Linh mục Micae Nguyễn Khắc Minh
Hậu Đại hội Ủy ban Loan báo Tin Mừng toàn quốc!
Cần Thơ, 13/10/2022
Ngày 19/3/2022, lễ thánh Giuse, Đức Thánh Cha đã công bố văn bản của Tông Hiến “Praedicate Evangelium” – Anh em hãy rao giảng Tin Mừng. Tông Hiến mới mang đến cho Giáo triều Roma một cơ cấu có tính truyền giáo hơn để có thể phục vụ các Giáo hội địa phương và việc loan báo Tin Mừng tốt hơn.
Trong Tông huấn này, Đức Thánh Cha Phanxicô đặt Cơ quan Loan báo Tin mừng đứng vị trí thứ nhất, vượt lên trên cả Bộ Giáo Lý Đức Tin, và Cơ quan này lại do chính Đức Giáo hoàng đảm nhận vai trò Tổng trưởng. Như thế Đức Thánh Cha nhấn mạnh cho thế giới và mọi Kitô hữu ngày nay biết rằng sứ mạng căn bản của Giáo Hội là rao truyền sứ điệp Chúa Giêsu Kitô, truyền bá Tin Mừng cho hết mọi người mọi nơi.
Trong Đại Hội Truyền Giáo toàn quốc của Ủy ban Loan báo Tin Mừng tổ chức tại Long Xuyên 27-29/9/2022 vừa qua có rất nhiều bài chia sẻ thao thức và nhiều ý kiến đóng góp rất tha thiết cho việc Loan báo Tin Mừng (LBTM). Chẳng hạn:
– Đức TGM Giuse Nguyễn Năng, TGP Sài Gòn ngậm ngùi: Từ hơn 50 năm qua, tỷ lệ người Công giáo cả nước cũng chỉ là khoảng 7%, có địa phương còn sụt giảm, dù có biết bao nhiêu đại hội và khẩu hiệu, rồi đâu cũng lại vào đấy.
– Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, GP Mỹ Tho gợi lên thắc mắc: Làm sao để thúc đẩy giáo dân có lòng nhiệt thành truyền giáo?
– Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Gp Vinh: Làm sao có lửa để truyền giáo?
– Cha Đaminh Ngô Quang Tuyên: Ta đang lãng quên nguồn nhân lực dồi dào để truyền giáo: đó là giáo dân.
– Cha Giuse Thắng (Sài Gòn) ngẫm nghĩ: Có nhiều Linh mục, nhưng được mấy người trong số họ nhiệt tâm trong việc LBTM…?
Còn nhiều ý kiến khác nữa, nhưng nhìn chung đều nói lên khao khát truyền giáo.
Chúa Giêsu khao khát: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những mong ước phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). Truyền giáo mang tính khát khao, cấp bách và nóng hổi.
Trong tâm tình thao thức làm sao việc Loan Báo Tin Mừng có hiệu quả, chúng ta thử gợi lên vài suy tư:
- GIÁM MỤC GIÁO PHẬN.
– Muốn truyền giáo hiệu quả tốt nhất phải do người đứng đầu từ trên xuống. Đức Giáo hoàng đã đứng đầu Cơ quan Truyền Giáo (Dicastero), vậy các giám mục giáo phận cũng phải là người đứng đầu và đảm trách công việc LBTM của giáo phận. Dĩ nhiên là có các linh mục chuyên trách cộng tác, Nhưng trách nhiệm truyền giáo của giáo phận trước tiên phải là do Đức Giám mục.
– Đức Giám Mục giáo phận cố gắng dành phần lớn thời gian và nhân lực vật lực cho truyền giáo. Đặc biệt chú ý và nâng đỡ các nơi các linh mục vùng truyền giáo sâu xa… Tìm mọi cách quan tâm nâng đỡ việc truyền giáo: Thăm viếng, hỗ trợ nhân sự, tài chính, tổ chức gặp mặt các dự tòng theo giáo phận, theo hạt thường niên, định kỳ… Có được sự nâng đỡ và quan tâm của người đứng đầu, chắc chắn công việc truyền giáo sẽ phát triển mạnh.
