Vatican (CNA / EWTN News, 21/12/2016) – Trước những sự kiện ‘trái phép’ xẩy ra tại Trung Quốc, là các việc truyền chức giám mục và một cuộc hội nghị quan trọng sắp tới, Vatican đã đưa ra một tuyên bố tái khẳng định lập trường cuả Hội Thánh về vấn đề này.
“Một số phóng viên đã hỏi về cảm nghĩ của Tòa Thánh liên quan đến các việc tấn phong giám mục ở Thành Đô và Tây Xương gần đây và cuộc hội nghị các đại biểu Công Giáo Trung Quốc lần thứ IX sắp diễn ra trong vòng một vài ngày tới,” là lời mở đầ̀u cuả bản thông cáo ngày 19 tháng 12 do phát ngôn viên Vatican Greg Burke đọc.
Ông Burke nhấn mạnh rằng quan điểm của Tòa Thánh về cả hai sự kiện “, có liên quan đến hai khía cạnh giáo lý và kỷ luật của Giáo Hội,” đã “từng được xác định một thời gian khá lâu rồi.”
Trong thực tế ngày 07 Tháng 11, Vatican đã ban hành một tuyên bố nhấn mạnh rằng những tin đồn về việc phong chức giám mục trong cái gọi là “Giáo Hội ngầm” ở Trung Quốc đã không được phép của Tòa Thánh, cũng không được chính thức thông báo.
“Tòa Thánh đã không uỷ quyền cho bất kỳ cuộc phong chức nào, và cũng không được thông báo chính thức về các sự kiện đó. Nếu có một cuộc tấn phong giám mục như vậy xảy ra, thì đó là một vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực giáo luật “, theo thông cáo.
Về việc có sự hiện diện của một giám mục bất hợp pháp tại các lễ phong chức mới đây, ông Burke nhấn mạnh rằng “tình trạng giáo luật (cuả vị giám mục) vẫn còn đang được nghiên cứu” sau khi “được phong chức bất hợp pháp.”
Sự hiện diện của giám mục đó “đã tạo ra khó khăn cho các người liên quan và tạo bất ổn nơi người Công Giáo Trung Quốc,” ông Burke nói, thêm rằng Tòa Thánh “hiểu nỗi đau của họ.”
Những việc tấn phong đã diễn ra trước cuộc họp lần thứ IX cuả đại hội Công Giáo Trung Quốc, dự tính vào ngày 26 cho đến 30 tháng 12 tại Bắc Kinh.
Được (Chính quyền Bắc Kinh) coi là cuộc họp chính thức có thẩm quyền nhất cuả Giáo Hội mà Nhà nước công nhận tại Trung Quốc. Hội nghị được gọi là “cơ cấu chủ quyền” của Giáo Hội. Tập hợp không chỉ các giám mục được Vatican công nhận, nhưng cả những người không được công nhận, và những người bất hợp pháp hoặc thậm chí đã bị rút phép thông công.
Nhiều đại diện của Hiệp hội Yêu nước Trung Quốc (PA), từ người Công Giáo đến người vô thần, sẽ tham gia với các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân.
Hội nghị trước đã diễn ra vào năm 2010, chỉ ba năm sau khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong một lá thư năm 2007 gửi cho người Công Giáo ở Trung Quốc cho biết là hội nghị, cũng như Hiệp hội Yêu nước Trung Quốc PA, là “không phù hợp với giáo lý Công Giáo,” bởi vì trong cuộc hội, PA coi các giám mục hợp pháp và bất hợp pháp là bình đẳng, đặc biệt trên phương diện bí tích.
Một số giám mục được công nhận bởi Tòa Thánh đã từ chối tham dự hội nghị nhưng cuối cùng đã bị ép buộc, nhiều người trong số họ đã bị bắt cóc.
Về cuộc hội nghị sắp tới sẽ diễn ra vào cuối tháng này, ông Burke cho biết là Tòa Thánh đang chờ đợi để phán đoán “dựa trên những sự kiện được chứng minh.”
“Trong khi đó, Toà Thánh chắc chắn rằng tất cả mọi người Công Giáo ở Trung Quốc vẫn chờ đợi các dấu hiệu tích cực, điều này giúp họ có sự tự tin trong cuộc đối thoại giữa chính quyền và Tòa Thánh và hy vọng vào một tương lai có sự hiệp nhất và hòa hợp.”
Nhắc lại, kể từ khi cộng sản chiến thắng cuộc nội chiến Trung Quốc, Tòa Thánh đã không có đại diện ngoại giao ở Bắc Kinh, Tòa Khâm Sứ đã được chuyển đến Đài Loan vào năm 1951.
Quan hệ Trung Quốc-Vatican vẫn là lạnh lùng, tuy nhiên đã có một vài dấu hiệu ‘tan băng’. Sau bức thư cuả Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi cho người Công Giáo Trung Quốc vào năm 2007, một loạt các cuộc thụ phong giám mục đã được phê duyệt từ Tòa Thánh và từ chính phủ Trung Quốc.
Giáo Hội tại Trung Quốc, tuy nhiên, vẫn còn ở trong một tình huống khó khăn. Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Quốc không bao giờ công nhận quyền của Tòa Thánh bổ nhiệm giám mục. Thay vào đó, họ thành lập Hiệp hội Công Giáo Yêu nước để thay thể hệ thống phẩm trật của Giáo Hội.
Vì lý do này, các giám mục Trung Quốc được Tòa Thánh công nhận đã rút vào vòng bí mật, tạo ra một “Giáo Hội ngầm” không được công nhận bởi chính phủ.
Tuy nhiên, bất chấp những trục trặc vẫn còn tồn tại, Vatican đã chuyên cần tìm một thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc, đặc biệt liên quan đến việc bổ nhiệm giám mục.
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Bộ trưởng Ngoại giao của Tòa Thánh, nói với các khâm sứ họp tại Rome ngày 16-18 tháng 9 rằng cuộc đàm phán với Trung Quốc hiện nay tập trung vào cuộc bổ nhiệm giám mục, nhưng chưa đả động đến khả năng thiết lập quan hệ ngoại giao.
Nếu một thỏa thuận về việc bổ nhiệm giám mục được đạt tới, thì khả năng là sẽ dựa trên mô hình mà HY Parolin đã triển khai tại Việt Nam vào năm 1996, trong đó Tòa Thánh đề nghị ba ứng viên giám mục cho chính phủ Hà Nội, và Hà Nội chọn lấy một.
Trần Mạnh Trác (VCN)