Theo phúc trình của Đại học Barcelona ở Tây Ban Nha qua đó phân tích các nỗ lực đa phương nhằm chấm dứt xung đột vũ trang qua các cơ chế hòa bình, Giáo hội Công giáo hiện đang tham gia vào 8 cuộc đàm phán ở châu Phi, châu Mỹ và châu Âu.
Chuyến thăm Kiev của Đức Hồng Y Matteo Zuppi ngày 05 và 06/6 kéo dài chưa đầy 48 giờ, nhưng trong hai ngày đó, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý đã tổ chức các cuộc họp quan trọng, lắng nghe những lời chứng đau lòng và trực tiếp, biết được sự dã man do bạo lực vũ trang gây ra cho người dân Ucraina trong 16 tháng qua. Đức Hồng Y Zuppi đã đến Ucraina với tư cách là đặc phái viên của Đức Thánh Cha để khám phá khả năng thiết lập một cuộc đối thoại đưa đến hòa bình, và để đạt được mục tiêu này, ngài đã gặp tổng thống Ucraina, ông Volodymyr Zelensky.
Tiếp theo, trong hai ngày 28 và 29/6, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý đi Nga để tiếp tục thực hiện sứ vụ được Đức Thánh Cha trao phó. Những nỗ lực này là một phần các hoạt động ngoại giao và nhân đạo mà Tòa Thánh đã thực hiện từ khi bắt đầu cuộc chiến này, nhưng chúng không phải là những hành động đơn lẻ hoặc duy nhất.
Thực tế, hiện có hàng ngàn người đang tham gia vào 39 tiến trình hòa bình ở các vĩ độ khác nhau trên hành tinh, ở những nơi mà người ta cho rằng bạo lực như một cách giải quyết xung đột. Đây là những sáng kiến phức tạp, ngoài các bên tham gia cuộc xung đột, còn có sự tham gia của các bên thứ ba cùng nhau làm việc để đạt được một lệnh ngừng bắn và đạt được các giải pháp bền vững.
Một ví dụ về các cuộc đàm phán đã thành công là vào ngày 02/11 năm ngoái, chính phủ Ethiopia ký một thỏa thuận về hòa bình lâu dài với Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray, một nhóm chiến binh ở khu vực phía bắc Ethiopia, nơi xung đột bạo lực đã nổ ra từ cuối năm 2020. Thoả thuận liên quan đến việc chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch và một kế hoạch điều hành để thực hiện các cam kết của cả hai bên. Đại diện của Liên minh châu Phi, Cơ quan liên chính phủ về phát triển và cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ đã góp phần đạt được mục tiêu này và cam kết đồng hành cùng tiến trình hòa bình mong manh.
Những điều này và tất cả các nỗ lực ngoại giao, chính trị, quân sự, xã hội và nhân đạo khác đang diễn ra trên thế giới ngày nay được mô tả chi tiết trong báo cáo các cuộc đàm phán hòa bình trọng tâm 2022. Báo cáo về xu hướng và kịch bản. Đây là một bản tóm tắt toàn diện được chuẩn bị bởi các nhà nghiên cứu của Trường Văn hóa Hòa bình của Đại học Barcelona. Tài liệu cung cấp một cái nhìn tổng quan về các cuộc xung đột theo quốc gia và lục địa, mô tả các kịch bản khác nhau mà xung đột đang diễn ra.
Báo cáo phân tích cuộc chiến Tigray từ quan điểm của 15 quá trình và đàm phán đang hoạt động ở châu Phi, chiếm 39% tổng số nỗ lực toàn cầu. Châu Á chiếm 26% số các trường hợp đang hoạt động (10 tiến trình hòa bình), châu Âu chiếm 15% (6 tiến trình hòa bình), Trung Đông và châu Mỹ mỗi nơi có bốn trường hợp, hoặc tổng cộng là 20%. Văn bản cũng chỉ ra rằng tiến độ của một số lượng đáng kể các cuộc đàm phán hòa bình vào năm 2022 đã bị ảnh hưởng bởi cuộc xâm lược của Nga tại Ucraina vào tháng 02 năm ngoái.
Việc phân tích 39 quy trình hòa bình bao gồm quan điểm về giới, để hiểu liệu các quy trình này có tính đến các hậu quả khác của chiến tranh đối với nam giới, phụ nữ và các nhóm thiểu số hay không. Theo Ana Villellas, một trong những nhà nghiên cứu, dữ liệu này cho phép quan sát “sự bất bình đẳng giới về quyền lực trong các nguyên nhân cơ bản và năng động của các cuộc chiến tranh và tác động của chúng. Hơn nữa, đây là một loại phân tích chú ý đến quá trình hòa bình diễn ra trong việc thiết kế, thực hiện, cơ chế tham gia, thỏa thuận kết quả, cơ chế sau thỏa thuận và các lĩnh vực khác, có thể tái tạo hoặc biến đổi bất bình đẳng giới trong quan hệ quyền lực”.
Các giải pháp thông qua phương pháp hòa bình đơn lẻ
Hiệu trưởng Trường Văn hóa Hòa bình Jordi Urgell giải thích: “Nỗ lực của sáu nhà nghiên cứu đã đóng góp cho báo cáo này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực hàn lâm, nhưng một trong những mục tiêu chính của báo cáo là cung cấp thông tin và phân tích để phục vụ những người tham gia, ở các cấp độ khác nhau, vào việc giải quyết hòa bình cho các vấn đề xung đột, bao gồm các bên, người điều đình, xã hội dân sự và những người khác”.