- CÁC CHỦNG VIỆN
– Muốn giúp giáo dân có ý thức truyền giáo thì trước hết các linh mục phải là những người có đầy lòng nhiệt huyết truyền giáo. Mà nhiệt huyết truyền giáo này ở đâu ra? Chắc chắn phần nhiều là nơi được đào tạo và huấn luyện: Đó là Chủng viện.
– Các linh mục càng có sứ vụ quan trọng thì các Chủng Viện lại càng phải có trách nhiệm nặng nề hơn. Ước mong các chủng sinh được đào tạo để trở thành những linh mục thao thức và quyết tâm truyền giáo ra đi vùng ngoại biên, chứ không phải được đào tạo chỉ để thành những nhà quản lý chỉ biết quản trị họ đạo có sẵn.
– Muốn vậy, các cha giáo sư không chỉ là gương sáng về đạo đức thánh thiện, thông thái uyên bác, mà còn phải là gương sáng đặc biệt về truyền giáo. Như thế, nhất định các cha giáo phải nên có kinh nghiệm về truyền giáo, phải là những người đã từng trải nghiệm truyền giáo một thời gian ở các giáo điểm nghèo khổ sâu xa, phải có kinh nghiệm tiếp xúc với người ngoại… Lúc đó các ngài mới có chất để nói về truyền giáo, và lời nói các ngài mới mạnh, cũng như làm gương sáng về truyền giáo cho chủng sinh.
– Các thầy rất nên thực hành mục vụ tại các giáo điểm truyền giáo nghèo.
III. CÁC LINH MỤC
– Các linh mục phải là trưởng ban truyền giáo của họ đạo
– Các linh mục là những người trực tiếp lãnh đạo giáo xứ, trực tiếp với giáo dân, nên nếu như các linh mục có nhiệt huyết truyền giáo thì chắc chắn toàn giáo xứ sẽ hướng về truyền giáo.
– Các linh mục được nhận Bí tích Truyền Chức Thánh để làm gì? Để được sai đi LBTM. Để chăm sóc đàn chiên Chúa, và còn cả các con chiên không thuộc ràn này (Ga 10,16), và còn để đến với vùng ngoại biên (trích Niềm Vui Tin Mừng)…
– Các linh mục cố gắng dành phần lớn thời gian của mình cho việc truyền giáo: Cầu nguyện cho việc truyền giáo, suy tư thao thức tìm phương thế nào để truyền giáo tốt nhất trong hoàn cảnh giáo xứ của mình, dành thời gian đến với muôn dân, đi thăm viếng, kể cả người ngoại…
– “Ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: Mọi người đang tìm Thầy!”. Chúa Giêsu muốn đi đến nhiều nơi. Vì vậy “Người bảo các ông : Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó. Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ”. (Mc 1, 35-39)
– Cảm nghiệm sâu xa bước chân Chúa Giêsu đi về vùng ngoại biên, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Tôi thích một Giáo Hội bị bầm dập, bị thương tích và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, hơn là một Giáo Hội yếu nhược vì tự giam mình và bám víu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Giáo Hội quan tâm đến việc được ở vị thế trung tâm và rồi rốt cuộc bị vướng mắc vào một mạng lưới của những nỗi ám ảnh và thủ tục” (EG 49).
– Tổ chức Chầu Thánh Thể, cầu nguyện, giảng dạy trong Thánh lễ, dạy giáo lý… hướng ý để gây ý thức truyền giáo…
– Sinh hoạt các hội đoàn trong giáo xứ Legio Mariae, Cursillo, Khôi Bình, Dòng Ba, Giới Trẻ, Thiếu Nhi, Gia Trưởng Hiền Mẫu… đều phải nhắc nhở và nhấn mạnh đến việc truyền giáo. Các hội viên hội đoàn không dừng lại ở chỗ thánh hóa mình, nhưng còn ý thức việc mang Tin Mừng đến cho người khác, đem niềm vui hạnh phúc đến cho người khác.
