Vatican: Sắp tới áo đầm sẽ nhiều hơn áo chùng?

Sau hai bổ nhiệm phụ nữ vào ban giám đốc ngành truyền thông, lần đầu tiên một phụ nữ được bổ nhiệm vào chức vụ quản trị các Viện bảo tàng Vatican.

Theo hãng tin I.media, bắt đầu tháng 12-2016, bà Barbara Jatta, 54 tuổi người Ý sẽ quản trị các Viện bảo tàng Vatican. Bà sẽ là phụ nữ đầu tiên ở chức vụ này, hiện nay bà làm ở Văn phòng tranh in ở Thư viện Vatican. Bà sẽ thay thế ông Antonio Paolucci, cựu bộ trưởng Văn hóa Ý, người được Đức Bênêđictô XVI bổ nhiệm vào chức vụ này năm 2007 và ông đã hoàn thành nhiệm kỳ thứ ba của mình.

Chưa có ngày nhận chức chính thức, nhưng theo các tin tức thông báo của toàn bộ ban quản trị các Viện bảo tàng Vatican thì ngày nhận chức sẽ là ngày 4 tháng 12 sắp tới, sau sáu tháng học việc bên cạnh giám đốc đương nhiệm hiện nay.

Bà Barbara Jatta tốt nghiệp khoa Văn chương ở Rôma năm 1986 với luận án Lịch sử tranh vẽ, tranh họa đồ và nghệ thuật thiết kế. Năm 1991, bà Barbara Jatta đi vào chuyên ngành Lịch sử nghệ thuật. Sau kinh nghiệm trong việc tái hồi tài liệu thiết kế và nhiều năm trong ngành giảng dạy, năm 1996, bà làm việc ở Văn phòng tranh in của Thư viện Vatican.

Trong những năm gần đây, ông Antonio Paolucci đã có rất nhiều đối tác với các cơ quan văn hóa trên khắp thế giới. Ông cho biết, số lượng du khách tăng lên ở 5 phòng tranh và 1400 phòng của «bảo tàng của Giáo hoàng». Hàng năm có 6 triệu du khách đến thăm, các Viện bảo tàng Vatican là một trong năm viện bảo tàng có nhiều du khách nhất thế giới. Bây giờ, một phụ nữ đứng đầu các Viện bảo tàng Vatican khẳng định ý muốn của Đức Phanxicô, gia tăng sự hiện diện của phụ nữ trong guồng máy Giáo hội. «Một bổ túc giữa đàn ông và đàn bà», ở công việc sở cũng như ở công việc nhà, như ngài đã nói.

Đức Bênêđictô, người hỗ trợ

Từ nay sự tham dự gia tăng của phụ nữ ở Vatican đã là một thực tế. Trong tám năm triều giáo hoàng của mình, (2005-2013), Đức Bênêđictô XVI luôn tỏ ra quan tâm đến trách nhiệm của phụ nữ trong Giáo hội. Dựa trên Sách Thánh, ngài luôn hỗ trợ cho việc đưa phụ nữ vào guồng máy quản trị của Thể chế, nhưng không đụng đến chức thánh, ngài ở trong đường hướng của vị tiền nhiệm Thánh Gioan-Phaolô II của mình, và trong lời vinh danh  mạnh mẽ cho các «phụ nữ dũng cảm» của Thiên Chúa Giáo (Mulieris Dignitatem, 1988).

Và bây giờ Đức Phanxicô đi theo bước chân các ngài, một cách cụ thể và nhanh chóng, ngài đã giao cho họ các địa vị chủ chốt ở Tòa Thánh, như truyền thông, nghệ thuật và các lãnh vực khác. Tháng hai vừa qua, một phụ nữ được Đức Phanxicô giao phụ trách một cơ quan hoàn toàn mới về thần học và mục vụ, được thành lập trong Văn phòng truyền thông, một ban có nhiệm vụ mang lại một khuôn mặt mới cho truyền thông Vatican. Bà Natasa Govekar, người gốc Slovenia là chuyên gia về truyền giáo học. Việc bổ nhiệm bà «khẳng định việc mục vụ không phải chỉ ở trong lãnh vực riêng của các linh mục, nhưng bao gồm các cách thực hành và cách sống trong Giáo hội ngày nay», Đức ông Dario Vigano, giám chức của Văn phòng giải thích khi loan báo tin.

Càng ngày càng có nhiều phụ nữ ở các chức vụ chủ chốt

Tại Vatican, con số phụ nữ giữ các chức vụ có trách nhiệm cao nhiều hơn người ta nghĩ. Hiện nay giáo triều có hai phó ban là phụ nữ: một nữ tu người Ý Nicoletta Spezzatià, ở Bộ Dòng Tu và Tu Hội Tông Đồ, một giáo dân Ý, bà Flaminia Giovanelli, ở Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình. Phụ nữ đầu tiên giữ một chức vụ lãnh đạo ở Vatican có từ thời Đức Phaolô VI. Đó là bà Rosemary Goldie, người Úc, bà qua đời năm 2010, bà là phó thư ký của Hội đồng Giáo hoàng giáo dân từ năm 1967 đến 1976. Phụ nữ đầu tiên làm phó thư ký là nữ tu dòng Salê Enrica Rosanna, bà được Đức Gioan-Phaolô II đề cử năm 2003.

Báo Vatican Insider cho biết, Đức Phanxicô vừa chỉ định một phụ nữ vào Giáo hoàng Học viện ngành khoa học xã hội: bà Ana Marta Gonzalez, giáo sư người Tây Ban Nha dạy môn Triết học luân lý ở Đại học Navarre, Pampelune, bà được bổ nhiệm cùng một lần với ông Gregory Reichberg, người Úc, giám đốc Nghiên cứu trường Đại học Oslo.

Theo các thống kê do Radio Vatican công bố, thì giữa năm 2004 và 2014, tỷ số phụ nữ làm việc cho Tòa Thánh ở trong nội thành Vatican tăng từ 13% đến 19%. Sự hiện diện của họ ở Tòa Thánh, trong ban quản trị Giáo hội hoàn vũ cũng gia tăng, hiện nay họ chiếm hơn 18% tổng số nhân viên. Năm 2011, có 288 phụ nữ làm việc ở Giáo triều, 17% trong tổng số nhân viên.

Marta An Nguyễn chuyển dịch(phanxico.vn)