Theo nữ tu Véronique Margron, thần học gia luân lý, cựu khoa trưởng phân khoa thần học Angers thì khi chúng ta không xem người khác như người đồng loại với mình, thì lúc đó chúng ta đang chuẩn bị cho địa ngục.
Làm thế nào để cự lại với khuynh hướng loại bỏ, hận thù người khác?
Véronique Margron: «Thành thật mà nói, chúng ta không biết rõ, ngay cả với kitô hữu, làm thế nào để cự lại cơn giận trào ra khi đứng trước hung bạo và sự dữ làm một cách phi lý. Sự dữ luôn vẫn là điều khó hiểu đối với lý tính, với trí hiểu, với ý chí. Vì vậy phải có một mức độ khiêm tốn cần thiết để suy nghĩ và trả lời cho những câu hỏi này.
Nhưng mỗi lần có những tội ác lớn lao tày trời như thế, có phải chúng ta có khuynh hướng hận thù và loại bỏ đối với các tên đồ tể không?
Dù vậy, nếu càng khơi lên hận thù thì mình lại cho những tên điên khát máu này thêm có lý. Qua lòng hận thu, chúng ta kéo dài cánh tay mang vũ khí của chúng. Bởi vì, bản chất của hận thù là phá hoại ngầm xã hội, nhất là trong một xã hội dân chủ. Quả vậy, các cá nhân sống như những phần tử cá biệt sắp kề bên nhau. Nói một cách khác, nếu để cho hận thù và nghi ngờ cai trị, thì không còn lợi ích chung nào có thể chia sẻ, lúc đó sẽ không còn tình nhân loại, lại không còn dân chủ, những điều khả dĩ có thể có.
Nhưng biên giới giữa sáng suốt và nghi ngờ thì như sợi chỉ mảnh…
Đúng vậy, biên giới này không phải dễ sống. Nhưng dù vậy, chúng ta đều bị buộc phải sống và bị buộc triệu gọi. Nếu không, ngày mai chúng ta không thể sống trong tinh thần dân chủ. Trên thực tế, đây là cả một vấn đề của tính khác biệt được đặt ra sau mỗi lần có các vụ khủng bố. Từ lúc mà chúng ta xem người khác kia không cùng là người giống mình, thì lúc đó chúng ta chuẩn bị cho địa ngục. Đây là một thách đố cho chính trị, theo nghĩa cao thượng của nó, và cho cả giáo dục: khi có sự từ chối tính khác biệt, thì phải cực kỳ cẩn thận, vì thớ vải xã hội sẽ bị rách nhanh hơn là khi dệt nó. Chúng ta càng sống trong các trạng huống co mình theo từng cộng đồng, thì chúng ta sẽ nghi ngờ tất cả mọi khác biệt, chúng ta ít có khả năng hiếu kỳ tốt lành, khi đó chúng ta có nguy cơ phát sinh ra hận thù trong các mối dây tình người bình thường.
Các mối dây này có khó sống hơn với người hồi giáo không?
Tôi không phải là chuyên gia về liên tôn giáo. Nhưng tôi chắc chắn, hàng triệu người hồi giáo, với tư cách cá nhân, họ là những người đàn ông đàn bà của hòa bình. Vấn đề là, tổ chức hồi giáo trước hết là vấn đề chính trị, chứ không phải thần học hay thiêng liêng. Ở đây cũng là việc Chúa mời gọi tổ phụ Áp-ram, mỗi tín hữu phải «rời xứ mình», có nghĩa là rời nơi «quá quen thuộc» của mình để đến với người khác. Khả năng dám khác biệt này không phải là một lựa chọn nhưng là một điều kiện để sống, để là người còn sống. Và để sống chung với nhau.
Như thế chúng ta có cho cảm tường đây là những đề nghị lý tưởng không?
Không, ngược lại là khác. Chính trong những sợi dây liên lạc bình thường nhất, thân tình nhất với đồng nghiệp, với láng giềng hồi giáo – hay đơn giản với người của một văn hóa khác – mà chúng ta sống tinh thần «rời xứ mình». Nếu nghi ngờ len lỏi vào khắp nơi, thì chính nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng và tất cả những người gieo hận thù đã thắng. Vấn đề là phải thật sáng suốt, cương nghị và công chính trong thế giới bạo lực, không được có thái độ nghi ngờ đối với tất cả mọi khác biệt. Vấn đề này xuất hiện liên tục trong Thánh Kinh. Chúng ta nhắc lại vụ giết người đầu tiên trong lịch sử, Cain giết Abel em mình, (St 4, 9), chuyện này cũng áp dụng cho tất cả mọi người chúng ta. Thay vì là người che chở cho em mình, tôi làm gì, tôi thành kẻ giết người sao? Có phải vì ghen tương, thèm muốn không? Vì tôi không chịu đựng được khi nghĩ những gì người khác có nên tôi muốn giết họ. Và đó đích thực là gốc rễ của mọi bạo lực. Đó là câu hỏi đặt ra ngay những hàng đầu tiên của sách Sáng Thế: làm sao sống với «tất cả mọi người trừ một người»? Chúng ta tất cả đều đối diện cùng một chuyện khó xử như ông Adong và bà Evà ngày xưa. Đứng trước chuyện hiển nhiên, chúng ta được đụng đến «tất cả mọi cây trừ một cây», hai chọn lựa có thể có: hoặc phát triển mối hiềm thù và oán hận, rằng chúng ta không thể sống khi chưa nếm quả của cái cây đó; hoặc, ngược lại, chúng ta vui sống và xem như tốt và đẹp có một cái gì đó không phải của mình. Và từ đó nảy sinh ra ước muốn gặp gỡ. Khi chúng ta chọn thái độ đầu tiên, lúc đó chúng ta vào trong tình trạng ghét bỏ người khác và ghét bỏ cả chính mình.
Marta An Nguyễn chuyển dịch(phanxico.vn)