– Hội Đồng Giáo Xứ kiêm luôn Ban Truyền Giáo, hoặc Ban Truyền Giáo phải là chủ yếu trong cơ cấu giáo xứ. Các khu đều có ban truyền giáo. Các giới đều có ban truyền giáo. Tổ chức nhóm tình nguyện thăm viếng truyền giáo lưu động len lỏi vào các con hẻm, ngõ ngách, vùng sâu xa…Tạo nên một bầu khí khu khu truyền giáo, nhà nhà truyền giáo, người người truyền giáo…
– Mỗi ban, nhóm, khu truyền giáo đều có sổ sách ghi lại nhật ký hàng ngày, hàng lần… và họp lại mỗi tuần một lần với cha sở để cầu nguyện, báo cáo, đúc kết định hướng tiếp theo…
– Năng thăm viếng người nghèo, sâu xa, bị bỏ rơi và không quên làm việc bác ái giúp đỡ….
– Tổ chức các hoạt động có định hướng truyền giáo như: Một Gia đình Công Giáo kết thân với một gia đình chưa Công giáo, Nhóm công giáo tìm chơi với nhóm chưa công giáo, một người công giáo kết thân với một người ngoại…
– Huấn luyện từng nhóm nhỏ để truyền giáo, huấn luyện chuyên biệt về tâm lý, về giáo lý, về kỹ năng… rồi gởi các nhóm này đến thăm viếng, (sống được thì quá tốt) trong các vùng ngoại giáo để truyền giáo…
– Dạy giáo lý vững chắc cho giáo dân để giáo dân tự tin truyền giáo.
– Dĩ nhiên là cộng đoàn giáo xứ phải là nơi chan chứa yêu thương bác ái và huynh đệ.
– Không quên tìm kiếm và thành lập các giáo điểm mới. (Thấy chỗ nào xa xa có dân mà chưa có nhà thờ, hoặc điện đường trường trạm mới mở, gần chợ, gần trường, gần ủy ban…Ta lân la đến thăm…)
- CÁC GIÁO XỨ – GIÁO HẠT
– Cũng như các giám mục và linh mục, cha quản hạt phải là trưởng ban truyền giáo hạt mình phụ trách.
– Các xứ nên kết nghĩa thân thiết với nhau. Nhất là xứ lớn kết thân với xứ nhỏ, để cầu nguyện cho nhau, giao lưu học hỏi các giới và nhất là giúp nhau trong việc truyền giáo. Xứ lớn giúp xứ nhỏ về nhân lực vật lực, chia sẻ kinh nghiệm… xứ nhỏ giúp xứ lớn có cơ hội truyền giáo…
– Tổ chức thành nhóm, hạt…. lễ truyền giáo riêng cho dự tòng…. hội giao lưu…
- GIÁO DÂN
– Trong Tông hiến Praedicate Evangelium, Đức Phanxicô đã nhắc lại, ngay trong Lời mở đầu, vai trò quan trọng của người giáo dân, tức là những ai đã lãnh bí tích rửa tội: “Đức giáo hoàng, các giám mục và những người lãnh nhận chức thánh không phải là những người duy nhất loan báo tin mừng trong Giáo hội… Mỗi Kitô hữu, với quyền năng của Bí tích thanh tẩy, là một tông đồ truyền giáo trong chừng mực gặp gỡ tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô“.
– Ráng tranh thủ dành thời gian cầu nguyện cho việc truyền giáo… Đọc Thánh Kinh, Giáo lý…
– Ý thức truyền giáo trong mọi hoàn cảnh mọi cơ hội mọi lúc mọi nơi… công ty, xí nghiệp, văn phòng, trường học… bằng đời sống tốt, bác ái và hiền lành…
– Tham gia các chương trình huấn luyện đạo đức, chuyên đề, hội đoàn của cha sở, nhà thờ…
– Tham gia trong các nhóm bạn hữu, ngành nghề, theo giới, theo tuổi, cùng trang lứa… để dễ đồng cảm và truyền giáo cho nhóm hội….