Tất nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng không phải tất cả các sáng kiến nhằm đưa quan điểm của các bên xung đột xích lại gần nhau hơn đều có thể được coi là tiến trình hòa bình, nhưng chỉ những sáng kiến nhằm giải quyết xung đột và dịch chuyển nguyên nhân cơ bản của xung đột thông qua các biện pháp hòa bình. Cơ bản của điều này là cái gọi là đàm phán hòa bình, tức là “các quá trình đối thoại giữa ít nhất hai bên đối lập trong một cuộc xung đột, trong đó những khác biệt được giải quyết trong một khuôn khổ có sự phối hợp nhằm chấm dứt bạo lực và tìm ra giải pháp phù hợp những nhu cầu của họ”. Josep Maria Royo, một học giả đã đóng góp cho báo cáo, giải thích cụ thể về tình huống ở châu Phi: “Những cuộc đối thoại này thường được bắt đầu bằng các giai đoạn thăm dò cho phép xác định hình thức, địa điểm, điều kiện và đảm bảo, trong số các khía cạnh khác của cuộc đàm phán trong tương lai”.
Tất cả mọi thứ đạt được, không ai bị mất tất cả
Nghiên cứu trường hợp so sánh về các tiến trình hòa bình cho thấy có một số yếu tố thúc đẩy kết quả thành công của chúng, trong đó yếu tố đầu tiên là đạt được niềm tin rằng đấu tranh vũ trang là không cần thiết để đạt được các mục tiêu, và do đó đối thoại là tốt nhất, nếu không phải là chọn lựa duy nhất. Nhưng ông Royo nói thêm rằng tất cả những điều này cũng đòi hỏi sự sẵn sàng nhượng bộ đối với vị trí của chính mình để mọi người đều được nhiều và không ai bị mất tất cả.
Ông Royo chỉ ra: “Các vấn đề khác có thể tạo ra bầu khí thuận lợi cho tiến trình hòa bình là cái gọi là cửa sổ cơ hội, trong nước và/hoặc quốc tế. Điều này có thể ở dạng thức của một sự kiện lịch sử, ví dụ như sự kiện 11/9 hoặc kết thúc Chiến tranh Lạnh, một sự thay đổi chế độ ở một quốc gia hoặc một cuộc khủng hoảng thể chế. Áp lực, các mối đe dọa và tối hậu thư về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế cũng đóng một vai trò nào đó. Các cửa sổ cơ hội khác có thể mở ra với chuyến thăm của một quan chức cấp cao hoặc nhân vật quốc tế tới một khu vực, như một vị tổng thống hoặc Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện trong chuyến thăm Cộng hòa Trung Phi và Cuba vào năm 2015”.
Vai trò của bên thứ ba
Một yếu tố khác để đẩy nhanh tiến trình hòa bình là sự can thiệp của các bên thứ ba, những bên trước hết phải được các bên xung đột công nhận là hợp pháp. Những chủ thể này, thường là các tổ chức hoặc cơ quan quốc tế, phải được đảm bảo an ninh để họ có thể đóng góp vào cuộc đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán thoát khỏi cuộc xung đột. Theo phúc trình, 90% các tiến trình đàm phán trong năm 2022 có thể trông cậy vào sự hiện diện tích cực của các bên thứ ba, chẳng hạn như Liên Hiệp Quốc, tổ chức đã tham gia vào 60% các tiến trình bao gồm ít nhất một bên thứ ba.
Học giả Royo nhấn mạnh rằng những tác nhân này củng cố và tạo sự cân bằng cho các chủ thể trong cuộc xung đột, dẫn dắt và mở ra cuộc đối thoại, thiết lập trật tự và ưu tiên của các chủ đề trong chương trình đàm phán, cũng như tuân thủ và đảm bảo các cam kết mà họ đưa ra. Với thẩm quyền được trao, họ cũng có thể gây sức ép lên những người liên quan đến cuộc xung đột để họ nhượng bộ hoặc cởi mở với các giải pháp được đề xuất. Thực tế, theo lĩnh vực kinh nghiệm, các bên thứ ba mang lại khả năng kỹ thuật cao hơn cho các cuộc đàm phán.
Giáo hội Công giáo đang tham gia vào 9 tiến trình hoà bình
Giáo hội Công giáo đang hợp tác trong các tiến trình hòa bình ở Cameroon, Mozambique, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nam Sudan, Colombia và Haiti, và giờ đây sự đóng góp của Giáo hội chính thức được thêm vào những đóng góp khác để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đối thoại trong cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina.
Sự hiện diện của Giáo hội dưới hình thức tham gia của các cơ quan ngoại giao của Vatican, trung gian của các Hội đồng Giám mục hoặc các nhiệm vụ của các cộng đoàn như cộng đoàn Thánh Egidio. Như trong trường hợp của Ucraina, kết quả các cuộc nói chuyện của Đức Hồng Y Zuppi với các lãnh đạo tôn giáo, cũng như kinh nghiệm trực tiếp của ngài về những đau khổ của người dân bị xâm lược, theo Phòng Báo chí Tòa Thánh “chắc chắn sẽ hữu ích trong việc đánh giá các bước cần được tiếp tục ở cả hai phía về mức độ nhân đạo và trong việc tìm kiếm những con đường dẫn đến một nền hòa bình công bằng và lâu dài”.
Các hoạt động này của Giáo hội, cũng như của nhiều tổ chức phi chính phủ, cơ quan quốc tế và tổ chức liên chính phủ, không phản ánh hết tất cả những nỗ lực lâu dài được thực hiện để hòa bình thắng thế chiến tranh. Thật vậy, mặc dù có tính toàn diện, phúc trình nhận thấy rằng “các vấn đề trong chương trình đàm phán rất đa dạng và chi tiết về các yếu tố khác nhau cũng như tình hình thảo luận của mỗi vòng không phải lúc nào cũng được công khai.”
Nguồn: vaticannews.va/vi