nhau. Ơn gọi tu trì xuất phát từ tiếng gọi của Thiên Chúa, một âm thanh vô hình mà không một nhà khoa học vĩ đại nào có thể đo được tần số. Tiếng gọi vô hình đó đã là động lực cho hàng triệu người dấn thân dâng mình cho Chúa bằng nhiều phương cách khác nhau. Hai người bằng xương bằng thịt yêu nhau, có khi những chênh lệch về nhiều mặt đôi khi còn là điều lạ và bí ẩn cho nhiều người. Thì ở đây, ơn gọi tu trì là mối liên kết mật thiết giữa một con người bằng xương, bằng thịt, bằng sự lưu thông máu trong cơ thể để sống, với một Thiên Chúa toàn năng, Đấng Vô Hình và Hiện Hữu mọi nơi. Tự bản chất Thiên Chúa vô hình đã là một mầu nhiệm cao siêu, một bí ẩn không có lời giải thích rõ ràng, thì tình yêu giữa một con người và Đấng Vô Hình đó lại trở nên điên dại và ảo tưởng trong suy nghĩ của nhiều người. Càng cố gắng giải thích thì các rối và đi vào ngõ cụt của những câu hỏi tại sao.
Ngược dòng lịch sử về những năm cuối của thể kỷ XII – đầu thế kỷ XIII, ở nước Ý, cậu thanh niên Phanxico từ con của một quý tộc giàu có nhất nhì thành Assisi đã bác bỏ quyền làm cha của chính cha mình và chúc thư thừa kế gia sản kếch xù để ra đi lên đường theo tiếng gọi của Thiên Chúa phục vụ người nghèo. Sự ngăn cản kịch liệt của người cha cũng không đủ để xoay dời khao khát dấn thân của Thánh Nhân.
Ngày nay, hàng triệu nữ tu xinh đẹp, trong sáng, trình độ cao,… đã hằng ngày, hằng giờ yêu mến và gọi Chúa Giê-su là phu quân, là người bạn đời trong suốt cuộc đời của mình. Qua hơn hai ngàn năm, vô vàn trang sách đã ghi lại sự phản đối của gia đình và xã hội đối với chọn lựa dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa của biết bao tu sĩ. Đây chắc chắn là chủ đề lớn và cũng là mê cung lớn cho khoa học vô thần, càng gỡ càng rối, càng đi càng lạc lối và kết luận chỉ là một dấu hỏi to đùng trong tâm trí khi nghĩ tới đời sống và ơn gọi tu trì.
Trong sứ điệp nhân ngày thế giới cầu cho ơn thiên triệu lần thứ 46, Đức Thánh Cha Benedicto XVI viết: “Đời sống thánh hiến là một ân huệ đặc biệt của Thiên Chúa nằm trong kế hoạch tình yêu và cứu độ bao la của Thiên Chúa đối với mỗi người và toàn thể nhân loại.” Với con mắt và suy nghĩ duy lý biện chứng thì tuyệt nhiên không thể nhận ra và hiểu được “ân huệ đặc biệt” đó, nhưng qua con mắt đức tin và các biến cố của cuộc đời mà Thiên Chúa ấn định. Tự bản thân cá nhân được chọn lựa đáp lại tiếng gọi vô hình đó và dấn thân vào ơn gọi tu trì, dâng mình cho Thiên Chúa. Có lẽ bằng ngôn từ có hạn, suy tư nông cạn của mình, thì tôi không đủ kiến thức và lập luận để đi sâu hơn nữa vào ơn gọi tu trì, tiếng gọi thiêng liêng và vĩ đại, một huyền nhiệm sâu xa khó hiểu nhưng hiện hữu sừng sững giữa xã hội bằng đời sống thánh hiến của biết bao cuộc đời, biết bao trái tim đang thao thức, bền bỉ, chung nhịp đập với Đức Ki-tô là người bạn đời tuyệt vời của các tu sĩ.
Tin chắc rằng, Thiên Chúa là Vua Tình Yêu luôn có cách để “tỏ tình” với những người trẻ đang quan tâm đến Ngài qua việc cầu nguyện, hy sinh, siêng năng kinh nguyện sớm hôm và các sinh hoạt giáo xứ cũng như cố gắng mài giũa nhân cách của mình trong mọi môi trường sống. Để rồi từ đó, Ngài quyến rũ triệu hồi họ trở thành bạn, thành môn đệ kiên trung, bước đi vững vàng trong ơn gọi huyền nhiệm, ơn gọi tu trì.
G.B Tin Nguyen – Đệ tử SVD.