- CHÚA THÁNH THẦN
– Tất cả giáo phận, giáo hạt, giáo xứ, giáo điểm… đều phải có một chương trình rõ ràng, một chiến lược cụ thể, ai thực thi, thực thi cách nào? Nhóm nào? Theo phương pháp nào?… Ví dụ: Trong 10 năm nữa giáo xứ sẽ tăng 5% dự tòng, với chiến lược cụ thể một kèm một: hai năm đầu tìm kiếm, hai năm sau tiếp cận, hai năm sau kết thân, hai năm sau học giáo lý,…
– Chăm sóc sau rửa tội cũng là một việc truyền giáo rất thiết yếu, không thể bỏ. Ta đã chăm sóc lúc dự tòng, thì phải tiếp tục chăm sóc và đồng hành thời gian Tân tòng. Chương trình 5 năm đầu đời tân tòng, hay 10 năm đầu đời rửa tội…
– Ta làm hết sức mình, nhưng chính Chúa Thánh Thần hoạt động. Kết quả là do Chúa. Thánh Phaolô nói: “Tôi trồng, Apollo tưới, nhưng Thiên Chúa cho lớn lên” (1Cr 3,6). Vì thế ta luôn ý thức mình chỉ là dụng cụ nhỏ bé, còn chính Chúa làm. Ta không quên cầu xin ơn Chúa. Ta không nản lòng dù muôn vàn khó khăn…Càng truyền giáo ta càng bị phá, càng thành công ta càng bị cản trở. Ma quỷ không để ta yên. Ma quỷ không chịu ngồi yên nhìn các linh hồn về với Chúa đâu. “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé”. (1 Phêrô 5:8)
VII. CÁCH THÀNH LẬP GIÁO ĐIỂM
Ngày nay, Việt Nam là nước đang phát triển, vì thế đường phố mở mang, giao thông thoáng, nhiều cụm dân cư thành lập, thị trấn, đô thị được thành lập nhiều…
Vậy ta hãy tìm đến nơi nào có đông dân cư sinh sống, hoặc nơi nào có chợ, thị trấn, trường học, ủy ban, bệnh viện, công ty… ta tìm cách lập giáo điểm.
1/ Tìm kiếm:
– Đầu tiên, ta lân la làm quen, hỏi dò xem ở khu vực này có ai, gia đình nào đạo Chúa không? Nếu có thì quá tốt, ta sẽ nhờ họ giúp đỡ để cùng nhau truyền giáo.
– Cách thứ hai là ta cứ đi dọc theo các con đường, khu dân cư, nhìn vào các nhà dân, nếu thấy nhà nào có bàn thờ Chúa thì vào.
– Hoặc ta có thể nhờ người bán vé số, chạy xe ôm, hỏi dò xem khu vực này có ai đạo Chúa mới chuyển tới…
– Hoặc ta tìm đến các cán bộ khu phố, tổ khu vực… hỏi dò về tình hình tôn giáo hoặc người mới về có đạo Công giáo…
– Hoặc ta có thể gặp những người già cả, nghèo khổ bán vé số, xe ôm, bán lặt vặt này kia ngoài chợ…, ta mua cho họ, và làm quen với họ…
2/ Tiếp cận:
– Nhân dịp Noel, Tết…. ta tặng các phần quà nhỏ cho người nghèo trong khu vực, ta nhờ cán bộ hoặc người dân đã quen biết tìm kiếm người nghèo dùm.
– Trong những người nghèo nhận quà đó, chắc chắn trước sau cũng có người có cảm tình với đạo, hoặc có bà con cô cậu chú dì dâu rể gì đó có đạo. Chúng ta bắt lấy những người này để làm quen, xin địa chỉ, số điện thoại, để giữ mối liên lạc và sẽ đến thăm riêng gia đình họ sau này.
– Rồi nhờ người này đi nói với người kia, người này đi kiếm người kia. Ta làm tốt tự nhiên họ sẽ theo.
– Thế là ta đã có được mối quan hệ tốt đẹp với nhiều bà con trong vùng đó.
3/ Thân mật.
– Sau đó ta có thể mở lớp Anh văn cho trẻ em, hoặc dạy kèm các môn cho con em họ. Hoặc cùng tham gia chơi cờ tướng, hoặc gặp gỡ nói chuyện nhiều hơn, họ quan tâm gì ta nghiên cứu tìm hiểu chủ để đó để nói chuyện chia sẻ với họ….
– Đến giai đoạn này ta có thể cho các nhóm truyền giáo của ta đến tiếp cận họ nhiều hơn. Chia sẻ công việc với mình. Một mình ta làm sẽ không nổi được hết.
– Ngoài ra ta cũng có thể tìm chơi thân với các ông già, người đứng đầu gia tộc thì sẽ dễ lấy lòng hết nguyên cả dòng họ. Hoặc ta có thể chơi với các trẻ em trước, cho chúng cái bong bóng, viên kẹo… từ đó họ thấy mình thương con cái họ, họ sẽ thương yêu mình, mà họ thương yêu mình rồi thì nói gì họ cũng nghe. (Đây là phương pháp thăm viếng bằng bong bóng của cha Fx ĐINH TRỌNG TỰ – Cần Thơ)
Cha Fx ĐINH TRỌNG TỰ
– Từ đó ta trở thành bạn thân thiết với họ và luôn nhớ 3 khía cạnh giúp đỡ họ: DÂN SINH- DÂN TRÍ- rồi mới tới DÂN ĐẠO. (Dân Sinh: giúp họ cuộc sống, cho học bổng, cho quần áo, cho gạo… Dân Trí: dạy cho họ biết kiến thức thêm, dạy học nhân lễ nghĩa trí tín, dạy họ giữ vệ sinh, bảo vệ sức khỏe, sống lịch sự trên dưới, hiếu thảo…. Dân Đạo: cuối cùng mới đưa họ đến đời sống đạo, đưa họ đến gặp gỡ Chúa Giêsu.)
4/ Thành Lập.
– Cuối cùng ta sinh hoạt với họ, thành lập điểm nhóm. Mượn nhà dân nào đó để sinh hoạt gặp gỡ. Gia đình người này phải là người có uy tín ảnh hưởng nhất vùng. Như thế việc truyền giáo sẽ dễ đạt kết quả cao nhất.
– Đầu tiên có thể giữ đúng thời khóa biểu mỗi tuần 1 lần, hẹn họ, quy tụ họ lại chơi thôi, nói chuyện chơi thăm viếng tếu táo.
– Thành thói quen gặp gỡ hàng tuần rồi ta kể chuyện thánh kinh, nói chuyện về tôn giáo thế giới, các vấn đề của con người, cuộc sống… và cuối cùng là dạy giáo lý cho họ.
– Khi đã ổn định hình thành rồi, ta làm hồ sơ thủ tục thành lập với chính quyền. Tuy cũng còn nhiều rắc rối nhưng xem ra, tùy theo vùng miền, bây giờ dễ hơn thời trước rất nhiều.
– Chắc chắn có rất nhiều khó khăn về đủ mọi mặt, bị hiểu lầm, chống đối, gieo tiếng xấu, kể cả lập biên bản…Nhưng trên đời này có gì có giá trị mà dễ dàng đâu, Những khó khăn đó sao sánh nổi giá trị của một linh hồn về với Chúa…Nên ta cứ làm, làm hoài, làm đến khi nào chết thì thôi. Không nở hoa lúc này thì cũng sẽ nở hoa lúc khác, vì ta còn làm với Chúa nữa, chứ không làm một mình.
Mong ước khó khăn nào ta cũng vượt qua để đem các linh hồn về với Chúa.
“Miễn là Đức Kitô được rao giảng” (Pl 1,18)
Xin Chúa giúp đỡ chúng ta!